18/08/2014
Phân tích tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân - Bình luận Bộ luật Hình sự 1999 - Tập 3
Điều 129. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền  tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân 

1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một  năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Định Nghĩa: Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền  tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là hành vi cấm đoán, cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp và pháp luật quy định hoặc có những hành vi xâm phạm đến những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo.

Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là tội phạm đã được quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo lại, bổ sung một số tình tiết là dấu hiệu định tội. Nếu Điều 124 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, quyền hội họp, lập hội của công dân”, thì Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”. Đặc biệt, Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân mà còn vi phạm” thì mới cấu thành tội phạm. Đây là tình tiết định tội và cũng là ranh giới phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vị phạm.

Đặc điểm của tội phạm này chỉ có một khung hình phạt, hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật, khung hình phạt cũng rất nhẹ, mức hình phạt cao nhất của tội phạm này cũng chỉ có một năm tù. Điều này thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta chủ yếu nhằm giáo dục, nếu có xử lý thì chủ yếu áp dụng hình thức lỷ luật hoặc xử lý hành chính chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thật cần thiết, sau khi đã xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Đối với tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng. Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này cũng có nhiều trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn.

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân chính là quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Quyền này được quy định tại  Hiến pháp năm 1992 ( Điều 69: Công dân có quyền hội họp, lập hội theo quy định của pháp luật; Điều 70: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước). Các quyền trên còn được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật khác của Nhà nước có liên quan đến quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Đối tượng tác động của tội phạm này là các hoạt động của công dân trong việc hội họp, lập hội, làm lễ, các nhà thờ, đình, chùa, miếu và các nơi thờ tự khc của các tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Theo điều văn của điều luật thì tội phạm này chỉ có một hành vi khách quan, đó là hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, để cản trở công dân thực hiện các quyền trên, người phạm tội thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau tuỳ thuộc vào đối tượng tác động.

Cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, người phạm tội có thể có một trong những thủ đoạn như: Cấm công dân tham gia các cuộc họp, các lễ hội, mít tinh, biểu tình hoặc ngược lại ép buộc, cưỡng bức công dân buộc phải tham gia các cuộc họp, các lễ hội, các cuộc minh tinh, biểu tình mà công dân không muốn.

Cản trở công dân thực hiện quyền lập hội là hành vi cấm thành lập các Hội mà pháp luật không cấm, mặc dù mọi thủ tục để thành lập hội đã làm đúng hoặc ép buộc, cưỡng bức công dân phải thành lập hoặc tham gia thành lập các hội không đúng với pháp luật.

Cản trở công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng là hành vi cấm công dân tham gia thờ cúng, lễ chùa, làm lễ trong các nhà thờ hoặc không được thực hiện các phong tục tập quán dân tộc...hoặc ép buộc công dân phải theo tín ngưỡng mà họ không muốn theo.

Cản trở công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo là hành vi cấm công dân theo một tôn giáo hoặc ép buộc công dân phải theo một tôn giáo mà họ không muốn theo.

Khi xác định hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải kết hợp xem xét đến những hành vi lợi dụng các quyền này để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích của công dân. Quyền hội họp, quyền lập hội phải phù hợp với lợi ích Nhà nước và của công dân. Thực tiễn cho thấy, hành vi xâm phạm các quyền trên ít xảy ra, nhưng hành vi lợi dụng các quyền này để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của công dân lại xảy ra khá phổ biến và tâm lý của một số cán bộ lại sợ bị coi là xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân nên không kịp thời ngăn chặn hoặc xử lý hành vi vi phạm; một số kẻ xấu lợi dụng, kích động lôi kéo làm cho tình hình an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội thêm phức tạp, có nơi gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Hành vi xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân chỉ bị coi là tội phạm khi người thực hiện hành vi đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính mà còn vi phạm.

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là  trước đó đã có lần xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Theo quy định của Điều 129 Bộ luật hình sự thì người phạm tội có thể thực hiện hành vi xâm phạm một quyền hoặc tất cả các quyền, vậy vấn đề đặt ra là: nếu người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm một quyền (quyền lập hội) nay lại xâm phạm một quyền khác (quyền tự do tín ngưỡng) thì có coi là đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính mà còn vi phạm không ? Đây là vấn đề chúng ta không chỉ thấy ở tội phạm này mà trong một số tội phạm tương tự quy định nhiều hành vi phạm tội và có dấu hiệu đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm. Ví dụ: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Vì vậy có ý kiến cho rằng, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi nào mà còn vi phạm vể hành vi đó thì mới coi là tội phạm, nếu đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này nhưng lại vi phạm về hành vi khác thì không coi là tội phạm. Ví dụ: A đã bị xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm quyền lập hội chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, lại xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng thì chưa cấu thành tội phạm vì hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng chưa bị xử phạt hành chính. Quan điểm này có vẻ hợp lý nhưng lại phiến diện vì Điều 129 Bộ luật hình sự cũng như một số điều luật khác tương tự quy định nhiều hành vi phạm tội là căn cứ vào đặc điểm của các hành vi đó cùng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và tương tự như nhau. Do đó, nếu đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi cùng loại mà còn vi phạm thì phải coi là tội phạm. 

b. Hậu quả   

Hậu quả của tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là những thiệt hại do hành vi cản trở công dân thực hiện các quyền trên gây ra cho công dân và xã hội. Các thiệt hại này chủ yếu là thiệt hại về tinh thần, các thiệt hại về vật chất có thể xảy ra, nhưng nó là hậu quả gián tiếp hoặc thông qua các thiệt hại về tinh thần mà gây ra thiệt hại về vật chất. Ví dụ: Do cản trở công dân làm lễ tại nhà thờ nên đã làm cho hàng trăm giáo dân bỏ việc làm kéo nhau lên huyện, lên tỉnh khiếu nại gây mất thu nhập của công dân. Cũng có trường hợp trực tiếp gây thiệt hại vật chất như: đập phá chùa chiền, miếu thờ...

4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Tội xâm xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được thực hiện do cố ý (cố ý phạm tội), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xẩy ra.

Nói chung, người phạm tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp (hình thức lỗi cố ý thứ nhất), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xẩy ra (hình thức lỗi cố ý gián tiếp). 

Người phạm tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân bị xâm phạm.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ 

Điều 129 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi xác định hành vi phạm tội cần xác định cụ thể từng hành vi phạm tội cho phù hợp với điều văn của điều luật như: cản trở công dân thực hiện quyền hội họp khác với cản trở công dân thực hiện quyền lập hội, khác với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Căn cứ để xác định các hành vi này cũng khác nhau.

So với Điều 124 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ xét về khung hình phạt, thì Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Điều 129 nhẹ hơn Điều 124 Bộ luật hình sự năm 1985, vì Điều 129 quy định hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm mới cấu thành tội phạm, nên hành vi phạm tội nào xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì được áp dụng các quy định của Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hành vi đã cấu thành tội phạm hay chưa. 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo Điều 129 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ. Đây cũng là một trong rất ít trường hợp quy định mức cao nhất của khung hình phạt có một năm tù. Điều này, cho thấy chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội này chủ yếu lấy giáo dục là chính hoặc giải quyết bằng những biện pháp hành chính; việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đối với những trường hợp cần thiết.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. So với Điều 128 Bộ luật hình sự 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 2 Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì có mức thấp nhất của khung hình phạt là một năm ( Điều 128 Bộ luật hình sự năm 1985 là hai năm ). Tuy nhiên, Điều 128 Bộ luật hình sự năm 1985 lại không quy định hình phạt cấm làm công việc nhất định, nên Toà án không được áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.

Nguồn: BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 - PHẦN CÁC TỘI PHẠM - Thạc sĩ Luật học Đinh Văn Quế, Tòa án Nhân dân tối cao.

No comments:

Post a Comment