15/08/2014
So sánh Bộ luật hình sự Sing-ga-po với Bộ luật hình sự Việt Nam
Thứ nhất, về khái niệm tội phạm

Trong Bộ luật hình sự Việt Nam, khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 với nội dung như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. 

Khác với cách quy định của Việt Nam, Bộ luật hình sự Singapo quy định khái niệm tội phạm tại Điều 40 với nội dung:  

“1. Trừ trường hợp theo chương này và theo các điều được quy định tại khoản 2 và 3, tội phạm có nghĩa là hành vi bị trừng phạt theo quy định của Bộ luật này. 


2. Trong chương IV và chương VA và các điều 71, 109, 110, 112, 114, 115, 116, 117, 187, 194, 195, 203, 211, 213, 214, 221, 222, 223, 224, 225, 327, 328, 329, 330, 331, 347, 348, 388, 389, 445, tội phạm có nghĩa là hành vi bị trừng phạt theo quy định của Bộ luật này hoặc các đạo luật khác đang có hiệu lực. 


3. Trong các điều 141, 176, 177, 201, 202, 212, 216, 441, tội phạm có nghĩa là hành vi bị trừng phạt theo quy định của đạo luật khác đang có hiệu lực và từ 6 tháng tù trở lên, có thể kèm theo hình phạt tiền hoặc không.”

Như vậy, cách định nghĩa về tội phạm trong hai Bộ luật này không giống nhau: định nghĩa về tội phạm trong Bộ luật hình sự Việt Nam là định nghĩa về nội dung trong khi định nghĩa về tội phạm trong Bộ luật hình sự Singgapo là định nghĩa về hình thức. Bên cạnh đó, quy định này cũng cho thấy ở Việt Nam tội phạm chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự còn ở Singgapo tội phạm được quy định trong cả Bộ luật hình sự và các đạo luật khác. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy nhiều văn bản pháp luật quy định về tội phạm như: đạo luật về vũ khí ngày 8.2.1974, đạo luật về kiến trúc sư ngày 30.8.1991, đạo luật về động vật và chim ngày 22.10.1965, đạo luật về háng không ngày 13.5.1966, đạo luật về chỉ dẫn y tế ngày 1.7.1997, đạo luật về uỷ thác trong kinh doanh ngày 12.10.2004, đạo luật về bảo trì toà nhà và quản lý địa chất năm 2004, đạo luật về quản lý xây dựng ngày 1.5.1989…  Như vậy, khác với cách quy định tập trung tội phạm và hình phạt trong Bộ luật hình sự như ở Việt Nam, ở Singgapo ngoài các tội phạm chung và hình phạt tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự (như tội giết người, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh…), nhiều loại tội phạm được quy định trọng các văn bản pháp luật chuyên ngành khác (ví dụ: đạo luật quản lý về xây dựng quy định các hành vi phạm tội liên quan đến xây dựng như tiến hành xây dựng khi không được phê chuẩn về kế hoạch và cấp giấy phép, không chấp hành mệnh lệnh đình chỉ việc xây dựng, tiến hành xây dựng mà không có người giám sát có đủ điều kiện… Với cách quy định này, các hành vi phạm tội thuộc các lĩnh vực chuyên ngành được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong văn bản quy định riêng về lĩnh vực đó. Cách quy định này cũng tạo cho luật hình sự Singgapo tính linh hoạt, dễ khắc phục được những hạn chế phù hợp với những loại tội phức tạp, nhiều hành vi, liên quan đến những lĩnh vực mới và thường xuyên thay đổi như: các tội phạm về môi trường, chứng khoán, công nghệ cao, đầu tư, ngân hàng… Chúng tôi cho rằng đây là nội dung mà các nhà lập pháp hình sự Việt Nam cần nghiên cứu và học tập.

Thứ hai, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm 

Đ83. Hành vi của trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 12 tuổi mà chưa có khả năng hiểu biết để đánh giá bản chất hoặc hậu quả của xử sự của mình trong hoàn cảnh đó thì không phải là tội phạm. 

Bộ luật hình sự Việt Nam quy định về tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là 14 cao hơn so với Bộ luật hình sự Xing-ga-po là trên 7, qua đó thể hiện tính nhân đạo và hợp lý trong chính sách hình sự của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự Xing-ga-po, bên cạnh việc quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự lại quy định thêm cả năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ 7 tuổi đến dưới 12 tuổi mà chưa có khả năng hiểu biết để đánh giá bản chất hoặc hậu quả của xử sự của mình trong hoàn cảnh đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trước hết, về nguồn của luật hình sự: Cả Việt Nam và Xinhgapo đều quy định Bộ luật hình sự là nguồn của luật hình sự nhưng khác nhau ở chỗ văn bản này có được coi là nguồn duy nhất của luật hình sự hay không. Ở Việt Nam, Bộ luật hình sự là nguồn duy nhất của luật hình sự, mọi vấn đề về tội phạm và hình phạt được quy định tập trung trong Bộ luật hình sự. Tinh thần này được chính thức khẳng định qua nhiều quy định của Bộ luật hình sự như quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự tại Điều 2 Bộ luật hình sự (“chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”), quy định về khái niệm tội phạm tại Điều 8 Bộ luật hình sự (“tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự”)… Phù hợp với tinh thần này, trong hệ thống pháp luật của nước ta, ngoài Bộ luật hình sự, không có văn bản nào chứa đựng quy phạm pháp luật về tội phạm và hình phạt. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự của nước ta là đạo luật quy định một cách khá toàn diện các nội dung về tội phạm và hình phạt. Cách quy định tập trung này tạo thuận lợi đáng kể cho công tác nghiên cứu và áp dụng luật hình sự. Tuy nhiên, do lượng nội dung cần quy định quá đồ sộ, nhiều nội dung liên quan đến việc xác định tội phạm và hình phạt không được quy định trong đạo luật này mà được quy định trong các văn bản có liên quan khác hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành. Tình trạng này lại gây ra những vướng mắc nhất định trong việc ban hành, sửa đổi, nghiên cứu và áp dụng luật hình sự mà cách quy định tội phạm và hình phạt của Xinhgapo lại không gặp phải. Khác với cách quy định về nguồn của tội phạm và hình phạt ở Việt Nam, nguồn của luật hình sự Xinhgapo không chỉ là Bộ luật hình sự mà còn bao gồm khoảng trên 150 văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Có thể kể đến hàng loạt đạo luật chứa đựng các quy định về tội phạm và hình phạt như: Đạo luật về quản lý tài sản gắn liền với nhà năm 1070, đạo luật về quyền tác giả năm 1987, đạo luật về chất nổ, chất phá hủy hoặc vũ khí năm 1963, đạo luật về chống bán phá giá năm 1996, đạo luật về hải quan năm 1960, đạo luật về huân chương và quân phục năm 1922, đạo luật về nha sĩ năm 1999, đạo luật về bảo hiểm tiền gửi năm 2005, đạo luật về những người nghèo khổ năm 1989, đạo luật về giáo dục năm 1957, đạo luật về điện lực năm 2001, đạo luật về kinh doanh thiết bị điện tử năm 1998, đạo luật về sử dụng lao động năm 1968, đạo luật về sức khỏe cộng đồng năm 1987… Mỗi đạo luật này điều chỉnh một mảng quan hệ xã hội và quy định về tội phạm và hình phạt trong đạo luật đó liên quan trực tiếp đến việc vi phạm các quy định mà đạo luật đó đã xác định. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhà làm luật quy định là tội phạm và phải chịu hình phạt hành vi vi phạm quy định của đạo luật đó hoặc vi phạm các quy tắc hay mệnh lệnh được ban hành trên cơ sở quy định của đạo luật đó. Ví dụ: Đạo luật về sức khỏe cộng đồng năm 1987 quy định tại Điều 17 việc cấm vứt chất thải ở nơi công cộng, đồng thời Điều 21 quy định người thực hiện hành vi quy định tại Điều 17 là phạm tội và bị phạt tối đa là 5.000 đô la, trường hợp tái phạm thì bị phạt tối đa là 10.000 đô la hoặc phạt tù đến 3 năm hoặc bị phạt cả hai loại hình phạt đó. Đạo luật về biểu tượng quốc gia năm 1965 quy định tại Điều 8: cá nhân nào trưng bày biểu tượng quốc gia trái với quy định của đạo luật này hoặc các quy tắc được ban hành trên cơ sở đạo luật này…là phạm tội và bị phạt tiền tối đa là 500 đô la hoặc bị phạt tù tối đa là 6 tháng hoặc cả hai loại hình phạt đó. Tuy nhiên, không phải mọi đạo luật của Xinhgapo đều có quy định về tội phạm và hình phạt. Những đạo luật như: đạo luật về tên gọi của đơn vị hành chính năm 1950, đạo luật về quỹ phát triển năm 1959, đạo luật về khuyến khích phát triển kinh tế năm 1967, đạo luật về thủ tục tài chính năm 1965, đạo luật về lệ phí năm 1881…không quy định về tội phạm và hình phạt. Đánh giá trong toàn hệ thống pháp luật của Xinhgapo chúng tôi thấy số lượng những văn bản quy định tội phạm và hình phạt là tuyệt đại đa số. Với cách quy định này, một lượng quy định rất lớn về tội phạm và hình phạt đã được tải bởi hệ thống đồ sộ các văn bản pháp luật chuyên ngành và do đó, Bộ luật hình sự của Xinhgapo không cần thiết phải chứa đựng những quy định này nữa. Cách quy định này tuy làm cho các quy định của luật hình sự Xinhgapo không tập trung tại một văn bản, có thể không thuận lợi cho việc tra cứu nhưng nó lại chứa đựng một số ưu điểm khác. Trước hết, do được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, những quy định về tội phạm và hình phạt loại này được quy định rất cụ thể. Phần đầu của các văn bản thường quy định điều luật định nghĩa các khái niệm cơ bản mà đạo luật sử dụng tạo thành một cách hiểu thống nhất về nội dung của quy định về tội phạm. Quy định về tội phạm trong các văn bản này cũng gắn với các quy định tương ứng khác trong đạo luật (thông thường là gắn với các quy định về các hành vi bị cấm hoặc các quy định về nghĩa vụ của chủ thể). Vì vậy, mặc dù quy định về tội phạm cũng ngắn gọn như quy định về tội phạm trong Bộ luật hình sự Việt Nam nhưng người tra cứu có thể dễ dàng hiểu cụ thể nội dung của điều luật đó. Mặt khác, với cách quy định này, một người tham gia hoạt động thuộc lĩnh vực nào đó có thể dễ dàng xác định được chính xác quyền và nghĩa vụ của mình đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc sửa đổi quy định về tội phạm và hình phạt trong các văn bản này một cách phù hợp ngay khi cần điều chỉnh các vấn đề có liên quan trong cùng lĩnh vực. Ở phạm vi rộng hơn, cách quy định này của Xinhgapo làm cho các văn bản pháp luật của đất nước này có tính khả thi rất cao, tránh được tình trạng văn bản chỉ quy định về trách nhiệm của các chủ thể một cách chung chung mà không có chế tài cụ thể để bảo đảm thực hiện. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Xinhgapo về vấn đề này để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, luật hình sự Việt Nam nói riêng. 

Thứ hai, về chủ thể của tội phạm: Luật hình sự của cả hai nước đều quy định cá nhân là chủ thể của tội phạm với những điều kiện cụ thể về độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong khi luật hình sự Việt Nam vẫn chỉ quy định cá nhân là chủ thể của tội phạm thì Xinhgapo là nước quy định cả cá nhân và pháp nhân đều có thể là chủ thể của tội phạm. Tinh thần chỉ coi cá nhân là chủ thể của tội phạm trong luật hình sự Việt Nam được thể hiện rõ trong quy định về khái niệm tội phạm, theo đó tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý… Nội dung này được cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 12 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và Điều 13 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Khác với cách quy định này, quy định về khái niệm tội phạm tại Điều 40 Bộ luật hình sự Xinhgapo chỉ rõ: tội phạm là hành vi bị trừng phạt theo quy định của đạo luật này hoặc các đạo luật khác đang có hiệu lực pháp luật. Điều 7 Bộ luật này cũng nêu định nghĩa về “người” là chủ thể của tội phạm (“Person”) như sau: người bao gồm công ty, hội hoặc cá nhân. Trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, hình phạt đối với pháp nhân phạm tội được quy định khác với hình phạt đối với cá nhân phạm tội. Ví dụ, đạo luật về sản xuất kính áp tròng năm 2004 quy định về tội phạm liên quan đến thông tin (ví dụ: đưa ra thông tin gian dối, không cung cấp thông tin mà chủ thể có thẩm quyền yêu cầu…) tại Điều 23 với hình phạt đối với pháp nhân vi phạm là phạt tiền tối đa đến 100.000 đô la, trường hợp pháp nhân tái phạm thì bị phạt tối đa là 200.000 đô la; hình phạt đối với cá nhân vi phạm là phạt tiền tối đa là 50.000 đô la hoặc phạt tù đến 6 tháng hoặc cả hai hình phạt đó; đạo luật về biểu tượng quốc gia năm 1965 quy định hành vi trưng bày biểu tượng của quốc gia trái với quy định của đạo luật này do cá nhân thực hiện thì bị phạt tiền đến 500 đô la hoặc bị phạt tù đến 6 tháng hoặc cả hai hình phạt đó, trường hợp hành vi này do pháp nhân thực hiện thì bị phạt tiền tối đa đến 1000 đô la. Từ thực trạng vi phạm pháp luật của nhiều pháp nhân nước ta trong những năm gần đây, chúng tôi cho rằng nghiên cứu vấn đề quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở các nước như Xinhgapo là công việc cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm khắc các hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội của pháp nhân ở nước ta trong thời gian tới.
Liên quan đến chủ thể của tội phạm là cá nhân, quy định của luật hình sự hai nước về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có sự khác biệt đáng kể. Tại Điều 12 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khác với cách quy định này, Điều 82 Bộ luật hình sự Xinhgapo quy định: việc trẻ em dưới 7 tuổi thực hiện không bị coi là tội phạm; Điều 83 đạo luật này quy đinh: hành vi của trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 12 tuổi, những người chưa có đầy đủ khả năng hiểu biết để đánh giá bản chất hoặc hậu quả của xử sự của mình trong hoàn cảnh đó thì không phải là tội phạm. Như vậy, độ tuổi của chủ thể theo quy định của luật hình sự Việt Nam tương đối cao so với độ tuổi của chủ thể theo quy định của luật hình sự Xinhgapo. Độ tuổi mà một người không mất năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm ở Việt Nam là từ đủ 16 tuổi trở và ở Xinhgapo là từ đủ 12 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, nếu như độ tuổi của chủ thể theo quy định của luật hình sự Việt Nam được phân biệt dựa vào loại tội phạm được thực hiện (đối với trường hợp chủ thể đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi) thì độ tuổi của chủ thể theo quy định của luật hình sự Xinhgapo lại gắn liền với khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của chủ thể trong trường hợp họ thực hiện hành vi cụ thể đó (đối với trường hợp từ 7 tuổi đến dưới 12 tuổi). Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng mặc dù các quy định của luật hình sự Xinhgapo có thể tạo ra cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm khắc các hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng việc xử lý về hình sự các hành vi nguy hiểm cho xã hội của những trẻ em ở độ tuổi còn quá thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các em sau này. Mặt khác, quy định về độ tuổi gắn liền với khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của chủ thể trong trường hợp họ thực hiện hành vi cụ thể có thể gây ra vướng mắc hoặc không thống nhất khi áp dụng pháp luật hình sự.

Thứ ba, về cách quy định của các điều luật trong Bộ luật hình sự: Bộ luật hình sự của cả hai nước đều chứa đựng các quy định chung về tội pham, hình phạt và các quy định về các tội phạm cụ thể. Tuy nhiên, cách quy định nội dung các điều luật trong hai Bộ luật này có sự khác biệt đáng chú ý. Bộ luật hình sự nước ta chỉ quy định nội dung của quy phạm mà hoàn toàn không có phần giải thích hay minh họa cho nội dung đó (phần này được thể hiện trong các văn bản giải thích luật hình sự). Cách quy định này tạo cho Bộ luật hình sự tính khái quát khá cao và việc giải thích cụ thể các nội dung của điều luật không cần phải làm ngay khi xây dựng Bộ luật. Tuy nhiên, hạn chế kèm theo đã xuất hiện trong thực tiễn ở nước ta những năm qua là nhiều nội dung cần được giải thích kịp thời để tránh việc áp dụng thiếu thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự đã không được thực hiện. Khác với cách quy định của Việt Nam, Bộ luật hình sự Xinhgapo quy định khá cụ thể các vấn đề về tội phạm và hình phạt. Bên cạnh những quy định đơn giản, dễ hiểu được quy định như cách quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, các quy định khác (bao gồm cả quy định chung và quy định về tội phạm cụ thể) đều có thêm phần giải thích (explanation), phần minh họa (illustration) hoặc cả hai phần này. Ví dụ: Điều 80 Bộ luật hình sự Xinhgapo quy định về gây tai nạn khi thực hiện hành vi hợp pháp, ngoài nội dung quy phạm (“hành vi gây tai nạn hoặc rủi ro và không có ý định phạm tội khi thực hiện một hành vi hợp pháp theo cách hợp pháp, bằng những phương tiện hợp pháp và với sự cẩn thận và cảnh báo phù hợp” còn có phần ví dụ minh họa như sau: A làm việc với một cái rìu, lưỡi rìu bay ra và giết chết người đứng bên cạnh. Ở đây, nếu không thiếu sự cảnh báo phù hợp từ phía A thì hành vi của anh ta là có thể tha thứ được và không phải là tội phạm; Điều 130 Bộ luật hình sự Xinhgapo quy định tội giúp tù nhân trốn, giải thoát hoặc chứa chấp tù nhân, ngoài nội dung quy định về tội phạm còn có phần giải thích như sau: tù nhân của Nhà nước hoặc tù nhân chiến tranh mà được tự do trong phạm vi nhất định ở Xinhgapo với cam kết không tìm cách trốn sẽ bị tuyên bố là trốn khỏi nơi giam nếu anh ta ra ngoài giới hạn anh ta được phép tự do. Với cách quy định khá đặc biệt này, nhìn chung các quy định của Bộ luật hình sự Xinhgapo trở nên dễ hiểu, có thể hạn chế được tình trạng hiểu sai hoặc hiểu không thống nhất về nội dung của điều luật. Chúng tôi cho rằng vấn đề này cũng cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm phục vụ việc hoàn thiện luật hình sự Việt Nam.

Thứ tư, về hệ thống hình phạt: Bộ luật hình sự Việt Nam quy định hệ thống hình phạt tại Điều 28 bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung, trong đó, hình phạt chính gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình; hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính và trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính. Bộ luật hình sự Xinhgapo quy định hệ thống hình phạt tại Điều 53 bao gồm các hình phạt: tử hình, tù (chung thân và có thời hạn), tịch thu tài sản, phạt tiền và đánh roi. Ngoài các hình phạt mà hai nước đều quy định là hình phạt tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn, tịch thu tài sản và phạt tiền, có thể nhận thấy những khác biệt đáng kể trong quy định về hệ thống hình phạt ở hai nước. Thứ nhất, Bộ luật hình sự Xinhgapo không phân biệt hình phạt chính và hình phạt bổ sung như Bộ luật hình sự Việt Nam nhưng do luật hình sự Xinhgapo không có quy định mỗi hành vi phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính nên nhà làm luật vẫn có thể quy định hình phạt đối với một tội phạm như sau: có thể là bị phạt tiền đến…hoặc bị phạt tù đến…hoặc cả hai hình phạt đó. Thứ hai, Bộ luật hình sự Xinhgapo không quy định các hình phạt không tước tự do của người bị kết án mà Việt Nam áp dụng là hình phạt cảnh cáo, hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt trục xuất, thay vào đó lại áp dụng hình phạt đánh roi. Chúng tôi cho rằng quy định này không phù hợp với điều kiện văn hóa, truyền thống của Việt Nam cũng không sử dụng được ưu điểm của các hình phạt không tước tự do đặc biệt là cải tạo không giam giữ và trục xuất.

No comments:

Post a Comment