09/01/2015
Hãy chỉ ra những bất cập và định hướng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005 - Bài tập học kỳ - Luật Dân sự 2 - 8 điểm
Khi một quan hệ nghĩa vụ dân sự được xác lập, mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Theo quan hệ nghĩa vụ được xác lập, người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ trước người có quyền. Sẽ có hai khả năng xảy ra:

Khả năng thứ nhất: Người có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ dân sự trước người có quyền (theo các nội dung thực hiện nghĩa vụ được các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định). Trong trường hợp này, nghĩa vụ dân sự được coi là hoàn thành và là căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự.

Khả năng thứ hai: Người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng nghĩa vụ, và (hoặc) gây thiệt hại cho người có quyền. Nói cách khác đây chính là hành vi vi phạm nghĩa vụ.
Trường hợp thứ nhất, ta không có gì cần bàn cãi bởi bản chất của nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật dân sự mà khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự thì chủ thể luôn nhằm hướng tới những lợi ích nhất định. Một khi lợi ích của các chủ thể được đảm bảo vấn đề tranh chấp sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên trên thực tế, không phải quan hệ nghĩa vụ dân sự nào cũng được hoàn thành, rất nhiều trường hợp xảy ra sự vi phạm nghĩa vụ; chính vì thế, vấn đề bảo vệ lợi ích của các chủ thể khi tham gia quan hệ nghĩa vụ đã được đặt ra, đó chính là trách nhiệm dân sự.

Bộ luật Dân sự năm 2005 dành mục 3 chương XVII và chương XXI quy định về Trách nhiệm dân sự. Song, khi áp dụng vào thực tiễn, các quy định đã bộc lộ những điểm hạn chế nhất định. Ở bài tập học kỳ này, em xin chọn đề bài số 1: “Hãy chỉ ra những bất cập và định hướng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005” để phân tích. Trong quá trình làm bài chắc hẳn còn tồn tại nhiều thiếu xót, em rất mong nhận được sự đánh giá và góp ý từ thầy cô để hoàn thiện hơn bài làm của mình. 

NỘI DUNG

I. Trách nhiệm dân sự

1. Khái niệm

Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội thì: “TNDS là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại” 

Còn trong số chuyên đề về BLDS Việt Nam 2005, tạp chí Dân chủ và pháp luật của Bộ Tư pháp, lại đưa ra một cách định nghĩa khác về TNDS trong phần thuật ngữ pháp luật dân sự: “TNDS (theo nghĩa rộng) là các biện pháp có tính cưỡng chế được áp dụng nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của một quyền dân sự bị vi phạm. TNDS (theo nghĩa hẹp) là các biện pháp có tính cưỡng chế áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người khác, người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả xấu xảy ra bằng tài sản của mình (trong đó có bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng).  Dù hiểu theo cách nào thì có thể thấy TNDS mang những đặc điểm sau:

Thứ nhất, TNDS mang đầy đủ đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung. Nó là hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc áp dụng TNDS được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế Nhà nước. 

Thứ hai, căn cứ để áp dụng TNDS là phải có hành vi vi phạm pháp luật. Đó có thể là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hay vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng đã được ký kết và có hiệu lực pháp luật.

Thứ ba, TNDS không phải là một sự trừng phạt mà là một biện pháp buộc người có hành vi vi phạm pháp luật vào nghĩa vụ bồi thường cho người bị tổn hại do hành vi đó gây ra. TNDS khác TNHS ở chỗ: TNHS tập trung sự chú ý vào hành vi; còn TNDS tập trung sự chú ý vào thiệt hại hay hậu quả của hành vi. Do đó, trong TNDS, dù có hành vi vi phạm nhưng không có sự thiệt hại thì không dẫn tới nghĩa vụ bồi thường. 

Thứ tư, khi TNDS được áp dụng, bao giờ nó cũng mang lại những hậu quả bất lợi đối với bên vi phạm, đó là những hậu quả bất lợi về mặt tài sản đối với bên vi phạm. Bởi, khi có hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại gây ra thường là những thiệt hại về tài sản. Ngay cả khi thiệt hại gây ra là thiệt hại về tinh thần thì để bù đắp cho những tổn thất tinh thần đó, cũng chỉ có thể được thực hiện việc bù đắp tài sản.

2. Phân loại TNDS

TNDS được chia thành TNDS hợp đồng và TNDS ngoài hợp đồng. TNDS hợp đồng phát sinh khi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng gây thiệt hại cho bên bị vi phạm và bên bị vi phạm đòi bồi thường. TNDS ngoài hợp đồng phát sinh khi một người có lỗi gây thiệt hại cho một người khác và người bị thiệt hại đòi hỏi sự bồi thường. TNDS hợp đồng hay TNDS ngoài hợp đồng giống nhau ở chỗ đều phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ, nhưng được phân biệt bởi nghĩa vụ bị vi phạm phát sinh từ hợp đồng hoặc từ pháp luật. 

II. Những bất cập và định hướng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005

1. Những bất cập và hướng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005

Thứ nhất, BLDS năm 2005 là văn bản pháp luật có tính điển hóa cao, bộ luật đã đặt ra những nền tảng cơ bản nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự theo các quy tắc chung, mà quan hệ hợp đồng là một trong số đó. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những quy định mâu thuẫn giữa BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 liên quan đến vấn đề hợp đồng dẫn đến việc áp dụng luật trong thực tiễn khi có tranh chấp gặp khó khăn. Cụ thể:

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo BLDS 2005, có bốn căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: có hành vi vi phạm, có lỗi của bên vi phạm, có thiệt hại xảy ra trên thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Còn trong Luật Thương mại 2005 lại không quy định yếu tố lỗi là một căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Về căn cứ loại trừ trách nhiệm vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng tồn tại một vài quan điểm chưa thống nhất. Nếu BLDS chỉ đặt ra hai căn cứ loại trừ trách nhiệm là sự kiện bất khả kháng và lỗi của bên bị vi phạm (còn lại là trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng) thì Luật Thương mại 2005 lại quy định bốn trường hợp là căn cứ loại trách nhiệm đối với hành vi vi phạm tại Điều 294 bao gồm: trường hợp loại trừ trách nhiệm do các bên thỏa thuận, do sự kiện bất khả kháng, do hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Về vấn đề lãi suất đối với việc chậm thanh toán cũng tồn tại một số khác biệt. Theo khoản 5 Điều 474 BLDS 2005, bên vay phải trả lãi tính trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Tuy nhiên tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 lại có quy định bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. 

Hướng hoàn thiện:

Một là: Thống nhất các văn bản pháp luật Việt Nam về hợp đồng.

BLDS 2005 được coi như một “bộ luật gốc” điều chỉnh những quan hệ cơ bản và thiết lập những quy tắc chung nhất và các luật chuyên ngành khác phải được xây dựng trên nền tảng đó. Tuy nhiên, giữa BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 vẫn tồn tại nhiều điểm chưa tương đồng. Chính vì vậy, cần phải có sự sửa đổi, bổ sung, thống nhất quy định giữa các luật chuyên ngành và BLDS. Tuy rằng về nguyên tắc, khi có sự khác biệt giữa luật chuyên ngành và luật chung thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, nhưng cần nhớ, các quy định của luật chuyên ngành là để quy định rõ hơn về một vấn đề chứ không thể có cách tiếp cận trái ngược so với luật chung, phải tuân theo những nguyên tắc ban đầu của luật chung. 

Hai là: Cần hoàn thiện các quy định của BLDS 2005 về các trường hợp miễn TNDS.

Như đã nói ở trên, các căn cứ miễn trừ TNDS trong hợp đồng được quy định ở BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 vẫn có sự khác nhau. Vì vậy, cần có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về các trường hợp được coi là miễn TNDS. 

Mặt khác, một trong các căn cứ miễn TNDS là sự kiện bất khả kháng là trường hợp hay xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, có thể thấy những quy định về sự kiện bất khả kháng của BLDS 2005 có phần chưa cụ thể, hoặc đã được quy định nhưng lại bị phân tán ở các điều luật khác nhau, chưa tập trung và không thống nhất. Vì vậy để miễn TNDS trong hợp đồng với căn cứ là sự kiện bất khả kháng, chúng ta cần phải có các điều kiện cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, như: sự kiện bất khả kháng là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia hợp đồng và không thể đoán trước bởi các bên; đây là sự kiện xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng; hành vi vi phạm phải là kết quả của sự kiện bất khả kháng; bên vi phạm đã dùng hết năng lực của mình để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được. Bên cạnh  đó, cũng cần bổ sung quy định về nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm cho bên bị vi phạm về sự kiện bất khả kháng. 

Thứ hai, quy định về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Điều 305 còn gây nhiều tranh cãi. Cụ thể:

Tại khoản 2 Điều 305 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả  theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tiền tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Trên thực tế, mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố luôn thấp hơn mức lãi suất huy động vốn và thấp hơn nhiều so với mức cho vay của các tổ chức tín dụng. Nếu việc chậm trả tiền chỉ dẫn đến nghĩa vụ phải trả lãi theo lãi suất cơ bản thì việc chậm trả tiền đương nhiên có lợi hơn cho người có nghĩa vụ trả tiền đồng thời không đảm bảo được lợi ích của người có quyền trong hợp đồng. 

Một điểm gây tranh cãi nữa ở Điều 305 là nội dung của hai khoản trong điều luật này: đây là hai quy định loại trừ nhau hay có thể áp dụng trong cùng một tình huống? Xét trường hợp người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm theo khoản 2 Điều 305 hay họ phải chịu trách nhiệm tại cả hai khoản? Nếu người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền phải chịu trách nhiệm theo quy định tại toàn văn điều luật thì người có quyền không những được yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ mà còn được quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; còn nếu người có nghĩa vụ vi phạm trả tiển chỉ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 305 thì người có quyền chỉ được yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ và được đền bù thiệt hại theo thỏa thuận đã có trong hợp đồng hoặc được hưởng lãi trên số tiền chậm được nhận theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, mà không có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại. Sự thể hiện không rõ ràng này có thể sẽ tạo ra tranh chấp giữa các bên và gây khó khăn cho Tòa án vì không có để cơ sở pháp lý để giải quyết dẫn đến những cách vận dụng pháp luật khác nhau tại các cơ quan Tòa án khác nhau. 
Hướng hoàn thiện: Cần quy định rõ ràng hơn về TNDS do chậm thực hiện nghĩa vụ tại khoản 2 Điều 305 BLDS.

Theo phần phân tích trên, nếu việc chậm trả tiền chỉ dẫn đến nghĩa vụ phải trả lãi theo lãi suất cơ bản thì vô hình chung đã tạo thuận lợi cho người chậm thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, em nghĩ nên quy định lại theo hướng: nếu chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì phải trả lãi suất quá hạn theo hợp đồng đã ký kết. 

Để tránh sự không rõ ràng cũng như khắc phục các điểm chưa sáng tỏ của điều 305, thì trách nhiệm dân sự trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ cần được quy định lại theo hướng bên chậm thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Tiền lãi không cần quy định riêng trong một khoản mà nên coi là thiệt hại nói chung. Việc sửa đổi theo hướng này đồng thời cũng đòi hỏi BLDS phải có quy định rõ ràng, cụ thể và hợp lý hơn về cách tính thiệt hại.

Thứ ba, quy định về lãi nợ quá hạn tại khoản 5 Điều 474 còn gây tranh cãi.

Khoản 5 Điều 474 quy định: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Vậy câu hỏi đặt ra là tính lãi nợ quá hạn căn cứ vào đâu? tính trên nợ gốc hay tính trên số tiền phải trả (bao gồm nợ gốc và lãi trong thời hạn)? Hiện nay vẫn tồn tại hai quan điểm trái chiều nhau về vấn đề này, một bên ủng hộ quan điểm tính lãi nợ quá hạn trên nợ gốc, còn một bên ủng hộ tính lãi nợ quá hạn trên số tiền phải trả và cả hai hướng lập luận đều có lí lẽ riêng của mình. Đây chính là một trong những quy định chưa rõ ràng của luật, vì thế khi xảy ra tranh chấp, Tòa án rất khó khăn để xử lý những trường hợp này. 
Hướng hoàn thiện: Cần quy định rõ ràng hơn về lãi nợ quá hạn 

Quy định của BLDS về lãi nợ quá hạn tại khoản 5 Điều 474 còn rất chung chung, nên khó áp dụng để giải quyết tranh chấp trên thực tế. Cá nhân em đồng ý với quan điểm tính lãi nợ quá hạn trên số tiền phải trả, có nghĩa là tính lãi nợ quá hạn trên tổng giá trị nợ gốc và lãi trong thời hạn vay. Bởi trường hợp vay có lãi đã đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay đã chậm thực hiện nghĩa vụ. Khoan nói tới điểm hạn chế của khoản 2 Điều 305 thì Điều 305 quy định “trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả”. Từ đây có thể hiểu khi bên vay chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì lãi nợ quá hạn sẽ tính trên số tiền chậm trả (tổng giá trị nợ gốc và lãi trong thời hạn vay). 

2. Những bất cập và hướng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005.

Thứ nhất, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại. 

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 605 BLDS 2005. Đây được coi là kim chỉ nam trong việc giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy điều luật đã bộc lộ một số điểm hạn chế sau:

Một là: pháp luật không quy định cụ thể người gây thiệt hại sẽ được giảm mức bồi thường đến đâu là hợp lý, vì vậy nên khi áp dụng quy định này, yếu tố chủ quan của hội đồng xét xử sẽ rất lớn, dẫn đến kết quả nhiều vụ án bị cải, sửa, hủy do các hội đồng xét xử khác nhau có quan điểm khác nhau về mức giảm tiền bổi thường hợp lý trong mỗi vụ án cụ thể.

Hai là: khoản 2 Điều 605 quy định: “ Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”. Vậy hiểu như thế nào là “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài”? Điều này gây khó khăn cho cơ quan xét xử trong việc xác định khả năng kinh tế của đương sự. Làm thế nào xác định “khả năng kinh tế” hay “khả năng kinh tế” được đo lường bằng gì? (bằng tài sản hiện có của đương sự? Bằng thu nhập hàng tháng của đương sự? Hay tài sản mà đương sự sắp được hưởng trong tương lai qua con đường thừa kế, tặng cho, …?)

Ba là: pháp luật hiện hành chưa có điều khoản giải quyết xung đột trong áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 605. Theo quy định tại khoản 3, thì việc yêu cầu Tòa án thay đổi mức bồi thường được hiểu là áp dụng trong mọi trường hợp (bao gồm cả lỗi cố ý và lỗi vô ý). Vậy nếu trường hợp: trong hoạt động xét xử tại thời điểm đưa ra phán quyết, Tòa án căn cứ vào khoản 2 Điều 605 để quyết định giảm mức bồi thường, nhưng sau đó, có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại mà bên bị thiệt hại có yêu cầu người gây thiệt hại thay đổi mức bồi thường theo khoản 3 thì có được Tòa án chấp nhận hay không? Pháp luật hiện hành chưa có điểu khoản quy định về vấn đề này. 

Bốn là: phạm vi áp dụng việc giảm mức bồi thường còn chưa hợp lý. Tại khoản 2 Điều 605 giới hạn chỉ giảm mức bồi thường cho chính người gây thiệt hại, nếu có lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Vậy trường hợp người gây thiệt hại do lỗi vô ý mà chủ thể khác phải bồi thường nhưng khả năng kinh tế của người phải bồi thường không đủ để thực hiện việc bồi thường thì không được áp dụng điểu khoản này? Mặc dù trên thực tế, nếu xét từ phía người phải bồi thường, các hoàn cảnh nêu trên là ít nghiêm trọng cho xã hội hơn hoàn cảnh của người gây thiệt hại do lỗi vô ý. 


Hướng hoàn thiện:

Khi một người gây thiệt hại do lỗi vô ý, pháp luật đã cho phép giảm mức bồi thường, nếu hoàn cảnh kinh tế của họ gặp khó khăn, thì trong trường hợp một người phải chịu trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại của người khác (hay do tài sản gây ra) và không có lỗi cũng cần được đối xử tương tự. Có nghĩa là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải do hành vi của họ gây ra và họ không có lỗi cũng cần được giảm mức bồi thường. 

Cá nhân em đồng tình với quan điểm: pháp luật cần quy định theo hướng khi xác định mức bồi thường, Tòa án cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của đương sự để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thi hành án. Trường hợp có sự thay đổi khả năng kinh tế, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định lại mức bồi thường cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định cụ thể, rõ ràng các căn cứ, tiêu chí trong việc đánh giá khả năng kinh tế của đương sự để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật giải quyết các vụ việc cụ thể. Em tán thành kiến nghĩ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 605 BLDS 2005 theo hướng: “Khi thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình, người phải bồi thường thiệt hại được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại hoặc không có lỗi trong quá trình gây thiệt hại”. Ở đây thay thế “người gây thiệt hại” thành “người phải bồi thường”  và bổ sung trường hợp “không có lỗi trong quá trình phát sinh thiệt hại”

Thứ hai, về vấn đề xác định thiệt hại.

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. 

Thiệt hại về vật chất: thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể lượng hóa, tính toán được bằng tiền. BLDS năm 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định rất cụ thể về khoản bồi thường đối với thu nhập bị mất, bị giảm sút. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế các quy định đã bộc lộ một số điểm hạn chế. Cụ thể:
Về thời hạn hưởng bồi thường do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm , việc pháp luật quy định thời hạn hưởng bồi thường như vậy đặt ra nhiều vấn đề cần được bàn luận. Ta thấy, pháp luật còn chưa dự liệu trong trường hợp người bị gây thiệt hại về sức khỏe mất hoàn toàn khả năng lao động có nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc cha mẹ già yếu thì quyền và lợi ích của những người này sẽ được giải quyết như thế nào? Hay quy định về thời hạn hưởng bồi thường cho người mất hoàn toàn khả năng lao động và tiền trợ cấp “cho đến khi chết” theo khoản 2 Điều 612 còn chưa có tính khả thi. 

Quy định như trên là chưa tính đến khả năng thực tế của người gây thiệt hại.

Mặt khác, quy định của pháp luật vô tình dẫn đến một số hệ lụy tiêu cực trong xã hội. Thực tế cho thấy có trường hợp người gây thiệt hại có ý thức để hậu quả chết người xảy ra chứ không muốn người bị thiệt hại còn sống mà mất khả năng lao động, đặc biệt trong các vụ tai nạn giao thông. Bởi nếu người bị thiệt hại chết, thì chỉ phải bồi thường “một lần” còn nếu họ còn sống mà mất hoàn toàn khả năng lao động thì phải bồi thường “suốt đời”. 

Hướng hoàn thiện: 

Để hoàn thiện các quy định của pháp luật về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm hại, cần bổ sung trách nhiệm bồi thường đối với những người mà người mất hoàn toàn khả năng lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và thời hạn hưởng bồi thường nên giới hạn một khoảng thời gian nhất định. Có như vây mới bảo đảm được khả năng bồi thường của người gây thiệt hại. 

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

Khoản 2 Điều 609, khoản 2 Điều 610, khoản 2 Điều 611 BLDS 2005 quy định về mức tiền tối đa phải bồi thường khi gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng là không hợp lí, bởi: 

Sức khỏe, tính mạng của mỗi người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Thực tiễn xét xử một số vụ việc liên quan đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của một số người khi pháp luật quy định mức tối đa không phù hợp với thiệt hại thực tế xảy ra, nhất là trong trường hợp ảnh hưởng đến cả cuộc đời họ như bị vô sinh, bị hiếp dâm, phải cắt bỏ tay, chân…, dù sức khỏe được phục hồi, nhưng tổn thất về tinh thần, ảnh hưởng cuộc sống của họ kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời.

Việc pháp luật ấn định mức tối đa như vậy trong một số trường hợp còn gây hệ lụy xấu, khi mà một số đối tượng coi sức khỏe, tính mạng của người khác dưới góc độ trách nhiệm dân sự cũng chỉ mất vài chục triệu đồng. 

Hướng hoàn thiện:

Để khắc phục hạn chế này, pháp luật dân sự cần sửa đổi theo hướng quy định mức tối thiểu mà không quy định mức tối đa. Thẩm phán căn cứ vào các tình tiết vụ án để đưa ra phán quyết ấn định mức bồi thường trong trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, một khi quy định như vậy, cần phải đảm bảo yêu cầu chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cũng như các quy định về cấp xét xử của các thẩm phán, có như vậy mới có thể duy trì sự công bằng của pháp luật, tránh sự “tùy nghi” khi đưa ra phán quyết.

Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 607 BLDS 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”. Trên thực tế, việc xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm là rất khó khăn, có hành vi gây thiệt hại xảy ra tại một thời điểm, nhưng thiệt hại lại không xảy ra ngay hoặc chưa xác định được ngay, nhiều trường hợp người bị thiệt hại không biết được mình đang bị thiệt hại. .
Mặt khác, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu tài Điều 607 BLDS 2005 chưa đảm bảo thống nhất với điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS năm 2004 sửa đổi. BLDS 2005 quy đinh thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là “kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm” còn BLTTDS năm 2004 sửa đổi lại quy định: thời điểm tính thời hiệu là: “kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Hướng hoàn thiện:

Cần thống nhất lại quy định về thời hiệu khởi kiện giữa BLDS năm 2005 và BLTTDS năm 2004 sửa đổi. Cá nhân em cho rằng nên quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hướng của BLTTDS năm 2004 sửa đổi. Quy định như vậy đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác bị xâm phạm. Bởi trên thực tế, có rất nhiều trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm, tuy nhiên thiệt hại không xảy ra hoặc chưa xác định được ngay, nhiều trường hợp người bị thiệt hại không biết mình đang bị thiệt hại nên không yêu cầu bồi thường, đến khi nhận biết được thì đã hết thời hạn khởi kiện, như vậy rất thiệt thòi cho chủ thể bị thiệt hại. 

Thứ tư, điểm hạn chế trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

Một là: những quy định trong BLDS 2005 chưa phân biệt được trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại. Điểm riêng biệt của hai trường hợp này là một bên có lỗi do nguyên nhân gây ra thiệt hại xuất phát từ hành vi của con người và một bên không thể xác định được lỗi do nguyên nhân gây ra xuất phát từ tài sản – vật vô tri, vô giác. Các quy định của các Điều 623, 625, 62 và 627 đều chưa tách biệt được sự khác nhau giữa vai trò của người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi, sử dụng tài sản với chủ sở hữu của tài sản, do vậy không xác định thống nhất nguyên tắc khi nào thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về từng chủ thể cụ thể. 

Hai là: chưa có sự thống nhất về nội dung trong các trường hợp bồi thường thiệt hại do các tài sản cụ thể gây ra; một số quy định mang tính liệt kê, cứng nhắc; cụ thể: (1) Không rõ vấn đề có lỗi hay không có lỗi của chủ sở hữu khi cây cối, súc vật, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong khi Điều 623 quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra không cần yếu tố lỗi. (2) Tại điều 626, luật quy định chủ sở hữu chỉ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp cây cối đổ, gẫy gây ra; vậy nếu rễ cây đâm làm nứt sân, cành cây nặng làm nứt tường, hay quả rơi làm bị thương người khác thì không phải bồi thường thiệt hại??? 

Ba là: chưa xác định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan quản lý công trình công cộng, tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (công trình xây dựng, cây xanh, cầu đường, đường dây điện thoại, đường dây tải điện, hố ga, tường bao, rào chắn, gia súc, thú dữ…). Đây là nguyên nhân khiến nhiều vụ việc liên quan đến tài sản của Nhà nước gây thiệt hại lớn cho nhân dân nhưng không được bồi thường hoặc được bồi thường nhưng không kịp thời và không thoả đáng.

Hướng hoàn thiện:

Một là: BLDS năm 2005 cần khắc phục những quy định thiếu rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại để tạo nên sự thống nhất trong quy định về thực tiễn áp dụng pháp luật.

Hai là: cần có quy định về nguyên tắc chung để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại để đảm bảo tính thống nhất trong mọi trường hợp khi tài sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Đối với điều 626, thay vì quy định một cách cứng nhắc như hiện tại, luật nên sửa đổi theo hướng “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra” thì sẽ phù hợp hơn. 

Ba là: cần định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan trực tiếp quản lý công trình công cộng, tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước để tránh tình trạng khi có thiệt hại xảy ra, cơ quan này đẩy trách nhiệm sang cho cơ quan khác và cuối cùng thiệt hại vẫn không được khắc phục, hạn chế, gây tốn kém, thất thoát tiền của Nhà nước. 


KẾT LUẬN

Trên đây là bài tập học kỳ của em về vấn đề “Những bất cập và định hướng hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005”. Trong giới hạn dung lượng bài tập và phạm vi kiến thức của mình, bài làm hẳn sẽ còn tồn tại thiếu xót, em rất mong nhận được sự nhận xét từ thầy cô để có thể hoàn thiện hơn nữa bài làm của mình cũng như hiểu sâu sắc hơn về vấn đề trách nhiệm dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Dân sự năm 2005
2. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung
3. Luật Thương mại năm 2005
4. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe, tính mạng – TS. Phùng Trung Tập.
5. Phạm Văn Bằng, “Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng những vấn đề cần đặt ra khi sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, số 4/2013.
6. Nguyễn Văn Hợi, “Những hạn chế và bất cập trong việc xác định thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành”, Tạp chí tòa án, số tháng 7/2011.
7. Vũ Văn Mậu, “Trách nhiệm dân sự – so sánh và phê phán”, Nghiên cứu lập pháp số 5 (142) tháng 3/2009.
8. Tham luận: “Bàn về trách nhiệm dân sự – bồi thường ngoài hợp đồng – những bất cập, giải pháp hoàn thiện” của Luật sư Vũ Thị Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Luật dân sự do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 10/7/2014.
9. Bài viết: “Một số vấn đề lý luận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và hướng hoàn thiện”, Lê Thị Trang – Phòng 5 VKSND thành phố
10. Bài viết: “ Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng” .
11. Bài viết: “Những bất cập của Bộ luật dân sự năm 2005 cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”.

No comments:

Post a Comment