19/05/2014
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân - Bài tập học kỳ Luật Dân sự 2
MỞ ĐẦU

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đề cập từ rất sớm trong hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên, chỉ đến BLDS năm 2005 với chương “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” thì các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới được quy định một cách chi tiết, cụ thể theo hướng hoàn thiện hơn. Là một loại của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm có những đặc điểm khác biệt so với những loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại khác. Bởi lẽ đối tượng bị xâm hại là quyền nhân thân có tính chất thiêng liêng của mỗi cá nhân, mang tính chất vô hình, trừu tượng nên khó xác định được thiệt hại của người bị xâm phạm. Để làm rõ những vấn đề liên quan đến loại trách nhiệm pháp lý có tính chất nhạy cảm này, trong phạm vi bài viết em xin được tìm hiểu về đề tài “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.


NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA CÁ NHÂN KHÁC

1. Khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng trong luật dân sự. Theo quy định tại Điều 281 BLDS năm 2005, thì một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và sự kiện gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật cũng là một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nhà làm luật trong trường hợp này đã đồng nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với “nghĩa vụ phát sinh do hành vi trái pháp luật”. Điều 604 BLDS đã xác định sự đồng nghĩa này bằng quy định “ Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản…mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường”. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ quan hệ nghĩa vụ tương ứng được quy định tại Điều 281 BLDS : “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo quy định của pháp luật, thì một hoặc nhiều chủ thể (gọi là người có nghĩa vụ) phải làm một công việc hoặc không làm một công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (gọi là người có quyền). Từ đó, có thể khẳng định: nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.

Tóm lại, khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm pháp lí, theo đó người có hành vi trái pháp luật, có lỗi (trừ trường hợp pháp luật quy định không có lỗi cũng phát sinh trách nhiệm bồi thường) phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra khi hành vi đó xâm phạm tới các lợi ích được pháp luật bảo vệ.

2. Khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

Trong pháp luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác là một loại của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bởi vì người có hành vi xâm hại và người bị xâm hại không có giao kết, thoả thuận bằng hợp đồng dân sự nào và cũng không bao giờ có loại hợp đồng để một người yêu cầu người khác xâm hại danh dự, nhân phẩm của mình. Có chăng, thì có thoả thuận trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, để nhằm đạt được một lợi ích không chính đáng nào đó mà thôi.

Danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó. Nói cách khác, danh dự là nhân phẩm được đánh giá và công nhận của xã hội. Danh dự của một con người được hình thành từ những hành động, cách ứng xử và thành tích mà người đó đạt được. Nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất mà con người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị phản ánh và tạo nên phẩm chất của từng cá nhân; mỗi con người đều có những giá trị làm người của chính mình.

Có thể nói, danh dự và nhân phẩm là những giá trị nhân thân không trị giá được bằng tiền; tuy nhiên, xâm phạm đến những giá trị này sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định đến sự tồn tại và phát triển của chủ thể bị xâm phạm. Chính vì thế, danh dự và nhân phẩm của con người đã trở thành đối tượng được pháp luật bảo vệ. Pháp luật Việt Nam nói chung và BLDS nói riêng đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và tổ chức.

Cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác xuất phát từ các nguyên tắc chung của Hiến pháp hiện hành. Điều 71 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”. Trong BLDS năm 2005, Điều 37 cũng có quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: “ Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ ”. Như vậy, việc được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức đã được pháp luật ghi nhận là một quyền, nghĩa là mọi công dân đều có nghĩa vụ phải tôn trọng danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Bất cứ người nào có hành vi xâm phạm và gây thiệt hại đến quyền này thì đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác được hiểu là một loại trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, phát sinh từ hành vi trái pháp luật. Trong đó, người có hành vi xâm phạm gây thiệt hại, phải bồi thường những thiệt hại mà mình đã gây ra mà trước đó các bên không hề có quan hệ hợp đồng; hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ hợp đồng đã kí kết. Hay nói cách khác quan hệ hợp đồng không phải là căn cứ thực tiễn nhưng có thể đưa lại khả năng làm phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác.

II. XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA CÁ NHÂN KHÁC

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân là một dạng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, trách nhiệm này chỉ được hình thành khi có đủ bốn điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra;
- Thứ hai, phải có hành vi trái pháp luật;
- Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại;
- Thứ tư, phải có lỗi của người gây thiệt hại

1. Có thiệt hại xảy ra

Thiệt hại được hiểu là những hậu quả bất lợi ngoài ý muốn về vật chất hoặc tinh thần do một hành vi trái pháp luật gây ra cho xã hội. Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó chỉ cần có thiệt hại dù không nghiêm trọng cũng phải bồi thường và nếu không có thiệt hại thì sẽ không đặt ra vấn đề bồi thường. Vì vậy, thiệt hại là một điều kiện có tính bắt buộc và là tiền đề làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân nói riêng.

Thiệt hại là điều kiện bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì vậy việc đánh giá thiệt hại phải xác định được thiệt hại khách quan chứ không phải là thiệt hại theo suy diễn chủ quan của những người làm luật hay bản thân những chủ thể tham gia vào quan hệ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đặc biệt là những thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm là những thiệt hại về các quyền nhân thân nên rất khó xác định được những tổn thất thực tế thành tiền một cách chính xác tuyệt đối. Thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm được xác định theo Điều 307 BLDS năm 2005: “ 1.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần”.

Theo Điều 611 BLDS năm 2005, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí cho việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại nếu có.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định là: nếu trước khi bị xâm phạm, các chủ thể này có thu nhập thực tế, tuy nhiên do danh dự và nhân phẩm bị xâm hại nên thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Ngoài những khoản bồi thường trên thì khoản 2 Điều 611 BLDS năm 2005 quy định người xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác còn phải bồi thường “một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu”. Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm. Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểudo Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Trước hết cần khẳng định rằng: khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” không phải là đại lượng để xác định những thiệt hại về tinh thần mà người bị thiệt hại bị tổn thất. Bởi lẽ, những tổn thất về tinh thần không thể xác định được một cách chính xác hoặc tương đối chính xác như thiệt hại về vật chất; mức độ tổn thất về tinh thần nhiều hay ít cũng không phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm; cũng không phụ thuộc vào hình thức lỗi của người xâm phạm (cố ý hay vô ý), mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ buồn phiền về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh đau thương, bị hiểu lầm của người bị thiệt hại. Mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm cũng là một đại lượng khó xác định. Không thể đưa ra một đại lượng chung cho mọi trường hợp, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định. Bởi lẽ đó nên khoản tiền bồi thường mà BLDS nêu ra là bồi thường không quá 10 tháng lương đối với tổn thất về tinh thần do xâm phạm danh dự, nhân phẩm chỉ là khoản tiền bồi thường mang tính chất định lượng mà thôi.

2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật

Hành vi trái pháp luật được hiểu là hành vi được thực hiện không đúng với những quy định của pháp luật như: không làm những việc mà pháp luật yêu cầu, làm những việc mà pháp luật cấm hoặc tiến hành hoạt động vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật… Hành vi trái pháp luật được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

Như chúng ta đã biết, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín là một quyền tuyệt đối và cơ bản của mọi công dân. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào xâm phạm đến các quyền tuyệt đối đó. Bởi vậy, Điều 604 BLDS quy định: “Người nào…xâm phạm đến…mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Như vậy, hành vi xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân khác là một hành vi trái pháp luật và được thể hiện dưới dạng hành động đó là thực hiện hành vi mà pháp luật cấm

Hành vi thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu người thực hiện hành vi đó theo nghĩa vụ mà pháp luật hoặc nghề nghiệp bắt buộc họ phải thực hiện các hành vi đó.  Trong trường hợp này, người gây thiệt hại không phải bồi thường, ví dụ: trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường.

3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thể hiện ở chỗ sự thiệt hại đó là do chính hành vi trái pháp luật đó trực tiếp gây ra, nghĩa là, sự thiệt hại là hậu quả tất yếu của hành vi trái pháp luật.

Khoản 1 Điều 604 BLDS năm 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định: “1.Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,… của cá nhân… mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Như vậy, hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác là nguyên nhân và gây thiệt hại chính là hậu quả trực tiếp của hành vi đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm sẽ không phát sinh nếu thiệt hại xảy ra không phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật do người xâm phạm gây ra. Tuy nhiên, xác định mối quan hệ nhân quả là một vấn đề rất phức tạp. Bởi lẽ xem xét mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng xã hội, trong đó con người sinh sống và hoạt động phức tạp hơn nhiều so với các hiện tượng tự nhiên khác. Do đó, cần phải xem xét, phân tích đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thân trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây thiệt hại.

4. Có lỗi của người gây thiệt hại

Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi vi phạm của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra. Lỗi thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội. Lỗi là một trong bốn điều kiện để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác nói riêng. Lỗi được chia thành hai loại là: lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Lỗi là một trong những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng lỗi trong trách nhiệm dân sự có những trường hợp là lỗi suy đoán. Bởi hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó bị suy đoán là có lỗi. Khi xét yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì chúng ta cũng cần phải xét đến trường hợp người bị thiệt hại có lỗi. Điều 617 BLDS năm 2005 quy định: “ Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”.

Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình được coi là không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó. Những người chưa có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi, không thể nhận thức và làm chủ được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trong trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại vấn đề hình thức và mức độ lỗi ảnh hưởng rất ít đến việc xác định trách nhiệm. Thậm chí người gây ra thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi (khoản 3 Điều 623 BLDS). Trường hợp này được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại nâng cao. Tuy nhiên, việc xác định vẫn là yêu cầu cần thiết trong việc xác định trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ có trường hợp người gây ra thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ hoặc thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì không phải bồi thường.

III. NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ NGUYÊN TẮC TÍNH MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA CÁ NHÂN KHÁC

1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

Người gây ra thiệt hại có thể là bất kì chủ thể nào nhưng việc bồi thường thiệt hại phải do người có “khả năng” bồi thường và tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không phải do chính họ thực hiện. BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân tại Điều 606 BLDS năm 2005.

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Điều này xuất phát từ “khả năng bằng hành vi của họ tự tạo ra quyền và thực hiện nghĩa vụ” (Điều 19 BLDS) họ phải chịu trách nhiệm do hành vi bất hợp pháp của họ bằng tài sản của chính họ. Tuy nhiên, nhiều người tuy có đầy đủ năng lực hành vi nhưng khả năng về tài sản của họ trên thực tế lại không có. Vì vậy, khi quyết định bồi thường đối với người này có thể động viên cha mẹ bồi thường thay cho con em họ, nếu cha mẹ tự nguyện bồi thường, thì ghi nhận sự tự nguyện đó mà không buộc cha mẹ phải bồi thường thay cho con em họ.

- Người dưới 18 tuổi là những người không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi. Vì vậy, cha mẹ là người phải bồi thường thiệt hại do con em họ gây ra. Tuy nhiên, cách thức dùng tài sản để bồi thường được quy định đối với những người vị thành niên khác nhau. Đối với người dưới 15 tuổi thì cha mẹ phải dùng tài sản của mình để bồi thường; nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng, thì lấy tài sản của con để bồi thường. Đối với những người từ 15 đến dưới 18 tuổi, thì áp dụng ngược lại lấy tài sản của con để bồi thường, cha mẹ chịu trách nhiệm bổ sung phần còn thiếu.

- Những người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh việc quản lý, thì trường học, bệnh viện phải bồi thường. Nếu các tổ chức nêu trên mà không có lỗi, thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường. “Thời gian quản lý” được hiểu là thời hạn trong đó các tổ chức theo quy định về nghề nghiệp có nghĩa vụ giáo dục, chữa bệnh mà họ đã không thực hiện chức năng của họ, do lỗi của họ quản lý không tốt nên người không có năng lực hành vi, người dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại cho người khác. Nếu cơ quan tổ chức không có lỗi, thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại.

Người giám hộ đương nhiên, giám hộ được cử đối với những người phải có giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 BLDS năm 2005 được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Người giám hộ có nghĩa vụ bổ sung. Tuy nhiên, nếu họ chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Trong trường hợp này sẽ không có người bồi thường thiệt hại, bởi người được giám hộ không có khả năng về hành vi để bồi thường, nếu họ có tài sản, có thể dùng tài sản của mình để bồi thường.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 BLDS người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không còn cha mẹ, cha mẹ mất năng lực hành vi không buộc phải có người giám hộ. Theo nguyên tắc chung người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi phải chịu trách nhiệm dân sự, do vậy nếu có hành vi gây thiệt hại thì lấy tài sản của họ để bồi thường.

Có thể nói, các quy định trên đã hướng dẫn khá cụ thể về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự và nhân phẩm nói riêng đối với từng độ tuổi.

2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

Những nguyên tắc bồi thường cụ thể được áp dụng trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác đều xuất phát từ những nguyên tắc chung đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. BLDS đã quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 605 BLDS.

a. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời

Bồi thường toàn bộ các thiệt hại vật chất là bồi thường tất cả các thiệt hại vật chất đã xảy ra. Bồi thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định pháp luật này.

Đối với thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm thì người xâm phạm phải bồi thường toàn bộ những khoản sau:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Cụ thể là chi phí thu hồi ấn phẩm hay đăng lời cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng để khôi phục lại danh dự, nhân phẩm.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Cụ thể là thu nhập bị mất do việc danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm như: mất việc làm do mất uy tín hành nghề. Đối với những người sản xuất kinh doanh bị mất uy tín dẫn đến gây thiệt hại cho việc kinh doanh của người đó thì có thể phải bồi thường toàn bộ giá trị lô hàng không bán được hoặc mức chênh lệch lợi nhuận.

- Khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Thiệt hại về tinh thần ở đây có thể hiểu là cảm giác xấu hổ, buồn tủi và đau đớn do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm gây ra. Thiệt hại này rất khó xác định và những tổn hại về tinh thần gần như không thể bù đắp, nên khoản tiền này chỉ mang tính chất định lượng nhằm an ủi, động viên người bị thiệt hại mà thôi.

Bồi thường kịp thời là phải bồi thường đúng lúc người thiệt hại đang cần để dùng vào việc hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại kịp thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những thiệt hại về tính mạng và sức khỏe khi mà các chi phí cho việc cứu chữa bệnh nhân vượt quá khả năng của nạn nhân. Với thiệt hại về danh dự, nhân phẩm thì bồi thường thiệt hại kịp thời cũng là một nguyên tắc cần thiết, nhất là trong trường hợp người bị xâm phạm bị tổn thương tinh thần nặng nề và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

b. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

Để đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án, phù hợp với những điều kiện thực tế của các đương sự tham gia quan hệ bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm thì khoản 2 Điều 605 BLDS quy định: “Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”. Như vậy, việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại. Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường cho phù hợp. Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại cũng là một cơ sở để giảm mức bồi thường. Khái niệm thiệt hại quá lớn không được quy định cụ thể bởi cùng một thiệt hại như nhau nhưng đối với cá nhân này là rất lớn nhưng với cá nhân khác lại không được coi là lớn. Mặt khác, cũng cần phân biệt việc giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án, vì trong khi thi hành án người không có khả năng kinh tế trước mắt có thể được tạm hoãn thi hành án.

c. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường

Theo nguyên tắc này, mức bồi thường có thể do các bên thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định; tuy nhiên, mức bồi thường đã thỏa thuận hoặc quyết định có thể được thay đổi nếu nó không còn phù hợp với thực tế. Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp căn cứ vào yêu cầu của các bên, vào thực tế cần phải thay đổi mức bồi thường như: người được bồi thường tăng thu nhập, người phải nuôi dưỡng phải chi phí thêm để chữa bệnh. Việc xem xét này do Tòa án xác định căn cứ vào thực tế của các bên tham gia vào quan hệ đó theo yêu cầu của họ. Vì vậy, mức bồi thường có thể tăng nhưng cũng có thể giảm.

IV. THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA CÁ NHÂN KHÁC

1. Thực trạng vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

a. Ví dụ thực tiễn về một số vụ việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

Ví dụ 1:

Không chứng cứ,một phụ nữ vẫn đi rêu rao rằng bà hàng xóm ngoại tình với chồng mình. TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm một vụ đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Theo hồ sơ, bà C trình bày rằng một ngày cuối tháng 12-2008, thấy chồng đi khỏi nhà, bà liền theo dõi và thủ sẵn cái máy ảnh. Đến nhà bà N, bà đứng ngoài rình một lát thì xông vào, thấy chồng mình và bà N đang ôm nhau trên bộ ván nên lấy máy ảnh ra chụp nhiều kiểu. Ngược lại, bà N kể lúc đó bà đã phân bua ngay là chồng bà C đến mua rượu, thấy nhà có mỗi mình bà nên giở chứng làm càn nhưng bà C nhất quyết không nghe, còn kêu người đến làm chứng. Người làm chứng đến không chứng kiến được gì cả nhưng cũng lớn tiếng bảo bà N quá đáng dù bà đã cố gắng giải thích là “ông ấy cưỡng bức tôi”. Sau đó thì mạnh ai về nhà nấy.

Một tuần sau, cả xóm chợ nơi hai bên sinh sống ai cũng truyền miệng nhau rằng “Bà N giựt chồng bà C”. Vì lẽ đó, bà N chẳng dám ra đường, con cái bị mọi người dè bỉu, gia đình hục hặc. Qua tìm hiểu, gia đình bà N biết được vợ chồng bà C đem sự việc trên kể cho nhiều người nghe. Người chồng thì bảo trước giờ có quan hệ lén lút với bà N, còn người vợ thì luôn miệng khẳng định bà N giựt chồng mình. Đến một ngày, con gái bà N không chịu được lời bàn ra tán vào đã đến gặp bà C yêu cầu chấm dứt việc tuyên truyền này. Hai bên lại cự cãi um xùm và bà C chửi thẳng là “Má mày giựt chồng tao”…Thế là bà N. nộp đơn nhờ chính quyền địa phương yêu cầu vợ chồng bà C không được xúc phạm mình nữa. Thế nhưng chồng bà C vẫn bảo bà N là “bồ nhí” của mình, còn bà C thì yêu cầu bà N phải xin lỗi vì ngoại tình với chồng bà. Vì chính quyền không giải quyết được, bà N đã khởi kiện ra tòa yêu cầu vợ chồng bà C bồi thường thiệt hại do xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà.

Tại phiên sơ thẩm, bà C thừa nhận có nói chuyện “giựt chồng” của bà N cho nhiều người nghe. Dù vậy, bà từ chối bồi thường, xin lỗi vì bà khẳng định bà N có quan hệ với chồng mình. Về phần mình, chồng bà C vẫn một mực nói có quan hệ lén lút với bà N từ lâu. Bà N thì mếu máo: “Chồng bà C là em bà con chú bác của chồng tôi. Hơn nữa, gia đình tôi con cái ngoan ngoãn, chồng lo lắng cho vợ con trước sau hết mình, làm sao có chuyện tôi ngoại tình được”. Thậm chí bà N còn trình bày với tòa là: “So vẻ bề ngoài, chồng bà C xấu hơn chồng tôi nhiều, làm sao tôi thích ông ấy được!”…Thấy hai bên cứ cãi nhau mãi, tòa yêu cầu bà C cung cấp hình ảnh chứng minh chồng mình ôm bà N thì bà C bảo không có bởi “đã xóa hết”. Theo tòa, không có chứng cứ gì trong tay mà vợ chồng bà C lại có hành vi, lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà N. Những hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình bà N cũng như gây sốc về tinh thần, làm họ mặc cảm với láng giềng nên buộc vợ chồng bà C phải công khai xin lỗi và liên đới bồi thường 5,4 triệu đồng cho bà N.Vợ chồng bà C kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm vừa qua, vợ chồng bà C không cung cấp được chứng cứ gì khác nên tòa đã bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Ví dụ 2:

Việc gia tăng tội phạm hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em, đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các nạn nhân bị hiếp dâm đều bị “bỏ rơi”. Họ phải gánh chịu nỗi cơ cực, cay đắng khi danh dự và nhân phẩm bị những tên yêu râu xanh cướp mất. Đặc biệt phải kể đến là vụ án Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) chém chết cháu M.K (4 tuổi 1 tháng) bằng 12 nhát dao và sau đó hiếp dâm chị gái của cháu là T.H (7 tuổi 19 tháng) ngay tại nhà riêng của hai cháu ở thị xã Sơn Tây đã gây rung động dư luận Hà Nội mấy tháng qua. Mặc dù tên Hoài đã bị tuyên án tử hình, nhưng tội lỗi mà hắn gây ra có lẽ sẽ khó có thể xóa nhòa trong tâm trí nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con gái nhỏ tuổi. Trong vụ án xâm hại tình dục trẻ em đẫm máu này, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã cử luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Theo bà Nguyệt, bố mẹ của hai cháu gái xấu số trên đã thiếu cảnh giác (để hai con gái còn nhỏ ở nhà mà không khóa cửa cẩn thận), tạo cơ hội thuận lợi cho tên Hoài ra tay tàn độc. Khi được hỏi vì sao lại để hai con gái ở nhà một mình như vậy, người bố trả lời: Cả làng em làm như vậy”. Dù “yêu râu xanh” Đặng Trần Hoài đã lĩnh hai án tử, nhưng nỗi đau của gia đình nạn nhân vẫn không thể nguôi ngoai.

Việc gia tăng tội phạm hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em, đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các nạn nhân bị hiếp dâm đều bị “bỏ rơi”. Họ phải gánh chịu nỗi cơ cực, cay đắng khi danh dự và nhân phẩm bị những tên yêu râu xanh cướp mất.

Ví dụ 3:

Ca sĩ AK đang chuẩn bị nộp đơn khởi kiện Spa Y. (dành cho nam tại quận 1, TP.HCM) đòi bồi thường 20.000 USD vì đã dùng hình ảnh của anh quảng cáo mà không xin phép…

Trước đó ca sĩ này dự định nộp đơn khởi kiện tại TAND TP.HCM nhưng sau đó được hướng dẫn phải nộp đơn ở TAND quận cho đúng thẩm quyền. Theo ca sĩ K., khoảng tháng 2-2011, một người bạn báo hình ảnh của anh xuất hiện trên một số tờ rơi được phát trên đường để quảng cáo cho Spa Y. Bán tín bán nghi, anh nhờ người bạn đem tờ rơi về cho xem. Nhìn qua tờ rơi, anh nhận ra ảnh được sử dụng trên đó là một trong những tấm ảnh anh đã chụp để chuẩn bị cho album của mình vào năm ngoái (nhưng vì lý do cá nhân album này không phát hành). Tiếp đó, khi đến spa trên tìm hiểu, anh còn thấy ảnh của mình được in thành poster lớn dựng ngay cổng ra vào. Qua trao đổi với người quản lý spa, anh được biết chủ spa này là bạn của người đã chụp ảnh cho anh lúc trước. Người chủ đã mua lại bức ảnh trên với giá 20 triệu đồng để lấy làm quảng cáo. Quay về tìm nhiếp ảnh gia, anh không thể nào tìm được bởi anh này đã chuyển đi đâu không rõ. Bức xúc trước việc ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, ca sĩ K. đã buộc spa này không được tiếp tục sử dụng hình ảnh này để quảng cáo và bồi thường tổn thất cho anh. Tuy nhiên, phía spa chỉ gỡ poster có hình ảnh anh xuống nhưng không đồng ý bồi thường vì đã trả tiền cho nhiếp ảnh gia trước khi sử dụng. Nhiều lần anh muốn gặp để bàn bạc lại nhưng chủ spa lảng tránh và cho rằng việc họ dùng hình ảnh của anh để quảng cáo chỉ làm lợi cho anh, không có ý đồ bôi nhọ, xúc phạm nên không thể bồi thường. Không đồng ý với lập luận này, ca sĩ K. đã chuẩn bị hồ sơ khởi kiện… Theo anh, phía Spa Y. phải xin lỗi trên ba tờ báo vì đã dùng ảnh không xin phép nhằm mục đích kinh doanh; phải chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng hình ảnh này và phải bồi thường 20.000 USD tiền tổn thất danh dự, nhân phẩm…

b. Ưu điểm và hạn chế trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

Qua thực tế, không thể phủ nhận vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm đã được pháp luật quan tâm và điều chỉnh một cách có hiệu quả. Trong những năm gần đây, nhiều vụ kiện ra Tòa án về vấn đề này đã được giải quyết nhanh chóng và hợp lý. Mức độ nhận thức của nhân dân về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm đã được nâng cao hơn nhiều so với trước.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tiễn xét xử các vụ án bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm có thể thấy một số hạn chế trong việc áp dụng các quy định của BLDS. Đó là một số quy định của BLDS chưa được hướng dẫn cụ thể nên việc nhận thức và áp dụng các quy định của pháp luật ở các cấp Tòa án còn nhiều điểm chưa thống nhất.

Thứ nhất, vấn đề tính toán thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn nền kinh tế thị trường thì thu nhập của một cá nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ngành nghề, độ tuổi, khu vực… Đồng thời, các thu nhập cũng xuất phát từ nhiều nguồn phong phú và được coi là hợp pháp. Vì vậy, nếu theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời thì đối với những người có thu nhập rất cao so với mặt bằng chung thì có thể buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ khoản thu nhập này là chưa hợp lý.

Thứ hai, trường hợp bồi thường thiệt hại do những người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra tại khoản 3 Điều 606 BLDS năm 2005 có một số bất cập. Theo đó, người dưới 15 tuổi, người không có năng lực hành vi mà có người giám hộ thì người giám hộ được dùng tài sản của mình để bồi thường, nếu người được giám hộ không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh được họ không có lỗi thì không phải bồi thường. Như vậy, trong trường hợp người giám hộ không có lỗi thì sẽ không có bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho quyền và lợi ích của người bị xâm phạm.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần. Hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của chủ thể bị xâm hại. Tuy nhiên, tổn thất về tinh thần là một phạm trù trìu tượng rất khó xác định được bằng tiền. Đồng thời, để được bồi thường về danh dự, nhân  phẩm thì người khởi kiện phải chứng minh được với Tòa án là có thiệt hại xảy ra và thiệt hại đó là do hành vi trái pháp luật của phía bị đơn. Trong khi đó, việc chứng minh thiệt hại xảy ra, nhất là thiệt hại về tinh thần hoàn toàn không đơn giản.

Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc xác định hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Xâm phạm về danh dự, nhân phẩm chủ yếu được thể hiện qua lời nói nên rất khó xác thực được xem thực sự lời nói đó có thực sự xâm phạm về tinh thần hay không. Đặc biệt là việc xác thực đó lại qua lời khai của những người xâm phạm hoặc bị xâm phạm nên không có tính khách quan. Kể cả trong trường hợp, hành vi xâm phạm được thực hiện qua hình thức báo chí, ngôn ngữ viết thì việc xác định việc có hay không thực hiện hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm cũng rất khó khăn.

2. Phương hướng hoàn thiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác

Để khắc phục những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn việc thi hành phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật sâu rộng trong nhân dân. Đây sẽ là cầu nối để đưa pháp luật vào đời sống bằng các hình thức như : tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, giải thích và hỏi đáp các vấn đề liên quan đến vấn đề pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.. . Đặc biệt là đưa việc giáo dục pháp luật vào các trường học để nâng cao hiểu biết về pháp luật trong thanh thiếu niên. Từ những hoạt động này sẽ hình thành ý thức chấp hành pháp luật, biết tôn trọng danh dự, nhân phẩm cũng như quyền lợi hợp pháp của người khác trong nhân dân.

Thứ ba, cần quy định rõ thời gian được hưởng thu nhập thực tế và thu nhập bị giảm sút để tránh các cách hiểu không thống nhất về vấn đề này. Mặt khác, cũng nên quy định rõ hơn về khoản tiền tối thiểu bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần, tránh gây sự bồi thường không thỏa đáng cho người bị xâm phạm.

Thứ tư, trên thực tế có trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm do người chưa thành niên gây ra thì họ có thể công khai xin lỗi người bị hại. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người bị hại yêu cầu phải có lời xin lỗi của cha mẹ, người đại diện của người chưa thành niên đó. Đây là một yêu cầu thỏa đáng và phù hợp với lối sống, cách suy nghĩ của người Việt Nam. Vì vậy, cần bổ sung một điểm trong Điều 606 BLDS năm 2005 như sau: “ Nếu thiệt hại tinh thần do người chưa thành niên gây ra thì trách nhiệm công khai xin lỗi thuộc về cha mẹ hoặc người giám hộ nếu người giám hộ có lỗi”.

KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu về đề tài trên, có thể thấy rằng quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là một quyền nhân thân có tính chất thiêng liêng của cá nhân và không một cá nhân, tổ chức nào có quyền xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy. Đặt trong bối cảnh hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao cả về vật chất lẫn tinh thần thì quyền được bảo về về danh dự, nhân phẩm là một vấn đề quan trọng cần được pháp luật dân sự bảo vệ. Vì vậy, các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm nói riêng cần phải được hoàn thiện hơn nữa để có thể đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho các chủ thể.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Linh Duong đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment