2. TỘI NHẬN HỐI LỘ
Định Nghĩa: Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Cùng với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ cũng được Nhà nước ta quy định từ rất sớm ngay sau khi giành được chính quyền. Điều 1 Sắc lệnh số 223-SL ngày 17-11-1946 quy định: Công chức nhận hối lộ bị phpha tù từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ. Tang vật hối lộ bị tịch thu sung công. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Tuy nhiên, tệ hối lộ lại chỉ phát triển trong những gia đoạn nhất định. Nếu trong thời kỳ đất nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thì tệ tham ô, hối lộ, tính chất, mức độ chưa nghiêm trọng như trong giai đoạn hiện nay khi mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng chính vì vậy, sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, cùng với nhiều tội phạm khác, Điều 226 quy định về tội nhận hối lộ được sửa đổi, bổ sung tới ba lần: Lần thứ nhất vào ngày 12-8-1991, lần thức hai vào ngày 22-12-1992 và lần thứa ba vào ngày 10-5-1997. Mặc dù đã sau ba lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phong chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Nhiều trường hợp nhận hối lộ rất nghiêm trọng thậm chí đặc biệt nghiêm trọng, nhưng do có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ hoặc, về xác định các tình tiết của vụ án, về các dấu hiệu cấu thành tội nhận hối lộ, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, để lọt tội phạm.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như tội tham ô, đối với tội nhận hối lộ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội hối lộ với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội nhận hối lộ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội nhận hối lộ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Trước hết, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản. Nếu người có chức vụ, quyền phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với chủ thể của tội nhận hối lộ có tổ chức, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ. Những yêu cầu đó có thể là yêu cầu về lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, người có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ phải là việc thực hiện công vụ. Nếu có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết yêu cầu cho người khác để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất của họ, nhưng không phải là thực hiện cong vụ thì không phải là nhận hối lộ. Ví dụ: Anh Nguyễn Trọng L là Giảng viên của Trường đại học GT , Ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn vẽ thiết kế cho một công trình năm trong dự án phát triển miền núi. Do muốn thay đổi thiết kế, nên bên B (đơn vị thi công) đề nghị anh L vẽ lại thiết kế, anh L nhận lời và đề nghị phải được sự đồng ý của bên A và Công ty trách nhiệm hữu hạn vì anh chỉ là người thực hiện hợp đồng. Để việc thay đổi thít kế nhanh chóng, một số cán bộ bên B đã đưa cho anh L nhiều lần với tổng số tiền gần 10.000.000 đồng. Trong trường hợp này, nếu xét về mối quan hệ giữa anh L với đơn vị thi công là mối quan hệ giữa người giải quyết yêu cầu với người yêu cầu, anh L cũng là người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc giải quyết yêu cầu cho bên B, nhưng việc anh L giải quyết yêu cầu cho bên B không phải là thi hành công vụ mà là thực hiện một nhiệm vụ tư, vì hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn không phải là thi hành công vụ. Do đó, việc anh L nhận tiền của bên B và hứa sẽ giải quyết là sai nhưng không phải là hành vi nhận hói lộ. Cũng hành vi này nhưng nếu anh L thực hiện nhiệm vụ do Ban giám hiệu nhà trường giao thì hành vi của anh L lại là hành vi nhận hối lộ. Vì vậy, việc xác định tư cách chủ thể của tội nhận hối lộ là rất quan trọng.
Người có trách nhiệm đối với việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ là người được giao nhiệm vụ và do nhiệm vụ đó mà họ quyền đối với việc giải quyết yêu cầu của người khác. Những người này, muốn xác định chỉ cần căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh cán bộ công chức và Nghị định số 95-1998/NĐ-CP ngày 17-11-1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như đã phân tích ở phần thứ nhất.
Việc xác định trách nhiệm của một người đối với việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ là rất quan trọng, vì trong thực tế không ít trường hợp người đưa hối lộ cứ tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có trách nhiệm giải quyết được yêu cầu của mình. Ví dụ: Phạm Thanh B là thư ký phiên toà, biết được chủ trương của Hội đồng xét xử là sẽ cho bị cáo Phạm Quốc Đ được hưởng án treo, nên B đã tìm gặp Đ và gợi ý rằng, B có quan hệ thân thiết với vị Thẩm phán chủ toạ phiên toà, có thể xin cho Đ được hưởng án treo. Đ tin là B nói thật nên đã đưa cho B 5.000.000 đồng và nhờ B lo giúp, xong việc sẽ hậu tạ thêm. Sau khi nhận tièn của Đ, B không hề có tác động nào với chủ toạ phiên toà và tin rằng Đ sẽ được hưởng án treo, nhưng tại phiên toà, do có những tình tiết khác với hồ sơ vụ án, nên Hội đồng quyết định phạt Phạm Quốc Đ hai năm tù giam. Vì không đáp ứng được yêu cầu, nên Phạm Quốc Đ đã tố cáo hành vi nhận hối lộ của Phạm Thanh B. Trong vụ án này, đúng là B là người có chức vụ quyền hạn, nhưng không phải là người có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của Đ, nhưng Đ lại tưởng lầm là B có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của mình nên đưa hối lộ cho B. Hành vi của Đ là hành vi đưa hối lộ, nhưng hành vi của B lại là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi nhận hối lộ.
Cũng như chủ thể của tội tham ô tài sản, chủ thể của tội nhận hối lộ là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới nhận hối lộ được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án nhận hối lộ không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Tương tự như đối với tội tham ô tài sản, nếu người phạm tội chỉ nhận hối lộ dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi nhận hối lộ. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi nhận hối lộ thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. Ví dụ: Đặng Văn H là cán bộ tín dụng Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định tài sản thế chấp nên Ngân hàng đã cho vay không đúng với quy định. Trong thời gian chưa quá một năm kẻ từ ngày có quyết định kỷ luật, Đặng Văn H lại nhận hối lộ 400.000 đồng của Bùi Văn Q để xác nhận không đúng giá trị tài sản thế chấp để Bùi Văn Q được vay 100.000.000 đồng của Ngân hàng. Mặc dù Đặng Văn H đã bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải do hành vi nhận hối lộ mà là do hành vi thiếu trách nhiệm nên hành vi nhận hối lộ 400.000 đồng của H chưa cấu thành tội phạm.
Nếu người phạm tội nhận hối lộ có giá trị dưới 500.000 đồng nhưng đã bị két án về về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì hành vi nhận hối lộ đã cấu thành tội phạm và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.
Đã bị kết án về tội quy định tại mục A chương này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi nhận hối lộ, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội: Tội tham ô tài sản ( Điều 278); tội nhận hối lộ ( Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ( Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ ( Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi ( Điều 283) và tội giả mạo trong công tác (Điều 284), nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác (không phải là một trong 7 tội phạm trên) hoặc tuy đã bị kết án về một trong 7 tội phạm trên nhưng đã được xoá án tích thì cũng chưa cấu thành tội nhận hối lộ.
Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp nhận hối lộ quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án nhận hối lộ với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 16 tuổi lại là người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức trong vụ án nhận hối lộ có đồng phạm như: Được người có chức vụ, quyền hạn giao cho đi nhận tiền của người đưa hối lộ, được giao đưa thư, đưa tài liệu...
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo khoản 1 của Điều 279 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội nhận hối lộ quy định tại khoản 1 của điều luật là tội phạm nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Có thể xác định được ngay khách thể của tội nhận hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, hối lộ cùng với tham ô được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc nạn, phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi.
Hầu hết hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn là làm trái công vụ được giao, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên, cá biệt có trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ nhưng vẫn làm đúng chức năng nhiệm vụ, nhưng cho dù có làm đúng đi nữa thì hành vi nhận hối lộ của họ cũng đã xâm phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức mà họ là thành viên. Ví dụ: theo quy định của pháp luật thì Nguyễn Văn D có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Lê Thị H, nhưng D vẫn sách nhiễu đòi bà H phải đưa cho D số tiền 4.000.000 đồng thì D mới cấp giấy cho bà H. Cho dù việc làm của D là đúng pháp luật, nhưng uy tín của cơ quan mà D là thanh viên bị mang tiếng là cái gì cũng phải có tiền mới xong. Tình trạng này hiện nay ở nước ta khá phổ biến, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức có quyền “cho”, khi người khác có nhu cầu “xin”. Tạo ra tâm lý là cái gì cũng phải có tiền mới xong.
Vì vậy, dù người chức vụ, quyền hạn giải quyết đúng pháp luật nhưng nhận hối lộ để giải quyết theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì hành vi nhận hối lộ vẫn xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
Đối tượng tác động của tội nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Về tiền hoặc tài sản không có gì cần trao đổi nhưng đối với lợi ích vật chất khác thì có nhiều ý kiến khác nhau:
Có ý kiến cho rằng, điều luật quy định lợi ích vật chất khác là không cần thiết. Bởi lẽ, ngoài tiền hoặc tài sản ra thì khó có thể xác định được lợi ích vật chất khác là gì, vì đã là lợi ích vật chất thì chỉ tồn tại dưới hai dạng tiền hoặc tài sản, không có cái gọi là lợi ích vật chất phi tài sản, ngoài tài sản và tiền bạc ra không thể xác định lợi ích vật chất nào khác.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người nhận hối lộ không nhận tiền hoặc tài sản, nhưng cái mà họ được người đưa hối lộ lại là một lợi ích vật chất, nhưng lợi ích này không tính ra tiền được hoặc chưa tính ra được bằng tiền. Ví dụ: Hứa cho hưởng hoa lợi, hưởng lãi suất cao, hứa cho đi du học v.v... các lợi ích này tuy là lợi ích vật chất nhưng lại không tính ra được bằng một số tiền cụ thể, có cũng không tồn tại dưới dạng tài sản cụ thể. Chính vì vậy, nhà làm luật quy định lợi ích vật chất khác cũng là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
Đối với tội nhận hối lộ, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội nhận hối lộ với các tội phạm khác.
a. Hành vi khách quan
Trước hết, cũng tương tự như tội tham ô tài sản, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Nếu ở tội tham ô tài sản, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý, thì ở tội nhận hối lộ người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Có thể nói thủ đoạn của hai tội phạm này như nhau chỉ khác nhau ở mục đích thực hiện hành vi.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Ví dụ: Lý Công C là cán bộ tổ chức cơ quan X đã lợi dụng việc được Cơ quan giao cho nhiệm vụ tìm người thay một cán bộ sắp nghỉ hưu. Do nhu cầu hợp lý hoá gia đình, nên chị Nguyễn Thị M đang công tác ở Quảng Ninh có nguyện vọng xin về Hà Nội công tác, mặc dù chị M không đủ điều kiện vào cơ quan vì chưa có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành, nhưng C vẫn hứa với chị M là lo được. Chị M đã đưa cho C 5 chỉ vàng và hứa khi nào xong việc sẽ đưa nột cho C 5 chỉ vàng nữa. Sau khi nhận vàng của chị M, C đã báo cáo lãnh đạo cơ quan là chị C có đủ điều kiện, nên thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định tiếp nhận chị M về cơ quan, nhưng khi kiểm tra lại hồ sơ, Trưởng phòng tổ chức, cán bộ mới phát hiện chị M không đủ điều kiện vào cơ quan công tác.
Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ. Nếu hành vi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là nhận hối lộ. Ví dụ: Hoàng Thanh Q quen Bùi Văn Th là Phó trưởng phòng kiểm sát án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. T đặt vấn đề với Th giúp đỡ em trai của Q là Hoàng Thanh C bị Công an bắt về tội mua bán trái phép chất ma tuý, Th nhận lời và hứa với Q sẽ xin cho C được tại ngoại. Q đã đưa cho Th 10.000.000 đồng để Th lo giúp. Sau khi nhận tiền, Th đã gặp anh Vũ Quốc K là Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc điều tra vụ án này. Th nói với anh Q cố gắng giúp đỡ, nếu C được tại ngoại gia đình C sẽ không quên ơn; anh K thấy Th là người cùng cơ quan lại là lãnh đạo của một Phòng, nên đã nhận lời và đè xuất tạm tha Hoàng Thanh C. Sau khi C được tạm tha, gia đình C kể cho người quen biết phải mất 10.000.000 đồng. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh biết được tin, đã kiểm tra và sự việc bị bại lộ. Trong trường hợp này mặc dù Bùi Văn Th có chức vụ, quyền hạn và cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhưng việc nhận tiền của Hoàng Thanh Q lại không liên quan đến chức vụ, quyền hạn của Th. Th cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện yêu cầu của Q, vì Th không phải là người được giao trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ, mà chỉ lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với anh K để trục lợi.
Trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ
Trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ không thông qua người khác như: A đưa hối lộ cho B bằng cách trực tiếp cầm tiền giao cho B hoặc chuyển tiền vào tài khoản của B tại ngân hàng.
Việc trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ, thực tiễn không có vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người khác nhưng người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác lại không phải là người đưa hối lộ, cũng không phải là người môi giới hối lộ nhưng người nhận tiền vẫn là người nhận hối lộ. Ví dụ: Trong vụ án Tân Trường Sanh, cán bộ Phòng chống buôn lậu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh mỗi lần nhận “tiền thưởng” của người có trách nhiệm phát, họ chỉ biết đó là tiền do các chủ hàng “bồi dưỡng” còn cụ thể tiền đó ai đưa, ai nhận họ không quan tâm. Mặc dù người phát tiền cho họ không phải là người đưa hối lộ cũng không phải là người môi giới hối lộ, mà người đưa tiền thực chất là người được phân công chia của hối lộ trong vụ nhận hối lộ tập thể (có tổ chức).
Qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ hoặc người đưa hối lộ không trực tiếp đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người nhận hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ.
Trường hợp qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, không nhất thiết người nhận hối lộ phải biết người đưa hối lộ là ai, chỉ cần biết đó là của hối lộ là đã bị coi là nhận hối lộ. Tuy nhiên, người nhận hối lộ phải biết nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là nhận của hối lộ, nếu có căn cứ xác định người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhưng không biết đó là của hối lộ thì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đó không bị coi là nhận hối lộ. Ví dụ: Ông Vũ Ngọc P là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện M được giao làm chủ dự án phát triển khu định canh định cư, đã phê duyệt dự án. Sau khi phê duyệt, ông P đi học ở Hà Nội. Trong quá trình thi công, Đỗ Quốc B đại diện cho bên thi công, đã chỉ đạo cấp dưới đem một xe máy, một ti vi và một tủ lạnh đến nhà ông P nói dói với vợ ông P là ông B nhờ mua; bà H vợ ông P tưởng thật nên đã nhận số tài sản trên. Khi ông P về mới biết B cho người đưa tài sản đến gia đình ông trong lúc ông đi vắng. Ông P đã gọi B đến và trả lại số tài sản trên.
Tuy nhiên, hiện nay thủ đoạn nhận hối lộ diễn ra rất phức tạp, thường thì người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ mà để cho cho người thân của mình như: Bố, mẹ, vợ, chồng, con...nhận. Có trường hợp người thân của người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thông qua việc giao dịch mua bán tài sản như: Người đưa hối lộ mua tài sản của gia đình người nhận hối lộ với giá gấp 5 gấp 10 lần giá trị thật của tài sản đó. Ví dụ: Trịnh Vĩnh B đã mua của gia đình ông Trọng M một mảnh đất với giá 200 lượng vàng, trong khi đó mảnh đất này nếu tính theo giá thực vào thời điểm trao đổi chỉ khoảng 50 lượng vàng. Cũng có trường hợp nhân dịp ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, lễ tết... để nhận hối lộ nhưng lại được lại được ngụy trang bởi những lý do có vẻ chính đáng.
Pháp luật của ta chưa quy định giá trị tài sản bao nhiêu thì được coi là hối lộ hay chỉ là nhận quà biếu, nên thực tiễn xét xử không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng khi xác định hành vi nhận hối lộ hay chỉ là nhận quà biếu.
Có ý kiến cho rằng, căn cứ vào khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự thì, quà biếu là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị dưới 500.000 đồng, vì trên 500.000 đồng là bị coi là nhận hối lộ. Tuy nhiên, nếu hiểu như vậy, thì lại quá máy móc, vì trên thực tế có những món quà có giá trị hàng chục triệu đồng nhưng nó vẫn là quà biếu, ngược lại có tài sản chỉ có giá trị vài trăm ngàn đồng nhưng nó lại là của hội lộ. Vì vậy, giá trị tài sản không phải là căn cứ để phân biệt hành vi nhận hối lộ hay chỉ là nhận quà biếu, mà còn phải căn cứ cào những dấu hiệu khác của tội phạm này.
Đã nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác Là trường hợp người nhận hối lộ đã nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người đưa hối lộ trực tiếp hoặc qua trung gian giao cho, tức là người nhận hối lộ đã chiếm hữu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác như: đã cầm tiền, đã cầm tài sản, tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình ( Ngân hàng đã báo có)...
Sẽ nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là trường hợp người đưa hối lộ hứa sẽ giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người nhận hối lộ nhưng chưa giao. Người nhận hối lộ và người đưa hối lộ mới thoả thuận với nhau về của hối lộ, nhưng chưa có việc giao nhận của hối lộ. Ví dụ: Trần Ngọc C là cán bộ kiểm lâm thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh B bắt được Nguyễn Văn S mua bán động vật quý hiếm. C yêu cầu S đưa cho C 10.000.000 đồng thì tha cho đi; vì không đem theo tiền, nên Nguyễn Văn S hứa nếu C không xử lý, S sẽ đưa cho C 10.000.000 đồng. Để làm tin, C yêu cầu S viết một giấy nhận nợ C số tiền 10.000.000 đồng.
Dù người nhận hối lộ đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì cũng không vì thế mà cho rằng, trường hợp đã nhận là tội phạm hoàn thành còn trường hợp sẽ nhận là tội phạm chưa hoàn thành, vì giá trị của hối lộ không phải là hậu quả của tội phạm mà nó chỉ là phương tiện để thực hiện tội phạm, một dấu hiệu khách quan của tội nhận hối lộ, vì tội nhận hối lộ không phải là tội phạm có tính chất chiếm đoạt, nên hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác không phải là hành vi chiếm đoạt.
Hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào là việc nhận của hối lộ không bị phụ thuộc vào thủ đoạn mà người đưa và nhận hối lộ thực hiện. Hình thức ở đây là hình thức nhận hối lộ chứ không phải là hình thức giao nhận tiền, nên khi xác định hình thức nhận hối lộ trong một số trường hợp núp dưới danh nghĩa tưởng như hợp pháp thì cần xác định hình thức đó chính là thủ đoạn đưa và nhận hối lộ, còn hình thức cụ thể đó chỉ là thủ đoạn giảo quyết để che giấu tội phạm. Tuy nhiên, nếu hình thức đó không phải là thủ đoạn đưa và nhận hối lộ thì đó lại là một quan hệ thuộc các lĩnh vực dân sư, kinh tế, hành chính hoặc chỉ là quan hệ thuộc lĩnh vực đạo đức. Ví dụ: Thông qua một hợp đồng mua bán, nhưng hợp đồng mua bán đó về hình thức và nội dung đều đúng với quy định của pháp luật; người mua chuyển tiền, người bán giao hàng với giá cả thoả thuận thì không thể coi đó là thủ đoạn đưa và nhận hối lộ được.
Như vậy hình thức nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành tội nhận hối lộ, nhưng căn cứ vào hình thức ta xác định được thủ đoạn của hành vi nhận hối lộ do người phạm tội thực hiện. Trong nhiều trường hợp chính thông qua hình thức nhận hối lộ giúp ta xác định được đó là thủ đoạn nhận hối lộ hay chỉ là quan hệ xã hội khác. Ví dụ: Cũng là việc nhận quà biếu, trong một hoàn cảnh cụ thể này thì đó là thủ đoạn của hành vi nhận hối lộ, nhưng đặt nó trong một hoàn cảnh khác thì đó lại là quan hệ thuộc lĩnh vực đạo đức. Nhà làm luật quy định “dưới bất cứ hình thức nào” là nhằm bảo đảm không lọt bất cứ một thủ đoạn nào mà người phạm tội sử dụng để nhận hối lộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng chính do quy định này nên trong việc xác định đâu là thủ đoạn nhận hối lộ, đâu là quan hệ xã hội khác là một vấn đề phức tạp đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải đánh giá một cách tổng hợp tất cả các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện để tìm ra sự thật.
Để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ
Đây là dấu hiệu rất quan trọng thuộc mặt khách quan của tội phạm này và thực tiễn xét xử khi xác định dấu hiệu này của tội nhận hối lộ trong nhiều vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến việc xác định hành vi phạm tội cũng rất khác nhau. Quan niệm chung của xã hội khi đánh giá một hành vi đưa và nhận hối lộ là phải có tiền thì mới được việc dù việc đó giải quyết đúng hay sai người có yêu cầu giải quyết không quan tâm. Ví dụ: Để xin cho con vào học ở một trường chuyên, một phụ huynh đã phong bao cho ông Hiệu trưởng 5.000.000 đồng, mặc dù con mình vẫn đủ điểm để được vào học trường đó; việc ông Hiệu trưởng chấp nhận cho con của phụ huynh này vào học là việc làm đúng quy định. Mặc dù việc tiếp nhận con của vị phụ huynh vào trường là hoàn toàn đúng quy định, không trái pháp luật nhưng hành vi nhận 5.000.000 đồng của ông Hiệu trưởng vẫn là hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, nếu con của vị phụ huynh trên không đủ điều kiện vào học trường chuyên, vì nhận 5.000.000 đồng nên ông Hiệu trưởng mới nhận học sinh đó vào trường thì hành vi của ông Hiệu trưởng mới là hành vi nhận hối lộ, vì ông đã nhận tiền để làm trái công vụ. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng thường nêu ra lý do người nhận hối lộ không làm trái công vụ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt và coi đây là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.
Để làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là hành vi của người nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó, mà việc đó có lợi cho chính người đưa hối lộ như: Thẩm phán nhận hố lộ của bị cáo để cho bị cáo được hưởng án treo; Điều tra viên nhận hố lộ của bị can đang bị tạm giam để đề xuất thay đổi biện pháp tạm gam thành biệt pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Kiểm sát viên nhận hối lộ của bị can để ra quyết định đình chỉ điều tra; Thủ trưởng nhận hối lộ của cán bộ cấp dưới để tăng lương, bổ nhiệm, đề bạt họ; Cán bộ của Bộ thương mại nhận hối lộ của doanh nghiệp để cấp “quata” xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp đó; Cán bộ của sở nhà đất hoặc của Uỷ ban nhân dân nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.v.v... Có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có thể xẩy ra việc đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, để phân biệt dấu hiệu này với các dấu hiệu khác, thì chỉ cần xem người phạm tội làm một việc và việc đó đem lại lợi cho người đưa hối lộ hay người khác mà người đưa hối lộ quan tâm. Nếu người nhận hối lộ làm một việc vì lợi ích của chính người đưa hối lộ thì thuộc trường hợp phạm tội này, nếu người nhận hối lộ làm một việc lại vì lợi ích của người khác không phải của người đưa hối lộ thuộc trường hợp “để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
Để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó, mà việc đó đem lại lợi ích cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm như: Bố mẹ đưa hối lộ để xin học cho con; con đưa hối lộ chạy tội cho bố mẹ; vợ hoặc chồng đưa hối lộ để chạy tội cho chồng hoặc vợ; anh chị em đưa hối lộ để chạy tội cho nhau...Có khi người đưa hối lộ chỉ yêu cầu người nhận hối lộ thi hành nhanh một quyết định của cơ quan, tổ chức có lợi cho người mà người đưa hối lộ quan tâm. Ví dụ: Theo quyết định của Toà án nhân dân quận thì bà Phạm Thị M phải trả nhà cho bà Lê Thị H, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà H nhiều lần làm đơn gửi Phòng thi hành án yêu cầu tổ chức thi hành bản án, nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Nguyễn Quốc V là con bà H đã đưa hối lộ cho Trần Tuấn A là Đội trưởng đội thi hành án quận và nhờ A làm việc với Phòng thi hành án ra quyết định cưỡng chế để bà H sớm nhận được nhà.
Không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là trường hợp vì đã nhận hối lộ nên người phạm tội không thực hiện một việc mà lẽ ra họ phải thực hiện và do không thực hiện nhiệm vụ đó nên đã đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ. Ví dụ: Không thi hành lệnh bắt tạm giam, để người phạm tội bỏ trốn; không ra lệnh thi hành án phạt tù để người bị kêt án bỏ trốn hoặc hết thời hiệu thi hành án; không bắt người đang phá trại giam để bỏ trốn; không thi hành lệnh cưỡng chế giải phóng mặt bằng; không lập biên bản vi phạm trong trường hợp bắt được hàng lậu, hàng cấm; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc không kết án người có tội... Khoa học luật hình sự coi trường hợp phạm tội này là không hành động, tức là không làm một việc mà pháp luật bắt người có chức vụ, quyền hạn phải làm.
Không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp cũng tương tự như trường hợp không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ, chỉ khác ở chỗ: lợi ích mà người nhận hối lộ đem lại không phải cho người đưa hối lộ mà là cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm, có thể là những người thân của người đưa hối lộ nhưng cũng có thể chỉ là bạn bè của người đưa hối lộ. Ví dụ: Phạm Văn Ph bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản và mặt dù Ph không yêu cầu, cũng không có ý định đưa hối lộ, nhưng vì muốn lo cho Ph nhẹ tội, nên Trần Văn K đã đến gặp và đưa hối lộ cho Nguyễn Văn M là điều tra viên được phân công điều tra vụ án 1.000 USD và nhờ M tìm cách làm nhẹ tội cho Ph.
Tóm lại, bị coi là hành vi nhận hối lộ nếu người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trực tiếp hoặc quan trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.
b. Hậu quả
Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội nhận hối lộ là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.
Hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm.
Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, giá trị của hối lộ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và nếu chưa nhận hối lộ hoặc đã nhận hối lộ nhưng giá trị của hối lộ dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm; coi gía trị của hối lộ là hậu quả của tội phạm. Đây là sự nhầm lẫn giữa hậu quả của tội phạm với giá trị của hối lộ là dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội đã nhận hối lộ mà của hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định nhận hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa nhận của hối lộ thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu người phạm tội mới có ý định nhận hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ nhưng chưa nhận được của hối lộ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu người phạm tội nhận hối lộ dưới 500.000 đồng ngoài những điều kiện: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích đã nêu ở phần các dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội thì còn phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội nhận hối lộ.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.9
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được của hối lộ.
Mặc dù điều luật quy định đã nhận hoặc sẽ nhận, nhưng không vì thế mà cho rằng ý định nhận hối lộ của người phạm tội có sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cho dù người phạm tội sẽ nhận của hối lộ sau khi làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì người nhận hối lộ vẫn có ý định nhận của hối lộ trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội không có ý định nhận của hối lộ thì dù họ có làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì cũng không phải nhận hối lộ. Ví dụ: Anh Trần Quốc T là Cảnh sát hình sự được đơn vị phân công điều tra truy tìm thủ phạm trong vụ cướp giật dây chuyền vàng của chị Đào Xuân L. Biết được anh T điều tra vụ án, nên chị L đến gặp anh T đặt vấn đề: “Nếu tìm được sợi dây chuyền chị L sẽ biếu anh T 2.000.000 đồng”. Nghe chị L nói vậy, anh T chỉ cười và nói: “Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để tìm được thủ phạm và sợi dây chuyền cho chị.” Khi về đơn vị, anh T kể chuyện cho đơn vị nghe về việc chị L hứa sẽ thưởng 2.000.000 đồng nếu ai tìm được sợi dây chuyền cho chị. Sau một thời gian truy tìm, anh T và tổ công tác đã bắt được thủ phạm cướp giật dây chuyền và mời chị L đến nhận lại. Khi đến nhận lại sợi dây chuyền, chị L kể cho chồng nghe về lời hứa với anh T, nhưng chồng chị L cho rằng anh T đòi hối lộ nên đã làm đơn tố cáo anh T. Sau khi lãnh đạo đơn vị xác minh, thì thấy anh T không hề có ý định nhận hối lộ của chị L, nên đơn vị đã mời vợ chồng chị L đến để giải thích. Chồng chị L xin lỗi anh T về sự nghi ngờ không có căn cứ của mình.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội nhận hối lộ không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ, có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.
So với tội nhận hối lộ quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn và nếu so sánh giữa tội nhận hối lộ quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức cao nhất và mức thấp nhất của khung hình phạt như nhau.
Nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 279 thì khoản 1 Điều 279 có lợi cho người phạm tội hơn khoản 1 Điều 226, vì khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định tình tiết “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” là yếu tố định tội và tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm ” quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nay khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định lại là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” cũng là quy định có lợi hơn cho người phạm tội. Do đó, hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hành vi phạm tội, nhưng khi quyết định hình phạt thì vẫn phải áp dụng khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.
Khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm, người dưới 16 khó có thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự, nhưng về lý thuyết thì vẫn có thể xảy ra bởi vì người dưới 16 tuổi vẫn có thể nhận hối lộ trong trường hợp người này giữ một chức vụ trong lớp học như: Lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn...
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
- Người phạm tội đã nhận được của hối lộ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa nhận được của hối lộ; giá trị của hối lộ càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội đã tự nguyện nộp lại của hối lộ thì được giảm nhẹ hình phạt hơn người không nộp lại của hối lộ.10
2. Phạm tội nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự
a.Có tổ chức.
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, nhận hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án nhận hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành.
Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội nhận hối lộ có tổ chức có những đặc điểm riêng như:
Người thực hành trong vụ án nhận hối lộ có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận của hối lộ.
Nhận hối lộ có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì có sự cấu kết, phân công vai trò, trách nhiệm của từng người đồng phạm nên khó bị phát hiện. Điển hình cho việc nhận hối lộ có tổ chức là vụ án Tân Trường Sanh, trong đó việc nhận hối lộ xảy ra tại Phòng điều tra chống buôn lậu do Phùng Long Thất cầm đầu. Chỉ khi cơ quan điều tra phát hiện hành vi buôn lậu của Trần Đàm và đồng bọn thì hành vi nhận hối lộ của Phùng Long Thất và đồng bọn mới bị phát hiện. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra truy tố đối với một số cán bộ hải quan thuộc Phòng điều tra chống buôn lậu thuộc Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh, do không nắm chắc các dấu hiệu của hành vi phạm tội có tổ chức, nên đã có quan điểm cho rằng những cán bộ không phải là Trưởng, Phó phòng chỉ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nhận hối lộ sang tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối với một số cán bộ thuộc Phòng điều tra chống buôn lậu hải quan thành phố Hồ Chí Minh được tách ra từ vụ án Tân Trường Sanh để truy tố xét xử trong vụ án Anh Lâm. Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã quyết định trả hồ sơ và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các cán bộ hải quan thuộc Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh về tội nhận hối lộ.
Trong những năm gần đây, nhận hối lộ có tổ chức với quy lớn thường được tổ chức rất chặt chẽ và kèm theo hành vi nhận hối lộ là hành vi tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm và những hành vi khác gây thiệt hại rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích của cơ quan, tổ chức.
b. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn
Người phạm tội nhận hối lộ nhất thiết phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới nhận được hối lộ, nếu chỉ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì đó chỉ là tình tiết là yếu tố định tội, nhưng nếu người nhận hối lộ lại lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có để nhận hối lộ thì lại là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là làm một việc vượt quá chức vụ, quyền hạn mà mình có (vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình) như: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường ra lệnh bắt người tạm giữ hoặc tạm giam; Trưởng Công an phường, xã bắt người tạm giữ, tạm giam để đòi hối lộ; cán bộ quản lý thị trường ra lệnh khám nhà, khám người v.v...
Để lạm dụng chức vụ, quyền hạn, trước hết người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn nhưng đã sử dụng vượt quá chức vụ, quyền hạn đã có. Nếu một người không có chức vụ, quyền hạn gì nhưng lại mạo danh là mình có chức vụ, quyền hạn đó để lấy của hối lộ thì không phải là lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ mà là hành vi lừa dảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này chỉ lạm dụng quyền hạn, chứ ít khi lạm dụng chức vụ. Tuy nhiên, quyền hạn bao giờ gắn liền với chức vụ, nên khi nói đến lạm quyền cũng là lạm dụng chức vụ. Trước đây, thuật ngữ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu như nhau. Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân đã dùng thuật ngữ “lạm dụng chức quyền” để chỉ hành vi phạm tội lạm dụng chức quyền, để chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 8) và được giải thích là: “Lạm dụng chức quyền có thể là làm trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình”.11
Quá trình phát triển của pháp luật hình sự và qua thực tiễn xét xử các nhà làm luật thấy cần thiết phải phân biệt hai thuật ngữ “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Lạm dụng là có ít mà dùng nhiều, dùng quá mức, vượt ra khỏi phạm vi được phép. Trong cuộc sống chúng ta cũng thường gặp khái niệm lạm dụng như: Lạm dụng việc sử dụng thuốc tân dược, lạm dụng việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc mầu thực phẩm. v.v... và thuật ngữ lạm dụng đã được sử dụng đúng với nghĩa của nó.
c. Phạm tội nhiều lần
Phạm tội nhận hối lộ nhiều lần là có từ hai lần nhận hối lộ trở lên và mỗi lần nhận hối lộ đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.
d. Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước
Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước là trường hợp người nhận hối lộ biết rõ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là tài sản Nhà nước mà vẫn nhận.
Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định tài sản của Nhà nước mà chỉ quy định tài sản xã hội chủ nghĩa. Việc nhà làm luật thay đổi khái niệm tài sản xã hội chủ nghĩa bằng khái niệm tài sản của Nhà nước không chỉ đơn thuần thay đổi về tên gọi tính chất tài sản mà nó làm thay đổi tính chất, phạm vi áp dụng đối với hành vi phạm tội nói chung và tội nhận hối lộ nói riêng. Tài sản xã hội chủ nghĩa có nội hàm rộng hơn tài sản của Nhà nước. Tài sản xã hội chủ nghĩa bao gồm cả tài sản của các tổ chức kinh tế tập thể, nhưng tài sản của Nhà nước thì chỉ bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Về khái niệm tài sản của Nhà nước cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước thì không cần phải bàn cãi, nhưng nếu tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu một phần của Nhà nước thì vấn đè lại không đơn giản như: Các công ty cổ phần, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các đơn vị kinh tập thể hoặc tư nhân... Nếu người nhận hối lộ biết của hối lộ là tài sản của các đơn vị kinh tế này thì có coi là tài sản của Nhà nước không ? Đây là vấn chưa được hướng dẫn giải thích nên trong thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng thường có quan điểm khác nhau khi phải xác định tài sản của Nhà nước là yếu tố định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm.
Có thể còn ý kiến khác nhau về thế nào là tài sản của Nhà nước nhưng chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu một phần dù đó là phần lớn thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.
đ. Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt
Tình tiết này chứa đựng ba nội dung khác nhau: Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Người phạm tội chỉ thuộc một trong ba trường hợp phạm tội này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, nhưng nếu người phạm tội nhận hối lộ thuộc cả ba trường hợp phạm tội này thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 của điều luật.
Đòi hối lộ là người nhận hối lộ chủ động yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho mình thì mới làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ: Đinh Minh L là Phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh N được phân công giải quyết xử lý hai xe gỗ lậu do tổ công tác kiểm lâm bắt được. Chủ của hai xe gỗ này là Vũ Văn H đã đến nhà L xin được xử phạt hành chính để được xin lại hai xe gỗ trên, nhưng L không đồng ý mà yêu cầu H, muốn xử phạt hành chính thì phải đưa cho L 50.000.000 đồng. Sau khi nhận được 50.000.000 đồng, L đã quyết định xử phạt hành chính và trả hai xe gỗ cho H.
Thực tiễn xét xử cho thấy người nhận hối lộ không trực tiếp yêu cầu người khác phải đưa hối lộ nhưng lại có thủ đoạn gợi ý hoặc qua trung gian để gợi ý cho người khác đưa hối lộ cho mình. Trường hợp phạm tội này cũng phải coi là đòi hối lộ, thậm chí còn bị coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt để đòi hối lộ.
Sách nhiễu là trường hợp người nhận hối lộ gây khó dễ cho người khác để đòi tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của họ như: Đã có quyết định cấp đất nhưng cố tình trì hoãn việc giao quyết định cho người được giao đất; đã có chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cố tình trì hoãn việc thanh toán cho người được đền bù; đã có bản án có hiệu lực pháp luật, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành nhưng cố tình trì hoãn việc ra quyết định thi hành án.v.v... Nói chung người sách nhiễu để đòi hối lộ là người không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhận hối lộ sách nhiễu để đòi hối lộ và làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Sách nhiễu là gây chuyện lôi thôi để đòi hối lộ, sách nhiễu, vòi vĩnh để đòi của đút là thói tham lam, xấu xa của bọn quan lại ngày xưa mà nhân dân ta thường lên án. Ngày nay Đảng và Nhà nước ta cũng coi sách nhiễu là hành động tha hoá của một bộ phận công chức trong bộ máy Nhà nước cần phải xử lý nghiêm khắc. Nhà làm luật coi tình tiết sách nhiễu để dòi hối lộ là yếu tố định khung hình phạt cũng là phù hợp với đạo đức xã hội thể hiện được ý chí của nhân dân.
Dùng thủ đoạn xảo quyệt để nhận hối lộ là người phạm tội nhận hối lộ có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người đưa hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.
Những mánh khoé, cách thức mà người nhận hối lộ sử dụng để nhận hối lộ rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khoé, cách thức làm cho người khác dễ bị lừa hoặc nếu biết cũng không đối phó được như: Nhận hối lộ nhưng lại buộc người đưa phải viết giấy bán tài sản cho mình hoặc giấy biên nhận nợ; nhận hối lộ bằng cách buộc người đưa hối lộ mua tài sản của mình với giá gấp nhiều lần so với giá thật; nhận hối lộ bằng cách buộc người đưa hối lộ chuyển vào tài khoản của mình một khoản tiền được ngụy trang dưới một hợp đồng mua bán hay đứng tên người khác...
Nói chung, những mánh khoé, cách thức nhận hối lộ mà người nhận hối lộ sử dụng rất khó phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì khó tìm được chứng cứ để buộc tội họ.
e. Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng
Đây là trường hợp người phạm tội nhận hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận của hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: Nguyễn Văn M mua chiếc xe Wave với giá 12.000.000 đồng, nhưng khi đưa hối lộ cho Vũ Ngọc P thì xe Wave của Trung Quốc bị hạ giá chỉ còn 9.000.000 đồng. Nếu tính giá trị chiếc xe khi M mua thì P phạm tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, nhưng nếu tính giá trị chiếc xe vào thời điểm M đưa hối lộ cho P thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị của hối lộ thì phải trưng cầu giám định (định giá).
Điều luật quy định của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã nhận được của hối lộ có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Trường hợp người phạm tội chưa nhận được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, vì điều luật quy định: “ đã nhận hoặc sẽ nhận”, nên chỉ cần có thoả thuận là sẽ nhận là tội phạm đã hoàn thành. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì được coi là phạm tội chưa đạt, nhưng đối với tội nhận hối lộ thì dù chưa nhận được của hối lộ vẫn coi là tội phạm đã hoàn thành.
g. Gây hậu quả nghiêm trọng khác
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi nhận hối lộ mà:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.12
Tương tự như đối với tọi tham ô, khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm g khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một.
Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định đâu là hậu quả trực tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra, còn đâu là hậu quả gián tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra ? vì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng, khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hy vọng rằng khi có điều kiện, nhà làm luật sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
So với khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 2 Điều 226. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 279 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:
Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 30.000.000 đồng đén dưới 50.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985;
Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ là tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng không phải là tài sản của Nhà nước thì chỉ áp dụng khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 mà không áp dụng điểm d khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội nhận hối lộ, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 13
3. Nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự
a. Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận của hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi nhận hối lộ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội tham tài sản, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi nhận hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra:
- Làm chết hai người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.14
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
So với khoản 3 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 3 Điều 226. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 279 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:
- Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985;
- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười lăm năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự ).
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể
đối với người phạm tội nhận hối lộ, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 15
4. Nhận hội lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự
a. Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ ba trăm triệu đồng trở lên.
Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận của hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi nhận hối lộ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi nhận hối lộ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội tham tài sản, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra:
Làm chết ba người trở lên;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
-Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;
-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;
-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;
Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.16
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
So với khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 4 Điều 226, vì khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, còn khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt tù hai năm, tù chung thân hoặc tử hình. Mặt khác, khoản 4 Điều 279 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt và giá trị của hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 279 cũng lớn hơn ( 300.000.000 đồng so với 50.000.000 đồng). Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:
- Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng khi quyết định hình phạt thì phải căn cứ vào khung hình phạt tại khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười lăm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, không còn khả năng cải tạo thì có thể áp dụng hình phạt tử hình.
Do điều luật quy định khung hình phạt có ba mức khác nhau và để việc áp dụng thống nhất pháp luật Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn này thì:
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau:
- Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;
- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;
- Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:
- Xử phạt tù từ mười lăm năm (đối với tội nhận hối lộ) hoặc từ mười ba năm (đối với tội đưa hối lộ) đến dưới hai mươi năm nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);
- Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;
- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:
- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;
- Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.
Trong trường hợp theo hướng dẫn thì người phạm tội nhận hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội nhận hối lộ đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã nộp thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào giá trị của hối lộ nộp lại mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ nếu:
- Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được ít nhất một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận;
- Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để nộp lại giá trị của hối lộ đã nhận (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội nhận hối lộ
Theo quy định tại khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội nhận hối lộ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội nhận hối lộ quy định tại khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 5 Điều 279 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội nhận hối lộ là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.
ậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, thì khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định: “có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Như vậy, việc áp dụng hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản đối với người nhận hối lộ quy định tại khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn là bắt buộc nữa. Toà án có thể áp dụng và cũng có thể không áp dụng nếu tháy việc áp dụng hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản đối với người phạm tội là không cần thiết.
Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội nhận hối lộ trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999.
No comments:
Post a Comment