Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Định nghĩa: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi bắt, giữ hoặc giam người không đúng pháp luật.
Điều luật quy định ba hành vi phạm tội khác nhau, nhưng đều có cùng tính chất nên nhà làm luật quy định chung trong một điều luật. Tuy nhiên khi định tội cần chú ý:
- Nếu chỉ có hành vi bắt người trái pháp luật mà không có hành vi giữ hoặc giam tría pháp luật thì chỉ định tội là “bắt người trái pháp luật” mà không định tội như điều luật ghi: “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”;
- Nếu chỉ có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giam người trái pháp luật thì chỉ định tội là “giữ người trái pháp luật”;
- Nếu chỉ có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giữ người trái pháp luật thì chỉ định tội là “giam người trái pháp luật”;
- Nếu người phạm tội có vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi giam người trái pháp luật thì định tội “bắt giữ người trái pháp luật” ( không dùng dấu phẩy);
- Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt vừa có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi giữ người trái pháp luật thì định tội là “bắt giam người trái pháp luật”;
- Nếu người phạm tội có cả ba hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật thì định tội là “ bắt giữ và giam người trái pháp luật” (không dùng dấu phẩy và liên từ hoặc).
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 có sửa đổi bổ sung nhiều so với Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1985. Các dấu hiệu cấu thành tội phạm nói chung không có gì thay đổi lớn, trừ các tình tiết định khung; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác chủ thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật chỉ có khoản 3 của điều luật là tội rất nghiêm trọng còn khoản 1 là tội ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội nghiêm trọng.
Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như Bộ đội Biên phòng; Cán bộ kiểm lâm; Cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang; Cán bộ, nhân viên Công an nhân dân... Đối với những người này, thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi mà bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền tự do thân thể của công dân, là một trong các quyền cơ bản của công dân. Quyền này được ghi nhận tại Điều 71 Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể... Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang...” Quyền tự do thân thể của công dân còn được cụ thể hoá bởi những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 4 (đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân); Điều 62 (Việc bắt bị can, bị cáo để tam giam); Điều 63 (Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp); Điều 64 (Việc bắt người trong trường hợp quả tang hoặc đang bị truy nã); Điều 68 ( Tạm giữ); Điều 69 (Thời hạn tạm giữ); Điều 70 (Tạm giam ) và Điều 71 ( Thời hạn tạm giam). Có thể nói trong các quyền tự do, dân chủ của công dân thì quyền tự do thân thể là quyền quan trọng hơn cả, nên tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là tội phạm nghiêm trọng hơn các tội phạm khác cũng xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân.
Đối tượng tác động của tội phạm này là con người, mà cụ thể là con người bị bắt.
Theo Điều 49 Hiến pháp năm 1992 thì, công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Vậy hành vi bắt, giữ hoặc tạm giam người nước ngoài trái pháp luật mà những người này đang công tác hoặc sinh sống tại Việt Nam ( người không có quốc tịch Việt Nam) thì người có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có phạm tội này không ? Đây là vấn đề khá phức tạp, vì pháp luật nước ta cũng như các nước trên thế giới đều có quy định về quyền miễn trừ ngoại giao cho một số người nước ngoài, nhưng không phải tất cả những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, hơn nữa đối với người nước ngoài thuộc diện miễn trừ ngoại giao cũng không thể loại trừ những hành vi bắt, giữ hoặc giam họ trái pháp luật. Có thể còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng theo chúng tôi, đối tượng tác động của tội phạm này không chỉ có người mang quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam) mà còn đối với cả người nước ngoài công tác hoặc sinh sống tại Việt Nam, vì theo quy định tại Điều 81 Hiến pháp năm 1992 thì, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nếu tuân theo Hiến pháp và pháp lụât Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Người phạm tội bắt, gĩư hoặc giam người trái pháp luật có thể thực hiện cả ba hành vi: bắt, giữ hoặc giam người, nhưng cũng có thể chỉ thực hiện một trong ba hành vi đó. Do các hành vi này có cùng một tính chất nên nhà làm luật quy định chung trong cùng một điều luật với tên tội danh gồm nhiều hành vi khác nhau, tương tự như Điều 194 Bộ luật hình sự nhà làm luật quy định tội “ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý”; Điều 232 “tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.v.v...
Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định tội danh, căn cứ vào hành vi mà người phạm tội thực hiện. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi bắt người trái pháp luật thì chỉ định tội là “bắt người trái pháp luật”; nếu người phạm tội thực hiện cả hành vi bắt và hành vi giữ người trái pháp luật thì định tội là “ bắt giữ người trái pháp luật”; nếu người phạm tội thực hiện cả hành vi bắt, hành vi giữ và hành vi giam người trái pháp luật thì định tội là “ bắt, giữ, giam người trái pháp luật”.
Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc tuy có lệnh của những người có thẩm quyền nhưng việc tiến hành bắt không đúng thủ tục như bắt người vào ban đêm (sau 22 giờ) mà không thuộc trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Hình thức bắt có thể là dùng vũ lực như trói, khoá tay hoặc đe doạ dùng vũ lực buộc người bị bắt phải đến nơi mà người phạm tội đã chọn. Nếu trong quá trình bắt mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, của người bị hại thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng với hành vi xâm phạm.
Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người không có lệnh của người có thẩm quyền; giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.
Giam người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giam người không đúng với quy định của pháp luật; giam người không có lệnh của người có thẩm quyền; giam người quá hạn; giam người thuộc trường hợp không được tạm giam.
Tính trái pháp luật trong việc bắt, giữ hoặc giam người là việc bắt, giữ hoặc giam người ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Vì vậy, khi xác định hành vi bắt, giữ hoặc giam người có trái pháp luật hay khônh, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về việc bắt, giữ hoặc giam người. Những quy định này có thể trong luật tố tụng hình sự, nhưng cũng có thể trong luật hành chính nhưng chủ yếu là luật tố tụng hình sự.
Bắt, giữ hoặc giam người theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự được quy định như sau:
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ những người sau đây mới có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
- Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
- Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp quân khu trở lên chủ toạ phiên toà;
- Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh phải đọc và giải thích lệnh cho người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người, phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã.
Bắt người trong trường hợp khẩn cấp
Theo quy địn tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự, thì chỉ được bắt người trong trường hợp sau:
- Có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
- Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Chỉ những người sau đây mới có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
- Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân;
- Người chỉ huy của đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
- Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải tuân theo đúng quy định như bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Tuy nhiên, việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được bắt vào ban đêm. Sau khi nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì trả tự do ngay cho người bị bắt.
Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
Theo quy định tại Điều 64, Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự thì việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã phải tuân theo những quy định sau:
- Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
- Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí của người bị bắt.
- Sau khi nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
- Đối với người bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh truy nã và giải ngay người đó đến trại giam nơi gần nhất.
Trong mọi trường hợp khi bắt người đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên. Việc tạm giữ đồ vật của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên bàn giao và nhận phải lập biên bản. Ngoài những điểm đã quy định về biên bản bắt người đã nêu trên, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận.
Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt phải thông báo ngay.
Tạm giữ.
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự, thì tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.
Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp thì cũng có quyền ra lệnh tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, lệnh tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Lệnh tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
Theo quy định tại Điều 69, thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không được quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai và cũng không được quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Khi hết thời hạn tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ. Thời gian tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam.
Tạm giam.
Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật tố tụng hình sự, thì tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội trong những trường hợp sau:
- Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng;
- Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
- Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp đặc biệt.
Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kẻ từ khi nhận được tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện trưởng Viện kiểm sát phải r a quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩchấp hành
Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bi tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.
Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn tạm giam được quy định như sau:
+ Thời hạn tạm giam để điều tra không quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
+ Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
- Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên có quyền gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng đối với tội ít nghiêm trọng, có quyền gia hạn tạm giam lần thứ nhất không được quá hai tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tọi rất nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất đã hết mà vẫn không thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai không quá một tháng đối với tội nghiêm trọng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai không quá hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai đã hết và vụ án có nhiều tình tiết phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn tạm giam lần thứ ba không quá bốn tháng.
- Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quền gia hạn thêm.
- Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
- Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính thuộc các trường hợp sau:
- Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý hành chính hoặc cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng.
- Thời hạn giữ người vi phạm hành chính không được quá 12 giờ, trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm giữ người vi phạm. Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc thực hiện vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn, nhưng không được quá 48 giờ.
- Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho người thân trong gia đình, cơ quan nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Khi tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính trên 6 giờ thì nhất thiết phải thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.
- Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
- Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các nhà tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không có đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.
Theo quy định tại Điều 40 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, thì những người sau đây có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn; Trưởng Công an phường;
- Trưởng Công an cấp huyện;
- Trưởng phòng cảnh sát giao thông trật tự, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Công an tỉnh;
- Thủ trưởng đơn vị cảnh sát đặc nhiệm ở Trung ương, Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập; Chỉ huy trưởng Trạm Công an cửa khẩu;
- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm;
- Trưởng Hải quan cửa khẩu;
- Đội trưởng Đội quản lý thị trường;
- Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Trưởng Đồn biên phòng và Thủ trưởng Đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;
- Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Trong trường hợp những người nói trên vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì cấp Phó của họ được quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Như vậy, việc bắt, giữ hoặc giam người được quy định rất chặt chẽ, ngoài những trường hợp quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và trong pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính thì mọi trường hợp bắt, giữ hoặc giam người đều là trái pháp luật.
Khi xác định hành vi phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật cần phải đối chiếu với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính xem hành vi bắt, giữ hoặc giam người có đúng không.
Hậu quả
Hậu quả của hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trước hết là gây ra việc một người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam oan. Ngoài ra, do bị bắt, bị giữ hoặc bị giam oan mà còn gây ra những hậu quả khác cho người bị hại hoặc cho gia đình họ hoặc xã hội như: Do bị bắt oan nên người bị bắt uất ức quá mà tự sát, bị tra tấn nhục hình gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ .v.v... Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc mà nếu có thì là dấu hiệu định khung hình phạt.
Nếu người phạm tội có ý định bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã chuẩn bị phương tiện, địa điểm, lực lượng để thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt được người bị hại thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là do cố ý ( lỗi cố ý)7. Nếu do thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì không phải là tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà tuỳ trường hợp cụ thể mà hành vi của người phạm tội có thể cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính.
Người phạm tội phạm tội này có thể vì động cơ và mục đích khác nhau, nhưng nếu bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật vì mục đích xâm phạm an ninh quốc gia thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội bạo loạn, tội hoạt động phỉ, tội khủng bố... quy định tại chương XI - Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; nếu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự; nếu bắt người rồi tra tấn đến chết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự; nếu bắt phụ nữ ( kể cả phụ nữ là trẻ em) nhằm mục đích hiếp dâm thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm hoặc hiếp dâm trẻ em quy định tại Điều 111 hoặc Điều 112 Bộ luật hình sự; nếu bắt phụ nữ nhằm mục đích đem bán thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ quy định tại Điều 119 Bộ luật hình sự; nếu bắt trẻ em nhằm mục đích đem bán, để đưa ra nước ngoài, để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo, để sử dụng vào mục đích mại dâm hoặc vì động cơ đê hèn thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trẻ em quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự.
Như vậy, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nhưng nếu là dấu hiệu bắt buộc của một số tội khác thì không còn là hành vi phạm tội này nữa.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự
Là trường hợp bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thông thường không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. So với khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì mức hình phạt cải tạo không giam giữ tối đa là hai năm ( khoản 1 Điều 119 là một năm). Do đó không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54)8. Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi trong ba hành vi quy định tại điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ. Nếu người phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho họ được hưởng án treo.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự
a. Phạm tội có tổ chức
Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác,9 bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau,vạch kế hoạch để thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Ví dụ: Cháu Chu Thị T 17 tuổi con của Chu Hữu K bỏ nhà đi vì bị hành hạ ngược đãi. Do nghi ngờ cháu Đinh Thu Tr là bạn của cháu T biết nơi ở của cháu T, nên vợ chồng Chu Hữu K cùng vợ là Phạm Thị Th đã mua chuộc hai cán bộ Công an Phường N.K là Bùi Văn L và Nguyễn Văn H bàn bạc việc bắt cháu Tr về Trụ sở Công an phường để tra khảo nhằm buộc cháu Tr phải khai chỗ ở của cháu T. Theo kế hoạch, Phạm Thị Th và con trai là Chu Hữu D theo dõi quy luật đi về của cháu Tr, Chu Hữu K được phân công viết đơn vu khống cháu Tr bắt cóc cháu T, D được phân công đánh cháu Tr; sau khi đánh cháu Tr, Th là người gọi điện cho L và H để phối hợp bắt cháu Tr về Trụ sở Công an phường. Khoảng 12 giờ 15 phút ngày 22 tháng 9 năm 2001, cháu Tr trên đường đi học bằng xe máy. Khi đến cách Trụ sở Công an phường N.K thì bất ngờ bị tên D đấm vào mắt làm cháu Tr bị thương và bị ngã xe; cùng lúc đó L và H dùng xe Zeep từ Trụ sở Công an phường ra bắt cháu Tr về Trụ sở tra khảo buộc cháu Tr phải khai ra chỗ ở của cháu T. Vì cháu Tr không biết chỗ ở của cháu T, nên không khai ra được. Đến 15 giờ cùng ngày, hành vi tổ chức đánh, bắt, giữ người trái pháp luật của vợ chồng Chu Hữu K bị phát hiện10 .
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nên không áp dụng đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Ví dụ: Trường hợp phạm tội của Bùi Văn L và Nguyễn Văn H vừa nêu trên chính là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bắt, giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Đặng Quang Ph là Đại biểu Hồi đồng nhân dân phường, vì nghi ngờ cháu Bùi Quốc H trộm cắp hai chiếc điều khiển ti vi của nhà mình nên Ph đã bắt cháu H tra khảo nhằm buộc cháu h phải nhận đã trộm cắp tài sản của Ph. mặt dù Ph có chức vụ nhưng khi bắt cháu H, Ph không lợi dụng chức vụ của mình để phạm tội nên không thuộc trường hợp bắt, giữ người do có lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
c. Đối với người thi hành công vụ
Đây là trường hợp người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam ( người bị hại ) là người thi hành công vụ, Tức là người bị hại thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định như: Cán bộ chiến sĩ công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ, thầy thuốc điều trị tại bệnh viện; thầy giáo giảng bài hoặc hướng dẫn học sinh tham quan, nghỉ mát; thẩm phán xét xử tại phiên toà; cán bộ thuế thu thuế; thanh niên cờ đỏ, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự ở nơi công cộng v.v...
Cũng được coi là thi hành công vụ đối với nhưng người tuy không được giao nhiệm vụ nhưng họ tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn, hoà giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng v.v...
Người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật phải là người thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu thi hành nhiệm vụ trái với pháp luật mà bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Một người tự xưng là công an đòi khám nhà của người khác. Chủ nhà yêu cầu xuất trình lệnh khám nhà, nhưng người này không đưa, nên chủ nhà và những thành viên trong gia đình đã bắt, giữ.
Điều luật chỉ quy định “đối với người thi hành công vụ” mà không quy định “đối với người đang thi hành công vụ” nên trường hợp phạm tội này bao gồm cả người đang thi hành công vụ và người đã hoặc sẽ thi hành công vụ mà bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật (vì lý do công vụ của nạn nhân).
Bắt, giữ hoặc giam người thi hành công vụ trái pháp luật là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nên không áp dụng đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người thi hành công vụ trái pháp luật xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
d. Phạm tội nhiều lần
Là trường hợp hai lần trở lên bắt, giữ hoặc giam một người trái pháp luật, có thể là hai lần bắt, hai lần giữ hoặc hai lần giam người trái pháp luật trở lên, nhưng cũng có thể một lần bắt, một lần giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng chỉ đối với một người bị hại xảy ra nhiều thời điểm khác nhau. Ví dụ: A bắt B để buộc B phải trả tiền cho A, B hứa sẽ trả, nên A thả B ra, nhưng không thấy B trả tiền nên A lại bắt B lần thứ hai để khống chế buộc B phải trả tiền cho mình.
Phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhiều lần là người phạm tội có từ hai lần trở lên thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Nếu có hai lần bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, trong đó có một lần hành vi không cấu thành tội phạm thì không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Ngày 12-7-2000, Phạm Ngọc Th sinh ngày 1-12-1984 bắt, giữ Nguyễn Văn D, đến ngày 10-5-2001 Phạm Ngọc Th lại bắt, giữ D lần thứ hai. Trong hai lần bắt, giữ người trái pháp luật của Th có một lần Th chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nên Th không bị coi là phạm tội nhiều lần.
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhiều lần là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nên không áp dụng đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhiều lần xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
đ. Đối với nhiều người
Là trường hợp bắt, giữ hoặc giam từ hai người trở lên cùng một lần hoặc nhiều lần khác nhau. Ví dụ: Tháng 7 năm 2000, Vũ Khắc X bắt Đào Văn T và Đỗ Văn K, đến tháng 3 năm 2001 X lại bắt Trần Văn H.
Trong số những người bị băt, giữ hoặc giam trái pháp luật, có thể có người chỉ bị bắt, có người chỉ bị giữ, có người chỉ bị giam, nhưng cũng có thể có người vừa bị bắt, vừa bị giữ lại vừa bị giam.
Nếu trong số những người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật có người thi hành công vụ thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết “đối với người thi hành công vụ” ngoài tình tiết “đối với nhiều người”
Bắt, giữ hoặc giam nhiều người trái pháp luật cũng là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nên không áp dụng đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhiều người xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Phạm tội thuộc các trường hợp: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người thi hành công vụ; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù, là tội phạm nghiêm trọng. So với khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, nên không áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý. Tuy nhiên, việc so sánh này chỉ đối với trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, còn đối với các trường hợp khác đã là tình tiết mới nên cũng không được áp dụng.
Khi áp dụng khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự để áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì:
- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp (tình tiết) quy định tại khoản 2 của điều luật thì hình phạt phải nặng hơn người chỉ có một tình tiết định khung hình phạt;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự thì hình phạt phải thấp hơn người phạm tội không có hoặc chỉ có một tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự thì hình phạt phải cao hơn người phạm tội không có hoặc chỉ có một tình tiết tăng nặng;
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn tình tiết tăng nặng thì Toà án có thể phạt dưới một năm tù nhưng không được dưới ba tháng tù, vì loại hình phạt tù có mức thấp nhất là ba tháng hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì cũng có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.11
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự
Khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là “ Gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nên đã gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản hoặc gây thiệt nghiêm trọng đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội ( những thiệt hại không tính ra được bằng vật chất).
Những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng là do bị bắt, giữ hoặc bị giam trái pháp luật mà người bị bắt, bị giữ, bị giam đã tự sát chết hoặc bị thú giữ tấn công hoặc vì những nguyên nhân khác mà người phạm tội không lường trước được. Nếu người phạm tội biết trước hoặc bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra thì tuy trường hợp có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Ví dụ: Rơ Chăm Rươi bắt trói chị Măng Hloi vào gốc cây cạnh bờ suối. Khi trời mưa, Rươi biết chắc nước lũ sẽ đổ về nhưng y vẫn bỏ mặc cho chị Hloi bị trói và bị chết vì nước lũ.
Những thiệt hại về sức khoẻ được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam bị tổn hại đến sức khoẻ mà tỷ lệ thương tật từ 41% trở lên ngoài ý muốn của người phạm tội. Ví dụ: Do bị bắt, giữ nên bị phạm nhân cùng phòng tạm giữ đánh bị thương có tỷ lệ thương tật 45%.
Những thiệt hại về tài sản được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp do bị bắt, bị giữ hoặc bị giam mà người bị hại không làm ra của cải vật chất hoặc phải chi phí do bị, bị giữ hoặc bị giam có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Ví dụ: Một nhà khoa học đang nghiên cứu một công trình có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng vì bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật nên công trình khoa học phải bỏ giở gây thiệt hại 150 triệu đồng.
Những thiệt hại khác được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã gây ra mất lòng tin của nhân dân của chính quyền của Nhà nước, hàng trăm người kéo đến trụ sở đòi phải trừng trị người phạm tội, gây mất trật tự nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông nhiều giờ... Những thiệt hại này, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào tình hình cụ thể trong một vụ án cụ thể, phân tích tổng hợp tất cả các tình tiết của vụ án để xác định hậu quả do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã là nghiêm trọng chưa.
Phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự , không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù, việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải hết sức thận trọng và phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ, là người thuộc đối tượng nghiêm trị được quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự ( người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu mạnh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyết, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quản nghiêm trọng) thì phạt mức cao của kung hình phạt ( 8-10 năm tù)
4. Hình phạt bổ sung
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhât định từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc trường hợp được hưởng án treo12.
Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, Toà án cần xác định, nếu xét thấy để người phạm tội đảm nhiệm những chức vụ đó có thể gây nguy hại cho xã hội, thì mới áp dụng hình phạt này, không nên áp dụng tràn nan. Thông thường, chỉ áp dụng đối với trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mới áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định.
So với Điều 128 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì khoản 4 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.
---
Chú giải
7 Xem Đinh Văn Quế “Bình luận Bộ luật hình sự năm 1999” NXB. Tp Hồ Chí Minh (mục 3 Chương III về Cố ý phạm tội ) Tr. 70
8 Xem Đinh Văn Quế “ Tìm hiểu về hình phạt và quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam”. Chương III - Quyết định hình phạt. Tr 88-255
9 Xem Đinh văn Quế “ Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999- Phần chung”. NXB Tp Hồ Chí Minh. Năm 2000 ( Phạm tội có tổ chức. tr 280-283).
10 Đây là vụ án có thật, nhưng vì lý do tế nhị nên tác giả đã không viết tên thật mà viết tắt.
11 Xem Đinh văn Quế “ Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 - Phần chung” (án treo. Tr 372-383). NXB Tp Hồ Chí Minh, năm 2000.
12 Xem Đinh Văn Quế “Tìm hiểu về hình phạt và quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam” NXB Chính trị quốc gia, năm 2000. Tr. 59- 62 (Cấm đảm nhiệm chức vụ).
Nguồn: BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 - PHẦN CÁC TỘI PHẠM - Thạc sĩ Luật học Đinh Văn Quế, Tòa án Nhân dân tối cao.
No comments:
Post a Comment