27/06/2014
Tình huống người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe của người khác - Bài tập cá nhân Luật Dân sự 2
ĐỀ SỐ 4:  Xây dựng một tình huống liên quan đến người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe của người khác. Phân tích các mối quan hệ pháp luật trong tình huống đó. Xác định mức độ bồi thường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai? Giải thích tại sao?

TÌNH HUỐNG: 

A là học sinh lớp 8(14 tuổi) một hôm trên đường đi học bằng chiếc xe đạp mini Nhật, do tính thích thể hiện trước các bạn gái, thấy xung quanh nhiều bạn gái đi cùng đường với mình A liền lượn lách, đánh võng, không làm chủ được chiếc xe đạp dẫn đến việc đâm vào ông C- 75 tuổi đang đi bộ tập thể dục, làm ông C ngã, gãy xương sườn. Mọi người xung quanh vội cho đi viện nhưng do tuổi cao sức yếu nên sau đó ông C bị nằm liệt giường, k đi lại được, mọi sinh hoạt phải có người chăm sóc.

PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG:

* Các mối quan hệ pháp luật trong tình huống:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ nghĩa vụ , cụ thể là khi một người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, phẩm chất, uy tín, tài sản, các quyền và lợi  ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại mà mình đã gây ra.

Qua tình huống trên ta có thể thấy rõ ràng hành vi đi xe đạp nghịch nghợm  lượn lách, đánh võng của A đã gây thiệt hại sức khỏe cho ông C, thiệt hại này đã xảy ra, ở đây phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng  như quy định tại Điều 604 BLDS 2005: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...” Như vậy, A sẽ phải bồi thường thiệt hại về hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho ông C. Trong tình huống trên ta xét tiếp mối quan hệ giữa cha mẹ của A đối với ông C, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì người bị thiệt hại có quyền kiện cha mẹ của người gây thiệt hại; cha, mẹ sẽ là bị đơn của vụ kiện và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cuối cùng là mối quan hệ giữa cha, mẹ của A với chính A đó là phải chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại của con mình bồi thường về vật chất cho ông C, đồng thời giáo dục con.

* Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai trong tình huống.

Như đã phân tích ở trên, A sẽ được bồi thường thiệt hại về hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho ông C. Nhưng chủ thể bồi thường thiệt hại đây là ai thì tại khoản 2 Điều 606 BLDS 2005 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân đã chỉ rõ : “Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy phần tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu...”.Do đó trong tình huống này cha mẹ của A sẽ phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông C.

* Mức độ bồi thường thiệt hại trong tình huống.

Trước tiên việc bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận nhưng phải tuân theo một số nguyên tắc được quy định trong BLDS về bồi thường thiệt hại; cụ thể tại Điều 605 BLDS 2005 có quy định thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, phương thức bồi thường ở đây có thể bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Cùng đó theo Điều 609 BLDS và Nghị quyết Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/ NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ông C được bồi thường các khoản thiệt hại sau như:  

- Các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút bao gồm: tiền thuê phương tiện đến bệnh viện, tiền thuốc, viện phí, chi phí chiếu chụp X quang, tiền bồi dưỡng.

- Vì ông C hoàn toàn không đi lại và sinh hoạt bình thường được  nên cần người thường xuyên chăm sóc vì vậy tiền bồi thường còn bao gồm các chi phí cho người chăm sóc .

- Việc gây thiệt hại ít nhiều có ảnh hưởng đến việc giao tiếp, sinh hoạt của ông C, dẫn đến ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, vì vậy, ông C có thể được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận, tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.Vì ông C đã già, hết tuổi lao động nên không phải bồi thường thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút cho ông. Nếu tài sản cha mẹ của A không đủ để bồi thường thì lúc đó xem xét tài sản của A, nếu cậu bé có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Như vậy qua tình huống trên, thấy được ý nghĩa quan trọng trong quy định của pháp luật đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài do người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe người khác  đó là xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mức bồi thường cụ thể đối với những thiệt hại đã gây ra. Không những có ý nghĩa quan trọng về mặt lí luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn, nhằm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của người bị gây thiệt hại; đồng thời cũng xác định được rõ ràng trách nhiệm, mức bồi thường thiệt hại của chủ thể gây thiệt hại.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment