21/05/2014
Những cải cách đối với Lục Bộ thời Minh Mạng - Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam
Một đất nước muốn phát triển phồn thịnh thì cần phải có cơ cấu tổ chức bộ máy cùng sự quản lý chặt chẽ. Như chúng ta đã biết vương triều Nguyễn là một vương triều mạnh trong các vương triều từng tồn tại ở nước ta. Vì thế vị trí, vai trò của vương triều Nguyễn trong lịch sử đã và đang là nội dung khoa học quan trọng, có nhiều ý nghĩa với hiện tại nên được nhiều giới khoa học trong cả nước quan tâm nghiên cứu trên các lĩnh vực lịch sử, hành chính và pháp chế. Hàng loạt những vấn đề về vương triều Nguyễn trên các lĩnh vực cần được nghiên cứu lý giải trên cơ sở khoa học. Trong đó vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, mà quan trọng là cuộc cải cách hành chính duới triều Minh Mạng được mọi người đặc biệt quan tâm. Một trong những cải cách quan trọng của Minh Mạng là cải cách ở Lục bộ - cơ quan chức năng cao cấp trong triều đình phong kiến Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này em xin chọn đề bài số 10 “ Những cải cách đối với Lục Bộ thời Minh Mạng” để hoàn thành bài tập của mình. Bài làm còn nhiều thiếu xót, mong Thầy cô cùng góp ý để bài làm được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn !

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I- VÀI NÉT SƠ LƯỢC 

1- Khái quát về vua Minh Mạng


Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh (chữ Hán: 明命, 25 tháng 5, 1791 – 20 tháng 1, 1841), tức Nguyễn Thánh Tổ (阮聖祖) là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán(2). Là một vị vua thông minh, am tường Hán học và có nhân cách lớn và rất trọng người có tài năng nên thời kỳ ông có nhiều người học giỏi khiến thực thi thành công những cải cách, đất nước có kỷ cương, nề nếp... Điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công cải cách hành chính dưới thời Minh Mệnh là việc sử dụng được nhiều người hiền tài trong bộ máy hành chính Nhà nước. Minh Mạng  nổi tiếng với những cải cách sâu sắc và toàn diện từ trung ương đến địa phương, từ chính trị đến kinh tế. Bộ máy cai trị dưới thời Minh Mạng đã đạt đến mức độ hoàn chỉnh nhất, chặt chẽ nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.


2- Nguyên nhân dẫn đến cải cách Lục Bộ dưới triều Minh Mạng

Thứ nhất, phân cấp hành chính vẫn giữ cơ chế dưới trung ương là cấp thành, trấn, doanh. Hai thành vẫn còn tồn tại là Bắc Thành và Gia Định Thành. Quãng giữa do triều đình trực tiếp quản lý với tay tới thì chỉ đặt các trấn còn ở chính giữa là kinh kì gồm 4 doanh trực lệ. Như vậy cơ chế hành chính vẫn còn nhiều tầng. Bắc Thành và Gia Định Thành do hai vị tổng trấn đứng đầu, quyền hạn rất lớn . Tình trạng đó thường xuyên dẫn đến lạm quyền, lộng quyền và có nguy cơ tiếm vị. Với bộ máy quản lý hành chính như vậy đã cản trở rất lớn đến ý đồ của Minh Mạng trong việc xây dựng một bộ máy quan liêu chuyến chế tập trung quyền lực về trung ương.

Thứ hai, sự khủng hoảng về kinh tế phong kiến lạc hậu. Nó kìm hãm sự phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ đã khởi sắc từ cuối thời Trần được đẩy mạnh thời Lê sơ, lại được tiếp xúc với thị trường Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh được phát triển ở thời đại Tây Sơn ngắn ngủi nay thì bị trì trệ. Khủng hoảng kinh tế lâu dài dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội, biểu hiện ở nội chiến liên miên, triều đình không ổn định, ngoại xâm phá hoại. Nhà Tây Sơn lên trị vì được 14 năm, chưa ổn định được vương triều, chưa giải quyết được khủng hoảng đã bị sụp đổ.

Thứ ba, ruộng đất công làng xã là cơ sở để nhà nước thu tô thuế nhưng nguồn tài chính của nhà nước bị thu hẹp nghiêm trọng, nông dân không có ruộng đất cày cấy dẫn đến lưu vong phiêu tán, nổi dậy khởi nghĩa ngày một nhiều, đầu thế kỉ XIX, ruộng đất công làng xã trong nước chỉ còn lại 17,08%. Năm 1822, 5 trấn thuộc bắc thành và phủ hoài đức, dân phiêu tán mất 49 xã...phong trào của nông dân bùng lên ngày càng lan rộng ra cả nước. Nguyên nhân nổi dậy khởi nghĩa là do nông dân không có ruộng đất cày cấy, bị bóc lột tô thuế nặng nề, bị bọn quan lại cường hào đè nén, áp bức. Thực trạng này uy hiếp đến sự tồn tại của nhà nước chuyên chế Nguyễn, buộc mình phải suy nghĩ tìm cách cứu vãn.

Thứ tư, lãnh thổ dưới thời Minh Mạng rộng lớn hơn thời Lê, thống nhất đất nước từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Giữa các vùng miền trên đất nước có sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính trị. Vì vậy, cần phải tập trung quyền lực vào tay vua để có thể quản lý nhà nước được thống nhất.

II- NỘI DUNG CỦA CẢI CÁCH Ở LỤC BỘ

1. Chức năng, nhiệm vụ của Lục bộ

Lục bộ là 1 thiết chế quyền lực được phỏng theo mô hình bộ máy nhà nước thời Đường, đã được hoàn thiện dưới thời Lê Thánh Tông và được Gia Long kế tục. Tuy nhiên đến Minh Mệnh thì chức năng, nhiệm vụ của Lục bộ có được quy định lại chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn. Cụ thể là:

Bộ Lại: Giữ chức việc tuyển bổ, thuyên chuyển quan văn, phong tước, tập ấm, phong tặng, giữ phép khảo sát niên khóa.

Bộ Hộ: Cân bằng giá trong việc phát ra, thu vào để điều hòa nguồn của cải nhà nước. Phụ trách kho tàng, lưu thông, đinh điền, thuế khóa, tiền tệ, thóc gạo, hộ khẩu.

Bộ Lễ: Phụ trách lễ nghi, triều hội, khoa cử, ngoại giao.

Bộ Binh: Chuyên coi việc bổ nhiệm, tuyển chọn các chức võ quan, khảo duyệt khí giới, lương thực để giúp việc chính trị trong nước. Tuyển lính, hành quân, đồn ải, xét công trạng, tội lỗi quân nhân, lập sổ tướng sĩ.

Bộ Hình: Thảo luận nguyên lí pháp luật, xét xử tội nặng (tử tội). Phúc thẩm các nghi án, xếp đặt lao ngục, chế độ tù phạm.

Bộ Công: Côi giữ thợ thuyền, xây dựng thành trì, lăng tẩm, đồn lũy, cầu đường, đóng tàu thuyền, sửa chữa cung điện, nhà cửa, kho tàng. 

So với Lý, Trần, Lê nhiệm vụ Lục Bộ triều Nguyễn được quy định một cách chi tiết, cụ thể hơn.

2. Tổ chức chung của Lục bộ

So sánh với các triều đại trước thì Lục bộ thời Minh Mệnh có tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn. 

Bao gồm bộ phận chuyên chức năng văn phòng như Ấn ty và trục xứ chuyên phụ trách ấn triện, tiếp nhận chương, sớ, công văn; kiểm soát hoạt động toàn bộ. Và các ty chuyên môn trực thuộc (từ 3 đến 5 ty). Tuy tiếp thu nhiều cách thức tổ chức của triều Lê và Triều Minh Trung Quốc nhưng không phải Minh Mệnh vẫn có những cải cách sao cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Tiêu biểu như Bộ Lễ triều Minh chỉ có 4 ty, triều Lê có 2 ty nhưng Minh Mệnh lại đặt lại thành 5 ty, tách hẳn 1 cơ quan chuyên trách việc xét công, phong thưởng tước thần vì tín ngưỡng của người dân….

Vị trí, thẩm quyền: Nếu dưới thời Lê Thánh Tông, Lục bộ được đặt trực tiếp dưới sự quản lí của nhà vua thì sau cải cách của Minh Mệnh, giữa Lục bộ và Vua hình thành một cấp trung gian đó là Nội các (trên cơ sở của Tam nội viện) để tổng hợp các tấu sớ rồi mới gửi lên vua. Bên cạnh đó, Minh Mệnh còn hợp nhất Lục khoa với Giám sát ngự sự thành Đô sát viện, đặt ra chức quan Đô ngự sử ngang hàng với Thượng thư để nâng cao khả năng giám sát, kiềm chế Lục bộ của Lục khoa, bởi lẽ chức quan Đô cấp sự trung trước đây mới chỉ đạt đến Chánh tòng thất phẩm.

Xét về thẩm quyền thì Lục bộ không chỉ là cơ quan thực hành mà còn là cơ quan tư vấn dưới hình thức các phiếu nghĩ để trình lên cho Hoàng đế xem xét phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. 

Phương pháp điều của Lục bộ: Các quan chức cũng như lại viên đều phải biết công việc của bộ. Công vụ được đưa ra bàn bạc, thảo luận, năm chức danh lãnh đạo bộ có quyền luận bàn ngang nhau, không có cá nhân nào được toàn quyền quyết định công việc. Bộ không áp dụng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, ý kiến thiểu số vẫn được quyền bảo lưu, cho làm tờ riêng tấu trình lên Hoàng đế quyết định. Nói chung phương thức vận hành có tính chất giản dị, nhanh chóng, mối quan hệ trong Lục bộ chặt chẽ thống nhất, mọi công việc đều được đưa ra thảo luận, ý kiến đa số và thiểu số đều được tôn trọng. Để xác định rõ trách nhiệm của quan lại các bộ và tránh sai lầm khi dự thảo phiếu nghĩ, nhà vua quy định trong Đạo dụ Minh Mệnh năm thứ 12 (1831): các vị đường quan nào đã lập ra phiếu nghĩ phải ghi rõ họ tên của mình ở dưới, các thư lại thì ghi tên họ ở một bên.

3. Quan lại các bộ

Dưới thời Gia Long, chức danh, phẩm trật Lục bộ vẫn theo cách gọi như triều Lê – Trịnh là Thượng Thư, Tham tri, Thiêm Sự, Câu Kê, Cai Hợp, Thủ hợp. Ngoài ra, còn một số nhân viên sai phái gọi là Lệnh Sử ty, Bổn Ty. 

Năm 1821, vua Minh Mạng cho đặt thêm ở các bộ các chức Lang trung, chủ sự và tư vụ. Năm 1822, nhà vua bãi bỏ các chức Cai hợp và thủ hợp. những nhân viên trước chức này nay cho nhập ngạch thư lại mới đặt. Năm 1826, Minh Mạng đặt thêm chức Thị Lang, bỏ chức Thiêm sự mà lấy Lang trung thay thế. Năm 1827, ông bỏ chức Câu Kê, đặt chức Viên Ngoại Lang. Dưới triều Minh Mạng, chức Thượng Thư các bộ là do nhà vua tự lựa chọn trong hàn ngũ đại thần trong triều hoặc các cơ quan đứng đầu trấn, tỉnh. 

Tiếp đến xét về phẩm trật thì chức thượng thư triều Lê từ tòng nhị phẩm nay được nâng lên thành chánh nhị phẩm tức là vị thế của thượng thư cũng được nâng lên 1 bậc. Nhưng chức danh tả, hữu tham tri mới được đặt ra cũng là hàm tòng nhị phẩm, dưới thượng thư nhưng lại trên chức thị lang trước kia thì cũng hẳn là để chống sự chuyên quyền của các quan thượng thư vậy. Quả thật chức vị tham tri là một nét cải cách đặt sắc của Minh Mạng, một chức danh chưa từng có trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà cả trong điển chế của Trung Hoa trước đó cũng chưa hề tồn tại.

Do quy mô và nhiệm vụ quản lí được mở rộng hơn so với các triều đại trước mà số lượng quan lại của Lục bộ có phần nhỉnh hơn; tuy nhiên do việc thành lập 1 cơ quan mới là Tam pháp ti mà số quan ở Bộ Hình được giảm đi đáng kể chỉ còn 73 (140 trước đó).

III. ĐÁNH GIÁ VỀ NHỮNG CẢI CÁCH Ở LỤC BỘ THỜI MINH MẠNG

Nhìn chung một bộ máy hành chính như vậy, một khi được tổ chức và vận hành nghiêm túc như các chế định đã đặt ra sẽ có hiệu lực: duy trì và đảm bảo được quyền uy tối thượng của nhà vua trong chính thể quan chủ chuyên chế phong kiến. Bảo đảm được sự tập trung thống nhất trong quan lí hành chính của một quốc qia đa dân tộc, đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh. Đặc biệt là tăng cường được tính thống nhất quốc gia trên một lãnh thổ rộng lớn mà trước đây chưa từng có - một yêu cầu vô cùng quan trọng lúc bấy giờ. 

Cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng được thực hiện đã củng cố chế độ trung ương tập quyền, tập trung quyền lực vào hoàng đế. Ngược lại, chế độ trung ương tập quyền được tăng cường có tác dụng thúc đẩy bộ máy hành chính hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Cuộc cải cách đã từng bước củng cố chế độ văn quan dần dần hạn chế vai trò võ quan. Bởi vì chế độ coi trọng võ quan ở nền hành chính quốc gia dẫn đến tình trạng biến những vấn đề chính trị mềm dẻo, tự nguyện nhẹ nhàng thành các vấn đề quân sự cứng nhắc áp đặt và nặng nề.

Cuộc cải cách được tiến hành từng bước từ trung ương đến địa phương và luôn kế thừa cái cũ tiến hành một cách thận trọng nên có kết quả đã từng bước cùng cố và tăng cường chế độ giám sát toàn bộ nền hành chính quốc gia, làm cho bộ máy hành chính hoạt động hữu hiệu hơn, hạn chế bớt sự tha hóa mà nền hành chính dưới thời quan chủ dễ mắc phải.

Nguyên tắc “ Lục Bộ tương thông” nhằm phối hợp điều hành công vụ hoặc trực ban tại triều, làm cho công việc của triều đình trở thành một chỉnh thể thống nhất và để tạo cho mỗi bộ giải quyết vụ việc được nhanh gọn, có hiệu quả, ít tốn nhân lực trong sự tương tác giữa các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, hiệu lực của cải cách đáng lẽ ra phải làm cho quốc thái dân an nhưng ở thực tế lại chưa đạt được ý đồ như vua Ming Mạng mong muốn, đó là do những hạn chế  mà Minh Mạng không thể vượt qua. Thứ nhất là do không đổi mới được tư duy, đáng lẽ ra phải tiếp thu nền minh nho, bãi bỏ tống nho nhưng vua Minh Mạng lại củng cố tống nho để đưa đất nước phát triển thì không hợp với xu thế của thời đại. Thứ hai là quá chú trọng củng cố vương quyền hơn là cải thiện dân sinh. Thứ ba là tư tưởng củng cố đế nghiệp đã lỗi thời trước yêu cầu phải mở cửa nhìn rộng ra thế giới bên ngoài cả phương Đông và phương Tây.

Tóm lại, cải cách Lục Bộ thời Minh Mạng là cuộc cải cách lớn, đã khống chế được sự lộng quyền, lạm quyền của các quan lại. Điều này đã góp phần khẳng định bộ máy nhà nước quân chủ quan liêu chuyên chế không cực đoan, nhưng cực quyền vào thời Minh Mạng. 

KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Cải cách Lục Bộ của triều Minh Mạng vừ kế thừa vừa sáng tạo, vừa uyển chuyển trong thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công vụ theo từng giai đoạn của đất nước. tổ chức và hoạt động của Lục Bộ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc điều hành đất nước và thế kỉ 19 thể hiện một năng lực quản lý và điều hành bộ máy chính quyền trương ương của nhà vua. Công cuộc cải cách hành chính dười triều Minh Mạng thực sự đã củng cố chế độ trung ương tập quyền, tập trung mọi quyền lực vào Hoàng đế. Ngược lại, chế độ trung ương tập quyền có tác dụng thúc đẩy bộ máy hành chính nhà nước hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Minh Mạng – một hoàng đế mang đậm phong cách của một chính trị gia thời cận đại đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính quốc gia Đại Nam và đạt kết quả đáng cho lịch sử ghi nhận. Đây là cuộc cải cách có quy mô rộng lớn sâu sắc và toàn diện mà trước đó chưa từng có trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường đại học Luật Hà Nội,  Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2007
2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí – Quan chức chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tập 2, tr. 34.
3. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí  Minh, 1992.
4. Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông - Vị vua anh minh, nhà canh tân xuất sắc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.
5. Nguyễn Minh Tường, cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội - 1996
6. Một số trang web: 
http://www.reds.vn/index.php/lich-su/vinh-quang-dai-viet/3370-nh-ng-nhan-v-t-c-i-cach-trong-l-ch-s-8-minh-m-ng
http://www.wattpad.com/3059858-iv-c%E1%BA%A3i-c%C3%A1ch-c%E1%BB%A7a-minh-m%E1%BA%A1ng
http://vi.wikipedia.org/wiki/Minh_M%E1%BA%A1ng

(2)   Báo Bình Dương - Minh Mệnh: Vị vua năng động và quyết đoán

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Bùi Hương đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment