Những bất ổn về kinh tế - chính trị trên thế giới đang diễn tiến ngày càng phức tạp đã tác động trực tiếp đến tình hình thu ngân sách của nhiều quốc gia. Đó chính là những vấn đề như thâm hụt ngân sách, nợ công. Vấn đề này đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành những mối lo ngại lớn của nền kinh tế các nước. Từ những vấn đề thực tiễn đó, trong bài tập này, em xin tìm hiểu về vấn đề: “thâm hụt ngân sách, thực trạng và nguyên nhân nợ công ở một số quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây”.
PHẦN NỘI DUNG:
I. Cơ sở lí thuyết.
1. Thâm hụt ngân sách.
a. Khái niệm.
Thâm hụt ngân sách trong kinh tế học vĩ mô và kinh tế học công cộng là tình trạng các khoản chi của ngân sách Nhà nước (ngân sách chính phủ) lớn hơn các khoản thu, phần chênh lệch chính là thâm hụt ngân sách.
b. Phân loại thâm hụt.
Tài chính công hiện đại phân loại thâm hụt ngân sách thành hai loại: thâm hụt cơ cấu và thâm hụt chu kỳ.
Thâm hụt cơ cấu là các khoản thâm hụt được quyết định bởi những chính sách tùy biến của chính phủ như quy định thuế suất, trợ cấp bảo hiểm xã hội hay quy mô chi tiêu cho giáo dục, quốc phòng,...
Thâm hụt chu kỳ là các khoản thâm hụt gây ra bởi tình trạng của chu kỳ kinh tế, nghĩa là bởi mức độ cao hay thấp của sản lượng và thu nhập quốc dân. Ví dụ khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ dẫn đến thu ngân sách từ thuế giảm xuống trong khi chi ngân sách cho cho trợ cấp thất nghiệp tăng lên.
2. Nợ công
a. Khái niệm.
Nợ chính phủ, nợ công hoặc nợ quốc gia là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách.
b. Phân loại.
Có 2 cách phân loại nợ công như sau:
- Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).
- Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).
II. Cơ sở thực tiễn.
1. Tìm hiểu thâm hụt ngân sách và tình trạng nợ công của Việt Nam.
1.1. Thực trạng.
Con số thâm hụt ngân sách của Việt Nam thuộc diện cao nhất so với các nước trong khu vực, khoảng 6% GDP/năm.
Báo cáo báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố chỉ ra rằng, thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua.
Báo cáo chỉ ra rằng, thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỉ qua và có mức độ ngày càng gia tăng. Cụ thể, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam trung bình trong giai đoạn 2003 - 2007 chỉ là 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 2,7% GDP trong giai đoạn 2008 - 2012.
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam qua các năm (%GDP)
năm 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012
Thâm hụt gồm
chi trả nợ gốc -4.9 -4.9 -4.9 -5.0 -5.7 -4.6 -6.9 -5.6 -4.9 -4.8
Thâm hụt
không gồm chi trả nợ gốc -1.8 -1.1 -0.9 -09 -1.8 -1.8 -3.7 -2.8 -2.1 -3.1
Đặc biệt những năm gần đây, thâm hụt ngân sách liên tục đã kéo theo sự gia tăng nhanh của nợ công. Tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ khoảng 40% GDP từ cuối năm 2007 lên tới 57% GDP vào cuối năm 2010 và chỉ giảm đôi chút vào năm 2011. Cùng thời gian đó, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng từ 32% lên tới gần 42% GDP.
- Ta cũng có biểu đồ thể hiện rõ nét nợ công của Việt Nam ở dưới đây:
Đơn vị: nghìn tỉ đồng
Gánh nặng trả nợ trong 10 năm qua ở Việt Nam. Nguồn:bộ tài chính.
1.2. Nguyên nhân dẫn tới thâm hụt ngân sách và nợ công ở Việt Nam.
- Nguyên nhân khách quan:
Do nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang bị khủng hoảng, Số liệu của cơ quan thuế các địa phương cho thấy, hiện chỉ có 21,3% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là có kê khai thuế giá trị gia tăng dẫn đến tình trạng “hụt thu” ngân sách. Ngoài ra, còn một loạt các khoản thu không đảm bảo tiến độ, trong đó, thu từ khu vực DNNN chỉ đạt 60,6% dự toán, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 69,5% dự toán và thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 64% dự toán.
- Nguyên nhân chủ quan:
Do nhà nước chi tiêu, đầu tư không hiệu quả, Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, tổng số tiền nhà nước thu được là 461.000 tỷ đồng nhưng số tiền chi ra lên đến 563.000 tỷ đồng mà vẫn chưa mang lại tín hiệu khả quan nào cho tình hình phát triển kinh tế, ngược lại số lượng các doanh nghiệp “chết” ngày càng gia tăng.
Ngoài ra còn một loạt các nguyên nhân khác như : thất thu thuế của nhà nước, nhà nước huy động vốn để kích cầu, chưa chú trọng chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên và quy mô chi tiêu của chính phủ quá lớn.
2. Tìm hiểu thâm hụt ngân sách và nợ công của Nhật Bản.
2.1. Thực trạng thâm hụt ngân sách.
Từ thập kỷ 1990, tài chính công của Nhật Bản ngày càng đi xuống và Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có vấn đề tài chính đáng lo ngại nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Tuy là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới nhưng Nhật Bản lại là nước có mức nợ công cao nhất trong số các nước phát triển, lên tới 10.000 tỷ USD, gấp đôi GDP (5.000 tỷ USD). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng nợ công của Chính phủ Nhật Bản hiện đã lên đến 229% GDP (7/2011).
Đặc biệt, tháng 11/2013, theo bộ trưởng bộ tào chính của Nhật Bản công bố, nước này có mức thâm hụt ngân sách kỉ lục là 1,29 nghìn tỉ yên, tương đương với 12,6 tỉ đô la Mỹ. Khoảng thời gian thâm hụt ngân sách 17 tháng này là mức thâm hụt ngân sách kéo dài nhất tính từ năm 1979 tới nay.
2.2. Nguyên nhân thâm hụt ngân sách của Nhật Bản.
Những lý do dẫn đến việc thâm hụt ngân sách của Nhật Bản có thể kể đến như:
- Suy thoái kéo dài và sự suy giảm của nguồn thu từ thuế.
- Chính phủ thực thi hàng loạt chính sách giảm thuế vào cuối thập niên 90.
- Sai lầm trong lý thuyết kinh tế học của Keynes dựa vào bàn tay nhà nước nhằm cải thiện đà phục hồi của nền kinh tế.
- Sự gia tăng chi tiêu chính phủ cho những phúc lợi xã hội do sự già hóa dân số.
3. Tìm hiểu thâm hụt ngân sách và nợ công ở Mỹ.
3.1. Thực trạng thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ
Trong giai đoạn 2000-2007, hàng năm tỷ lệ nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 50%. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công của nền kinh tế số một thế giới.
Kể từ khi nắm quyền đến nay, Tổng thống Obama đã 2 lần ký đạo luật nâng trần nợ công, (lần thứ nhất vào năm 2009 và lần thứ hai vào năm 2011). Tuy nhiên, đến 31/12/2012, mức nợ công của Mỹ đã một lần nữa chạm trần 16,4 nghìn tỷ USD, buộc Bộ Tài chính Mỹ phải tiến hành các biện pháp điều chỉnh ngân sách. Trong tương lai tới đây, nhiều khả năng trần nợ công có thể lại phải tiếp tục nâng thêm để mở đường cho Chính phủ Mỹ phát hành thêm trái phiếu vay nợ.
Hiện nay, số nợ của Chính phủ Mỹ đã lên đến gần 16 nghìn tỷ USD, tương đương 104% GDP hàng năm và gấp đôi tỷ lệ nợ công vào năm 1988. Như vậy hiện nay, trung bình mỗi người dân Mỹ phải gánh khoản nợ công hơn 50 nghìn USD.
Số tiền trả lãi suất cho khoản nợ công khổng lồ này đã lên tới mức kỷ lục là 454 tỷ USD vào năm tài chính 2011, mặc dù mức lãi suất vào thời điểm đó đã xuống thấp nhất trong vòng 200 năm kể lại đây. Trong năm tài chính 2013, dự kiến số tiền lãi suất mà Chính phủ Mỹ phải thanh toán cho số nợ của mình là 248 tỷ USD, xếp hàng thứ sáu trong các hạng mục chi lớn của ngân sách nhà nước.
- Ta có biểu đồ thể hiện nợ công của Mỹ từ năm 2002 đến năm 2013:
3.2. Nguyên nhân thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ.
Thứ nhất, hiệu quả của các gói kích thích kinh tế khổng lồ chưa cao. Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đánh dấu bằng sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Vào tháng 11/2008, FED đã tung ra gói kích thích đầu tiên (QE1) để có thể thúc đẩy nền kinh tế. Ngày 9/9/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế Mỹ trị giá 447 tỷ USD. Mặc dù các gói kích cầu thời gian vừa qua đã giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc, tuy nhiên nó cũng đã làm “quả bóng” nợ công ngày càng “phình to”, gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ trong dài hạn.
Thứ hai, chính sách thuế bất hợp lý. Mỹ duy trì mức thuế thấp với mục tiêu kích thích kinh tế tăng trưởng để gia tăng thu ngân sách mà không phải là theo đuổi chính sách đánh thuế cao để tăng thu.Thứ ba, chính sách vay nợ nước ngoài để phát triển kinh tế. Hiện nay Mỹ vẫn là nước bị thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất với số thâm hụt thương mại hàng năm lên tới hàng trăm tỷ USD.
4. Thâm hụt ngân sách và nợ công ở châu Âu.
4.1. Thực trạng.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ nửa sau năm 2009 với sự gia tăng mức nợ công của nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha). Hy Lạp là quốc gia đầu tiên bước vào vòng xoáy này, với việc mức thâm hụt ngân sách đạt tới 13,6% GDP. Nợ công Hy Lạp cũng lên tới 236 tỉ euro, chiếm khoảng 115% GDP của Hy Lạp vào năm 2009. Đây là kết quả của một quá trình thực hiện chính sách tài khóa không bền vững nhằm kích thích kinh tế sau suy thoái toàn cầu cuối năm 2007. Những con số chính thức về thâm hụt ngân sách và nợ công Hy Lạp là một cú sốc lớn đối với giới đầu tư. Mặc dù chính phủ Hy Lạp đã đưa ra những kế hoạch nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2010 xuống chỉ còn 8,7% bằng cách các biện pháp giảm chi tiêu công và tăng thuế từ 19 lên 21%, nhưng các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ khả năng thanh toán của quốc gia này.
Bước sang năm 2010, EU và IMF đã phải đưa ra một gói cứu trợ trị giá 110 tỉ euro nhằm cứu lấy Hy Lạp. Đi kèm với gói cứu trợ này là các điều khoản buộc Hy Lạp phải cắt bỏ nhiều khoản lương thưởng đối với nhân công, không tăng lương chính phủ trong vòng 3 năm, thuế giá trị gia tăng tăng từ 21% lên 23%. Ngoài ra chính phủ cũng nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 đối với nam và 55 lên 60 đối với nữ. Tình hình của Hy Lạp lúc này làm dấy lên nỗi bất an trong giới đầu tư vào các quốc gia như Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha do đây cũng là các quốc gia vay nợ nhiều. Vào tháng 11/2010, Ireland chính thức trở thành nạn nhân thứ hai của cơn bão khủng hoảng nợ công khi phải cầu viện tới EU và IMF. Bản chất của khủng hoảng ở Ireland vẫn là thâm hụt ngân sách trầm trọng, nhưng nguồn gốc chính lại không giống như Hy Lạp. Chính phủ Ireland đã phải bỏ ra 50 tỉ euro nhằm cứu lấy sáu ngân hàng lớn của quốc gia này trước sự đổ vỡ của bong bóng tài sản. Nguồn chi này làm cho thâm hụt ngân sách lên tới 32% GDP. Cụ thể hơn, chính phủ đã tạo ra một định chế tài chính mới, gọi tắt là NAMA (National Asset Management Agency) nhằm biến những khoản nợ tư nhân thành những tài sản công.
- Dưới đây là bảng thống kê nợ công của một số nước châu Âu:
Quốc gia Thâm hụt ngân sách
năm 2010(%GDP) Nợ/GDP 2010 Nợ nước ngoài
(% tổng số nợ) Nợ ngắn hạn
(%GDP) Tài khoản
vãng lai 2010(%GDP)
Hi Lạp -12.2 124.9 77.5 20.8 -10.0
Bồ Đào Nha -8.0 84.6 73.8 22.6 -9.9
Ireland -14.7 82.6 57.2 47.3 -1.7
Italia -5.3 116.7 49.0 5.7 -2.5
Tây Ban Nha -10.1 66.3 37.0 5.8 -6.0
Anh -12.9 80.3 22.1 3.3 -2.0
4.2. Nguyên nhân thâm hụt ngân sách, nợ công của một số nước châu Âu.
Nguyên nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng này chính là do dư âm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2007 đánh mạnh vào nền kinh tế tại các quốc gia phát triển. Sự suy thoái kinh tế khiến cho các quốc gia phải thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế thông qua việc tăng chi và giảm thu ngân sách, khiến cho ngân sách chính phủ thâm hụt mạnh.
Những chính sách kích thích tăng trưởng tại các quốc gia này không đi kèm với một chính sách tài khóa bền vững và sự mất cân đối trong việc vay nợ của mình. Sự thâm hụt tài khóa của các quốc gia trong khối PIIGS đến từ nhiều nguyên nhân. Tại Hy Lạp là việc thu ngân sách không đảm bảo trong khi chính phủ lại chi tiêu quá nhiều. Ngoài mức chi tiêu công thông thường, Hy Lạp còn phải trả giá cho khoản đầu tư công khổng lồ từ Olympic 2004. Trường hợp của Ireland, như đã nói ở trên, là do chính phủ thực thi việc cứu lấy các ngân hàng, biến nợ xấu ngân hàng thành các khoản nợ công. Trường hợp của Bồ Đào Nha cũng là do sự chi tiêu hoang phí của chính phủ vào quá nhiều dự án công không bền vững.
Một nguyên nhân nữa liên quan đến chính sách tài khóa chính là sự hạn chế trong cơ chế phối hợp điều hành trong khu vực sử dụng đồng tiền chung eurozone. Các quốc gia trong khu vực chủ yếu hợp tác trong các chính sách tiền tệ, nhằm đảm bảo duy trì giá trị đồng euro, trong khi các chính sách tài khóa lại chưa có được một sự đồng thuận và hài hòa tương ứng. Rõ ràng, mặc dù đã có những quy định cụ thể về mức thâm hụt ngân sách cũng như nợ công nhưng lại không có một cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả đối với từng quốc gia thành viên.
Cuối cùng, nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lan rộng và có nguy cơ trầm trọng hơn chính là việc thiếu cơ chế phối hợp ứng phó giữa các quốc gia trong khu vực.
PHẦN KẾT LUẬN.
Trên đây là những tìm hiểu về thâm hụt ngân sách, thực trạng và nguyên nhân nợ công của một số quốc gia trên thế giới, điển hình là Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, và một số nước châu Âu. Bài viết của em còn nhiều thiếu sót, mong thầy cô và các bạn góp ý để để bài viết của em được hoàn thiện hơn.Em xin cảm ơn!
Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!
Cảm ơn bạn Lê Khánh Ly đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment