16/08/2014
Tội giết người - Bài tập lớn Hình sự 1
TÌNH HUỐNG

“Vì ghen tuông, A có ý định giết B, A rủ B đi chơi, đến chỗ vắng, A rút dao đâm B ba nhát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS”.

1.Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người:

Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự quy định:

“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.


Như vậy, các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi cả dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và cả mặt dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí. Nếu như tội phạm nói chung có dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội là tính nguy hiểm cho xã hội và có dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí là tính phải chịu hình phạt thì các nhóm tội phạm cũng có những dấu hiệu đó, vì đều là tội phạm nhưng với nội dung cụ thể khác nhau. Tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hóa ở tội ít nghiêm trọng là tính gây nguy hại không lớn cho xã hội, ở tội nghiêm trọng là tính gây nguy hại lớn cho xã hội, ở tội rất nghiêm trọng là tính gây nguy hại rất lớn cho xã hội và ở tội đặc biệt nghiêm trọng là tính gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ nguy hiểm cho xã hội đã được phân hóa như vậy cũng có bốn mức độ cao nhất của khung hình phạt: Đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Trong hai dấu hiệu phân biệt các nhóm tội phạm này với nhau, dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội quyết định dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lý. Việc phân biệt các nhóm tội phạm với nhau có ý nghĩa trước hết với việc áp dụng nhiều quy định của Bộ luật hình sự, ngoài ra việc phân biệt cũng còn có ý nghĩa đối với cả việc áp dụng một số quy định của các ngành luật có liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự.

Trong tình huống trên, A đã dùng dao đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết nên B bỏ đi, nhưng do được phát hiện và cứu sống kịp thời nên B không chết. A đã bị cấu thành tội giết người theo Khoản 2, Điều 93, Bộ luật hình sự: “Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”. Khung hình phạt của loại tội này là từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự, căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội và căn cứ vào mức cao nhất đối với khung hình phạt này là 15 năm tù thì loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

2.  Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao?

Cũng như các hoạt động khác của con người trong xã hội, hành vi phạm tội diễn ra theo quá trình nhất định. Theo luật hình sự Việt Nam, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra với lỗi cố ý trực tiếp. Đối với tội cố ý gián tiếp hay vô ý thì chỉ có thể có trường hợp có tội và không có tội. Ở những tội này, người phạm tội không mong muốn tội phạm xảy ra cho nên không thể có việc “chuẩn bị” hay “chưa đạt” để buộc tội học phải chịu trách nhiệm hình sự cề điều chưa xảy ra và họ cũng không mong muốn nó xảy ra. Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý, bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu tội phạm đó.

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không được thực hiện đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (Điều 18 BLHS).

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Xét trong tình huống trên, A vì ghen tuông nên có ý định giết B. A nhận thức rõ hành vi giết A là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra nhưng A vẫn thực hiện. Vậy hành vi phạm tội của A là do cố ý được quy định tại Khoản 1, Điều 9 BLHS “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”. Ngoài ra, trong tình huống trên A có ý định giết B và đã đâm B 3 nhát tức là đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của B. Tuy đã đâm B nhưng A lại không thực hiện được tội phạm đến cùng, nghĩa là hành vi giết người của A đã được thực hiện nhưng B chưa chết (chưa gây ra hậu quả chết người). Vậy, căn cứ vào những khái niệm về các giai đoạn thực hiện tội phạm, căn cứ vào các dấu hiệu để xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm thì hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt.

* Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án:

“Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ”

Đối tượng tác động của tội phạm có thể là chủ thể của các quan hệ xã hội; nội dung của cá quan hệ xã hội: là hoạt động chủ thể tham gia vào các quan hệ xã hội; đối tượng của các quan hệ xã hội: là các sự vật khác nhau của thế giới bên ngoài cũng như các lợi ích mà qua đó các quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại.

Mọi tội phạm đều tác động biến đổi tình trạng của những đối tượng tác động cụ thể. Sự biến đổi ấy gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Luật hình sự Việt Nam bảo vệ các quan hệ xã hội thông qua việc bảo đảm tình trạng bình thường của các bộ phận cấu thành quan hệ đó (đối tượng tác động của tội phạm). Sự bảo vệ đối tượng tác động cụ thể luôn luôn có ý nghĩa là bảo vệ các bộ phận của quan hệ xã hội và qua đó để bảo vệ toàn bộ quan hệ xã hội.

Trong trường hợp trên, A có hành vi giết B, như vậy đây là loại tội phạm xâm phạm đến tính mạng con người, đối tượng tác động chính là con người, hành vi A trực tiếp xâm hại đến tính mạng của B. Chính vì vậy, đối tượng tác động của tội phạm mà A phạm tội chính là con người B, chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, là con người đang sống, đang tồn tại với tư cách là thực thể tự nhiên và xã hội.

Ngoài ra, trong trường hợp trên, A đã dùng dao để đâm B. Đây là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật này tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công. Căn cứ vào những tình tiết của vụ án thì công cụ phạm tội của A chính là con dao mà A đã dùng để đâm B.

4.  Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương máu ra nhiều. A sợ quá bỏ đi ko tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao?

Trong trường hợp trên, A đã đâm B một nhát, hành động đâm B của A là do lỗi cố ý trực tiếp. Hành động của A là đâm B bị thương khiến B, nhưng do thấy B bị thương máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không đâm tiếp, B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. Với hành động này, A chưa bị cấu thành tội phạm giết người theo quy định của Điều 93 BLHS. Tuy nhiên, A đã đâm B và gây thương tích cho B với tỷ lệ thương tật là 21%, A đã phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác, hành vi phạm tội của A được quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”. Như vậy, với hành động trên, A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, khung hình phạt đối với A là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt. Tòa án quyết định đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao.

Trong trường hợp này, như đã phân tích tại câu 2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt. Căn cứ vào khoản 3 Điều 52 BLHS về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định  hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật quy định”. Xét trong trường hợp của A, Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS (“Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”) để tuyên. Như vậy mức phạt cao nhất mà khoản 3 điều 93 quy định là 15 năm. Vì hành vi của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt, nên căn cứ vào Điều 52 BLHS thì mức hình phạt của A không được quá 11 năm 3 tháng. Vì vậy, trong trường hợp này, Tòa tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù là sai.

6. Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì A có bị xử lí theo luật hình sự Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao.

Trong trường hợp này, A là người nước ngoài, là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Như vậy, A đang sinh sống và làm việc thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hành vi phạm tội của A được thực hiện trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. A chỉ là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh nên A không thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam. Căn cứ vào khoản 1 Điều 5 BLHS về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và bị xử lý theo luật hình sự Việt Nam.

Cảm ơn bạn K37 đã chia sẻ tài liệu này

No comments:

Post a Comment