27/06/2014
Công dân nước ngoài phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam - Bài tập học kỳ Hình sự 1
A là người quốc tịch Canada. A có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam và bị bắt tại Anh.

a) Hành vi phạm tội của A có bị xử lí theo Bộ Luật Hình sự Việt Nam không?

Trong trưởng hợp A không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, theo Khoản 1 Điều 5 luật hình sự Việt Nam thì hành vi phạm tội của A vẫn chịu sự áp dụng của luật hình sự Việt Nam. Tức là, A vẫn bị coi là tội phạm khi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam dù A là công dân nước nào hay không quốc tịch, Việt Nam có thể truy cứu trách nhiệm hình sự A và xử lý theo luật hình sự Việt Nam. Việt Nam “có thể” xử lý A theo luật hình sự Việt Nam là vì, trước hết, A phải được dẫn độ về Việt Nam. Nhưng đây là một vấn đề phức tạp, liên quan đến 3 nước: Canada, Việt Nam và Anh, nên để giải quyết thì còn phụ thuộc vào các hiệp định, các điều ước quốc tế… mà các nước có kí kết hoặc thoả thuận. 

Theo nguyên tắc quốc tịch chủ động, vì A là công dân Canada, luật hình sự Canada có hiệu lực đối với A, dù A phạm tội ở Việt Nam. Theo nguyên tắc lãnh thổ, luật hình sự Việt Nam cũng có hiệu lực với A, dù A là công dân Canada. Như vậy luật hình sự của hai quốc gia đều có hiệu lực về không gian đối với A, do đó chỉ có Việt Nam hoặc Canada mới có quyền xử A. Tuy nhiên, A lại bị bắt ở Anh, nên có các trường hợp sau:


Thứ nhất, nếu giữa Việt Nam và Anh không có hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, hoặc hiệp định dẫn độ, khi cả Việt Nam và Canada đều yêu cầu Anh dẫn độ A, thì Anh có quyền từ chối dẫn độ A về Việt Nam để dẫn độ A về Canada. Khi đó, hồ sơ vụ án, tang vật… sẽ được chuyển cho phía Canada tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự với A và A sẽ bị xử lý theo luật hình sự Canada.


Thứ hai, A sẽ được dẫn độ về Việt Nam nếu Anh đồng ý hoặc giữa Việt Nam và Anh có hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, hay hiệp định dẫn độ (thực tế, ngày 13/1/2009, Việt Nam và Anh đã kí hiệp định tương trợ tư pháp hình sự; ngày 30/9/2009, tại thủ đô Luân Đôn Anh, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh phụ trách cảnh sát, tội phạm và an ninh David Hanson đã ký phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp mới về hình sự. Theo đó, cho phép hai bên đẩy nhanh việc trao đổi các bằng chứng trong việc điều tra tội phạm giữa hai nước). Khi đó, A sẽ bị xử lý theo luật hình sự Việt Nam, tất nhiên phải tuân thủ Công ước Quốc tế, Hiệp định kí kết giữa Việt Nam và Canada (nếu có)… Trong trường hợp này, nếu Canada yêu cầu dẫn độ A từ Việt Nam về Canada, thì theo Điểm b Khoản 2 Điều 344 luật tố tụng hình sự (hay Điểm b Khoản 2 Điều 35 luật tương trợ tư pháp), cơ quan tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam “có thể” từ chối dẫn độ để xử lý theo luật hình sự Việt Nam. Tức là nếu Việt Nam đồng ý cho dẫn độ, thì A sẽ lại được dẫn độ về Canada, xử lý theo luật hình sự Canada.

b) Giả định A là người thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao thì hành vi của A có bị coi là tội phạm không?

Dù A được quyền miễn trừ ngoại giao, nhưng theo luật hình sự Việt Nam, A vẫn bị coi là tội phạm, hành vi giết người của A phù hợp với Khoản 1 Điều 8 luật hình sự Việt Nam. Tức là, có đầy đủ 4 dấu hiệu của tội phạm: tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, vì A được quyền miễn trừ ngoại giao, nên theo Khoản 2 Điều 5 luật sự hình sự Việt Nam, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A được giải quyết bằng con đường ngoại giao, Việt Nam không có quyền xét xử A; cũng không có chuyện dẫn độ A từ Anh về Việt Nam, kể cả trong trường hợp đã có thoả thuận giữa Anh và Việt Nam về việc dẫn độ tội phạm. Nhưng với hành vi giết người, dù là pháp luật nước nào cũng sẽ quy định là tội phạm, A chắc chắn phải chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt, cùng với việc bị mất quyền miễn trừ ngoại giao. Chỉ có Canada mới có quyền xét xử A. Vì vậy, A sẽ được dẫn độ về Canada. 

c) Quan điểm của cá nhân về quy định tại điều 5 luật hình sự Việt Nam?

Khoản 1 Điều 5 Luật hình sự Việt Nam quy định hiệu lực về không gian theo nguyên tắc lãnh thổ. Theo nguyên tắc này, quốc gia có thẩm quyền tài phán hình sự là quốc gia nơi hành vi tội phạm được thực hiện, bất kể thủ phạm là công dân sở tại hay người nước ngoài. Như vậy, Tòa án có quyền giải quyết là Tòa án của quốc gia nơi hành vi tội phạm được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp của đề bài nêu trên thì không phải lúc nào nguyên tắc này cũng được áp dụng. Vì trong thực tế, đôi lúc, theo nguyên tắc quốc tịch chủ động thì quốc gia có thẩm quyền tài phán là quốc gia mà cá nhân thực hiện hành vi tội phạm hoặc bị tình nghi thực hiện tội phạm là công dân, cho dù hành vi tội phạm được thực hiện ở bất cứ đâu. Do đó, điều này khiến người nào chưa hiểu rõ điều luật thấy rất dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, theo em, muốn mọi người có thể nắm chắc hơn thì ta có thể bổ sung vào Khoản 1 Điều 5 như sau: “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong trường hợp người có hành vi phạm tội chịu thêm sự áp dụng của luật hình sự nước khác về cùng hành vi đó, thì việc áp dụng luật hình sự nước nào sẽ phụ thuộc vào hiệp ước quốc tế hoặc hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước,… hoặc theo thoả thuận.” Khoản 2 điều 5 luật hình sự Việt Nam góp phần bổ sung cho khoản 1 trong nguyên tắc lãnh thổ, quy định về người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được xử lý bằng con đường ngoại giao. Đó là những người “được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế”.

Việt Nam hiện nay đã kí kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và hiệp định dẫn độ với khá nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở một số nước có cộng đồng người gốc Việt sinh sống đông như Mỹ, Canada… thì lại chưa kí hiệp định tương trợ tư pháp nào. Trong tương lai, Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên lĩnh vực tư pháp với các nước trên thế giới để không chỉ hòa nhập với xu thế toàn cầu hóa mà còn để đối phó với thủ đoạn trốn chạy của tội phạm.

PHỤ LỤC

1/ Điều 5 luật hình sự Việt Nam: Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

2/ Điểm b Khoản 2 Điều 35 luật tương trợ tư pháp:

Điều 35. Từ chối dẫn độ cho nước ngoài
2. Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ. (luật tương trợ tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007).

3/ Điểm b Khoản 2 Điều 344 luật tố tụng hình sự:

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể từ chối dẫn độ, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
b) Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

4/ Khoản 1 Điều 8 luật hình sự Việt Nam:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật Xã hội chủ nghĩa.

5. Mục I, Điều 1, Khoản a, Thông tư Liên ngành KS- Nội vụ- Tư pháp- Ngoại giao số 01- TTLN ngày 8/9/1988:

Những người có thân phận ngoại giao (có hộ chiếu ngoại giao) làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam, những người có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu Đảng, Chính Phủ, Nhà nước đến thăm nước ta, những người khác có thân phận ngoại giao, kể cả đại diện các tổ chức quốc tế và thành viên gia đình họ cùng sống chung tại Việt Nam và không có quốc tịch Việt Nam được Nhà nước ta cho hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Những người này được hưởng quyền bất khả xâm phạm thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự, và xử lí hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra.

6. VKS: Viện Kiểm sát.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội 2009, NXB CAND.
2. Bộ luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009).
3. TS. Đỗ Văn Đại, PGS.TS Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG TP.HCM 2006.
4. TS Trần Minh Hưởng Học Viện Cảnh sát Nhân dân (Chủ biên), Tập I Bình luận Khoa học Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung 2009 ( thực hiện từ 1/1/2010), NXB LĐ.
5. Ths Nguyễn Thị Thuận, Luật hình sự Quốc tế, NXB CAND 2007.
6. Bộ Luật tố tụng hình sự.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment