11/05/2014
Phân tích văn hóa Việt Nam từ góc độ Giao lưu – tiếp biến văn hóa - Bài tập học kỳ Đại cương văn hóa Việt Nam

Toàn cầu hóa hiện nay không chỉ là xu thế mà đã trở thành dòng chảy lôi cuốn mọi quốc gia dân tộc. Một mặt đây là cơ hội lớn để mọi quốc gia dân tộc tiếp thu và hưởng dụng những thành quả văn minh của toàn nhân loại và nhanh chóng tự biến đổi cho theo kịp trình độ phát triển chung của thế giới, một mặt có thể v là nguy cơ đối với một số dân tộc tự đánh mất bản sắc của mình trong quá trình hội nhập. Vì vậy, để hoàn thiện một cái nhìn tổng quát nhất về văn hoá Việt Nam, trong bài tập cuối kì này em xin chọn đề tài: “Phân tích văn hóa Việt Nam từ góc độ “Giao lưu – tiếp biến văn hóa”. Nêu những biểu hiện cụ thể trong tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam”. Qua đó sẽ giúp chúng ta có thể nhìn thấy chính xác hơn những nét riêng biệt đã có làm nên giá trị muôn đời của văn hoá Việt. Một nền văn hóa luôn được bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau những giá trị văn hoá qúy giá của dân tộc.


NỘI  DUNG

I.Một số khái niệm cơ bản

1. Khái niệm văn hóa.

a. Định nghĩa

Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Theo tổ chức UNESCO: “Văn hóa là tập hợp các hệ thống biểu tượng quy định hành vi và đảm bảo sự trao đổi thông tin lẫn nhau của một quần thể người làm họ thành một tập thể đặc biệt và khác biệt”. 

b. Đặc điểm

Với tư cách là một chỉnh thể, văn hóa mang trong nó những đặc trưng cố hữu sau:
Văn hóa là cái phân biệt con người với động vật; văn hóa là đặc trưng riêng của xã hội loài người.
Văn hóa không được kế thừa về mặt sinh học (di truyền), mà phải học tập, giao tiếp.
Văn hóa là cách ứng xử được mẫu thức hóaa.

2. Khái niệm giao lưu văn hóa.

Giao lưu văn hóa bao hàm trong đó sự chung sống của ít nhất hai nền văn hóa (của hai cộng đồng, hai dân tộc, hai đất nước) và giao lưu là hình thức quan hệ trao đổi văn hóa cùng có lợi, giúp đáp ứng một số nhu cầu không thể tự thỏa mãn của mỗi bên, giúp tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa để từ đó làm nẩy sinh nhiều nhu cầu mới thúc đẩy mỗi nền văn hóa phát triển. Do đó giao lưu văn hóa là dạng cộng sinh giữa các nền văn hóa.

3. Khái niệm tiếp biến văn hóa.

Tiếp biến văn hóa - một hình thức biến nhiều lợi ích tiềm năng mà giao lưu văn hóa đem lại thành những lợi ích thực tế - là hiện tượng tiếp nhận có chọn lựa một số yếu tố văn hóa ngoại lai và biến đổi chúng cho phù hợp với điều kiện sử dụng bản địa, tức phù hợp với văn hóa bản địa, và sau một thời gian sử dụng và biến đổi tiếp thì chúng trở thành những yếu tố văn hóa bản địa ngoại sinh.

“Tiếp biến văn hóa” thể hiện qua hai phương thức: Phương thức bạo lực (qua chiến tranh, xâm lược, đế quốc chủ nghĩa thực dân): đối đầu (xung đột) văn hóa và phương thức hòa bình (qua buôn bán truyền bá tôn giáo tư tưởng, trao đổi văn hóa nghệ thuật), tức là đối thoại văn hóa (văn minh).

4. Khái niệm “Giao lưu - tiếp biến văn hóa”.

Giao lưu - tiếp biến văn hóa là phương pháp định vị văn hóa dựa trên lý thuyết các trung tâm và sự lan tỏa văn hóa hay còn gọi là thuyết khuếch tán văn hóa với các đại biểu như F. Rasel, L. Frobenius, F. Giabner, W. Schmidt, G. Elliot Smith, W. Riers,...

Thuyết này cho rằng, sự phân bổ văn hóa mang tính không đồng đều; văn hóa tập trung ở một số khu vực sau đó lan tỏa ra các khu vực kế cận. Càng xa trung tâm, ảnh hưởng của văn hóa gốc càng giảm – cho tới khi mất hẳn (lan tỏa tiên phát). Cơ chế này tạo ra các vùng giao thoa văn hóa – nơi chịu ảnh hưởng đồng thời nhiều trung tâm văn hóa, và cả vùng tối nơi sức lan tỏa không tới.

Đến lượt mình các vùng giao thoa văn hóa cũng có khả năng phát sáng, để hình thành nên các trung tâm văn hóa mới và tiếp tục ảnh hưởng đến các khu vực kế cận.

Thuyết lan tỏa văn hóa giúp lý giải vì sao trong cùng một khu vực địa lyslaij có sự tương đồng về văn hóa,  và vì sao ở những khu vực giáp ranh giữa các nền văn hóa lớn thường tồn tại các nền văn hóa hỗn dung.

Giao lưu – tiếp biến văn hóa ( acculturation) được hiểu là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau, tiếp xúc lâu dài với nhau gây ra sự biến đổi mô thức văn hóa của các bên.

Trong giao lưu có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hóa này xâm nhập vào nền văn hóa kia ( tiếp thu thụ động); hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa kia tiếp chủ động ); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh và ngoại sinh mà điều chỉnh, cải biên cho phù hợp, gây ra sự giao thoa văn hóa.

Giao lưu - tiếp biến văn hóa không chỉ là một phương pháp định vị văn hóa, mà còn là một phương pháp được văn hóa sử dụng khá thường xuyên khi tiến hành phân xuất kết cấu của một nền văn hóa cụ thể. Với phương pháp này, nội dung của một nền văn hóa cụ thể được phân thành: yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh.

Tuy nhiên, việc phân biệt như vậy chỉ mang tính tương đối. Cùng với thời gian, yếu tố ngoại sinh có thể chuyển biến thành yếu tố nội sinh, hoặc bị biến đổi một cách căn bản để trở nên phù hợp với nền văn hóa đã tiếp nhận nó. Việc hấp thụ Nho giáo, Phật giáo,... của một số nước Đông Nam Á là một thí dụ về sự chuyển hóa nói trên.    

II. Phân tích văn hóa Việt Nam từ góc độ “ giao lưu – tiếp biến văn hóa”

Văn hóa Việt Nam có ba cuộc tiếp xúc lớn: Lần thứ nhất là với văn hóa Đông Nam Á, chủ yếu thông qua sự truyền bá hòa bình của đạo Phật từ Ấn Độ sang. Lần thứ hai là từ với Trung Hoa, mà thời kì đầu thông qua sự xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc bằng cả bạo lực và các yếu tố văn hóa Hán và thời kì sau chủ yếu thông qua sự giao lưu hòa bình theo sách lược vừa kiên cường vừa mềm dẻo của các triều đại phong kiến tự chủ Việt Nam. Lần thứ ba là với văn hóa phương Tây thông qua sự xâm lược và thống trị nhân danh sứ mạng “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Điều kì lạ là qua cả ba lần tiếp xúc ấy, dù bị áp đặt hay tự nguyện, văn hóa Việt Nam không những giữu được bản sắc văn hóa của mình mà còn trở nên giàu đẹp thêm nhờ biết tiếp thu và cải biến thành của mình(Việt hóa) nhiều yếu tố mới từ bên ngoài, đáp ứng yêu cầu của sư nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước qua các giai đoạn lịch sử, đồng thời cũng phù hợp với hệ giá trị tinh thần cốt lõi của văn hóa dân tộc.

Vậy thực chất của các cách thức lựa họn, tiếp thu đó lá gì? Có thể sơ bộ nêu lên một số cách thức chủ yếu sau:

1. Văn hóa Việt Nam không tiếp nhận toàn bộ hệ thống mà chỉ lựa chọn những giá trị nào phù hợp

Ví dụ: Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam có ba giá trị đạo đức cơ bản từ bi, vô ngã, vị tha nhằm cứ độ và giải thoát chúng sinh mọi đau khổ trần thế. Nhưng để thưc hiện được những điều  ấy thì tín đồ Phật giáo phải tuân theo những điều răn , tức những giá trị phái sinh như  trì giới, nhẫn nhục,...

Trong hệ giá trị liên hoàn ấy (theo cách hiểu thông thường chứ không phải theo ý nghĩa triết học sâu xa), người Việt Nam dễ dàng tiếp thu những giá trị cơ bản đầu tiên vì chúng phù hợp với đạo lí truyền thống của dân tộc là “ăn hiền ở lành”, “thương kẻ đói rét, cứu người hoạn nạn”, và khi cần thì sẵn sàng hy sinh quyên mình vì những lợi ích của cộng đồng.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh phải thường xuyên chống chọi với những tai họa của thiên nhiênvà những thế lực ngoại xâam hùng mạnh để bảo vệ cuộc sống của mình, ngươi Việt Nam nói chung không chấp nhận trì giới và nhẫn nhục, nghĩa họ không thể khoanh tay nhồi nhìn sự tàn phá của thiên tai, cũng như không thể giữ giới (trong đó có giới sát) và nhẫn nhục cúi đầu làm nô lệ cho những kẻ xâm lược và thống trị nước ngoài.

Câu chuyên thần thoại đượm chất anh hùng ca về Lạc long Quân diệt Ngư tinh, Hồ tinh và Mộc tinh để cứu dân lành từ thời các vua hùng dựng nước, cũng như khẩu hiệu “sát Thát’ vang vọng trong suốt ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông TK XIII là những minh chứng điển hình.

Ngay trong giới cao tăng không hiểu triết lí sâu xa của Đạo pháp cũng có nhiều vi không chủ cchueowng di tìm cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng nơi cõi Niết Bàn mà muốn hòa mình với đời, làm những việc cần làm, tự tin vào bản thân, khôg cầu tìm tha lực. Đó chính là tư tưởng của Trần Nhân Tông, ông vua yêu nước và anh hùng, đồng thời là người sánh lập Thiền phái Trúc lâm Việt Nam tôn chỉ được thể hiện trong bốn câu của bài: “ Phú ở cõi trần vui đạo”:
“ Sống giữa phàm trần hãy tùy duyên mà vui với đạo,
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu đừng tìm nơi khác,
Đối diện với cảnh mà vô tâm thì không cần hỏi thiền nữa”.

2. Văn hóa Việt Nam có khi dường như tiếp nhận cả hệ thống, nhưng thực tế đã sắp xếp lại các thang giá trị khác nhau

Tiêu biểu cho cách thức tiếp thu này là những nhà văn hóa lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi ở TK XV và Hồ Chí Minh ở TK XX.

Mọi người đều biết đạo khổng đã đề xướng tam cương, ngũ thường. Trong đó, trung với vua được xếp lên hàng đầu tột đỉnh của thang giá trị. Là người xuất thân Nho học, lại đỗ tới Thái học sinh (tiến sĩ), Nguyễn Trãi không thể không biết đến các phạm trù trung, hiếu, tiết, nghĩa,...của Khổng, Mạnh. Nhưng khi vận dụng vào sự nghiệp cứu nước cứu dân, trước sau Nguyễn Trãiđều xem nhân nghĩa là giá trị bao trùm, nhìn từ cả hai phía:

a. Phía chính diện, để làm luận cứ cho những chủ chương, chiến lược

“Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc,
Nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

b. Phía phản diện, để phê phán ngăn ngừa

“Còn kẻ bất nhân, ăn ấy chớ;
Áo người vô nghĩa, mặc chẳng thà”

Ai nấy cũng biết “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776 đã đưa ra mệnh đề nổi tiếng về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân với tư cách mỗi cá nhâm. Từ mệnh đề đó, Hồ Chí Minh đã suy rộng ra để khẳng định một chân lý mới trong thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành giải phóng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", không phủ nhận quyền của mỗi cá nhân, Hồ Chí Minh đã đặt quyền của các dân tộc vào vị trí trung tâm. Đó là một sự sắp xếp lại các bậc thang giá trị phù hợp với đạo lí truyền thống của nhân dân ta, luôn xem lợi ích của cá nhân trong lợi ích của cộng đồng, và cũng đúng với lẽ phải thông thường của nhân loại. Bởi lẽ, nếu dân tộc bị  nô lệ, thì mọi cá nhân trong cộng đồng dân tộc cũng không thể có do.

Như vậy, cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều chú ý tiếp thu những giá trị mới từ các nềm văn hóa khác, nhưng lại vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của đất nước trên cơ sở những giá trị nền tảng của văn hóa Việt Nam.

3. Tiếp thu và cải biến các hình thức mới về văn hóa, nghệ thuật của thế giới để biểu đạt nội dung các giá trị văn hóa Việt Nam

Việc mô phỏng chữ Hán để tạo thành chữ Nôm do ông cha ta thực hiện từ ngàn năm trước là ví dụ điển hình về một trong nhiều cách thức tiếp thu có sáng tạo thành tựu văn hóa nước ngoài. Không có chữ Nôm thì thế hệ ngày nay chưa chắc được biết đến những áng văn thơ tuyệt tác, hàm chứa biết bao triết lý sâu xa, quan điểm thẩm mĩ độc  và sự điêu luyện của ngôn từ Quốc âm thi tậpcủa Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, tài nghệ sử dụng Tiếng việt có một không hai của “Bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương và nhiều tác phẩm khác.

Đặc biệt, trong cuộc tiếp xúc văn hóa với phương Tây thời cận đại, nhờ có bản lĩnh và truyền thống tiếp biến các giá trị văn hóa ngoại lai từ lâu đời, cho nên chỉ trong một thời gian lịch sử ngắn, chủ yếu từ sau Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất thì hàng loạt loại hình văn hóa, nghệ thuật Việt Nam từ văn tự, giáo dục, báo chí, tiểu thuyết, thơ văn đến kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh,...đã chuyển mạnh theo hướng canh tân.

Mặc dù tiếp thu gần như toàn bộ những loại hình văn hóa, nghệ thuật  phương Tây, song tâm hồn, đạo lý, thị hiếu thẩm mĩ, phong tục tập quán, lỗi sống của dân tộc vẫn là dòng chủ lưu được truyền tải trong đó. Dĩ nhiên, bên cạnh việc truyền tải những giá trị cội nguồn, nhiều giá trị mới ấy cũng đã được tiếp thu và được biểu đạt một cách tinh tế, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tóm lại, trải qua mấy nghìn năn lịch sử, nhìn chung nền văn hóa Việt Nam đã liên tục phát triển, ngày càng trở nên phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức. Bí quyết là ở chỗ ông cha ta đa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên tinh thần độc lập tự chủ cao và với lòng tự hào sâu sắc về những giá trị nền tảng của con người Việt Nam, của truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chính với tinh thần ấy, mà khi tiếp xúc với các nền văn hóa lớn, ông cho ta đã không bị rơi vào mặc cảm tự ti, không có thái độ vong bản, sùng ngoại, mà luôn luôn có các ứng xử linh hoạt, biến hóa, sáng tạo không ngừng. Nhờ vậy, dân tộc ta vẫn giữ được độc lập mà không hề biệt lập, học hỏi bên ngoài mà không bị sao chép, hội nhập với thế giới mà không bị hòa tan.

III. Những biểu hiện cụ thể trong tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa của một quốc gia đa tộc người bởi vậy, nền văn hoá ấy được thể hiện một cách đa dạng trên mọi lĩnh vực cả về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi khía cạnh của cuộc sống lại có những thành tựu văn hóa đặc sắc riêng, được tiếp thu phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác và lưu truyền đến ngày nay. Việt Nam gồm có tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Chỉnh thể văn hóa Việt Nam được thể hiện bởi một nền văn hóa thống nhất của một quốc gia dân tộc bao gồm 54 sắc thái của 54 tộc người, với đặc điểm là một nền văn hóa đa tộc người vừa có tính thống nhất, vừSa có tính đa dạng. Chính vì vậy, khi tiếp cận văn hóa Việt Nam chúng ta nên khám phá ở góc độ lịch sử phát triển để có thể đưa ra một cái nhìn tổng thể chính xác nhất. Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.

Dưới giác độ “giao lưu – tiếp biến văn hóa”, Văn hóa Việt Nam là kết quả của các cuộc gặp gỡ văn hóa lớn trong khu vực: gốc Đông Nam Á, tương tác với văn hóa Ấn Độ, tương tác với văn hóa Trung Hoa và  tương tác với văn hóa phương Tây (chủ yếu là Pháp). Cụ thể:

1.Gốc Đông Nam Á

Các nhà sử học đã thống nhất một ý kiến: Việt Nam có một cộng đồng văn hoá khá rộng lớn được hình thành vào khoảng nửa đầu thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỉ này. Đó là cộng đồng văn hoá Đông Sơn. Cộng đồng văn hoá ấy phát triển cao so với các nền văn hoá khác đương thời trong khu vực, có những nét độc đáo riêng nhưng vẫn mang nhiều điểm đặc trưng của văn hoá vùng Đông Nam Á, vì có chung chủng gốc Nam Á (Mongoloid phương Nam) và nền văn minh lúa nước. Những con đường phát triển khác nhau của văn hoá bản địa tại các khu vực khác nhau (lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả...) đã hội tụ với nhau, hợp thành văn hoá Đông Sơn. Đó là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố: địa lý, chủng tộc, kinh tế, ngôn ngữ, văn hóa trong một quá trình lịch sử gắn bó cộng đồng đấu tranh chống ngoại xâm phương Bắc và thiên tai (lụt sông Hồng).... Đây cũng là thời kỳ ra đời nhà nước “phôi thai” đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức cộng đồng liên làng và siêu làng (để chống giặc và đắp giữ đê trồng lúa), từ đó các bộ lạc nguyên thuỷ phát triển thành dân tộc.

2.Giao lưu với văn hóa Ấn Độ

Văn hóa Ấn Độ thẩm thấu rất sâu vào trong tâm thức người việt vì bản tính hòa bình, giá trị nhân đạo và con đường du nhập tự nhiên, phi cưỡng chế của nền văn hóa này. Có thể phân ảnh hưởng của văn hóa ấn độ thành các đợt sóng lan tỏa: tiên phát và thứ phát.

- Lan tỏa tiên phát biểu hiện ở sự du nhập của Phật giáo vào phía bắc Việt Nam theo đường biển.Bằng chứng là sự hiện diện của Luy Lâu ( Bắc Ninh) – một trung tâm phật giáo tồn tại vào khoảng thế kit thứ nhất sau công nguyên.
- Lan tỏa thứ phát: Đợt thứ nhất là sự gặp gỡ với văn hóa Ấn Độ một cách gián tiếp thông qua văn hóa Trung Hoa vào thời kì bắc thuộc( từ thế kỉ I – X và từ 1407 - 1427); Cùng với Nho giáo, Đạo giáo, người Trung quốc đã mang đến Việt NamPhật giáo dòng Đại thừa, mà chủ yếu là Thiền tông và Tịnh độ tông. Đợt thứ hai, trong quá trình mở mang bờ cõi vào phía nam, người Việt đã gặp gỡ với văn hóa Ấn Độ thông qua văn hóa của người Chăm ( vương quốc Champa/Chiêm thành thế kỉ II – XV ( trung bộ) và giao lưu với văn hóa Óc eo ( Nam bộ).

Văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng nhiều mặt đến văn hóa Việt Nam cả về tôn giáo, kiến trúc, văn tự... nhưng có thể nhận ra Phật giáo là mẫu số chung của những đợt sóng giao lưu với văn hóa Ấn. Phật giáo truyền vào Việt Nam qua 2 con đường: theo đường biển, các nhà sư Ấn Độ đã đến nước ta từ đầu Công nguyên, sau đó Luy Lâu sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng; con đường thứ hai, từ Trung Hoa có ba tông phái được truyền vài Việt Nam: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Đến thời Lí – Trần, Phật giáo phát triển tới mưc cực thịnh, rất nhiều tháp chùa quy mô lớn hoặc kiến trúc độc đáo được xây dựng trong thời kì này như: chùa Phật Tích, chùa Dạm ( chùa Đại Lãm), chuà Một Cột, chùa Yên Tử... Cho đến nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất ở Việt Nam. Đạo Phật thân thiết đến nỗi dương như mỗi người Việt Nam nếu không theo tôn giáo nào khác thì ắt là theo Phật hoặc là chí ít là có cảm tình với đạo Phật. Theo số liệu của ban Tôn giáo Chính phủ thì tín đồ Phật tử xuất gia vào khoảng 3 triệu người, số thường xuyên đến chùa tham gia các Phật sự vào khoảng 10 triệu người, số chịu ảnh hưởng của Phật giáo cũng khoảng vài chục triệu người.

Sự giao thoa – tiếp biến văn hóa với Ấn Độ mà đỉnh cao là Phật giáo biểu hiện rõ nét qua các công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó tiêu biểu là tháp Chàm ( Ninh Thuận ). Tháp được xây dựng vào đầu thế kỷ IX, trên mảnh đất hình chữ nhật dài 200m, rộng 125m. Trước đây cụm di tích này gồm có 3 tháp nhưng hiện nay chỉ còn lại 2 là tháp Bắc và tháp Nam. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, khu tháp Hoà Lai là một trong những cụm di tích Chăm cổ nhất và đẹp nhất hiện còn tồn tại.Nơi đây hiện còn ba tháp cổ là tháp Hòa Lai, tháp Pôklông Garai và tháp Pôrômê được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Bên cạnh đó còn nhiều công trình khác ở các tỉnh, thành phố trên cả nước khẳng định Phật giáo được truyền bá rộng rãi và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.

3.Tương tác với văn hóa Trung Hoa

Giao lưu với văn hóa Trung Hoa đã diễn ra trong tời gian rất dài thông qua con đường cưỡng bức và cả phi cưỡng bức. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với văn hóa Việt Nam là rất lớn. Điều này được thể hiện qua nhiều bình diện khác nhau trong đời sống của người Việt. Có thể   kể ra các yếu tố cơ bản từ nền văn hóa Trung Hoa đã được người Việt hấp thụ và chuyển hóa: 

- Về tôn giáo và đời sống tâm linh: người Việt hấp thụ từ văn hóa Trung Hoa các tôn giáo lớn như Phật giáo đại thừa, đạo giáo.
- Về thế giới quan : triết lí âm dương ngũ hành, lịch âm, thuyết tam tài. 
- Về chuẩn mực đạo đức xã hội: Chịu ảnh hưởng của nho gia với những chuẩn mực “tam cương, ngũ thường”.
- Về ngôn ngữ: các từ Hán việt chiếm tỉ trọng đáng kể trong ngôn ngữ người Việt; chữ Nôm – một biến thể của Hán tự.
- Về kiến trúc, ăn, mặc, ở và một số kĩ năng canh tác nông nghiệp người Việt cũng thừa hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa.
- Về mặt chủng tộc: người Việt hiện đại là kết quả của sự hòa huyết của những chủng tộc người Bách Việt của người Hán.

Một trong những ảnh hưởng nổi bật của văn hóa Trung Hoa vào văn hóa Việt Nam là chuẩn mực đạo đức với quan điểm của Nho giáo như tam cương (đạo đức xã hội gồm ba mối quan hệ cơ bản là vua-tôi, cha-con, chồng-vợ), ngũ thường (gồm năm chuẩn mực đạo đức cá nhân bất di bất dịch là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Với việc đề cao tu thân, coi đây là cái gốc trong rèn luyện nhân cách, Nho giáo đã tạo nên một lớp người sống có đạo đức. Trong lịch sử dân tộc Việt nam đã có nhiều tấm gương sáng ngời về đạo đức của các vị vua, của các anh hùng hào kiệt và cho tới ngày nay đã tạo cho con người nếp sống trên kính dưới nhường. Tư tưởng chính danh giúp cho con người xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để từ đó suy nghĩ và xử thế đúng trong các quan hệ xã hội.  Ảnh hưởng cho tới xã hội hiện đại còn tồn tại, bên cạnh các yếu tố tích cực thì tư tưởng trọng nam khinh nữ, đề cao địa vị coi thường lớp trẻ, tư tưởng gia trưởng hay quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”…đang hạn chế sự văn minh, tiến bộcủa đất nước.

4.Giao lưu với văn hóa phương Tây

Trong lịch sử, sự giao lưu này diễn ra chủ yếu thông qua các kênh : buôn bán đường biển, sự đô hộ của thực dân Pháp và sau đó là đế quốc MĨ ( miền Nam Việt Nam). Ngày nay, giao lưu ăn hóa với phương tây đã có thêm nhiều hình thức mới như: ngoại giao, du học, di cư, hội nhập quốc tế, tham dự vào mạng truyền thông – liên lạc toàn cầu, ứng dụng các chuẩn mực kinh tế, xã hội, công nghệ mang tính quốc tế.

Văn hóa phương Tây ảnh hưởng nhiều mặt đến văn hóa Việt Nam, trong đó phải kể đến như: sự xuất hiện của Kitô giáo, phát triển hệ thống đô thị còn tồn tại đến ngày nay, kiến trúc (Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, chợ Bến Thành…), du nhập nghệ thuật kiến trúc, điện ảnh, sân khấu phương Tây….và đặc biệt là ra đời của chữ quốc ngữ.Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng và định chế vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ La tinh. Sự kiện này là bước ngoặt quan trọng trong tiến tình phát triển của văn hóa Việt Nam, nó đánh dấu sự khởi đầu của công cuộc hội nhập của văn hóa Việt Nam vào nền văn minh chung của toàn nhân loại.

Tóm lại, sự ra đời và phát triển của văn hóa Việt Nam là kết quả của quá trình giao lưu ở cấp độ khu vực, châu lục và toàn cầu. Văn hóa Việt Nam là kiểu văn hóa hỗn dung điển hình, do nằm tại vùng giao thoa giữa các trung tâm văn hóa lớn. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta cần chung sống giữa truyền thống và hiện đại, vừa gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc vừa tiếp tục quá trình “giao lưu -  tiếp biến văn hóa” để xây dựng một nền văn hóa độc đáo và hiện đại.

KẾT LUẬN

Việt Nam nằm trên “ngã tư đường của các nền văn minh”, mang trong mình cơ tầng văn hóa Đông Nam Á và trong lịch sử Việt Nam chịu ảnh hưởng của những làn gió văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, và sau này thêm cả văn hóa Nga, Đông Âu, Nhật, Mỹ, cùng tràn đến với một số dòng văn hóa bên ngoài là những cuộc xâm lược bành trướng. Do đó, sự ra đời và phát triển của văn hóa Việt Nam là kết quả quả quá trình giao lưu ở cấp độ khu vực, châu lục và toàn cầu. Lịch sử đã cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, thể hiện ở năng lực tiếp biến văn hóa tài tình dù  trong hoàn cảnh bị áp đặt hay tự nguyện tiếp nhận văn hóa ngoại lai, đến mức tiếp biến văn hóa trở thành phương tiện để người Việt chống lại đồng hóa văn hóa, làm giàu và phát triển mạnh mẽ nền văn hóa với bản sắc riêng của mình, tạo ra sức mạnh giải phóng và bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước trước những thế lực xâm lược bành trướng to lớn. Với tính dung chấp cao như vậy, văn hóa Việt Nam trong thời kì toàn cầu hóa có lợi thế lo lớn trong công cuộc hội nhập đời sống quốc tế hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Thái Việt - Đào Ngọc Tuấn, Đại cương về văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004
2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 2001.
4. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Chau Toan đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment