27/06/2014
Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có tính chất côn đồ - Bài tập cá nhân Luật Hình sự 1
a) Định tội danh đối với hành vi phạm tội của H: 

Tóm tắt lại đề bài, ngày 04 tháng 05 năm 2008 K và P có mâu thuẫn và đánh nhau, H là con của K, thấy bố mình bị đánh nên đã sử dụng chiếc đục của thợ mộc xông vào nhằm P đâm bừa một nhát trúng sườn phải. Nhát đâm sâu 9 cm và làm P thủng gan, chảy máu trong. P chết trên đường đi cấp cứu.

Tội danh của H là tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có tính chất côn đồ (Khoản 3, Điều 104, BLHS). 

Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”


Em định tội danh này cho H vì những lí do sau:

Thứ nhất, mục đích của H ko phải là giết P, mà chỉ là để bảo vệ ông bố, thể hiện bởi các cụm từ "thấy bố mình bị đánh" và "đâm bừa". Nếu H có chủ đích giết P, thì hành vi của H phải mang tính mục đích hơn, tức là phải chọn vị trí đâm sao cho nhát đâm của mình có thể giết chết được P như đâm vào đầu, vào tim, vào động mạch cổ hay đùi…,chứ ko phải là "đâm bừa" như đề bài đã nêu.  Và nếu H muốn giết P thì H đã có thể đâm P nhiều nhát chứ không chỉ có “một nhát”. Theo đó, có thể thấy H chỉ muốn P bị thương để bảo vệ bố mình. Do động cơ và mục đích của H không phải là tước đoạt tính mạng của P, mà chỉ là gây thương tích cho P để cứu bố mình, nên xét về lí, hành vi của H chỉ bị xử theo khoản 3 điều 104. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Thương tích dẫn đến chết người, trước hết phải là thương tật nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích này, tức là giữa cái chết của nạn nhân và thương tích của người phạm tội gây ra cho nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả. Ở đây, cái chết của P là do H gây ra.

Thứ hai, luận theo ý ở trên, H bị khép vào tội cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ. Tính chất côn đồ là tính hung hãn, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác một cách cao độ của người có hành vi phạm tội. Với tính chất như vậy, tình tiết có tính chất côn đồ làm cho hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm khác hẳn so với trường hợp phạm tội thông thường. Đặc biệt, tình tiết này còn được quy định là một trong những dấu hiệu định tội thay thế cho mức độ gây thương tích của tội cố ý gây thương tích. Tính chất côn đồ trong hành vi của H thể hiện ở chỗ, H đã sử dụng một vật sắc, nhọn (chiếc đục của thợ mộc) để đâm P và nhát đâm này rất sâu – 9cm, thể hiện sự mạnh mẽ trong việc đâm P của H. Điều này cho thấy sự hung hãn của H và việc H coi thường sức khỏe của P. Một số người cho rằng H đang ở trong trạng thái bị kích động mạnh, nhưng theo em, việc hai nhà mâu thuẫn và có xô xát dẫn tới đánh nhau không đến mức nghiêm trọng tới mức khiến H bị kích động mạnh. Căn cứ theo thực tiễn và khoa học, nếu nạn nhân có hành vi trái pháp luật chưa đến mức nghiêm trọng thì không thể đưa người phạm tội vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được.

b) Phản bác ý kiến (các ý kiến) nêu ra sau đây mà mình không cho là đúng 

Có hai ý kiến khác nhau về vấn đề tội danh của H: 

1. H phạm tội giết người. (Điều 93 BLHS)

2. H phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (Khoản 3, Điều 104, BLHS)

Em không đồng tình với ý kiến thứ nhất là H phạm tội giết người. Khi xét H phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người thì phải xét mục đích và lỗi của H.

- Trong các trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người đòi hỏi cần chú ý đặc biệt, vì dễ có sự nhầm lẫn trường hợp này với trường hợp phạm tội giết người. Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là trường hợp cố ý gây thương tích cho người khác nhưng do bị thương mà người này chết và lỗi của người phạm tội đối với hậu quả chết người chỉ là lỗi vô ý. Lỗi vô ý vì quá tự tin – người phạm tội tin hậu quả chết người không xảy ra hoặc lỗi vô ý vì cẩu thả - người phạm tội không thấy trước hậu quả này mặc dù có thể thấy. Còn ở tội giết người, lỗi của chủ thể đối với hậu quả chết người là cố ý – chủ thể mong muốn hoặc chấp nhận hậu quả này.

Theo hai ý em phân tích ở câu a thì có thể thấy việc H đâm P không có mục đích giết chết P mà chỉ có mục đích làm P bị thương để bảo vệ bố mình. 

H thấy bố bị đánh nên đã sử dụng chiếc đục “đâm bừa một nhát” trúng sườn phải của P khiến P thủng gan, chảy máu trong và chết. Như vậy, H không cố ý giết chết P mà chỉ vô ý làm P chết. Nếu H cố ý giết chết P thì H sẽ đâm có chủ đích và có thể là nhiều nhát vào những chổ hiểm để dễ dàng giết P. Lỗi này là vô ý vì cẩu thả - người phạm tội không thấy trước hậu quả này mặc dù có thể thấy.

c) Giả sử P chết là do sự lơ là, tắc trách của bác sĩ thì tội danh của H có thay đổi không? Tại sao? (2đ)

Trường hợp không được coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người khi nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ, nhưng vì những lí do khách quan khác nhau nên nạn nhân bị chết. Tuy nhiên, dù P chết do sự lơ là, tắc trách của bác sĩ thì tội danh của H cũng sẽ không có sự thay đổi. Vì thương tích mà H gây ra cho P được xác định là thương tích nặng nghĩa là loại thương tích mà nếu không được cứu chữa kịp thời thì nạn nhân sẽ bị thiệt mạng hoặc bị tổn hại nặng đến sức khoẻ. Nhát đâm vào sườn phải sâu 9cm khiến P thủng gan và chảy máu trong. Chính vết thương này khiến P chết.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Văn Quế, Thạc sĩ Luật học – Tòa án nhân dân tối cao, Bình luận khoa học Bộ Luật Hình sự, phần các tội phạm (tập 1) Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, Bình luận chuyên sâu. Nxb. TPHCM, TP. Hồ Chí Minh – 2002.
2. Bộ Luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
3. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa, PGS.TS. Lê Thị Sơn, Từ điển pháp luật Hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội – 2006.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment