16/01/2015
Chứng minh rằng quy phạm pháp luật xung đột là quy phạm đặc thù của tư pháp quốc tế - Bài tập cá nhân Tư pháp quốc tế
Mỗi quốc gia đều tự xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật riêng nhằm khẳng định chủ quyền cũng như bảo vệ quyền lợi cho công dân nước mình. Giữa các hệ thống pháp luật này luôn có sự khác nhau, thậm trí là trái ngược nhau do những nguyên nhân về điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội hay hoàn cảnh địa lý. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, ít hay nhiều các quốc gia sẽ xích lại gần nhau để cùng hợp tác và phát triển. Khi đó, xung đột pháp luật xảy ra khi hai hay nhiều hệ thống pháp luật đồng thời đều có thể áp dụng đề điều chỉnh một quan hệ pháp luật nào đó và giữa các hệ thống pháp luật này có sự khác biệt về các qui định cụ thể khi giải quyết cùng 1 vấn đề pháp lý. Hiện tượng xung đột pháp luật này diễn ra phổ biến trong hầu hết các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. Do vậy, cần có các quy phạm pháp luật phù hợp điều chỉnh khi xảy ra xung đột, và quy phạm pháp luật xung đột là một trong những loại quy phạm đó


I, Khái niệm quy phạm pháp luật xung đột

Quy phạm pháp luật xung đột là quy phạm ấn định luật pháp nước nào cần phải áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài trong một tình huống thực tế.

Như vậy, quy phạm pháp luật xung đột không trực tiếp giải quyết quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, nó chỉ ấn định luật nước nào sẽ luật được áp dụng để giải quyết. Có thể nói quy phạm pháp luật xung đột luôn mang tính chất “ dẫn chiếu”.VD: Khoản 3 Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000: Ly hôn có yếu tố nước ngoài: “…3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó…”

Điều 33 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Bungari: “ Quyền thừa kế  động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người để lại tài sản là công dân khi chết, Quyền thừa kế về bất động sản được xác định theo pháp luật nơi có bất động sản”

II, Quy phạm pháp luật xung đột là quy phạm đặc thù của tư pháp quốc tế

Sở dĩ nói quy phạm pháp luật xung đột là quy phạm đặc thù của tư pháp quốc tế bởi:

Quy phạm xung đột pháp luật điều chỉnh cấc xung đột pháp luật chỉ xảy ra trong quan hệ dân sự ( theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài còn trong các lĩnh vực quan hệ pháp luật khác như quan hệ pháp luật Hình sự, Hành chính,.. không xảy ra xung đột pháp luật, vì:

Luật Hành chính, luật Hình sự không có các quy phạm pháp luật xung đột và không cho phép áp dụng luật nước ngoài

Luật Hành chính, Luật Hình sự mang tính lãnh thổ rất nghiêm ngặt ( quyền tài phán công có tính lãnh thổ chặt chẽ)

Có thể thấy, trong các ngành luật khác, khi các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của chúng phát sinh, không có hiện tượng hai, hay nhiều hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh một quan hệ xã hội, cũng không có trường hợp lựa chọn luật để áp dụng vì các quy phạm pháp luật của ngành luật đó mang tính tuyệt đối về mặt lãnh thổ.

Chỉ có trong các quan hệ pháp luật của Tư pháp quốc tế, do đặc thù của Tư pháp quốc tế là điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, mới nảy sinh hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh một quan hệ pháp luật – xảy ra xung đột pháp luật - và làm nảy sinh vấn đề chọn luật áp dụng khi không có quy phạm thực chất thống nhất. Chính vì vậy có thể nói chỉ ở Tư pháp quốc tế, mới có các quy phạm pháp luật xung đột  -  quy phạm mang tính đặc thù để giải quyết xung đột pháp luật.

No comments:

Post a Comment