08/07/2014
Bài tập cá nhân Luật Tố tụng hình sự - Bài tập bán trắc nghiệm đề 4
Bài tập bán trắc nghiệm Luật Tố tụng hình sự có đáp án.

Đề bài số 4: Những khẳng định sau đúng hay sai, tại sao?

a. Trong mọi trường hợp, biện pháp tạm giam không áp dụng đối với phụ nữ có thai.
b. Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là vấn đề bắt buộc phải chứng minh trong tất cả các vụ án hình sự.

Bài làm

a) Trong mọi trường hợp, biện pháp tạm giam không áp dụng đối với phụ nữ có thai.

Khẳng định trên là sai. Vì pháp luật có quy định trường hợp là phụ nữ có thai vẫn bị áp dụng biện pháp tạm giam trong những trường hợp đặc biệt, căn cứ vào khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

Vì những trường hợp bị can, bị cáo là phụ nữ có thai nhưng không thể không áp dụng biện pháp tạm giam, cụ thể:


Bị can, bị cáo là người không có nơi cư trú rõ ràng, việc không tạm giam đối với họ có thể dẫn đến việc không giám sát được bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có thể di chuyển đi nơi khác gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử;

Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; 

Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai được áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; Nếu không áp dụng biện pháp tạm giam thì bị can, bị cáo vẫn có thể đe dọa, khống chế, mua chuộc người làm chứng, người bị hại, sử dụng thời gian bất minh, đi lại gặp gỡ bọn tội phạm. Hoặc bị can, bị cáo có thể tiêu hủy chứng cứ, làm giả hiện trường, thông đồng với đồng bọn về những lời khai gian dối, mua chuộc, khống chế người làm chứng, người bị hại hoặc các hình thức khác;

Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai nhưng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Đối với những trường hợp trên, biện pháp tạm giam là rất cần thiết để đảm bảo tội phạm không thể tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội, cũng như cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trốn tránh trách nhiệm chịu hình phạt.

b) Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là vấn đề bắt buộc phải chứng minh trong tất cả các vụ án hình sự.

Khẳng định trên là đúng. Vì những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những đối tượng mà cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chứng minh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.


Vì việc chứng minh các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo có ý nghĩa rất lớn cho việc giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án hình sự. Góp phần làm sáng tỏ các hành vi phạm tội đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Nếu như việc chứng minh những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo không phải là vấn đề bắt buộc sẽ dẫn đến các tình tiết của vụ án sẽ không được làm rõ hết, tội phạm không được chứng minh đầy đủ dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu toàn diện, thiếu chính xác. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm cũng như làm oan người vô tội.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment