21/11/2014
Nhận xét về nhóm tội Thập ác - Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam
I.  MỞ ĐẦU


Quốc triều hình luật (tức bộ luật Hồng Đức) và Hoàng Việt Luật lệ đều là những bộ luật tiến bộ của pháp luật phong kiến Việt Nam. Bộ luật này thể hiện tính nhân đạo qua chế độ bát nghị, cho chuộc tội bằng tiền, đặc xá, đại xá. Thế nhưng có một nhóm tội phạm nguy hiểm không được hưởng chế độ nhân đạo này, mà ta thường nghe nhắc đến “ Thập ác bất xá”. Vậy nhóm tội thập ác là gì? Nó được quy định như thế nào trong pháp luật phong kiến Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này, em xin được chọn phân tích đề tài: “ Nhận xét về nhóm tội Thập ác”. Do bài viết của em còn mang yếu tố chủ quan với nhiều hạn chế thiếu sót vì vậy em kính mong nhận được sự sửa chữa góp ý của thầy cô để bài viết được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn !


II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

1. Định nghĩa cơ sở pháp lý về nhóm tội thập ác.

Tội thập ác là những tội xâm hại đến vương quyền của nhà vua, đến trật tự xã hội của Nho giáo. Bởi vậy, dưới cái nhìn của nhà làm luật phong kiến, thập ác là những trọng tội nguy hiểm nhất, và luôn đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc và tàn bạo nhất: " Những kẻ mưu làm phản, mưu làm việc đại nghịch thì xử tội chém bêu đầu, kẻ tòng phạm và thân đảng biết việc ấy đều phải tội chém, vợ con điền sản đều bị tịch thu làm của công... " [ Điều 411 Quốc triều hình luật ]. Do đặc điểm này mà pháp luật phong kiến quy định các tội thập ác không được hưởng nghị giảm theo chế độ bát nghị, không được chuộc tội bằng tiền, không được hưởng chế độ đặc xá, đại xá…

Nhóm tội thập ác bao gồm: 1) Mưu phản: làm hại đến xã tắc; 2) Mưu nghịch: phá hoại tôn miếu, sơn lăng, cung thất; 3) Mưu loạn: phản nước theo giặc; 4) Ác nghịch: đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ, chú bác, cô thím, anh chị em, ông bà ngoại, ông bà, cha mẹ chồng; 5) Bất đạo: giết người vô tội; giết người chặt thây ra từng mảnh, bỏ thuốc độc, bùa mê; 6) Đại bất kính: ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, đồ vua thường dùng, làm giả ấn của vua, chế thuốc để vua dùng không theo đúng cách thức, dâng vua những món ăn cấm, không bảo quản và giữ gìn thuyền của vua dùng, chỉ trích vua, không đối xử lễ độ đối với sứ giả của vua; 7) Bất hiếu: tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời dạy bảo, nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ, lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường. Nghe thấy tin ông bà, cha mẹ mất mà giấu không để tang, nói dối là ông bà, cha mẹ chưa mất; 8) Bất mục: giết hay đem bán những người thân thuộc gần; 9) Bất nghĩa: giết quan bản phủ và các quan đương tại nhiệm, giết thầy học, nghe tin chồng mất mà không để tang, vui chơi ăn mặc như thường; 10) Nội loạn: gian dâm với người trong họ, nàng hầu của ông cha. 

2. Nguồn gốc nhóm tội thập ác.

Nhóm tội thập ác có nguồn gốc từ pháp luật trung quốc, được đặt ra từ thời nhà Tề (479-502), được quy định rõ trong luật nhà Tùy, luật nhà Đường quy định đầy đủ và các đời sau giữ nguyên nhóm tội này. Thập ác là nhóm trọng tội trong pháp luật phong kiến Việt Nam, được quy định trong hai bộ luật Quốc triều hình luật và Hoàng việt luật lệ.

3.   Nhận xét về đặc điểm , tính chất về nhóm tội thập ác.

Thứ nhất, nhóm tội thập ác là những hành vi có tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt trong chế đọ phong kiến việt nam, đó là sự an toàn của triều đại, các đặc quyền của vua, một số quyền nhân thân của con người và một loạt các truyền thống đạo đức đã được thừa nhận rộng rãi trong xã hội phong kiến phương đông nói chung và xã hội phong  kiến việt nam nói riêng, như quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, con cháu,…

Thứ hai, nhóm tội thập ác bị coi là tội phạm và bị trừng trị bằng những hình phạt nghiên khắc nhất( tử hình) không chỉ khi tội phạm đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội màm ngay  từ khi “ biểu lộ ý định phạm tội”, ví dụ tội mưu phản, đại nghịch, giết người…

Thứ ba, không chỉ những hành vi xâm phạm đến sự tồn vong của quốc gia, của triều đại cầm quyền mà cả những hành vi xâm phạm đến một số quyền nhân thân của con người, xâm phạm nghiên trọng đến các truyền thống đạo đức theo quan điểm Nho giáo thời bấy giờ như bất hiếu, bất nghĩa,.. cũng được xếp vào mười tội thập ác.

Thứ tư, người phạm tội trong mười tội ác ngoài việc phải chịu các hình phạt nghiên khắc nhất, còn phải chịu một loạt hạn chế bất lợi như không được hưởng những chế độ bát nghị, không được chuộc tội, không được miễn chịu hình phạt khi có ân xá hoặc khi người phạm tội tự thú.

4. Nhận xét về mục đích.

Từ xưa, các vua lên ngôi đều tuyên bố mình nhận “thiên mệnh” để thế thiên hành đạo. Tư tưởng chủ thần quyền đã khẳng định tính thiêng liêng của vương vị và vương quyền khiến quần chúng và quần thần phải  hết sức tôn sùng. Đó là sự bảo đảm cho tính lâu dài, bất khả xâm phạm của vương vị, vương quyền. Điều này thể hiện qua các bộ luật, những ai xâm phạm đến vương vị, vương quyền của vua đều phải gánh trọng tội, trọng đó Đại bất kính trong nhóm tội thập ác.: ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, đồ vua thường dùng, làm giả ấn của vua, chế thuốc để vua dùng không theo đúng cách thức, dâng vua những món ăn cấm, không bảo quản và giữ gìn thuyền của vua dùng, chỉ trích vua, không đối xử lễ độ đối với sứ giả của vua.

Trong Hoàng triều luật lệ, quan niệm đất nước là của vua, thần dân là của vua vì vậy nhóm tội thập ác được đưa ra nhằm răn đe những tội gây nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến chính quyền, sự thống trị của nhà vua bị coi là những tội đặc biệt nguy hiểm, giống như quan điểm hiện nay về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Trong gia đình, đạo của con em đối với cha anh là hiếu đễ, đạo của vợ chồng đối với nhau là tiết nghĩa, tam tòng. Vì vậy những tội như bất hiếu, bất đạo, ác nghịch được xét vào nười tội thập ác, nhằm chủ yếu đề cao đạo hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, đề cao địa vị và quyền của người chồng đối với người vợ, của các thân thuộc bề trên đối với bề dưới, củng cố trật tự gia đình gia trưởng phong kiến.

Nhóm tội thập ác còn trừng trị những kẻ ương nghạnh ngỗ ngược, không theo giáo hóa, không giữ lễ của kẻ bề tôi. Những quy định này đã biến những phong tục tập quán, lễ nghi , chuẩn mực đạo đức nho giáo thành phép nước , góp phần định hướng hành vi của dân chúng, ổn định trật tự xã hội.

5.   Thập ác tội thể hiện tư tưởng  đức trị và pháp trị.

Đức trị coi lễ là biện pháp chủ yếu để cai trị và giáo hóa dân chúng. Theo nghĩa rộng thì lễ được sử dụng nhằm 4 mục đích, trong đó nhóm tội thập ác thể hiện rõ mục đích thiết lập tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội, trong quốc gia, giữa cha con, vợ chồng, anh em, vua tôi. Xét đến cùng, trong chế độ phong kiến, lễ và pháp cùng nhằm điểu chỉnh hành vi của con người theo hướng thiết lập một trật tự có lợi cho giai cấp thống trị. Như vậy lễ chính là quy tắc hóa những chuẩn mực đạo đức trong gia đình, trong xã hội, làm cho dân giữ được lề lối, bảo vệ nền tảng đạo đức làm cơ sở cho trật tự phong kiến trong gia đình và xã hội. Vì  vậy, lễ nghi nho giáo được thể chế thành nhiều quy định trong các bộ luật, Quốc triều hình luật và Hoàng việt luật lệ. Trong đó có nhóm tội thập ác nhằm quy định và trừng phạt nghiêm khắc những tội đặc  biệt nguy hiểm.

III.  KẾT LUẬN

Bất kì một quốc gia đang phát triển theo con đường hội nhập quốc tế nào cũng phải đối mặt với tình trạng gia tăng nhanh chóng về tệ nạn xã hội và các loại tội phạm, và nó đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của nhà nước để kịp thời ngăn chặn ngay khi nó còn trong trứng nước, điều đó càng khiến cho tầm quan trọng và yêu cầu đối với pháp luật ngày càng cao. Đối với pháp luật Việt Nam hiện nay,quan niệm về tội phạm và cách phân loại tội phạm luôn là một trong những điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong pháp luật hình sự - một trong những ngành luật quan trọng nhất bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó nhu cầu nghiên cứu, sửa đổi luật pháp cho phù hợp với tình hình đất nước đang trên bước đường hội nhập đi lên là một nhu cầu cần thiết. Một trong những phương pháp nghiên cứu sửa đổi tốt nhất đối với pháp luật chính là nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm lập pháp cổ xưa của ông cha ta, từ đó rút ra những nét đặc sắc riêng để áp dụng đối với pháp luật hiện hành.

DANH MỤC  TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Giáo trình lịch sử và pháp luật việt nam, Trường ĐH Luật Hà Nội,NXB.
2. TS.Lê thị sơn, Quốc triều hình luật, NXB khoa học xã hội.2004.
3. TS. Trương quang vinh, Tội phạm và hình phạt trong Hoàng việt luật lệ, NXB tư pháp, 2008.
4. Trung tâm khóa học xã hội và nhân văn quốc gia viện nhà nước và pháp luật, Nghiên cứu về hệ thống PHÁP LUẬT VIỆT NAM thế kỷ xv- thế kỷ XVIII.NXB khoa học xã hội, 1994.
5. http://tailieuhay.com/chi-tiet-tai-lieu/bai-tap-hoc-ky-lsnnplvn-phan-tich-nhom-toi-thap-ac/17488/5.html.
6. http://danluat.thuvienphapluat.vn/cac-cach-phan-loai-toi-pham-trong-cac-bo-luat-phong-kien-viet-nam-y-nghia-cua-viec-phan-loai-toi-pham-trong-5411.aspx.
7. http://tailieu.vn/tag/tailieu/l%E1%BB%8Bch%20s%E1%BB%AD%20nh%C3%A0%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc.html

No comments:

Post a Comment