19/05/2014
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường - Bài tập học kỳ Luật Dân sự 2 - Bài 2

Vấn đề môi trường luôn là vấn đề nóng trong xã hội bởi những vai trò quan trọng của nó đối với cuộc sống của mỗi người. Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng được đẩy mạnh và phát triển, mang lại sự tiến bộ vượt bậc cả về khoa học kĩ thuật cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đi kèm theo đó lại là tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn và đe dọa trực tiếp đến sự phát triển nền kinh tế thậm chí là sự tồn tại của đất nước về sau. Do vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay với các cấp quản lí, với các doanh nghiệp và với toàn xã hội là phải đưa ra các biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề về môi trường. Một trong số đó và quan trọng hơn cả là việc giải quyết những vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, thể hiện tính răn đe của pháp luật nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức. Để nghiên cứu rõ hơn vấn đề này, trong phạm vi nghiên cứu của bài tập lớn em xin chọn đề tài: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường”.


NỘI DUNG

I. Khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hạido làm ô nhiễm môi trường

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Khi một nghĩa vụ dân sư được xác lập, các bên phải thực hiện nội dung của nghĩa vụ đó. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ thì phải gánh chịu những hậu quảbất lợi mà pháp luật đã dự liệu. 

Theo khoản 1 điều 302 BLDS 2005 quy định về TNDS do vi phạm nghĩa vụ dân sự: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”.

Trách nhiệm dân sự nói chung là một chế tài của ngành luật dân sự, còn trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ lại là một chế tài trong nghĩa vụ. Có thể nói, trách nhiệm dân sự là một trong số những chế tài có giá trị nhất mà pháp luật quy định dùng để trừng phạt và răn đe đối với người phạm tội. Và trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong số đó, được quy định tại điều 307 BLDS 2005: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần”.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn được gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại. Sự kiện gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm ở đây được hiểu là nghĩa vụ của người gây ra thiệt hại phải bồi thường cho người thiệt hại các quyền và lợi ích hợp pháp mà không có trong hợp đồng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều 604 BLDS: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

2. Ô nhiễm môi trường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Luật bảo vệ môi trường: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, tồn tại, phát triển của con người và sinh vật”. Như vậy, hành vi gây ô nhiễm môi trường được hiểu là hành vi tác động tới các yếu tố của môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng…và gây ra những tổn hại, làm thay đổi tính chất của môi trường, khiến môi trường suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên và trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được quy định tại điều 624 BLDS: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Tại khoản 5 điều 4 Luật bảo vệ môi trường 2005 cũng quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các hậu quả khác theo quy định của pháp luật”. Trách nhiệm này còn được quy định trong nhiều luật khác như Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước…

Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra cho môi trường cũng như cho con người. Trách nhiệm này được hiểu là trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội, trách nhiệm với các cá nhân, tổ chức chịu thiệt hại trực tiếp của hành vi trái pháp luật đó và tiếp đến mới là trách nhiệm khắc phục hậu quả môi trường mà mình gây ra.

II. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

1. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do làm ô nhiễm môi trường

Do trách nhiệm dân sự do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đồng thời là các điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do làm ô nhiễm môi trường,gồm:

1.1. Có thiệt hại xảy ra

Trong quan hệ bồi thường thiệt hại thì thiệt hại xảy ra là điều kiện bắt buộc đầu tiên để xem xét việc có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không. Theo quy định tại điều 130 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gồm hai loại:

- Một là, thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, còn gọi là thiệt hại đối với các thành phần môi trường hay thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, thể hiện như: thiệt hại đối với các giá trị sinh thái… Loại thiệt hại này thường gắn với chủ thể bị thiệt hại là Nhà nước hoặc các cộng đồng dân cư.
- Hai là, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Loại thiệt hại này thường gắn với chủ thể bị thiệt hại là tổ chức, cá nhân cụ thể.

Theo BLDS 2005, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra có thể được bồi thường gồm những thiệt hại:

-   Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm(điều 608 BLDS), gồm: 1. Tài sản bị mất;2. Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; 3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
-   Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 609 BLDS) gồm: 1) chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; 2) thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; 3) chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
-   Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 610 BLDS), gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Trong một số trường hợp đặc biệt,thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và thiệt hại đối với tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có mối quan hệ mật thiết với nhau.Ví dụ, thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định cũng đồng thời là thiệt hại về tài sản, lợi ích của tổ chức cá nhân tại khu vực đó, như ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước tại một cánh đồng dân cư đang canh tác sẽ gián tiếp gây suy giảm nguồn lợi kinh tế cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm...  Điều này cần chú ý để tránh trùng lặp khi xác định thiệt hại, đảm bảo đúng mức thiệt hại và đúng nguyên nhân để đưa ra biện pháp xử lí phù hợp.

1.2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật

Hành vi là cách thức con người tác động đến thế giới xung quanh, có thể là hành động hoặc không hành động. Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và tài sản. Một người có hành vi xâm phạm đến những quyền tuyệt đối này đều bị coi là hành vi trái pháp luật, dù có lỗi hay không.

Trong lĩnh vực môi trường, hành vi trái pháp luật được hiểu là hành vi không tuân theo pháp luật về môi trường, thực hiện không đúng các quy định của pháp luật môi trường hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm các quyền lợi được pháp luật bảo vệ. Trên thực tế, hành vi trái pháp luật môi trường được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng những hành vi dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường thường tồn tại phổ biến ở một số dạng như: vi phạm nghiêm trọng trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; vi phạm quy định trong khiểm soát tiếng ồn, khí thải, nước thải, chất rắn; vi phạm quy định trong phòng ngừa sự cố môi trường…

Hành vi vi phạm pháp luật môi trường ở đây phải do chủ thể có năng lực chủ thể thực hiện, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, nếu là cá nhân thì phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. 

Ngoài ra, hành vi vi phạm này còn gây ra các thiệt hại về môi trường, từ đó gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức như trình bày ở trên. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt vi phạm pháp luật môi trường với các vi phạm khác. 

Với việc gây ra thiệt hại này, chủ thể thực hiện phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Tuy nhiên, không phải bất cứ hành vi vi phạm pháp luật môi trường nào cũng phát sinh trách nhiệm bồi thường, mà chỉ khi hậu quả của hành vi biểu hiện trên thực tế, gây thiệt hại đến các yếu tố của môi trường và các chủ thể khác thì trách nhiệm bồi thường này mới phát sinh. Đây cũng là điểm khác biệt để phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng.

Theo đó, biểu hiện của hành vi gây thiệt hại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có một số điểm khác biệt đáng kể so với các lĩnh vực khác:

+ Hành vi gây ra thiệt hại không xâm phạm trực tiếp đến các quyền về tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân mà là sự xâm hại thông qua các yếu tố môi trường bị ô nhiễm.
+ Không phải mọi hành vi gây thiệt hại cho môi trường đều là hành vi trái pháp luật môi trường, thiệt hại môi trường còn có thể xảy ra không do lỗi của con người mà có thể do các sự cố môi trường. Do vậy, chỉ khi hậu quả của hành vi được biểu hiện trên thực tế, gây hại đến hệ sinh thái, yếu tố môi trường và chủ thể khác thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thiệt hại xảy ra là kết quả trực tiếp của hành vi trái pháp luật. Về nguyên tắc, hành vi phải là cái có trước, thiệt hại là cái có sau và hành vi trái pháp luật này phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại. Tìm ra mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả mà nó gây nên là một trong những mắt xích không thể thiếu trong quá trình xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường. Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ nhân quả trong các trường  hợp gây thiệt hại do ô nhiễm môi trường thường rất phức tạp. 

Trên thực tế không chỉ có một nguồn gây ô nhiễm môi trường mà có thể có rất nhiều nguồn cùng gây ra ô nhiễm hoặc cũng có thể thiệt hại xảy ra không chỉ do hành vi gây ô nhiễm của con người mà còn do các nguyên nhân khác như sự biến đổi bất thường của thiên nhiên, sự cố thiên nhiên… Trong khi đó, cũng có các chủ thể có những hoạt động tiềm ẩn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để đưa ra các thông tin về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại có cơ sở khoa học, mang tính khách quan, có giá trị buộc các chủ thể gây thiệt hại phải thừa nhận, đòi hỏi phải có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các trang thiết bị hiện đại.

Các bước để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra:

- Xác định mối quan hệ giữa hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể có trách nhiệm với tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Xác định mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân.

Vì môi trường là một tổng thể thống nhất, được cấu thành bởi nhiều yếu tố khác nhau, có quan hệ mật thiết với nhau, tác động tương hỗ với nhau và với con người, nên khi gây ô nhiễm môi trường này cũng có thể dẫn đến tổn hại cho môi trường khác. Những tổn thấy này thường đan xen vào nhau, vì thế rất khó để phận biệt một cách rạch ròi những thiệt hại chung của cộng đồng với thiệt hại của từng cá nhân. Cũng như việc xác định thiệt hai trực tiếp xảy ra ngay khi gây hại và thiệt hại mang tính tiềm ẩn phải trải qua một thời gian mới nảy sinh, điều đó gây nhất nhiều khó khăn cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

1.4. Người gây thiệt hại có lỗi

Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Lỗi là trạng thái tâm lí của con người có thể làm chủ được, nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó. Trong TNDS, lỗi luôn đi kèm với việc xác định tính trái pháp luật của hành vi, bởi hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật cho nên được suy đoán là có lỗi. Lỗi gồm lỗi vố ý và lỗi cố ý.

Lỗi có ý nghĩa quyết định trong việc xác định mức phải bồi thường. Tại điều 624BLDS quy định rõ: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Điều này bắt nguồn từ quan điểm tôn trọng và bảo vệ triệt để lơi ích của người bị thiệt hại trước sự xâm hại của người khác.Quy định này còn nhằm mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ thể.

Có thể nói bốn yếu tố hành vi, thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, lỗi của chủ thể là những  điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Bốn yếu tố này gắn bó chặt chẽ với nhau, vì vậy khi xem xét điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại này thì phải xét cả bốn yếu tố, nếu thiếu một trong bốn thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường cho chủ thể.

2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Bản chất pháp lý của bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng nên việc giải quyết phải tuân theocác nguyên tắc chung trong lĩnh vực dân sự. Do đó, các nguyên tắc bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, gồm:

Nguyên tắc thỏa thuận

Khi thiệt hại xảy ra, các bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có thể tự thỏa thuận về hình thức bồi thường bằng tiền, hiện vật hoặc thực hiện một công việc nhất định và được thỏa thuận về phương thức bồi thường.

Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời

Khi có hành vi gây ô nhiễm môi trường dẫn đến thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức, khi quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác bị xâm phạm thì yêu cầu bồi thường thiệt hại được đặt ra.Vì vậy, việc bồi thường phải diễn ra nhanh chóng, kịp thời và việc bồi thường này phải là toàn bộ những thiệt hại đã gây ra, tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có thể nhanh chóng xử lí và khắc phục hậu quả.Nguyên tắc này có ý nghĩa bảo vệ một cách tuyệt đối quyền lợi của người bị hại.

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

Nguyên tắc này là nguyên tắc riêng trong lĩnh vực môi trường, đã được tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chính thức công bố vào năm 1972.Theo đây, người gây ô nhiễm môi trường phải chịu mọi chi phí cho các biện pháp làm giảm ô nhiễm để đảm bảo cho môi trường được khắc phục ở trạng thái chấp nhận được.Mặt khác, người gây ô nhiễm cũng phải bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại do ô nhiễm mà mình gây ra.

3. Chủ thể tham gia quan hệ BTTH

Giống như trong các quan hệ bồi thường thiệt hại khác, chủ thể tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường cũng bao gồm hai nhóm.

- Một là,nhóm chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại: đây là nhóm chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến môi trường cũng như gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác. 

- Hai là,nhóm chủ thể được bồi thường thiệt hại: đây là nhóm chủ thể bị thiệt hại do chính hành vi làm ô nhiễm môi trường của chủ thể khác gây ra.

3.1. Chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 624 BLDS 2005: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật,kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”, và Khoản 2 Điều 13 NĐ 113/2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường: “Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này”. Như vậy, những chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gồm cả cá nhân và tổ chức, đáp ứng các yêu cầu nhất định:

- Cá nhân:theo quy định tại điều 606 BLDS 2005 thì:Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp, nếu người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì trường học, thì trường học, bệnh viện tổ chức khác quản lý phải bồi thường, trừ trường hợp họ chứng minh được mình không có lỗi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường(điều 621 BLDS).

- Tổ chức: tổ chức nếu vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường do pháp luật quy định gây thiệt hại thì phải bồi thường, “Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí…” (khoản 2 điều 13 Nghị định 113/2010 NĐ/CP)

Trường hợp có từ hai tổ chức, hai cá nhân trở lên cùng làm ô nhiễm môi trường thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được căn cứ theo quy định tại Điều 616 BLDS: “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Như vậy, trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại được xác định khi có hành vi “cùng gây thiệt hại”. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định lỗi của từng chủ thể để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là vô cùng khó khăn.

3.2. Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại

Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây nên là các chủ thể bị thiệt hại do chính hành vi làm ô nhiễm môi trường của các chủ thể khác.

Theo quy định tại Điều 131Luật Bảo vệ môi trường 2005 thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường gồm hai loại: thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; và thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, lợi ích hợp pháp khác do sự giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây nên. 

Tương ứng với mỗi loại thiệt hại là một loại chủ thể khác nhau:

- Đối với thiệt hại do sự suy giảm chức năng tính hữu ích của môi trường:theo quy định tại điều 17 Hiến pháp 1992: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”. Vậy, không phải mọi loại tài nguyên thiên nhiên đều do Nhà nước trực tiếp quản lý mà được giao cho các tổ chức, cá nhân quyền sử dụng hoặc thuê quyền sử dụng. Trong trường hợp này, việc xác định chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại chính là tổ chức, cá nhân đó. Tuy nhiên, vấn đề này pháp luật nước ta chưa có những quy định rõ ràng và cụ thể trên khía cạnh dân sự mà chủ yếu được giải quyết bằng biện pháp xử lý hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý bằng chế tài hình sự.

-  Đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do hậu quả của việc ô nhiễm môi trường gây nên: chủ thể có quyền yêu cầu đòi bồi thường là những cá nhân tổ chức bị thiệt hại và được xác định theo quy định tại các Điều 608, 609,610 BLDS 2005  nêu trên, hay nói cách khác chính là những người có quyền sở hữu đối với khối tài sản bị thiệt hại. Còn đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại chính là người bị tổn hại về sức khỏe đó (hoặc người thân, nếu người thiệt hại chết).

4. Cách xác định thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có thiệt hại - một trong những điều kiện tất yếu xảy ra. Do đặc điểm của thiệt hại trong lĩnh vực môi trường gồm có hai loại là thiệt hại do sự giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người, tài, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng tính hữu ích của môi trường gây ra nên cách xác định thiệt hại cũng được chia làm hai loại cụ thể:

- Đối với thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường: theo quy định tại Nghị định 113/2010/NĐ-CP về xác định thiệt hại đối với môi trường và Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường quy định, thì các căn cứ cụ thể để xác định thiệt hại bao gồm: Căn cứ vào mức độ chức năng, tính hữu ích của môi trường bị suy giảm; căn cứ và phạm vi giới hạn và vùng môi trường bị suy giảm chưc năng tính hữu ích của môi trường; căn cứ vào thành phần môi trường bị suy giảm, tùy thuộc vào số lượng thành phần môi trường bị suy giảm nhiều hay ít, loại hệ sinh thái và giống loài bị thiệt hại do hành vi vi phạm có mức độ quý hiếm đến đâu thì mức độ thiệt hại sẽ được xác định là lớn hay nhỏ.

- Đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân do hậu quả suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra: Căn cứ vào thực tế thì thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế mà người bị thiệt hại phải gánh chịu do tình trạng bị suy giảm chức năng tính hữu ích gây ra; căn cứ vào các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng sức khỏe, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại; căn cứ vào các lợi ích bị xâm phạm từ những tổn hại về tài sản.

Việc xác định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người là rất khó, bởi trên thực tế, những thiệt hại này thường không xảy ra ngay lập tức mà nó diễn ra từ từ và trong thời gian dài cùng với những biểu hiện hết sức phức tạp, nên cách xác định thiệt hại trong những trường hợp này thường rất khó khăn và cần pháp luật có những hướng dẫn cụ thể hơn.

5. Cách thức bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Theo quy đình tại Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường: “Việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường được quy định như sau: 1. Tự thoả thuận của các bên; 2. Yêu cầu trọng tài giải quyết; 3. Khởi kiện tại Toà án”. Với mỗi cách giải quyết luật định thì đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, nên trong mỗi trường hợp cụ thể, các chủ thể sẽ chọn cho mình cách thức bồi thường thiệt hại riêng, hiệu quả và hợp lý.

Thương lượng, thỏa thuận trong việc giải quyết các tranh chấp nói chung cũng như trong lĩnh vực môi trường nói riêng được xem là một hình thức quan trọng và hiệu quả bởi tính đơn giản và dễ thực hiện của nó. Các bên tranh chấp sẽ có cơ hội xem xét, trình bày và nêu lên quan điểm mong muốn của mình, thậm chí còn có thể đưa ra các biện pháp hòa giải hợp lý mà các bên sẽ sử dụng mà không phải đưa nhau ra Tòa.

Đối với phương thức giải quyết khởi kiện ra Tòa án, thủ tục tố tụng được thực hiện theo quy định tại BLTTDS 2004. Theo đó thẩm quyền giải quyết tranh chấp được xác định theo đối tượng tranh chấp hoặc phạm vi lãnh thồ. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền này chỉ phù hợp với những vụ án tranh chấp môi trường đơn giản có phạm vi nhỏ, hẹp; còn đối với những tranh chấp trên môi trường rộng có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì việc xác định thẩm quyền là tương đối phức tạp.

Hòa giải trọng tài cũng là một hình thức giải quyết tranh chấp được tiến hành khi tranh chấp xảy ra. Khi các bên nhận thấy quá trình tự thương lượng không đem lại kết quả, song vẫn muốn tìm kiếm sự thỏa thuận trong hòa khí, lúc này trọng tài hòa giải là hình thức luôn phù hợp nhất và được các bên ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Đây được coi là quyền của các bên, và pháp luật hoàn toàn khuyến khích và ủng hộ.

Yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một phương thức khá phổ biến và quen thuộc trên thế giới.Tuy nhiên, ở Việt Nam, phương thức giải quyết tranh chấp môi trường bằng trọng tài này còn khá mới mẻ và cũng chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể nào về việc giải quyết tranh chấp môi trường bằng trọng tài. Do đó, pháp luật cần nghiên cứu và sớm hoàn thiện các quy định về vấn đề này để việc giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành thuận lợi và hiệu quả hơn.

6. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó chủ thể được hưởng các quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tại điều 160 BLDS 2005 quy định về việc không áp dụng thời hiều khởi kiện với các trường hợp: “1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định” và Điều 607 cũng quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm’’.

Như vậy, đối với các thiệt hại về các thành phần môi trường, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, còn với các thiệt hại về tài sản thì thời hiệu được quy định là 2 năm kể từ khi quyền và lợi ích  hợp pháp bị xâm phạm.

Quy định pháp luật như vậy có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Đối với quy định không áp dụng thời hiệu cho thiệt hại về môi trường, tính mạng, sức khỏe con người, một mặt, nó rất có lợi cho người bị hại, có giá trị thực tiễn trong trường hợp ô nhiễm môi trường do hậu quả tiềm ẩn và lâu dài, nhưng mặt khác, quy định này cũng gây bất lợi cho hoạt động giải quyết tranh chấp khi xác định thiệt hại xảy ra ở các thời điểm khác nhau. Các chất gây ô nhiễm có thể biến đổi theo hướng mức độ thiệt hại  không như ban đầu nên các số liệu, chứng cứ không còn khách quan và chính xác. Còn đối với quy định về thời hiệu khởi kiện thiệt hại về tài sản là hai năm, khoảng thời gian này dường như là quá ngắn khi mà việc chứng minh thiệt hại về tài sản do ô nhiễm môi trường gây ra gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế. Việc phát hiện sớm và kịp thời cácthiệt hại như vậy là rất khó, thường xảy ra tình trạng khi người dân nộp đơn khởi kiện thì đã hết thời hiệu. Bên cạnh đó, nếu việc phân biệt thiệt hại không rõ ràng như phân tích ở trên thì việc áp dụng hai loại thời hiệu này cũng dễ bị nhầm lẫn, không đúng, gây khó khăn cho tất cả các bên trong quá trình thực hiện.

III. Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Trong những năm gần đây, các vụ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nhất là tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp phát triển như Hà Nôi, TP.HCM, Bà Rìa-Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hải Phòng…

Gần đây nhất, ngày 18/10/2013 báo dân trí đưa tin vụ ô nhiễm của Công ty XNK khoáng sản Việt Nam ở thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Cục Cảnh sát Môi trường đã vào cuộc điều tra và kết luận Công ty này vi phạm nghiêm trọng quy định bảo vệ môi trường khi tiến hành hoạt động tái chế chất thải luyện kim khiến không khí hôi thối bốc lên nồng nặc, làm chết cá, lúa, hoa màu của nông dân nằm xung quanh nhà máy, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí khiến đời sống dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Hay vụ ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Nhuệ, sông ĐáytheoQuyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ báo cáo vềkết quả xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 22/4/2003.

Đánh giá chung

Có thể thấy lâu nay chưa có vụ gây ô nhiễm môi trường nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ toàn xử phạt hành chính, dân sự khiến doanh nghiệp không biết sợ là gì, các cá nhân lại càng chủ quan, xem nhẹ.

Trên thực tế, đa số các vụ kiện đòi BTTH tồn tại ở quy mô vừa và nhỏ.Thông thường chỉ là những thiệt hại về tính mạng,sức khỏe và tài sản,lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại chứ chưa tính đến những phân tích suy giảm chức năng,tính hữu ích của môi trường. Hơn nữa, cách giải quyết chủ yếu được áp dụng trong các vụ kiện này thường chỉ là thỏa thuận giữa các bên và có sự chứng kiến của bên thứ ba.

Do thiếu hướng dẫn cụ thể về thủ tục cũng như quy trình kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường như: các quy trình giải quyết, xác định thiệt hại, xác định bị hại…nên các vụ kiện thường cũng chỉ dừng lại ở thương lượng, hòa giải giữa các bên có sự điều phối của cơ quan có thẩm quyền địa phương như Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp huyện hay hội đồng đền bù cấp huyện.

Trên thực tế, đối với những vụ việc có quy mô nhỏ, các bên sẽ giải quyết theo phương thức hòa giải, bên có hành vi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường cho bên chịu thiệt hại dưới hình thức và mức bồi thường do hai bên thỏa thuận. Thông thường, người gây thiệt hại sẽ chỉ bồi thường dưới hình thức hỗ trợ thiệt hại cho bên bị thiệt hại với sự chứng kiến của bên thứ ba. Với những trường hợp không đạt được thỏa thuận hòa giải, nếu bên gây thiệt hại không chấp nhận hình thức bồi thường nhưng tự chấm dứt hoạt động gây thiệt hại thì tùy vào tính chất, mức độ mà sở Tài nguyên và môi trường ở cấp có thẩm quyền sẽ ra quyết định đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp gây ô nhiễm đó. 

Riêng đối với các vụ khiếu kiện, nguyên đơnsẽ gửi đơn đến phòng tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại thuộc sở Tài nguyên và môi trường. Họ thường là các hộ dân bị ảnh hưởng do các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp bên nguyên đơn là một nhóm các hộ dân thì thường có chính quyền địa phương phối hợp tham gia để đánh giá xác định người bị hại cũng như mức độ thiệt hại.

Các quy định của pháp luật về TNDS nói chung(được phân tích ở phần trên) là cơ sở để Tòa án xác định TNDS trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng, buộc các chủ thể vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, việc xác định TNDS trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với những hành vi vi phạm trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn:

- Thứ nhất: hệ thống các văn bản pháp luật về môi trường khá nhiều nhưng lại quy định chung chung, thiếu rõ ràng nên rất khó có thể xác định hành vi nào là hành vi thực hiện đúng, hành vi nào thực hiện sai. Đối với các hình thức trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm cũng vẫn chưađược quy định đầy đủ và thống nhất. Cụ thể tại điều 624 BLDS quy định:Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi,trong khi đó điểm d) khoản 3 điều 93 Luật BVMT 2005 lại quy định:Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi các quy định pháp luật mơ hồnhư vậy thì rất cho các bên cũng như các cơ quan có thẩm quyền xác định đúng trách nhiệm, thực hiện đúng pháp luật về bồi thường thiệt hại.

- Thứ hai: khó khăn khi xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực này khi mà trên thực tế không chỉ có những ô nhiễm luôn hiện hữu mà còn có những loại ô nhiễm tiềm tàng chưa phát hiện, cũng như các chủ thể gây ô nhiễm còn đa dạng và phức tạp, họ thực hiện hành vi cùng lúc và cùng một địa điểm.Trong trường hợp này rất khó để đòi tất cả các chủ thể cùng liên đới bồi thường thiệt hại và xác định mức thiệt hại mà các bên gây ra. Hay cũng có những trường hợp các nhà máy ban ngày gom chất thải nhưng ban đêm lại xả chất thải ra môi trường qua mắt người dân dẫn đến việc các cơ quan khó phát hiện thủ phạm mà xử lí...

- Thứ ba, việc xác định mức độ thiệt hại cũng là một hạn chế đáng kể. Ở đây mới chỉ dừng lại ở những thiệt hại cụ thể, trước mắt, đo đếm được, chưa có những quy định để xác định thiệt hại lâu dài. Thực tế cho thấy không ít trường hợp hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường không xảy ra ngay khi có hành vi mà trải qua thời gian dài mới nảy sinh, xuất hiện. Điều này, yêu cầu một đội ngũ kĩ thuật viên chuyên nghiệp xác định chính xác thiệt hại mà điều này thì chúng ta chưa đáp ứng được.

- Thứ tư, thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH ngoài hợp đồng là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của có quan,tổ chức,cá nhân bị xâm phạm(điểm a khoản 3 điều 159 BLTTDS năm 2005). Quy định này được áp dụng cho việc yêu cầu đòi BTTH trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là không hợp lý.Vì trên thực tế trong lĩnh vực này, ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm không hoàn toàn trùng với ngày phát sinh thiệt hại, thậm chí ngày phát hiện có thiệt hại có thể đã cách ngày có hành vi cả vài năm. Như vậy, quy định này của pháp luật là không thỏa đáng. 

Ngoài ra pháp luật hiện nay còn bỏ trống chưa có quy định việc sau khi nhận được tiền bồi thường do cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường trả thì UBND các cấp và cơ quan Tài nguyên môi trường tiến hành tri trả cho người dân như  thế nào??Điều này xảy ra trong vụ Vedan chi trả bồi thường cho UBND nơi bị ô nhiễm,sau đó cơ quan này tiến hành tri trả cho các hộ dân không công bằng dẫn đễn khiếu kiện.

- Thứ năm,tại điều 3 Nghị định 113/2010/NĐ-CP quy định chủ thể được yêu cầu bồi thường thiệt hại là UBND các cấp, nếu bên vi phạm không bồi thường thì có quyền khởi kiện ra Tòa án.Điều 162 BLTTDS cũng quy định: Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách, điều này lại được hướng dẫn thi hành tại Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, theo đó cơ quan tài nguyên môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu buộc cá nhân tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải khắc phục sự cố môi trường công cộng.Như vậy khi một khu vực dân cư bị ô nhiễm thì những người dân trong khu vực đó không  thể tự mình làm đơn khởi kiện mà phải làm đơn gửi đến UBND thay mặt họ đứng ra giải quyết hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức nào đó như Hội nông dân, Hội phụ nữ...Việc thông qua một tổ chức đứng đơn kiện thaythì chi phí xã hội sẽ cao, thậm chí sẽ rất phức tạp và không đảm bảo được quyền lợi người dân nếu đại diện lại đứng về phía người gây thiệt hại.

- Thứ sáu, còn tồn tại sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật, điển hình như quy định về việc xác định các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Trong khi điều 263 BLDS quy định nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại, thì tại điều 3 Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định các tổ chức,cá nhân gây ô nhiễm môi trường ngoài việc bị xử phạt còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như:buộc phục hồi môi trường,thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường…tạo sự chồng chéo, dư thừa trong quy định cũng như tạo khó khăn khi quyết định áp dụng luật pháp cho phù hợp.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

- Pháp luật cần quy địnhthêm về chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại là sự suy giảm chức năng,tính hữu ích của môi trường mà không chỉ quy định chủ thể chịu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, lợi ích của các cá nhân, tổ chức đơn lẻ nữa, khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực môi trường phải có nghĩa vụ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên.

- Cần phải bổ sung thêm các quy định về việc xác định thiệt hại do không khí bị ô nhiễm như: 

+ Xác định thiệt hại thông qua việc tính toán chi phí giảm thiểu triệt tiêu nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

+ Xác định thiệt hại thông qua việc tính toán chi phí xử lý,cải tạo,phục hồi môi trường đất,nước và hệ sinh thái trở lại trạng thái ban đầu trước khi bị tác động ô nhiễm không khí.

+ Xác định thiệt hại thông qua tính toán những chi phí cho việc sửa chữa,thay thế,ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra.

+ Xác định thiệt hại thông qua việc tính toán các chi phí để cứu chữa,chăm sóc,phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất,bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng,sức khỏe có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất công nghiệp.

- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Pháp luật cần quy định rõ ràng hơn về thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH theo hướng kéo dài hơn so với quy định hiện hành,đồng thời cần phân biệt giữa thời hiệu khởi kiện về tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Xây dựng và hoàn thiện quy chế pháp lý về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, pháp luật cần quy định tổ chức,cá nhân có hoạt động nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường thì phải mua bảo hiểm trách nhiệm BTTH về môi trường nhằm đảm bảo việc bồi thường cho người bị thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra.

- Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, tránh tình trạng chồng chéo, đưa đẩy trách nhiệm hiện nay.

- Nâng cao chế tài xử phạt đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao sức răn đe, đảm bảo sự nghiêm túc hơn trong quá trình thực hiện pháp luật của các chủ thể.

- Gia nhập các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trước tiên của Nhà nước trong quản lý, tiếp theo là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đang tiến hành các hoạt động gây nguy hại cho môi trường bị thế giới lên án.

KẾT LUẬN

Ô nhiễm môi trường chúng ta đang sống là một trong những vấn đề lớn nhất chúng ta phải đối mặt hàng ngày. Ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và các sinh vật khác trên trái đất. Pha loãng độ tinh khiết của tài nguyên thiên nhiên xảy ra do ô nhiễm môi trường. Các nghiên cứu về ô nhiễm môi trường khá phức tạp vì tất cả các yếu tố khác nhau của thiên nhiên . Nếu chúng ta làm ô nhiễm một phần nhất định - một phần của hệ sinh thái như đất, không khí, nước,..thì hậu quả của nó chắc chắn sẽ phản ánh trong các hình thức của sự mất cân bằng trong tự nhiên. Chúng ta hãy có một cái nhìn đúng đắn nhất liên quan đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống để cùng nhau khắc phục, hạn chế và cùng nhau có ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn môi trường chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Dân sự trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Bộ luật dân sự 2005.
3. Luật bảo vệ môi trường 2005.
4. Nghị định 113/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.
5. Trách nhiệm dân sự do làm ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật hiện hành – Khóa luận tốt nghiệp – Hoàng Thế Đức.
6. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường – Khóa luận tốt nghiệp – Hoàng Quốc Việt.
7. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc khu công nghiệp tập trung – Khóa luận tốt nghiệp – Nguyễn Đức Thắng.
8. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường – Luận văn thạc sĩ – Ong Thị Ngân.
9. Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3/2007 - TS. Vũ Thu Hạnh, Đại học Luật Hà Nội.
10. Luanvan.co/
11. Doko.vn/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Hien Dinh đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment