15/08/2014
Tội cướp giật tài sản - Bài tập học kỳ - Luật Hình sự 1
ĐỀ BÀI 03: K có hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng. Hành vi phạm tội của K được quy định tại khoản 2 Điều 136 BLHS. K bị Tòa án xử phạt 3 năm tù.

CÂU HỎI

1. Tội phạm mà K đã thực hiện thuộc loại tội gì theo phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS
2. Hành vi phạm tội của K thuộc CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng hay CTTP giảm nhẹ của tội cướp giật tài sản? Tại sao?
3. Nếu K mới 15 tuổi 6 tháng thì K có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?
4. Nếu K đang bị mắc bệnh tâm thần thì K có phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình không? Tại sao?

5. Có thể cho K hưởng án treo không? Tại sao?


NỘI DUNG

Theo khoản 1 điều 8 bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội phạm, ta có thể hiểu tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Hiện nay, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm cho xã hội, tội cướp giật tài sản cũng là một trong số những tội như vậy. Nghiên cứu về vấn đề này, trong bài tập học kỳ môn Luật hình sự của mình em xin đi vào giải quyết những câu hỏi trong một trường hợp phạm tội cụ thể trong bài tập số 3 như sau:

1. Tội phạm mà K thực hiện thuộc loại tội gì theo phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS

Trả lời:

Để xác định loại tội phạm mà K đã thực hiện thì chúng ta cần dựa vào các căn cứ pháp lý sau đây:

       Khoản 3 Điều 8 BLHS
       Khoản 2 Điều 136 BLHS

Trước hết, chúng ta sẽ sử dụng Khoản 3 Điều 8: Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và mức cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm, Khoản 3 Điều 8 BLHS đã chia tội phạm thành 4 loại sau: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. 

Như vậy nhìn vào Khoản 3 Điều 8 BLHS thì ta có thể dễ dàng nhận ra căn cứ để phân loại tội phạm chính là dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó. 

Sau khi xác định được căn cứ để phân loại tội phạm đối với các tội phạm nói chung, ta sẽ sử dụng căn cứ pháp lý thứ hai là Khoản 2 Điều 136 để xét trường hợp cụ thể của K:

Khoản 2 Điều 136 BLHS quy định:

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.”

Ta có thể thấy hành vi cướp đoạt tài sản được quy định tại Khoản 2 Điều 136 có tính chất nguy hiểm rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt là mười năm tù. Như vậy tội phạm thỏa mãn các dấu hiệu quy định trong Khoản 2 Điều 136 thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng

Theo tình huống đưa ra, K đã thực hiện hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng. Các thông tin đưa ra về hành vi phạm tội mà K thực hiện thỏa mãn với các dấu hiệu được quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 136. Do đó ta có thể khẳng định Tội phạm mà K thực hiện thuộc loại tội rất nghiêm trọng.

2. Hành vi phạm tội của K thuộc CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng hay CTTP giảm nhẹ của tội cướp giật tài sản? Tại sao?

Trả lời:

Trước hết cần phải hiểu khái niệm của các loại cấu thành tội phạm:

- Cấu thành tội phạm cơ bản: là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác

- Cấu thành tội phạm tăng nặng : là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường)

- Cấu thành tội phạm giảm nhẹ : là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường).

Từ cách phân loại trên có thể thấy rằng hành vi phạm tội của K thuộc cấu thành tội phạm tăng nặng. 

Vì: Tội cướp giật tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 136  BLHS : “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm” là cấu thành tội phạm cơ bản vì nó mô tả dấu hiệu định tội của tội cướp giật tài sản. Trong trường hợp này, K có hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng. Như vậy trường hợp phạm tội của K không thuộc Khoản 1 Điều 136 mà đã có thêm những dấu hiệu tăng nặng định khung : “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”.(Điểm g Khoản 2 Điều 136) và mức hình phạt của các tình tiết phạm tội trong khoản 2 cũng nặng hơn so với khoản 1. Cụ thể: ở khoản 1, hình phạt được áp dụng là từ một năm đến năm năm, còn ở khoản 2 là từ ba năm đến mười năm. Do đó, hành vi phạm tội của K thuộc cấu thành tội phạm tăng nặng.

3. Nếu K mới 15 tuổi 6 tháng thì K có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình không? Tại sao?

Trả lời:

Để xác định việc K có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện hay không khi mà K mới 15 tuổi 6 tháng, chúng ta sẽ dựa vào căn cứ pháp lý là: Điều 12 BLHS. 

Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định : “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Dựa vào điều luật trên, đồng thời đối chiếu với tình huống của đề bài ta thấy tuổi của  K (15 tuổi 6 tháng) nằm trong khoảng độ tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 12 nêu trên. Do đó K sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hai trường hợp: hoặc là phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý;  hoặc là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, như đã xác định ở câu 1, tội phạm mà K đã thực hiện thuộc loại tội rất nghiêm trọng. Do đó chỉ cần xác định lỗi của K ở đây có phải lỗi cố ý hay không thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ được giải quyết. Trong tình huống của đề bài chỉ nêu rất chung chung là K có hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng mà không nêu rõ diễn biến tâm lý của hành vi phạm tội này. Vì thế ta có thể nhìn vào hành vi thực tế của K được nêu ra ở tình huống để nhận định K đã cố ý thực hiện hành vi cướp giật tài sản.

Như vậy mặc dù K mới chỉ 15 tuổi 6 tháng nhưng K đã phạm tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý nên K vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình.

4. Nếu K đang bị mắc bệnh tâm thần thì K có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình hay không? Tại sao? 

Trả lời: 

Để giải quyết câu hỏi này thì chúng ta sẽ dựa vào những căn cứ pháp lý là: Khoản 1 Điều 13 BLHS:

“1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”

Như vậy, theo quy định tại Điều 13 BLHS ta có thể thấy cá nhân được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự ( tức là không có khả năng chịu trách nhiệm về hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm mà mình đã gây ra) khi và chỉ khi cá nhân đó phải thỏa mãn đồng thời cả hai dấu hiệu: Thứ nhất là dấu hiệu y học (mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác) và thứ hai là dấu hiệu tâm lý. Dấu hiệu tâm lý biểu hiện là chủ thể mất một trong hai yếu tố của năng lực trách nhiệm hình sự: mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. 

Với tình huống này, theo thông tin của đề bài, K đã thỏa mãn chắc chắn một dấu hiệu đó là dấu hiệu y học (đang bị mắc bệnh tâm thần). Còn về dấu hiệu tâm lý, chúng ta chưa thể khẳng định K có thỏa mãn dấu hiệu này hay không. Bởi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, ta chưa thể xác định chính xác về vấn đề K có bị mất một trong hai yếu tố của năng lực trách nhiệm hình sự hay không, tức là vào thời điểm thực hiện hành vi cướp giật ta không thể khẳng định K có bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi hay không. Vì thế vấn đề trách nhiệm hình sự đặt ra với K trong trường hợp K đang bị mắc bệnh tâm thần sẽ được giải quyết theo hai trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu như vào thời điểm thực hiện hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng, K đã mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì K sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà mình đã gây ra

Ngược lại, khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản nói trên mà K vẫn có đầy đủ cả hai yếu tố của năng lực trách nhiệm hình sự, đó là vừa có khả năng nhận thức, vừa có khả năng điều khiển hành vi thì K vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

5. Có thể cho K hưởng án treo không? Tại sao?

Trả lời: 

Để xác định việc K có được hưởng án treo hay không chúng ta sẽ xét các căn cứ để cho hưởng án treo. Theo quy định của BLHS và Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự thì có bốn căn cứ để cho người bị kết án tù được hưởng án treo. Cụ thể:

Thứ nhất, về mức hình phạt tù: Những người bị tòa án phạt tù không quá ba năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng có thể được xem xét cho hưởng án treo.

Thứ hai, về nhân thân người phạm tội: người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tốt, được chứng minh là ngoài lần phạm tội này, họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nơi cư trú, công tác, không vi phạm các điều mà pháp luật cấm, chưa bao giờ bị kết án, bị xử lí vi phạm hành chính, xử lí kỉ luật.

Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp nhất định

Thứ ba, có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

Cuối cùng, người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng và  thuộc trường hợp không bị bắt chấp hành hình phạt tù. Người phạm tội thuộc trường hợp được hưởng án treo phải là người thực sự có khả năng tự hoàn lương trong môi trường xã hội cụ thể, không có nguy cơ tái phạm hoặc không gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Dựa vào bốn căn cứ nêu trên ta có thể phân tích trường hợp của K như sau:

Về mức hình phạt tù: K bị Tòa án xử phạt 3 năm tù, không vươt quá số năm trong hình phạt đối với người có thể được hưởng án treo theo quy định của BLHS. K đã đáp ứng căn cứ đầu tiên, rất quan trọng trong việc xét cho K hưởng án treo. Do tình huống đề bài đưa ra không những thông tin cụ thể về nhân thân, nơi thường trú cũng như việc áp dụng những tình tiết giảm nhẹ nào của Tòa án để từ đó xem xét việc có cần bắt buộc thực hiện hình phạt hay không nên sẽ có hai trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, K là người có nhân thân tốt, đáp ứng đầy đủ các yếu tố nêu trên về việc xem xét nhân thân, có nơi thường trú rõ ràng, được Tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ phù hợp với yêu cầu đồng thời nhận thấy K không cần bắt chấp hành hình phạt tù mà vẫn có khả năng tự hoàn lương trong xã hội thì K sẽ được Tòa án xem xét cho hưởng án treo

Ngược lại, K chỉ cần không đáp ứng được một trong ba yếu tố còn lại thì K sẽ không được hưởng án treo

Như vậy, K có thể được hưởng án treo.  

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Giáo trình luật Hình sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản công an nhân dân 2013
2. Bộ luật hình sự Việt Nam 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009)
3. Bình luận khao học Bộ luật hình sự (tập I), PGS.TS Trần Minh Hưởng, Nhà xuất bản Hồng Đức
4. Tội phạm và trách nhiệm hình sự, TS. Trịnh Tiến Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia

No comments:

Post a Comment