Trong một quan hệ pháp luật, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể bao giờ cũng nhằm hướng tới một mục đích, một lợi ích nào đó và đó chính là khách thể của quan hệ pháp luật đó. Khi tham gia vào quan hệ pháp luật lao động, người lao động muốn sử dụng sức lao động của mình để có thu nhập đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình cho họ; còn bên sử dụng lao động cũng muốn có sức lao động để sử dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ. Như vậy, khi thiết lập quan hệ pháp luật lao động với nhau, các bên đều hướng tới sức lao động của người lao động và đó chính là khách thể của quan hệ pháp luật lao động. Trong bài tập này, em xin phân tích khách thể của quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Tại sao khách thể là sức lao động? Tại sao khách thể là sức lao động của người lao động? Sức lao động được định dạng như thế nào? Để lí giải cho các vấn đề đó, cần bắt đầu từ bản chất sâu xa của quan hệ lao động và biểu hiện của quá trình thực hiện quan hệ lao động đó. Về mặt bản chất, các bên của quan hệ lao động không thực hiện việc mua, bán sức lao động – vì sức lao động là đại lượng phi vật chất, không phải là thứ có thể cầm nắm hay sờ thấy được, mà là đang mua bán một đại lượng vật chất khác, giống như mua một chiếc bình gốm do người lao động sản xuất ra. Có thể không có sự đánh giá hay hình dung một cách đầy đủ về sức lao động nhưng chắc chắn đó là một đối tượng của quan hệ trao đổi. Vì vậy, theo cách hiểu thông thường, đó chính là quan hệ khách thể của quan hệ trao đổi. Nhưng người lao động “bán” đi sức lao động không phải bằng cách dùng tay hay dùng các phương tiện khác chuyển cho người sử dụng lao động sức lao động của mình mà phải làm việc để chuyển giao sức lao động đó. Người lao động không chỉ làm việc theo nghĩa thông thường là thực hiện các hành động, các thao tác như một cái máy mà là lao động với tất cả tâm trí, khả năng, kĩ năng, tình cảm, trách nhiệm của mình. Ví dụ như một ông giám đốc được thuê để quản lí một công ty cổ phần thì ông ta phải có đủ bằng cấp, kĩ năng mềm, kinh nghiệm…để điều hành công ty và ông ta phải chịu trách nhiệm về công việc của mình. Ngược lại, người sử dụng lao động không thể dùng các công cụ, phương tiện để nhận sức lao động từ người lao động như các hàng hóa khác (nguyên liệu, vật liệu…) và cũng không thể nhận trực tiếp hàng hóa sức lao động đó mà phải thực hiện hành vi này một cách gián tiếp. Đối với người sử dụng lao động, việc bàn giao công việc, tổ chức quản lí người lao động chính là việc đang “nhận” sức lao động người lao động chuyển giao. Ví dụ chủ quán phở thuê đầu bếp và chân chạy bàn thì chủ quán phải bàn giao công việc và quản lí những người đã được thuê.
Sức lao động (không phải là lao động, với cả hai ý nghĩa: là người lao động và thao tác – hành vi lao động) là khách thể của quan hệ pháp luật lao động. Sức lao động gắn liền với người lao động, sức lao động gắn liền với cơ bắp, trí não, những phẩm chất và giá trị nhân thân của từng người. Do vậy, không thể có hiện tượng người lao động này “lấy trộm, lấy cắp” sức lao động của người khác để bán cho người sử dụng lao động.
Trong trường hợp nào sức lao động của người lao động là khách thể? Người lao động “hướng tới” khách thể tức là hướng tới sức lao động của chính bản thân mình. Muốn có được sức lao động tốt người lao động phải bồi bổ cơ thể, siêng năng học hành, chịu khó rèn luyện tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Đây là lí do vì sao sinh viên khi ra trường đều cố kiếm tấm bằng khá giỏi, người có bằng đại học thì lại muốn có thêm bằng thạc sĩ…Chung quy chỉ vì người lao động mong muốn bán được sức lao động với giá cao – lương và hoa hồng cao, có môi trường làm việc tốt để chuyển giao sức lao động cho người sử dụng lao động một cách thuận lợi. Còn người sử dụng lao động cũng “hướng tới” sức lao động của người lao động thông qua hành vi quan tâm đến số lượng và chất lượng của sức lao động mà người lao động chuyển giao cho họ. Vì vậy, trước khi tuyển người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động đã có sự đánh giá, phân loại đối tượng để tìm được đối tác thích hợp cho quá trình lao động. Đây chính là lí do người sử dụng lao động tiến hành công việc xem xét đơn xin việc và phỏng vấn người lao động. Sau khi có lực lượng lao động, người sử dụng lao động lại tiếp tục giám sát quá trình chuyển giao sức lao động của những công nhân - viên chức làm việc tại đơn vị. Ví dụ ban Thanh tra nhân dân do cán bộ, công nhân viên chức từng đơn vị bầu ra, với nhiệm kỳ 2 năm, để làm công việc giám sát, thanh tra mọi công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Sự “hướng tới” khách thể của hai bên là khác nhau do mục tiêu của họ là khác nhau nhưng vấn đề là cả hai bên trong quan hệ lao động đều “hướng tới” sức lao động của người lao động. Nhưng sức lao động của người lao động không phải lúc nào cũng là cái mà các bên trong quan hệ pháp luật “hướng tới”. Thời điểm hướng tới đó luôn được xác định vì con người luôn có nhiều mối quan tâm khác nhau. Tùy từng thời điểm mà mối quan tâm đó được đặt vào những điều cần thiết. Ví dụ chị H là viên chức nhà nước. Chị đi làm vào giờ hành chính từ 8h tới 17h30. Tan việc, chị về đón con và nội trợ. Khoảng 19h tới 21h, chị kinh doanh quán giải khát tại nhà. Sau đó chị kiểm tra bài tập của con, dọn dẹp nhà cửa và đi ngủ. Cuối tuần chị tham gia CLB “làm giàu không khó”. Nói cách khác, trong khoảng thời gian ngoài giờ hành chính, sức lao động của chị H không được chuyển giao, không được đưa vào quá trình trao đổi nên không thể là khách thể nữa.
Khách thể của quan hệ pháp luật lao động là sức lao động và đây luôn là vấn đề được người lao động và người sử dụng lao động quan tâm hướng tới. Xung quanh sức lao động có rất nhiều vấn đề được đặt ra, tuy nhiên do giới hạn bài tập cá nhân nên em xin kết thúc tại đây. Em rất mong thầy cô góp ý và sửa chữa những thiếu sót của em.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Lao động Việt Nam, Nxb CAND, Hà Nội, 2009.
2. http:// www.laodong.com.vn
3. http:// www.luatvietnam.com.vn
4. http://tuvanvietluat.vn/Quan-he-phap-luat-giua-nguoi-lao-dong-va-nguoi-su-dung-lao-dong_dt_265_1.html
5. http:// dantri.com.vn
Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!
Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment