06/04/2014
Bài tập cá nhân 1 Luật Dân sự module 1 - Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán
Đề bài: Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 qui định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán”. Hãy chỉ ra những nguyên nhân, điều kiện áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp dân sự của các chủ thể. Nhận xét của bản thân về việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán.

Bài làm:

Luật Dân sự điều chỉnh các quan hệ đa dạng, phức tạp về nhiều phương diện: chủ thể, khách thể, nội dung; hơn nữa những quan hệ này không ngừng phát triển cùng với sự phát triển của xã hội nói chung và khoa học kĩ thuật nói riêng. Hoạt động áp dụng pháp luật sẽ thực sự hiệu quả nếu có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, bao quát được toàn bộ các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hàng ngày thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự. Tuy nhiên trên thực tế điều này rất khó thực hiện. Chính vì vậy, để khắc phục hiện tượng này, Bộ Luật Dân sự (BLDS) đã đưa ra nguyên tắc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật (Điều 3 – BLDS 2005).

Tập quán  được hiểu một cách chung nhất là thói quen trong ứng xử của cộng đồng hay những quy tắc xử sự chung được hình thành một cách tự phát trong cộng đồng dân cư, được lưu truyền chủ yếu theo phương thức truyền miệng, được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế phi nhà nước. Như vậy, áp dụng tập quán là sử dựng các xử sự được cộng đồng địa phương, dân tộc thừa nhận như là chuẩn mực ứng xử đối với các thành viên trong cộng đồng dân tộc, địa phương đó”. Điều 3 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán” . Có nhiều nguyên nhân và điều kiện của việc áp dụng tập quán vào giải quyết các tranh chấp dân sự, cụ thể như sau:

1. Nguyên nhân:

Thứ nhất, do thực tiễn đời sống dân sự phong phú, sống động, rộng lớn mà pháp luật dân sự không thể bao quát hết. Khi ban hành các văn bản pháp luât, nhà lập pháp không thể “dư liệu” hết được các quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật. Việc này tạo “lỗ hổng” trong pháp luật dân sự. Hơn nữa các quy định của pháp luật tồn tại dưới dạng tĩnh tương đối (chỉ thay đổi khi bị sửa đổi) những các quan hệ xã hội lại biến đổi không ngừng dẫn đến những trường hợp không có quy phạm pháp luật điều chỉnh một quan hệ xã hội đang tồn tại. Bên cạnh đó nguyên tắc pháp chế trong lĩnh vực dân sự đòi hỏi cơ quan nhà nước không thể từ chối giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của người dân với lý do không có quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội được yêu cầu, Xuất phát từ hiện tượng này, BLDS đã đưa ra nguyên tắc áp dụng tập quán trong giải quyết các tranh chấp dân sự

Thứ hai, tập quán xuất hiện và tồn tại trong cuộc sống con người trên mọi lĩnh vực, mọi giai đoạn phát triển. Giá trị của tập quán là ở tính quy phạm, nó đảm bảo cho hành vi của cá nhân, cộng đồng được vận hành theo một trình tự nhất định. Tập quán xã hội mang tính phổ biến ràng buộc chung đối với nhiều người và chi phối lối sống cũng như hoạt động xã hội của từng cá nhân. Vậy nên việc áp dụng tập quán còn tránh được sự phức tạp.

2. Điều kiện:

Thứ nhất, quan hệ xã hội phá sinh tranh chấp cần giải quyết thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự.

Thứ hai, chỉ áp dụng tập quán nếu quan hệ pháp luật đó chưa được pháp luật quy định hoặc không có thoả thuận. Chẳng hạn ở miền núi bà con dân tộc có tập quán xác nhân quyền sở hữu của người dầu tiên phát hiện tổ ong trong rừng bằng cách đánh dấu bằng cành lá có thể được áp dụng mặc dủ căn cứ xác lập quyền sở hữu này không được BLDS quy định

Thứ ba, nguyên tắc đó không được trái với các nguyên tắc được quy định trong BLDS, trước hết là các nguyên tắc cơ bản được quy định tại các Điều 2, 4, 5, 6, 8, 9 và 11, trong đó đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng đạo đức truyền thống tốt đẹp (Điều 4)

Thứ tư, tập quán đó đã trở thành thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn hoặc cùng hành nghề trên cùng một lĩnh vực thừa nhận.

3. Nhận xét của bản thân về việc pháp luật cho phép sử dụng tập quán:

Từ quy định tại điều 3 BLDS 2005, có thể khẳng định tập quán chính thức được thừa nhận tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội như các quy tắc do nhà nước đặt ra. Tập quán ở đây không chỉ điều chỉnh hành vi hiện thực mà còn cả hành vi mang tính siêu thực của đời sống tâm linh tín ngưỡng. Vì vậy, việc pháp luật thừa nhận cho phép áp dụng tập quán đã góp phần rất lớn vào việc tạo nên pháp luật và nâng cao hiệu quả pháp luật vì nó thường được nhân dân tự giác thực hiện, là yếu tố góp phần thúc đẩy việc xác lập các hành vi hợp pháp tích cực. Hơn nữa, việc này còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu pháp luật, khắc phục lỗ hổng của pháp luật thành văn, đảm bảo tính hợp lý, tiến bộ vì lợi ích của nhân dân

Tuy nhiên do tập quán tồn tại ở dạng bất thành văn nên thường được hiểu một cách ước lệ, nó có tính tản mạn, địa phương, khó bảo đảm có thể được hiểu và thực hiện một cách thống nhất trong phạm vi rộng. Không những thế, so với pháp luật, phạm vi tác động, tính bắt buộc và các biện pháp bảo đảm cũng như khả năng linh hoạt trong điều chỉnh của tập quán thấp hơn, và tập quán thường có tính bảo thủ, khó thay đổi, tồn tại chủ yếu thông qua truyền miệng hoặc dưới dạng mô thức hành vi mẫu cứng nhắc, không cụ thể về nội dung nên quá trình áp dụng thường thụ động và dẫn đến sự tuỳ tiện.

Tóm lại, để tập quán pháp luật phát huy hiệu quả cao khi tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp quan trọng như: Tập hợp tập quán theo các tiêu chí cụ thể, hoàn thiên pháp luật quy định về tập quán theo nguyên tắc hài hoà, phù hợp, tránh xu hướng coi nhẹ cũng như quá đề cao vai trò của tập quán; phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức có uy tín trong việc áp dụng tập quán, xây dựng các quy phạm pháp luật định nghĩa về tập quán…

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, NXB CAND, Hà Nội 2006
2. TS.Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam
3. LG.Nguyễn Đức Giao, LG.Trần Huyền Nga, Tìm hiểu pháp luật, 400 câu giải đáp về Bộ Luật Dân sự Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh
4. Bộ Luật Dân sự 2005, NXB Tư pháp
5. Tạp chí pháp luật, số 6-12/2004

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.

No comments:

Post a Comment