16/01/2015
Tại sao lại có hiện tượng xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế - Bài tập cá nhân Tư pháp quốc tế
Mỗi quốc gia đều tự xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật riêng nhằm khẳng định chủ quyền cũng như bảo vệ quyền lợi cho công dân nước mình..  Tuy nhiên, giữa các hệ thống pháp luật này luôn có sự khác nhau, thậm trí là trái ngược nhau do nhiều nguyên nhân. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, ít hay nhiều các quốc gia sẽ xích lại gần nhau để cùng hợp tác và phát triển . Ở đó, xung đột pháp luật xảy ra khi hai hay nhiều HTPL đồng thời đều có thể áp dụng đề điều chỉnh một QHPL nào đó. Trong phạm vi bài viết này, em xin làm rõ vấn đề: “Tại sao lại có hiện tượng xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế ?”.

II. NỘI DUNG

1, Khái niệm xung đột pháp luật trong TPQT

Hiện tượng pháp luật của hai hay nhiều nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài được gọi là hiện tượng xung đột pháp luật.

2.  Nguyên nhân làm phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật:


Quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài không được điều chỉnh bằng quy phạm thực chất thống nhất. 


Việc xây dựng và hình thành các quy phạm thực chất thống nhất của các quốc gia khác nhau là rất cần thiết, nó làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu sự khác biệt trong luật pháp của các quốc gia và có tính chất đơn giản hóa và hữu hiệu hóa trong điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế. Trong những trường hợp nhất định nếu cứ áp dụng luật trong nước để điều chỉnh thì rất khó giải quyết và thậm chí có trường hợp không thể giải quyết nổi, trong khí đó các điều ước quốc tế mà trong đó có các quy phạm thực chất thống nhất, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng như các bên tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế sẽ chiếu theo đó để xem xét và giải quyết thực chất vấn đề trên cơ sở áp dụng ngay các quy phạm đó. Nó cũng loại trừ việc phải chọn luật và áp dụng luật nước ngoài nữa, mà áp dụng ngay các quy phạm điều ước đó. 

Có thể nói, quy phạm thực chất đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế những xung đột pháp luật giữa các nước, nó là căn cứ pháp lý chung để các quốc gia làm căn cứ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, khi các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài không được điều chỉnh bằng quy phạm thực chất sẽ dẫn đến những xung đột pháp luật giữa các quốc gia.

Có sự khác nhau về nội dung trong pháp luật của các nước; hoặc có sự khác nhau trong việc giải thích và áp dụng những quy định giống nhau về mặt hình thức. 

Sự phát triển về mặt kinh tế, chính trị, xã hội tạo ra những khác biệt trong quy định của pháp luật các nước, hay nói cách khác chính những sự khác biệt này các quốc gia sẽ phải xây dựng cho mình hệ thống pháp luật phù hợp với những quan hệ đó nhằm điều chỉnh xã hội. Ví dụ: tuổi kết hôn, theo luật pháp Việt Nam là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên thì mới có quyền kết hôn. Trong khi tại Pháp độ tuổi này là 18 không phân biệt nam hay nữ. Như vậy nếu một công dân nam Việt Nam 19 tuổi muốn kết hôn cùng 1 công dân nữ Pháp 18 tuổi, họ có thể đăng ký kết hôn tại Pháp, nhưng khi có tranh chấp phát sinh trong quan hệ hôn nhân diễn ra tại Việt Nam thì mối quan hệ hôn nhân này có thể không được toà án Việt Nam công nhận. Trong ví dụ trên, mặc dù cùng điều chỉnh nhóm quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân nhưng giữa pháp luật Việt nam và Pháp về tuổi kết hôn, nhưng nội dung trong quy định lại có sự khác nhau trong việc xác định độ tuổi có quyền kết hôn. Có thể nói, mặc dù cùng điều chỉnh chung một vấn đề nhưng nội dung trong pháp luật của các nước có quy định khác nhau, chính điều này đã tạo nên xung đột pháp luật giữa các nước.

Một trong những nguyên nhân khác gây nên xung đột pháp luật giữa các quốc gia đó là sự khác nhau trong việc giải thích và áp dụng những quy định giống nhau về mặt hình thức. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, sự giao lưu giữa các quốc gia trong khu vực cũng như hội nhập quốc tế giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển, các nước có sự hợp tác về nhiều lĩnh vực khác nhau điều này giúp các nước giao lưu, học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm, những tiến bộ về tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Do vậy, mặc dù có sự khác nhau về những yếu tố nội dung nhưng do tiếp thu những tiến bộ của kĩ thuật lập pháp giữa các nước vẫn có những quy định giống nhau về mặt hình thức. Tuy nhiên, trong việc giải thích và áp dụng luật các nước lại có những quan điểm, cách thức khác nhau trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Chính những yếu tố này đã tạo nên xung đột pháp luật giữa các nước trong việc giải quyết các vấn đề trong Tư pháp quốc tế.

Do sự khác biệt giữa các nước về kinh tế, chính trị, xã hội: theo quan điểm của triết học Mác – Leenin, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, kiến trúc thượng tầng có sự tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Do đó, đối với mỗi quốc gia sự phát triển kinh tế là khác nhau chính vì vậy dẫn đến các yếu tố về hệ thống pháp luật, chính trị là khác nhau; các nước đều có những quan điểm về chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo... là khác nhau do đó cũng có sự khác biệt trong sự vận động của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế phát triển kéo theo cả một hệ thống pháp luật được xây dựng hoàn thiện, phát triền và ngược lại nếu nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển thì hệ thống pháp luật cũng có những yếu kém, hạn chế nhất định. sự dung hòa trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ tư pháp quốc tế có thể được giải quyết nếu các nước có sự phát triển tương đương về mặt kinh tế, xã hội. Chính những sự khác biệt về kinh tế, chính trị, xã hội đã tạo ra một rào cản trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết chung một vấn đề phát sinh giữa các nước.

III. KẾT LUẬN

Sự hợp tác quốc tế về mọi mặt giữa các quốc gia là hiện thực tất yếu khách quan trong mọi thời đại, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Tìm hiêủ về nguyên nhân xảy ra xung đột góp phần lựa phương pháp giải quyết phù hợp. Việt Nam, một quốc gia đang trên đà phát triển cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xét về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, TPQT ở các quốc gia khác nhau còn có nhiều sự khác biệt, điều này tạo ra những rào cản, hạn chế sự giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia. Do đó, TPQT Việt Nam cần không ngừng củng cố và hoàn thiện hơn nữa, nhất là với việc xây dựng ra một phương pháp giải quyết XĐPL khách quan, hợp lý. 

No comments:

Post a Comment