28/06/2014
Nghiên cứu tội trộm cắp tài sản - Bài tập nhóm Luật Hình sự 1
Bài tập Luật Hình sự 1 có đáp án về tội trộm cắp tài sản.

A/ Nêu vấn đề

I. Lý do chọn đề tài

Quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản mà bất kỳ nhà nước nào cũng đều phải bảo vệ để duy trì sự ổn định phát triển của xã hội. Quyền sở hữu được nhà nước ta bảo hộ và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật- Điều 58 Hiến pháp 1992 quy định: “ Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân ”; Điều 74 Hiến pháp 1992 quy định: “ Mọi hành vi xâm hại lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh ”.

Tội trộm cắp tài sản là tội phạm xâm hại tới quyền sở hữu thiêng liêng đó.

Đặc biệt là trong thời gian hiện nay, khi đất nước ta đã có những sự thay đổi lớn lao, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, cùng với sự nâng cao đời sống văn hóa- xã hội là sự phát triển của các tệ nạn, sự gia tăng của các loại tội phạm, trong đó có tội trộm cắp đã gây khó khăn không nhỏ cho trật tự an toàn của toàn xã hội. Thực tế cho thấy số vụ phạm tội trộm cắp tài sản ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trắng trợn hơn.


Trước tình hình đó, đấu tranh phòng và chống tội phạm là một điều hết sức cần thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng ta cần phải nghiên cứu, tìm hiểu về những quy định, hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản để có những giải pháp đúng đắn.


II. Đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu

II.1- Đối tượng nghiên cứu

tội trộm cắp tài sản 
căn cứ phân loại tội phạm
hành vi trộm cắp không phải tội phạm 
hiệu lực áp dụng điều luật để quyết định hình phạt

II.2- Phương pháp nghiên cứu

Tìm hiểu trong pháp luật hình sự Việt Nam thế nào là tội phạm tội trộm cắp tài sản.
Tham khảo các tài liệu khác về những vấn đề này.
Khảo sát, tìm hiểu thực trạng xác định tội trộm cắp và việc áp dụng hình phạt, xét xử ở nước ta hiện nay.

Các phương pháp được sử dụng là: phương pháp so sánh, tổng hợp, chứng minh... để rút ra kết luận về đề tài.

B/ Giải quyết vấn đề

I. Khái niệm

I.1 - Các khái niệm

–– Tội trộm cắp tài sản: là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.

–– Hành vi vi phạm pháp luật: là hành vi lệch chuẩn xã hội do người có năng lực hành vi thực hiện một cách có lỗi, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

I.2 - Các dấu hiệu cơ bản của tội trộm cắp tài sản

* Về chủ thể: phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp tại Khoản 1 và 2 Điều 138 bộ luật hình sự vì đó là những tội phạm ít nghiêm trọng (Khoản 1) và nghiêm trọng (Khoản 2).

* Về khách thể: tội trộm cắp tài sản xâm hại đến quan hệ sở hữu.

* Mặt khách quan: 

  + Hành vi khách quan: chiếm đoạt, bằng hình thức lén lút với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.

  + Hậu quả: là thiệt hại về tài sản, mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

* Mặt chủ quan: tội trộm cắp tài sản được thực hiện do cố ý với mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Như vậy có thể thấy đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết, chỉ sau khi mất họ mới biết mình bị mất tài sản.

II. Cơ sở pháp lý

Điều 138 bộ luật hình sự 1999 - tội trộm cắp tài sản
Điều155 bộ luật hình sự 1985 - tội trộm cắp tài sản
Điều 8 bộ luật hình sự 1999 về khái niệm tội phạm
Nghị quyết về việc thi hành bộ luật hình sự 1999_Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6.
Điều 7 bộ luật hình sự 1999 về hiệu lực của bộ luật hình sự về thời gian.
Điều 45,46,47,48 về quyết định hình phạt.

III.Nội dung

III.1- Câu hỏi thứ nhất

Tội trộm cắp tài sản mà A đã thực hiện là tội phạm nghiêm trọng, vì: 

Thứ nhất, xét tội phạm tội trộm cắp tài sản của A: 

Về mặt nội dung chính trị- xã hội, tội trộm cắp tài sản mang tính nguy hiểm cho xã hội , vì nó đã xâm hại tới quyền sở hữu- một trong những quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của công dân được nhà nước và pháp luật bảo vệ và được qui định rất rõ tại Điều 58 hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. 

Về mặt hậu quả pháp lí, tội trộm cắp tài sản phải chịu hình phạt theo qui định của bộ luật hình sự. Cụ thể hóa đối với hành vi phạm tội của A, vì A đã thành niên lén lút chiếm đoạt chiếc xe máy của chị B trị giá 60 triệu đồng nên căn cứ theo điểm e, khoản 2 Điều 138 bộ luật hình sự: 

 “ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: 
 ...
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng
 ...”

A phải chịu khung hình phạt là từ 2 năm đến 7 năm tù giam do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Thứ hai, khoản 3 Điều 8 bộ luật hình sự Việt Nam 1999 qui định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù trung thân hoặc tử hình.” 

Chính vì vậy , tội phạm mà A đã thực hiện là tội phạm nghiêm trọng theo qui định của bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành.

III.2- Câu hỏi thứ hai

Không thể căn cứ vào hình phạt 3 năm tù để xác định tội phạm do A thực hiện thuộc loại tội nào, vì:  để phân loại tội phạm phải dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt trong bộ luật hình sự chứ không dựa vào mức án cụ thể do tòa án tuyên cho người bị kết án.

Vậy tại sao không được dựa vào mức án do tòa án tuyên?

Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn cuả tòa án được thực hiện sau khi đã xác định đuợc tội danh để định ra biện pháp xử lí tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị cáo đã thực hiện. Quyết định hình phạt chính là việc tòa án tuyên mức án cho người bị kết án. Tuy nhiên căn cứ quyết định hình phạt lại không chỉ dựa vào các qui định của bộ luật hình sự mà còn phải căn cứ vào: tính chất , mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ , tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Điều 45 bộ luật hình sự 1999 đã qui định: “khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào qui định của bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.”

Do vậy dẫn tới trong thực tế có nhiều trường hợp quyết định hình phạt của tòa án có thể nhẹ hơn hoặc nặng hơn qui định của bộ luật hình sự, đó là quyết định hình phạt trong các trường hợp đặc biệt, như: 

Trường hợp thứ nhất, quyết định hình phạt nhẹ hơn qui định cuả luật: chế định này đã được đề cập tới lần đầu tiên trong thông tư số 2140-TT-VHH-HS ngày 06/12/1955 của bộ tư pháp về áp dụng luật lệ. Trong bộ luật hình sự 1999 chế định này lại được qui định tại điều 47.

Hay trong trường hợp quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội: Điều 69 qui định nguyên tắc xử lí đối với người chưa thành niên phạm tội là: chủ yếu nhằm giáo dục, sửa chữa hành vi, hạn chế áp dụng hình phạt tù và tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng...

Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu chỉ căn cứ vào mức án do tòa án tuyên để xác định loại tội phạm mà A đã thực hiện là không chính xác, để xác định loại tội phạm cần phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định của bộ luật hình sự Việt Nam.

III.3- Câu hỏi thứ ba

a) Khái niệm sự khác nhau giữa hành vi trộm cắp tài sản (không phải tội phạm) với tội trộm cắp tài sản

Hành vi trộm cắp tài sản chính là một hành vi vi phạm pháp luật ( không phải tội phạm).

Vi phạm pháp luật là hành vi của con người trái với quy định của pháp luật, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ. Chính vì vậy nên tất cả các vi phạm pháp luật đều là các hành vi nguy hiểm cho xã hội ( đây là thuộc tính của tất cả các vi phạm pháp luật).

Tội phạm trộm cắp tài sản và hành vi trộm cắp tài sản đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội vì chúng đều là các vi phạm pháp luật. Tuy nhiên giữa tội phạm tội trộm cắp tài sản và hành vi trộm cắp tài sản không phải tội phạm cũng có những điểm khác nhau.

Hành vi trộm cắp tài sản không phải tội phạm là hành vi lệch chuẩn xã hội do người có năng lực hành vi thực hiện một cách có lỗi, xâm hại đến quan hệ sở hữu- tài sản được pháp luật xác lập và bảo vệ. Các dấu hiệu cơ bản của hành vi trộm cắp tài sản là: hành vi, tính trái pháp luật, tính có lỗi và làm phát sinh trách nhiệm pháp lý.

Còn tội phạm tội trộm cắp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự do người có năng lực và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi, xâm hại tới quan hệ sở hữu- tài sản được luật hình sự bảo vệ và phải chịu hình phạt ( được quy định tại Khoản 1, Điều 8 BLHS Việt Nam 1999). Đặc điểm của tội phạm tội trộm cắp tài sản là: tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, do người có năng lực TNHS thực hiện, là hành vi có lỗi và tính phải chịu hình phạt.

Như vậy, hành vi trộm cắp tài sản và tội trộm cắp tài sản khác nhau về hậu quả pháp lý,hình thức pháp lý và về mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Về hình thức pháp lý qui định: tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 bộ luật hình sự Việt Nam 1999, còn hành vi trộm cắp tài sản (không phải tội phạm) không được quy định trong BLHS mà được quy định tại các văn bản của các ngành luật khác.

Nếu xét về mặt hậu quả pháp lý thì có thể phân biệt tội trộm cắp tài sản là hành vi bị xử lý bằng biện pháp cưỡng chế là hình phạt còn hành vi trộm cắp tài sản ( không phải tội phạm) chỉ bị xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế khác không phải là hình phạt.

Tuy nhiên xét theo hai tiêu chí này không cho thấy sự khác biệt về tính chất giữa chúng và ít có ý nghĩa.

Sự phân biệt thể hiện một cách rõ ràng nhất sự khác nhau về tính chất giữa tội trộm cắp tài sản và hành vi trộm cắp tài sản và có ý nghĩa hơn cả là sự phân biệt dựa trên sự khác nhau về mức độ tính nguy hiểm cho xã hội.

Chính sự khác nhau về mức độ tính nguy hiểm cho xã hội quyết định sự khác biệt về hậu quả pháp lý và hình thức pháp lý quy định, từ đó mới lý giải được tại sao Nhà nước lại buộc kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự- là loại trách nhiệm pháp lý có tính nghiêm khắc hơn bất kỳ loại TNPL nào khác mà người vi phạm hành chính,dân sự... phải gánh chịu. Sự khác nhau về mức độ tính nguy hiểm cho xã hội là sự khác nhau về nội dung chính trị- xã hội giữa tội phạm tội trộm cắp tài sản với hành vi trộm cắp tài sản không phải tội phạm. Sở dĩ tội trộm cắp tài sản và hành vi trộm cắp tài sản có sự khác nhau về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội là do tuy chúng cùng xâm hại đến quan hệ sở hữu tài sản song thiệt hại gây ra,thủ đoạn thực hiện và tính chất có lỗi có sự thể hiện khác nhau. Dựa trên tất cả các yếu tố này, tội trộm cắp tài sản được coi là hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao,là đáng kể, còn hành vi trộm cắp tài sản có tính nguy hiểm hạn chế, không đáng kể. Nguy hiểm đáng kể hay không đáng kể chính là ranh giới để phân biệt tội trộm cắp tài sản với hành vi trộm cắp tài sản không phải tội phạm.

Khoản 1 Điều 138 bộ luật hình sự 1999 quy định: “ Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Như vậy theo quy định của bộ luật hình sự Việt Nam 1999, ranh giới đó là: tài sản có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

b) Ý nghĩa của việc phân biệt tội phạm tội trộm cắp tài sản với hành vi trộm cắp tài sản

Thứ nhất, là cơ sở để xác lập các loại TNPL, đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo pháp chế XHCN, đảm bảo quyền con người. 

Thứ hai, là cơ sở để Nhà nước sử dụng các biện pháp pháp lý khác nhau đấu tranh phòng chống tội trộm cắp tài sản và các hành vi trộm cắp tài sản, đảm bảo cuộc đấu tranh này đạt hiệu quả, đảm bảo cho pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Khi một người thực hiện một tội phạm, họ phải chịu sự xử lý bằng biện pháp hình sự. Khi đó bản thân người phạm tội nhận thấy sự phản ứng của xã hội, pháp luật phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của mình, nhận thấy ở pháp luật tính nghiêm khắc nhưng cũng có tính công bằng, từ đó sẽ có sự tự giác cải tạo giáo dục. Khi một người thực hiện một hành vi thực tế bị xác định nhầm là tội phạm và phải chịu sự xử lý của pháp luật hình sự thì họ sẽ chỉ thấy ở pháp luật sự nghiêm khắc, không thấy sự nghiêm minh,công bằng. Khi đó họ sẽ không tôn trọng pháp luật. mất niềm tin vào pháp luật. Ngược lại một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức đáng kể nhưng lại không bị xác định là tội phạm sẽ có thái độ coi thường, khinh nhờn pháp luật, người như vậy rõ ràng sẽ không tuân thủ pháp luật. Đối với những người khác- những người không vi phạm pháp luật thì việc sử dụng đúng pháp luật hình sự có tác động rất tích cực tới ý thức pháp luật của họ.

III.4- Câu hỏi thứ tư

Giả định rằng A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào tháng 12 năm 1999 thì tòa án sẽ áp dụng điều luật để xét xử A như sau: 

a) Trường hợp 1,Tòa án xét xử A vào thời điểm trước ngày 01-07-2000: 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 bộ luật hình sự thì “ Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”.

Tại điểm a, mục2, Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội quy định: “tất cả các điều khoản của BLHS được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 00 giờ 00 ngày 01/07/2000”. Như vậy, tất cả hành vi phạm tội được thực hiện từ 00 giờ 00 ngày 01/07/2000 mới được áp dụng BLHS năm 1999 để xử lý.

Mà hành vi phạm tội của A được thực hiện vào tháng 12 năm 1999 và được tòa án xét xử vào thời điểm trước khi bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành nên hành vi trộm cắp tài sản của A sẽ bị xử theo Điều 155 bộ luật hình sự 1985.

b) Trường hợp 2, Tòa án xét xử A vào thời điểm sau ngày 01- 07- 2000

Khoản 3, Điều 7 BLHS 1999 quy định: “ Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Mặt khác, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 155 BLHS 1985 về tội trộm cắp tài sản của công dân: 

 “ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm: 
...
c) chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.
...”.

nên hành vi phạm tội của A có thể bị xử ở mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù giam. Tuy nhiên, theo điểm e, khoản 2, Điều 138 BLHS 1999, A chỉ có thể bị xử ở mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù giam ( tức là ở mức hình phạt nhẹ hơn so với BLHS 1985 ). Chính vì vậy, căn cứ vào Khoản 3, Điều 7 BLHS 1999 và so sánh quy định hình phạt của hai BLHS Việt Nam 1985,1999 có thể khẳng định hành vi trộm cắp tài sản của A tuy được thực hiện vào tháng 12 năm 1999 ( trước thời điểm BLHS 1999 có hiệu lực thi hành) nhưng A vẫn được xử theo quy định của BLHS 1999.

IV. Thực trạng và giải pháp

IV.1- Tình hình tội phạm của tội trộm cắp tài sản

Từ năm 2000-2004, chỉ xét riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 11.725 người về tội trộm cắp tài sản. Những thống kê về đặc điểm nhân thân người phạm tội cho thấy số người phạm tội có tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm luôn ở mức cao, số người đã có tiền án tiền sự phạm tội và số người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp có chiều hướng gia tăng.

IV.2 – Nguyên nhân và điều kiện của tội trộm cắp tài sản

a) Nguyên nhân và điều kiện thuộc về kinh tế- xã hội: 

Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập người dân ngày càng được nâng lên nhưng việc phân phối của cải vật chất trong xã hội không đồng đều. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế- xã hội vào các thành phố lớn, thu nhập người dân giữa các vùng trong cả nước có sự chênh lệch nhau, tập trung nhiều vào các thành phố lớn, ngay trong các thành phố đã có sự phân hóa giàu nghèo. Sự phân hóa này đã làm cho nhiều người có cái nhìn tiêu cực đối với các hiện tượng xã hội, họ tìm mọi cách để kiếm tiền, trong đó có cả việc phạm tội. Những ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế thị trường đem lại như thất nghiệp, lạm phát.. là một trong những nguyên nhân khách quan làm cho số lượng người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Khi không có việc làm, thu nhập không ổn định, thời gian rảnh rỗi nhiều rất dễ làm cho họ sa vào những tệ nạn xã hội, từ đó đi vào con đường phạm tội, trong đó có tội trộm cắp tài sản.

b) Nguyên nhân thuộc về giáo dục, tuyên truyền pháp luật

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục ý thức pháp luật của các cơ quan chức năng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc tuyên truyền mới chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố, các khu đô thị nơi trình độ nhận thức của người dân tương đối cao, còn ở các địa phương công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Việc người dân không biết hoặc nhận thức không đầy đủ các quy định của pháp luật làm giảm tính tích cực của pháp luật, làm người dân thiếu tin tưởng vào pháp luật, dễ bị tác động xấu từ đó dễ dẫn đến con đường phạm tội.

c) Nguyên nhân thuộc về hoạt động xây dựng pháp luật

Hiện nay khi áp dụng pháp luật, các cơ quan pháp luật phải tổng hợp nhiều quy phạm nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn không nhỏ cho việc áp dụng pháp luật.

d) Nguyên nhân thuộc về quản lý nhà nước

Công tác quản lý về nhân khẩu hộ khẩu còn nhiều bấtcập, số lượng cán bộ chiến sĩ cảnh sát khu vực còn thiếu. Việc lập sổ sách theo dõi, phân loại, quản lý những đối tượng có tiền án tiền sự chưa được thực hiện một cách khoa học triệt để. Chưa phát huy được công tác huy động, động viên tất cả người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội trộm cắp tài sản.

e) Nguyên nhân có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử

Việc phát hiện xử lý tội phạm chưa kịp thời phần nào làm mất lòng tin của nhân dân, công tác quản lý- giáo dục phạm nhân còn rất nhiều yếu kém, còn nặng về mặt trừng trị.

IV.3 – Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội trộm cắp tài sản. 

a) Về kinh tế

Đảm bảo sự công bằng xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh mức lương cơ bản giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống, đồng thời có chính sách điều chỉnh phù hợp đối với hệ số lương trong các ngành. Nhà nước cũng cần có những biện pháp quản lý kinh tế hữu hiệu để hạn chế tốc độ lạm phát của nền kinh tế, có các biện pháp hợp lý sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao đời sống xã hội cho nhân dân.

Giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp.

b) Về tuyên truyền pháp luật

Phổ biến tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những thủ đoạn phạm tội trộm cắp tài sản chủ yếu, qua đó giúp người dân có ý thức cảnh giác, chủ động đấu tranh với tội phạm này. Thường xuyên tổng kết, kịp thời phát hiện những thủ đoạn phạm tội mới. Mở các phiên tòa xét xử lưu động các vụ phạm tội trộm cắp tài sản để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật.

c) Về xây dựng pháp luật

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh phòng chống tội trộm cắp tài sản.

d) Về quản lý nhà nước

Cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhân khẩu, tăng cường số lượng cán bộ làm công tác quản lý nhân khẩu trên từng địa bàn.

Quản lý số lượng đối tượng thất nghiệp, có tiền án tiền sự trên các địa bàn, phải giám sát để kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi vấn, tạo điều kiện cho họ kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Đấu tranh chống những tệ nạn xã hội có ảnh hưởng đến sự gia tăng tình hình phạm tội trộm cắp tài sản như: cờ bạc, nghiện hút, rượu chè...

e) Về công tác điều tra, truy tố, xét xử

Phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm xảy ra; việc điều tra, truy tố, xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nâng cao chất lượng cải tạo, giáo dục phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam...

C/ Kết thúc vấn đề

Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội trộm cắp tài sản trên phạm vi cả nước, việc nghiên cứu vấn đề lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm này có ý nghĩa hết sức thiết thực.


Đề tài này đã giúp chúng ta xác định được tội trộm cắp tài sản nói riêng và tội phạm nói chung, trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tội trộm cắp tài sản của nhà nước ta hiện nay.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment