A. PHẦN MỞ ĐẦU
Vì đời sống xã hội giữ vai trò quyết định tới nhu cầu ban hành văn bản và nội dung văn bản pháp luật nên sự tác động của văn bản vào đời sống xã hội được quyết định bởi những yếu tố tồn tại trong thế giới khách quan của đời sống xã hội mà nhà quản lí phải dựa vào đó để hình thành nội dung văn bản, để tác động vào đời sống xã hội, nếu văn bản có chất lượng cao sự phản ánh đó là đúng đắn thông qua các quy định phù hợp thì văn bản sẽ được xã hội mặc nhiên chấp nhận, tức là tự làm nảy sinh hiệu lực thực tế. Ngược lại, nếu văn bản có chất lượng thấp phản ánh sai lệch những quy định quá cao hoặc quá lạc hậu so với thực tiễn thì văn bản khó có thể được thi hành. Tính khả thi của văn bản pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng góp phần tạo nên sự hoàn thiện về mặt nội dung của văn bản pháp luật. Vậy chọn đề bài “ các điều kiện để bảo đảm tính khả thi của văn bản pháp luật” làm đề tài cho bài tập lớn lần này với mong muốn hiểu rõ hơn về tính khả thi. Do hiểu biết cá nhân nên bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót, mong các thầy cô giáo chỉ bảo để bài làm được hoàn thiện hơn.
B. PHẦN NỘI DUNG
I. Khái niệm về tính khả thi của văn bản pháp luật:
Văn bản pháp luật là văn bản được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định chứa đựng ý chí của nhà nước nhằm đạt được mục tiêu quản lí và được nhà nước bảo đảm thực hiện.
Tính khả thi của văn bản pháp luật là sự phù hợp giữa quy định của văn bản với yêu cầu thực tế trình độ phát triển của xã hội và điều kiện đảm bảo để thực hiện.
II. Các điều kiện để đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật:
1. Sự phù hợp của nội dung văn bản pháp luật với đường lối chính sách của Đảng, với lợi ích của các bên có liên quan vì nội dung của văn bản pháp luật luôn trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của các cá nhân, tổ chức.
Với tư cách là phương diện cơ bản của nhà nước trong quản lí, các văn bản pháp luật phải có nội dung phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình thể chế hóa thành pháp luật hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện trên thực tế các đường lối, chính sách đó, có như vậy mới bảo đảm thực hiện có hiệu quả và mới bảo vệ hữu hiệu lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác.
Tuy nhiên khi trong xã hội còn giai cấp thì vấn đề lợi ích luôn hết sức phức tạp, ở một chừng mực nào đó vẫn tồn tại những mâu thuẫn gay gắt về lợi ích giữa các giai tầng khác nhau và khi đó nếu nội dung văn bản phù hợp với lợi ích của giai tầng này thì có thể sẽ bất lợi cho giai tầng khác. Vì vậy với bản chất xã hội của mình nhà nước là chủ thể duy nhất là đại diện hợp pháp cho toàn xã hội và nhà nước phải có nhiệm vụ xem xét để tạo ra sự hợp lí về lợi ích của tất cả các giai tầng trong xã hội thì mới có thể tạo ra sự ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội. Trong quả trình đó phải xác định những lợi ích nào là lợi ích chung, cơ bản phải bảo vệ không thể dung hòa; những lợi ích nào là riêng, thứ yếu và cso thể dung hòa. Đối với những vấn đề cơ bản như: vai trò lãnh đạo của Đảng định hướng phát triển, nền tảng tư tưởng của xã hội, quyền sở hữu của nhà nước, quyền tự do dân chủ của công dân thì nhà nước phải thiết lập bảo vệ còn đối với những lợi ích riêng của một giai tầng nào đó thì nhà nước cần có giải pháp dung hòa lợi ích của những giai tầng đó. Văn bản pháp luật sẽ được tự giác thực hiện và nhờ đó sẽ có khả năng tác động cao nhất khi có nội dung phù hợp với lợi ích của các bên hữu quan; trong trường hợp ngược lại thì có thể tránh khỏi sự lẩn tránh thực hiện thậm chí chống đối lại sự tác động của nhà nước, văn bản có hiệu lực thấp và muốn được thực hiện trong thực tế thì nhà nước phải sử dụng sức mạnh cưỡng chế.
2. Sự phù hợp của nội dung văn bản với thực trạng và quy luật vận động của đời sống xã hội.
Sự phù hợp đó trước hết thể hiện trong tính kịp thời của các văn bản pháp luật. Do các vấn đề phát sinh trong quản lí nhà nước rất đâ dạng: có vấn đề phát sinh từ trước, đang được tác động bằng những văn bản pháp luật nhưng sự tác động chưa khoa học, kém hiệu quả, những vấn đề mới phát sinh mà chưa có văn bản nào tác động ; có vấn đề mới tất yếu sẽ phát sinh và khi phát sinh cần được tác động ngay, nên việc chủ thể có thẩm quyền nắm bắt chính xác, kịp thời những vấn đề đó và ra văn bản đó để giair quyết là cần thiết, là một tất yếu khách quan đòi hỏi bức xúc của đời sống xã hội, kịp thời tác động ích cực vào các quan hệ xã hội; ngược lại nếu văn bản được ban hành dựa trên suy đoán chủ quan duy ý chí xa dời thực tiễn của chủ thể quản lí nhà nước thì khó có thể biến thành hiện thực vì thực tiễn không có nhu cầu được tác động bởi văn bản đó.
Đồng thời nội dung văn bản pháp luât phải phù hợp với thực trạng các yếu tố thuộc cơ sở vật chất trong xã hội. Cơ sở vật chất của đời sống xã hội rất đa dạng gồm: tài chính, nguyên liệu, vật liệu, tài nguyên môi trường, đất đai, giao thông…là những điều kiện vật chất cần thiết cho việc thực hiện văn bản nên nội dung văn bản phải phản ánh về thực trạng, phải phù hợp thì mới bảo đảm tính khả thi; ngược lại chính những yếu tố đó sẽ bị biến đổi trong những chừng mực nhất định khi có sự tác động của văn bản. Vì vậy khi hình thành nội dung văn bản, chủ thể ban hành phải dựa trên cơ sở các điều kiện vật chất vốn có tròn thực tiễn mà không thể chủ quan duy ý chí; phải chú ý tới khả năng mang lại hiệu quả đặc biệt là hiệu quả kinh tế của chúng trong quá trình tác động, nếu không văn bản sẽ rơi vào tình trạng không khả thi hoặc không có hiệu quả thậm chí phản tác dụng và gây ra những hậu quả khó lường.
Mặt khác nội dung văn bản phải phù hợp với thực trạng điều kiện nhân lực trong xã hội. Vì con người vừa là chủ thể hình thành nên văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện văn bản đó trong thực tiễn lại vừa là đối tượng quản lí, chịu sự tác động của văn bản, có nghĩa vụ thi hành văn bản, nên dù với tư cách nào thì con người cũng phải thực hiện các văn bản theo yêu cầu của nhà nước và muốn thực hiện tốt những hoạt động đó phải có đủ về số lượng và chất lượng nhân lực; nếu thiếu điều kiện về nhân lực thì sẽ không thể kịp thời ban hành văn bản và cũng không thể hiện thực hóa các quy định trong văn bản nhưng nếu sử dụng không hết nhân lực thì sẽ gây lãng phí làm giảm sút hiệu lực của quản lí nhà nước. Nếu chỉ tiếp cận từ góc độc hẹp xem xét vai trò của con người trong giai đoạn thực hiện văn bản pháp luật thì cũng có thể thấy rõ: số lượng và đặc biệt là trình độ nhận thức của những đối tượng quản lí có liên quan ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiên văn bản pháp luật. Vì vậy nếu nội dung của văn bản pháp luật phù hợp với trình độ nhận thức chung, với ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức và của nhân dân thì sẽ góp phần tích cực trong việc tạo ra nhận thức đúng đắn tâm lí tích cực đối với văn bản, mong muốn văn bản được thực hiện, tự giác, cố gắng tối đa thực hiện và có đủ khả năng, trình độ cần thiết để thực hiện nghĩa vụ hoặc không đủ năng lực cần thiết để thực hiện văn bản.
Bên cạnh đó nội dung văn bản pháp luật phải phù hợp với thực trạng ý thức xã hội, đặc biệt là các quy phạm đạo đức, tôn giáo, phong tục tập quán trong xã hội. Vì muốn tác động vào các đối tượng quản li, trước hết chủ thể có thẩm quyền phải sử dụng văn bản để tác động tới nhận thức của những đối tượng có liên quan, qua đó mới điều chỉnh hành vi của họ, trong khi đó nhận thức của các đối tượng này bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau thuộc đời sống ý thức xã hội nên giữa ý thức xã hội với nội dung của các văn bản pháp luật có mối liên hệ mật thiết, có sự tác động qua lại rất sâu sắc. Nhà nước dùng văn bản để tác động và có thể tạo ra sự thay đổi từng bộ phận của ý thức xã hội nhưng về nguyên tắc vẫn phải bảo vệ, phát triển và cao hơn nữa là phải tạo ra sự phù hợp với các quy phạm đạo đức, tôn giáo, những phong tục, tập quán trong xã hội không trái với mục tiêu của nhà nước. Nếu tác động trái với các yếu tố khách quan của đời sống ý thức xã hội thì sẽ đẩy các bên có liên quan vào tình trạng phải cân nhắc, lựa chọn pháp luật với các quy phạm khác khi thực hiện hành vi trong thực tiễn và khi các quy phạm khác được lựa chọn, pháp luật bị xâm hại hoặc khi nhà nước tổ chức thực hiện triệt để các quy định không phù hợp thì tất yếu sẽ làm thay đổi , thậm chí loại bỏ một bộ phận của kiến trúc thượng tầng có thể tạo ra những xáo trộn trong nhận thức, tình cảm của đối tượng quản lí theo khuynh hướng mà nhà nước không dự kiến và cũng không mong muốn. Do đó khi xác lập nội dung văn bản pháp luật cần đặc biệt chú ý tới các yếu tố thuộc phạm trù ý thức xã hội để tạo ra sự phù hợp của nội dung văn bản pháp luật với những yếu tố đó thì mới bảo đảm được hiệu lực, hiệu quả tác động của văn bản.
Ngoài ra tính khả thi của văn bản pháp luật được quyết định bởi sự phù hợp của nội dung văn bản pháp luật với quy luật vận động của đời sống xã hội, tác động vào quan hệ xã hội theo đúng những khuynh hướng vận động nội tại mang tính tất yếu của chúng. Nếu nội dung văn bản phù hợp với những quy luật đó thì khả năng tác động của nó rất cao, chủ thể quản lí sẽ đạt được mục đích đã đặt ra. Ngược lại khi nội dung văn bản không phù hợp quy luật thì văn bản có rất ít, thậm chí hoàn toàn không có khả năng tác động vào các quan hệ xã hội, văn bản trở nên vô nghĩa, không có tác dụng trên thực tế và nếu nhà nước dùng sức mạnh cưỡng chế để tổ chức thực hiện những văn bản này thì có thể gây ra những hậu quả khó lường, vì vậy cần phát hiện để vận dụng những quy luật này vào việc hình thành nội dung văn bản trên cơ sở các nguyên lí cơ bản của học thuyết Mác-Lenin.
3. Sự phù hợp giữa nội dung với các điều kiện kinh tế xã hội hiện tại:
Sự phù hợp này phản ánh rất rõ mối tương quan giữa trình độ pháp luật với trình độ phát triển kinh tế xã hội. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, chứa đựng nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu của quản lí nhà nước sẽ tạo ra đòn bẩy tăng trưởng kinh tế xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Trường hợp văn bản không phù hợp, không phản ánh đầy đủ các hướng vân động của đời sống xã hội, với những quy định quá cao hoặc đã lỗi thời sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế xã hội, là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả quản lí nhà nước. Do vậy yêu cầu đặt ra là văn bản pháp luật phải vừa phản ánh được những quy định chung về sự phát triển của xã hội, vừa phản ánh được những quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực.
4. Văn bản pháp luật phải có các quy định, các mệnh lệnh chi tiết cụ thể để dễ dàng triển khai thực hiện trong thực tiễn, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản phù hợp với nhận thức pháp luật của đối tượng có liên quan đồng thời cũng cần tạo ra sự kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong hoạt động ban hành văn bản và tổ chức thực hiện văn bản
5. Kỹ thuật soạn thảo văn bản
Dưới góc độ khoa học pháp lí thông qua việc sử dụng ngôn ngữ , xây dựng kết cấu văn bản, bố cục logic, chặt chẽ. Các thuật ngữ pháp lí sử dụng chính xác, một nghĩa; cách diễn đạt trình bày nội dung văn bản phải cô đọng, khoa học, dễ hiểu phù hợp với nhận thức của đông đảo nhân dân để tạo ra sự thuận lợi trong việc thực hiện văn bản pháp luật trên thực tế .
Trong các yếu tố thuộc kỹ thuật soạn thảo văn bản thì việc sử dụng ngôn ngữ có tác động trực tiếp và khá sâu sắc tới tính khả thi của văn bản. Vì ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt ý chí của cơ quan ban hành văn bản nên sự thể hiệ ý chí đó được rõ ràng, chặt chẽ, chính xác hay không là lệ thuộc vào kỹ năng của người soạn thảo trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bên cạnh đó việc phân chia sắp xếp văn bản thành những đề mục nhỏ hơn có phối hợp với việc đánh số đặt tên, đặt nhan đề cho các đề mục đó; việc xác lập cơ cấu hình thức của văn bản cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới tính logic sự hoàn thiện của văn bản, ảnh hưởng tới tâm lí, tình cảm của đối tượng quản lí và vì vậy cũng gián tiếp ảnh hưởng tới hiệu lực thực tế của văn bản pháp luật.
6. Sự phù hợp về nội dung văn bản pháp luật với văn bản pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế và giao lưu hợp tác nhiều mặt với các nước, các tổ chức quốc tế như hiện nay, sự phù hợp này là cần thiết, đặc biệt là các quy định về quản lí kinh tế, tuy nhiên cũng cần xác định rõ những vấn đề nào có thể tiếp thu chọn lọc để nội luật hóa, những vấn đề nào mang nguyên tắc bất di bất dịch, không thể tiếp thu nội hóa, có như vậy mới có thể vừa tạo ra điều kiện thuận lợi cho những hoạt động hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới mở rộng quan hệ nhiều mặt với các nước vừa giữ vững lập trường không bị chệch hướng phát triển đã lựa chọn và không làm mất bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
C. KẾT LUẬN
Văn bản pháp luật là phương tiện quan trọng và chủ yếu trong hoạt động quản lí của nhà nước. Văn bản pháp luật có mối quan hệ nhất định với các quan hệ xã hội và tác động vào xã hội ở những phạm vi và giới hạn nhất định. Chất lượng văn bản pháp luật được đánh giá là nội dung quan trọng mang tính quyết định đối với hiệu lực và hiệu quả tác động của văn bản pháp luật; chất lượng của văn bản pháp luật thể hiện ở sự phù hợp với nhu cầu mục đích của xã hội, ở mức độ, hiệu quả tác động tới các quan hệ xã hội, ở tính khả thi trong cuộc sống. Vì vậy cần nâng cao hơn nữa tính khả thi của văn bản pháp luật để pháp luật đi vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.
Cảm ơn bạn Lý Tầm Hoan - k35 đã chia sẻ tài liệu này
No comments:
Post a Comment