29/09/2014
Phân tích cơ sở thiết lập hình thức chính thể nhà nước quân chủ quí tộc ở Trung Quốc thời Tây Chu - 9 điểm
Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.

LỜI MỞ ĐẦU

Trung Quốc là một trong bốn trung tâm văn minh lớn của phương Đông cổ đại. Lịch sử thế giới cổ đại của Trung Quốc kéo dài gần 2000 năm, bắt đầu từ triều Hạ. Trung Quốc thời cổ đại, dù có thời kì bị phân thành nhiều quốc gia, thì các nước đó đều là các nước quân chủ. Nhằm góp phần làm rõ và đem lại nhưng hiểu biết sâu sắc hơn về hình thức chính thể của các nhà nước cổ đại ở Trung Quốc, em xin lựa chọn đề tài “Phân tích cơ sở thiết lập hình thức chính thể nhà nước quân chủ quí tộc ở Trung Quốc thời Tây Chu”.

Đây là lần đầu tiên làm bài tập lớn học kì, do điều kiện thời gian cũng như trình độ am hiểu về vấn đề này còn hạn chế, nên bài viết chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em kính mong nhận dược những ý kiến phê bình, đánh giá của các thầy cô giáo để đề tài này được hoàn thiện hơn và đem lại những kinh nghiệm quý báu cho em trong những lần viết sau. Em cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn đã giảng giải trong các tiết học và trong các giờ tư vấn để giúp em hoàn thành tốt bài tập này.

BÀI LÀM

1. Lược sử triều đại Tây Chu (khoảng năm 1066 – 771 TCN).

Chu là một bộ lạc cư trú ở thượng lưu sông Hoàng Hà (vùng Thiểm Tây, Cam Túc ngày nay). Tương truyền thuỷ tổ của tộc Chu là Khí, vì trồng lúa giỏi nên được gọi là Hậu Tắc và được tôn làm thần nông nghiệp. Đến cháu mười hai đời của Khí là Cổ Công Đản Phụ, sự phân hoá giàu nghèảutong bộ lạc Chu đã biểu hiện rất rõ rệt. Vì bị người Nhung lấn chiếm, Cổ Đông Đản Phụ phải dời bộ lạc mình từ đất Mân về Thiểm Tây và định cư ở cánh đồng Chu. Tại đây, tộc Chu làm nhà cửa, xây thành quách, đặt quan lại. Những cuộc chiến tranh với bộ lạc xung quanh đem lại cho tộc Chu nhiều chiến lợi phẩm và nô lệ càng đẩy nhanh sự phân hoá giai cấp trong bộ tộc Chu. Đến thời cháu của Cổ Đông Đản Phụ tên là Xương thì nước Chu chính thức được thành lập, Xương chính là Văn Vương. Văn Vương không ngừng củng cố và phát triển thế lực của mình, phạm vi thống trị mở rộng đến vùng Trường Giang, trong khi đó nước Thương đang ngày càng suy yếu. Sau khi Văn Vương mất được bốn năm, người nối ngôi là Vũ Vương đem quân tiến đánh nước Thương, nhà Thương diệt vong, vua Trụ nhà Thương hết đường trốn chạy, phải tự tử. Để mua chuộc quý tộc và cư dân vùng mới bị chinh phục, Vũ Vương phong cho con Trụ là Vũ Canh một vùng đất cũ của nước Thương và phong cho ba con mình là Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc vùng đất bên cạnh để giám sát. Sau đó Vũ Vương rút về Cảo Kinh ở phía tây, vì vậy thời kì nhà Chu đóng đô ở đây gọi là Tây Chu.

2. Cơ sở kinh tế cho việc thiết lập chính thể quân chủ quý tộc.

a) Các ngành kinh tế.

Nhờ tích luỹ kinh nghiệm lâu đời, nhờ việc quy hoạch đồng ruộng gắn liền với hệ thống nước tưới, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển đáng kể. Trên cơ sở ấy, giai cấp thống trị đã thu được nhiều lương thực chất đầy các kho. Phân tích tình hình ấy, bài Phú điền trong kinh thi có đoạn:

Thóc của cháu vua

Cao như nóc nhà

Kho của cháu vua

Như gò như núi.

Về thủ công nghiệp, nghề đúc đồng thau và các nghề làm đồ gốm, đồ đá, đồ ngọc, xương da, gỗ, nghề dệt… đều đạt đến trình độ khá cao. Ở Tây Chu, những nghề thủ công quan trọng đều do nhà nước trực tiếp quản lí. Thợ thủ công làm việc trong các nghề đó đều phụ thuộc vào nhà nước. Tuy nền kinh tế Tây Chu lúc bấy giờ mang nặng tính chất tự nhiên, những nhu cầu trong đời sống hàng ngày của nhân dân đều dựa vào kinh tế tự cấp tự túc, nhưng để phục vụ cho đời sống giai cấp quý tộc, việc trao đổi mua bán cũng đã diễn ra trong phạm vi cả nước. Nhiều loại hải sản hoặc các sản phẩm thủ công sản xuất ở hạ lưu Trường Giang được tiêu thụ tận vùng trung lưu Hoàng Hà. Tuy tiền tệ đã được sử dụng nhưng hiện tượng lấy vật đổi vật còn rất phổ biến. Có một tài liệu thời Tây Chu cho biết lúc bấy giờ người ta đã dùng nô lệ để đổi lấy ngựa và tơ.

b) Chế độ ruộng đất.

Thời Tây Chu, hầu hêt ruộng đất trong cả nước thuộc về sở hữu của nhà vua, công xã nông thôn tồn tại bền vững và được quyền sở hữu thực tế ruộng đất của vua, việc phân phong đất cho quý tộc và việc chia ruộng cho nông dân đã trở thành chế độ rất hoàn chỉnh. Sau khi chinh phục được nước Thương và các bộ tộc nhỏ khác, tất cả đất đai trong nước đều thuộc quyền sở hữu của vua Chu. Đó là cơ sở và tiềm lực kinh tế của chế độ quân chủ. Trong Kinh thi, bài Bắc Sơn có câu:

Ở dưới gầm trời

Đâu cũng đất vua

Khắp trên mặt đất

Ai cũng dân vua.

Do quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, nên ruộng đất không được mua bán. Ngoài vùng xung quanh kinh đô mà vua Chu giữ lại cho mình, gọi là Vương kì, đất đai trong cả nước được phân phong cho anh em, bà con và các công thần của nhà vua. Khi phong đất còn kèm theo phong chức tước. Tuỳ theo bà con thân hay sơ, công lao lớn hay nhỏ mà được phong đất rộng hay hẹp, gần hay xa và tước cao hay thấp. Vua Tương Vương thời Đông Chu nói: “Ngày xưa tiên vương của ta có cả thiên hạ, giữ lại một vùng đất vuông, mỗi bề ngàn dặm để làm điện phục… Ngoài ra, đếm chia cho Công, Hầu, Bá, Tử, Nam làm cho mọi người có nhà cửa, để thuận với trời đất, không gặp phải tai nạn”.

Những người được phong đất và tước trở thành các vua chư hầu của nhà Chu. Vua chư hầu tuy không có quyền sở hữu hoàn toàn về đất được phong nhưng được truyền lại cho con cháu. Đối với vua Chu, vua các nước chư hầu có nghĩa vụ hàng năm phải đến chầu, nộp cống, ngoài ra còn phải đem quân đội đến giúp mỗi khi có chiến sự xảy ra. Nếu không thi hành đúng những nghĩa vụ đó, thì tuỳ theo mức độ mà bị giáng chức tước, bị thu hồi đất phong hoặc bị đem quân đến để tiêu diệt.

Ruộng đất trong Vương kì và trong các nước chư hầu lại đem phong cho các quý tộc quan lại của triều đình nhà Chu và triều đình các nước chư hầu gọi là khanh, đại phu. Khanh, đại phu lại chia thái ấp cho những người giúp việc của mình gọi là sĩ. Khanh, đại phu và sĩ được hưởng số thuế của phần ruộng đất được chia, nhưng khi thôi việc, phải trả lại số ruộng đất ấy. Cuối cùng, trong các làng xã, ruộng đất được chia cho nông dân để cày cấy. Mỗi hộ nông dân được chia một mảnh ruộng rộng 100 mẫu (bằng khoảng 2ha) gọi là một điền. Tỉnh điền là chế độ phân phối ruộng công ở Trung Quốc cổ đại.

3. Cơ sở chính trị - xã hội cho việc thiết lập chính thể quân chủ quý tộc.Hạ

Thời Tây Chu trong xã hội có ba giai cấp là quý tộc, nông dân và nô lệ.

Đứng đầu giai cấp quý tộc là vua bắt đầu từ đời Chu được gọi là Vương, là Thiên tử. Vua Chu có quyền rất lớn về hành chính và tư pháp. Ý chí của vua là pháp lệnh. Hơn nữa, với danh hiệu Thiên tử, vua Chu còn mượn cả uy trời để cai trị nhân dân. Vua Chu cũng là người có quyền sở hữu cao nhất về ruộng đất trong cả nước và do đó có quyền phân phong ruộng đất cho con em và công nhân. Dưới Thiên tử là các vua chư hầu. Đó là những ông vua ở các địa phương với các danh hiệu Công, Hầu, Bá… các vua chư hầu có toàn quyền cai trị vương quốc của mình nhưng có nghĩa vụ phục tùng và triều cống Thiên tử.

Dưới vua, chư hầu là các quan lại lớn nhỏ được gọi là khanh, đại phu, sĩ. Họ giữ các chức vụ trong triều đình nhà Chu và ở các nước chư hầu. Về kinh tế, tuy họ không có quyền sở hữu ruộng đất nhưng có quyền hưởng nguồn thuế khoá trên đất đai được phong. Theo sách Quốc ngữ, khanh của nước lớn có ruộng một lữ (khoảng 1000ha), thượng đại phu có ruộng một tốt (khoảng 200ha). Qua đó có thể thấy số tô thuế họ thu được cũng đáng kể. Để bảo vệ địa vị của vua và giai cấp thống trị, bộ máy bạo lực bao gồm hệ thống quan lại, quân đội, nhà tù… được thiết lập và từng bước được tăng cường.

Nông dân là giai cấp đông đảo nhất và là lực lượng giữ vai trò quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, là những người cày cấy ruộng “tỉnh điền”. Họ sống trong các làng xã mà ở đó từ xưa đã lập thành những công xã nông thôn. Những người có chức trách trong công xã định kì (thường là ba năm một lần) phải tiến hành chia lại ruộng đất cho các hộ nông dân để “đất màu mỡ không được hưởng một mình, đất cằn cỗi không phải chịu mọt mình”. Khi nhận phần ruộng mới thì đồng thời họ cũng đổi cả nhà. Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, nông dân còn làm một số nghề phụ khác như chăn tằm, dệt lụa kéo sợi, dệt vải… Mặc dù nông dân được coi là “dân của vua” tức là dân tự do, nhưng bị áp bức bóc lột nặng nề. Nhận một trăm mẫu ruộng công nằm trong lãnh địa của quý tộc, nông dân phải nộp thuế bằng khoảng 1/10 thu hoạch. Ngoài ra họ còn phải nộp các khoản thuế phụ khác như lụa, da, thú săn… và phải làm tạp dịch như xây dựng dinh thự, thành quách, cầu đường. Đời sống của họ rất cực khổ.

Giai cấp có địa vị thấp kém nhất là nô lệ. Nguồn nô lệ chính là tù binh, ngoài ra còn một số người đồng tộc bị biến thành nô lệ do phá sản hoặc phạm tội. Công việc chủ yếu của nô lệ là hầu hạ và làm các công việc trong gia đình. Có một số được làm việc trong các xưởng thủ công và tổ chức buôn bán của nhà nước. Nô lệ thường bị thích chữ vào mặt và bị coi như hàng hoá để đổi chác và mua bán.

Như vậy, hệ thống quan lại của Tây Chu được hình thành, củng cố theo chế độ tông pháp (quan hệ tông tộc) và chế độ cha truyền con nối (quan hệ thế tập). Hầu hết các chức vụ quan trọng từ triều đình đến địa phương đều do những người thuộc họ hàng nhà vua nắm giữ. Phẩm tước cao hay thấp là phụ thuộc vào quan hệ thân tộc gần hay xa. Do đó có thể nói đây là chính thể quân chủ chuyên chế quý tộc (chủ nô).

4. Kết luận.

Suốt 2000 năm lịch sử cổ đại, nhà Tây Chu cũng như các triều đại Trung Quốc đều thiết lập hình thức chính thể quân chủ chuyên chế quý tộc, đó là điểm đặc biệt của nhà nước Trung Quốc cổ đại. Những cơ sở về kinh tế, chính trị, xã hội là những điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của hình thức chính thể ấy.

No comments:

Post a Comment