28/06/2014
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành - Tội giết người - Bài tập cá nhân Luật Hình sự 1
Bài tập tình huống Luật Hình sự 1 có đáp án về phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, tội giết người.

Đề bài: Do có mâu thuẫn từ trước với K, T định giết K. T cầm dao nhọn đâm 3 phát liên tiếp vào ngực K để trả thù. Thấy K nằm im, tin rằng K đã chết, T bỏ đi. Được cấp cứu kịp thời, K thoát chết. Hỏi:

a. Xác định giai đoạn phạm tội của T.
b. Hình thức lỗi của T khi phạm tội là gì?

c. Mức hình phạt cao nhất Tòa án có thể áp dụng đối với T là bao nhiêu?


BÀI LÀM

1. Giải quyết tình huống:

a. Giai đoạn phạm tội của T là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (chưa đạt về hậu quả, đã hoàn thành về mặt hành vi). 

Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả vẫn không xảy ra. 

- Về mặt hành vi: T có chủ định từ trước sẽ giết K để trả thù, do vậy T đã chuẩn bị dao nhọn và đâm liên tiếp 3 nhát vào ngực K cho tới khi K gục xuống. Như vậy, T đã thực hiện được hết mọi hành vi cần và đủ để cướp đi mạng sống của K. 

- Về mặt hậu quả: khi K gục xuống và nằm im, T tưởng K đã chết nên bỏ đi. Nhưng được cấp cứu kịp thời nên K thoát chết, do đó, hậu quả mà T mong muốn đã không xảy ra.   

b. Hình thức lỗi của T là lỗi cố ý trực tiếp.

Điều 9 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 có quy định: 

Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.. 

- Về lí trí: T nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó. T biết rằng với 3 nhát dao nhọn đâm liên tiếp vào ngực thì K sẽ chết. T nhận thức rõ ràng điều này và T biết rằng giết người là phạm pháp.

- Về ý chí: T mong muốn hậu quả phát sinh. T mong muốn và tin tưởng rằng K sẽ chết vì T muốn trả thù. Do vậy, khi K gục xuống và nằm im, tin rằng K đã chết nên T mới bỏ đi. 

c.  Hình phạt cao nhất cho T sẽ là không quá 3/4 mức hình phạt được quy định cho tội giết người theo khoản 2 điều 93 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

Theo quy định tại Điều 18 BLHS năm 1999 năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì Tòa án chỉ áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Phạm tội chưa đạt trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp hành vi phạm tội đã gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, nhân thân người phạm tội rất xấu, chưa được xóa án tích lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc đánh giá trường hợp phạm tội nào là đặc biệt nghiêm trọng phải căn cứ tất cả các tình tiết của vụ án, căn cứ vào tính chất và mức  độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Trong trường hợp của T, do tình huống nêu ra không có đề cập tới nhân thân của T hay mối quan hệ nào đặc biệt giữa T và K ví dụ: cha con, K là người đang thi hành công vụ, K là phụ nữ đang mang thai… tức là tình huống này không nằm trong khoản 1 Điều 93 BLHS nên đây chưa phải trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra do K chưa chết nên T phạm tội chưa đạt. Do đó hình phạt cao nhất cho T sẽ là không quá 3/4 mức hình phạt được quy định cho tội giết người theo khoản 2 điều 93 BLHS, có nghĩa là không quá 11 năm 3 tháng.

2. Kết luận:

Theo ý kiến cá nhân của tôi, trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, nhất là trong trường hợp của T, thì nên phạt hình phạt cao nhất là 15 năm, giữ nguyên mức hình phạt của khoản 2 Điều 93 BLHS. Do T đã có ý là phải giết chết K, T đã chuẩn bị dao nhọn và thậm chí còn chủ động đâm liên tiếp 3 nhát vào ngực K nên dù K thoát chết thì sự thật là T vẫn mong muốn K phải chết. Với những con người như T, sống trong thù hận và có những suy nghĩ lẫn hành động gây nguy hiểm cho xã hội thì T cần phải được cải tạo và phạt tù lâu dài.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
2. Đinh văn Quế Thạc sĩ Luật học, Tòa án nhân dân tối cao, Bình Luận kHoa học bộ Luật Hình sự năm 1999 Phần Chung, NXB TP HCM, 2000. 

3. Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nxb lao động.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment