28/06/2014
Tình tiết tăng nặng tội cướp giật tài sản - Bài tập học kỳ Luật Hình sự 1
Bài tập tình huống Luật Hình sự 1 có đáp án về tội cướp giật tài sản.

I. Đặt vấn đề:


Tội cướp giật tài sản được thể hiện bởi hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lí rồi nhanh chóng tẩu thoát. Công khai chiếm đoạt tài sản có nghĩa người phạm tội không cần che giấu hành vi của mình trong lúc thực hiện, chủ sở hữu biết ngay tài sản của mình vừa bị chiếm đoạt như: vồ lấy, giằng lấy, … Nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát là đặc trưng cơ bản của tội phạm, nói cách khác người phạm tội có được tài sản trong tay bằng việc nhanh chóng giật lấy và chạy trốn. Để thực hiện hành vi chiếm đoạt, người phạm tội đã lợi dụng sơ hở của người có trách nhiệm quản lí tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra sự sơ hở đó nhằm có điều kiện thuận lợi để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Thực tiễn cho thấy, những tài sản mà bọn tội phạm thường nhằm làm đối tượng cướp giật thường là những vật có giá trị, nhỏ, gọn có thể lấy đi dễ dàng như dây chuyền, ví, túi xách, điện thoại…


Trong bài tập này, tôi xin giải quyết một tình huống về tội cướp giật tài sản để tìm hiểu thêm về tội danh này.

II. Giải quyết vấn đề:

1. Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 BLHS, tội cướp giật tài sản được phân loại như thế nào?

Điều 136. Tội cướp giật tài sản

1.Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: 
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: 
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng

Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS về phân loại tội phạm: 

-    Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;

-    Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù;

-    Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù;

-    Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. 

Do vậy, dựa vào mức định khung hình phạt được quy định tại Điều 136 BLHS và căn cứ vào phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS thì tội cướp giật tài sản được phân loại như sau:

- Tội phạm ít nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 136 BLHS với hình phạt tù cao nhất là năm năm.

- Tội phạm nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 136 BLHS với hình phạt tù cao nhất là mười năm.

- Tội phạm rất nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 136 BLHS với hình phạt tù cao nhất là mười lăm năm.

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 4 Điều 136 BLHS với hình phạt tù cao nhất là hai mươi năm hoặc tù chung thân.

- Khoản 5 Điều 136 BLHS là hình phạt bổ sung.

2. Xác định khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án:

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Đây là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm có vị trí đặc biệt, mang lại ý nghĩa quan trọng cả trong công tác lập pháp và trong thực tiễn áp dụng. Khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể bị loại tội phạm cụ thể trực tiếp xâm hại và sự xâm hại này thể hiện được đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó.

Xét trong vụ án này, khách thể của tội cướp giật tài sản là quyền sở hữu đối với tài sản, cụ thể là A và B đã cướp giật tài sản do đó hành vi này đã xâm hại tới quyền chiếm hữu tài sản. Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lí tài sản thuộc sở hữu của mình (Điều 182 Bộ luật Dân sự).

Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các bộ phận của khách thể có thể bị tác động là chủ thể của các quan hệ xã hội, nội dung của các quan hệ xã hội, đối tượng của các quan hệ xã hội. 

Đối tượng tác động của tội phạm trong vụ này là tài sản. A và B đã cướp được tổng số tài sản trị giá lên tới 40 triệu đồng.

3. Giả thiết B mới 15 tuổi, A và B có phải những người đồng phạm không? Giải thích rõ tại sao?

Trong tình huống này, B mới 15 tuổi thì A và B không phải là đồng phạm. Điều 20 Bộ luật Hình sự quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong trường hợp này, về mặt khách quan thì B chưa đủ điều kiện để trở thành đồng phạm với A. Cụ thể, về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu:

- Về dấu hiệu cùng thực hiện tội phạm thì trong tình huống này đã quá rõ ràng, A lái xe và B cướp túi xách của người đi đường.

- Đồng phạm có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm. Đó là điều kiện có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Xét thấy, A và B phạm tội ít nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 136 BLHS, tuy nhiên B mới 15 tuổi và theo khoản 2 Điều 12 BLHS quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, do đó, B không thỏa mãn điều kiện có năng lực trách nhiệm hình sự. Chính vì lí do này nên B không thể là đồng phạm với A. 

4. Giả thiết A 20 tuổi, còn B 18 tuổi, A thỏa mãn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm nguy hiểm” còn B không có tình tiết này. A và B có phải chịu trách nhiệm hình sự như nhau không? Giải thích rõ tại sao?

Tình huống đề bài đặt ra không nhắc tới việc A và B có thỏa thuận trước với nhau trong việc cướp giật tài sản hay không, cũng không nhắc tới việc có thỏa thuận ai là người chỉ huy và ai là người phục tùng…, do đó, theo ý kiến của tôi, đây là trường hợp đồng phạm giản đơn, đồng phạm không có thông mưu từ trước, và không phải là tội phạm có tổ chức. Nếu không thì A và B sẽ bị xử lí theo khoản 2 Điều 136 BLHS với tình tiết phạm tội “có tổ chức”. Ngoài ra tình huống cũng không nêu rõ A và B có cướp giật của người đang đi xe máy hay không, vì nếu có thì A và B sẽ bị xử lí theo khoản 2 Điều 136 BLHS với tình tiết phạm tội “dùng thủ đoạn nguy hiểm”. Vậy nếu xét trong trường hợp A và B phạm tội cướp giật không có tình tiết phạm tội “có tổ chức” hay “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, chỉ có A thỏa mãn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm nguy hiểm” còn B không có tình tiết này thì A và B không phải chịu trách nhiệm hình sự như nhau. A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn B. 

Hình phạt dành cho A với tội danh cướp giật tài sản là phạt tù từ ba năm đến mười năm theo điểm c khoản 2 Điều 136 BLHS. Dựa vào những căn cứ sau:

Thứ nhất, xét về độ tuổi, A đã thỏa mãn độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 BLHS: A đã 20 tuổi, tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là 16 tuổi.

Thứ hai, A thỏa mãn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm nguy hiểm”. Khoản 2 Điều 49 BLHS quy định: “Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.”

Hình phạt của B đối với tội danh cướp giật tài sản là từ một năm tù đến năm năm tù theo khoản 1 Điều 136 BLHS do B - 18 tuổi nên đã thỏa mãn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự , B đã phạm tội cướp giật tài sản và do B không có tiền án, tiền sự từ trước nên B không phải chịu hình phạt nặng hơn.

Xét chung A và B, ngoài hình phạt tù thì theo khoản 5 Điều 136 BLHS, A và B “còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng”. 

5. A, B đều là người nghiện ma túy, trước khi thực hiện tội cướp giật tài sản, A và B đều sử dụng ma túy. Tình tiết này có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với A và B không? Giải thích rõ tại sao.

Tình tiết A và B nghiện ma túy và trước khi thực hiện tội cướp giật tài sản, A và B đều sử dụng ma túy không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với A, B. Thứ nhất, tội sử dụng trái phép chất ma túy đã bị bãi bỏ theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự ngày 19/06/2009. Thứ hai, khoản 1 Điều 48 BLHS không quy định tình tiết sử dụng ma túy là tình tiết tăng nặng. 

Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: 

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
o) Có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

III. Kết thúc vấn đề:

Tội cướp giật tài sản bấy lâu nay vẫn gây nhức nhối cho xã hội, loại tội phạm này thường hay gắn với tội phạm có tổ chức, ổ, băng nhóm xã hội đen…Chính vì vậy, việc xử lí những loại tội phạm này cần có sự quản lí chặt chẽ của cơ quan chức năng cũng như sự chính xác trong việc xây dựng luật của các nhà làm luật.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (tập I), Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
2. TS. Uông Chu Lưu (Chủ biên) Bộ Tư pháp Viện nghiên cứu khoa học pháp lí, Bình Luận Khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, Tập I phần chung (từ Điều 1 đến Điều 77), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001.
3. Ts. Trần Minh Hưởng Học viện cảnh sát nhân dân (Chủ biên), Hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam. Tập I Bình luận Khoa học Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Thực hiện từ 01/01/2010), Nxb Lao động, Hà Nội 2009.
4. Đinh Văn Quế Thạc sĩ Luật Học- Tòa án Nhân dân tối cao, Bình luận Khoa học Bộ luật Hình sự Phần các tội phạm (Tập II) Các tội phạm sở hữu Bình luận chuyên sâu. Nxb. Tp. HCM 2002.
5. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19/06/2009. (BLHS)

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment