14/11/2014
Phân tích và đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế
LỜI MỞ ĐẦU


Trước khi nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế ra đời, loài người đã phải trải qua những thảm họa kinh hoàng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 –1945). Sau sự kiện đó, các quốc gia trên thế giới đã lập ra một tổ chức quốc tế lấy tên là Liên Hiệp Quốc (LHQ). Với mục tiêu cao cả là “phòng ngừa cho thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh”, Khoản 2 Điều 4 Hiến chương LHQ quy định: “Tất cả các nước thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ”. Trong bài tập học kỳ của mình, em xin trình bày vấn đề “ Đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế” .


NỘI DUNG 

I.Khái quát chung về nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế:
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, các văn kiện của LHQ sau này đã góp phần bổ sung, làm sáng tỏ hơn những tư tưởng tiến bộ của nguyên tắc nói trên thông qua một số văn kiện như Tuyên ngôn 1970 của LHQ, Nghị quyết LHQ1974, Công ước Luật biển...

1. Nội dung chủ yếu của nguyên tắc
Nội dung của nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế được ghi nhận cụ thể trong Tuyên bố 1970 của Đại hội đồng LHQ: “Mỗi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực để vi phạm biên giới quốc gia của các nước khác hoặc dùng nó làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề có liên quan đến biên giới các nước”.

2.Trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc
Về nguyên tắc, mọi hành vi sử dụng và đe dọa sử dung vũ lực đều bị coi là bất hợp pháp trừ hai trường hợp ngoại lệ sau đây:

Trong trường hợp có hành vi xâm lược hoặc phá hoại hòa bình và an ninh quốc tế đã được đại hội đồng bảo an áp dụng các biện pháp phi vũ trang như cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng không,.. và các phương tiện thông tin khác, kể cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao nhưng HĐBA nhận thấy những biện pháp đó "... là không thích hợp, hoặc tỏ ra là không thích hợp, thì HĐBA có quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân mà HĐBA xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của các quốc gia thành viên LHQ thực hiện" (điều 42 Hiến chương LHQ).

Hành vi sử dụng vũ lực do HĐBA quyết định trong những trường hợp nói trên không bị coi là vi phạm nguyên tắc này.

Trong trường hợp các quốc gia bị xâm lược vũ trang, Hiến chương LHQ quy định: "không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhận hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên LHQ bị tấn công vũ trang cho đến khi HĐBA chưa áp dụng được các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các thành viên LHQ áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho HĐBA và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của HĐBA, chiếu theo hiến chương này, đối với việc HĐBA áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà HĐ thấy cần thiết để duy trì và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế" (điều 51 Hiến chương LHQ).

Như vậy, khi bị xâm lược vũ trang, các quốc gia, các dân tộc có quyền tự vệ cá thể hoặc tập thể cho đến khi HĐBA áp dụng các biện pháp hữu hiệu để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải báo ngay cho HĐBA.

Đồng thời không được cản trợ HĐBA hành động để thực hiện sứ mệnh bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế của mình. Về phương diện pháp lý, hành vi tự vệ của các quốc gia, các dân tộc dưới hình thức cá thể và tập thể là những hành vi hợp pháp, không vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Mức độ chống trả phải tương xứng với mức độ thiệt hại mà bên kia đã gây ra và phải báo với HĐBA.

II. Thực tiễn thực hiện nguyên tắc:
Ngày nay vẫn còn nhiều quốc gia vi phạm nguyên tắc này một cách trắng trợn nhưng bao giờ họ cũng cố tìm ra những lý do có vẻ chính đáng để biện hộ cho hành vi sai trái của mình và luôn giải thích rằng điều đó phù hợp với quy định của Hiến chương LHQ. Học thuyết Ri – Găn ( của Cựu Tổng thống Mỹ) cho rằng việc ủng hộ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do là hình thức tự vệ và hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế. Theo học thuyết này thì các quốc gia có quyền mang quân vào nước khác để bảo vệ quyền con người ở đó. Thuyết này hoàn toàn trái với luật quốc tế, không phù hợp với các quyết định của tòa án quốc tế. Ngược lại việc sử dụng dùng vũ lực tất yếu dẫn đến vi phạm thô bạo quyền con người, trong đó có quyền được sống.

Chính phủ của các nước vi phạm thường viện dẫn những hoạt động của họ là thực hiện quyền tự vệ và họ lại có vẻ như khẳng định ý nghĩa của nguyên tắc không sử dụng vũ lực. Việc Mỹ mang quân vào Campuchia năm 1970, vào Grenada và Libia năm 1983, vào Panama năm 1989; việc các nước Nato không kích Nam Tư mùa thu năm 1999 thực chất là vi phạm nguyên tắc không dùng vũ lực và đe dọa bằng vũ lực trong quan hệ quốc tếNhững hành vi này bị cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt vì nó vi phạm luật quốc tế, đi ngược lại xu thế chung của thời đại chúng ta.

Nguyên nhân dẫn đến những sự vi phạm đó chủ yếu xuất phát từ những lý do sau:

1.Chế độ xã hội và ý thức hệ khác nhau
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có một số quốc gia vì thấy nước khác lựa chọn chế độ xã hội hoặc ý thức hệ không giống với nước mình nên họ tiến hành can thiệp, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với nước đó. Ví dụ, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô thường chọn cách làm này. Những kẻ cường quyền không chỉ giành quyền chọn cho mình một chế độ xã hội và ý thức hệ độc lập mà còn có thể đưa ra sự lựa chọn cho nước khác. Ví dụ, Mỹ đã khẳng định rõ quyền sử dụng vũ lực áp đặt, khôi phục nền dân chủ cho Grenada và Nicaragoa... Ngày nay, cộng đồng quốc tế đã cơ bản đạt được nhận thức chung đối với việc cấm các hành vi, vi phạm trắng trợn nguyên tắc “can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác”. Do vậy, biện pháp dùng vũ lực để truyền bá chế độ xã hội và ý thức hệ đã không còn là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

2.Sự can thiệp về nhân quyền của chủ nghĩa nhân đạo:
Trong một tình huống nào đó, sự can thiệp về nhân quyền của chủ nghĩa nhân đạo có thể giải quyết được khủng hoảng về nhân quyền và cứu được rất nhiều sinh mạng vô tội. Nhưng việc dùng vũ lực để can thiệp vào nước khác đương nhiên là mâu thuẫn với nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực của luật quốc tế. Nhìn chung dư luận quốc tế đều cho rằng: trong trường hợp đặc biệt cấp bách, cần phải có sự can thiệp nhưng phải tiến hành trong khuôn khổ LHQ, nếu không sẽ là phi pháp. Điều đó có nghĩa là chỉ có LHQ mới có đủ uy quyền để thực hiện hành động này (trừ trường hợp được nước chủ nhà cho phép, thậm chí yêu cầu). Như vậy Luật quốc tế không cho phép áp dụng chủ nghĩa nhân đạo một cách bừa bãi, bởi nếu thế thì thế giới sẽ trở nên hỗn loạn, chiến tranh sẽ xảy ra khắp nơi. Thế nhưng con bài “nhân quyền” hiện nay vẫn được một số quốc gia dùng để đe dọa các quốc gia khác.

3.Chủ nghĩa khủng bố:
Hoạt động khủng bố quốc tế là một loại hoạt động phạm tội vô cùng nguy hiểm. Sự nguy hại và tính nghiêm trọng của nó không chỉ biểu hiện ở số lượng các vụ khủng bố ngày càng tăng mà còn biểu hiện ở việc dẫn đến sự biến động xã hội, hình thành không khí khủng bố trong cộng đồng quốc tế. Hoạt động của chủ nghĩa khủng bố là một hoạt động tội phạm mang tính chất quốc tế, bởi nó không chỉ vi phạm pháp luật của các quốc gia liên quan mà còn vi phạm pháp luật quốc tế. Vấn đề đặt ra là cần phải tiến hành chống khủng bố như thế nào?

Trong thực tiễn, nhiều quốc gia đã áp dụng hành động đơn phương khi bị chủ nghĩa khủng bố xâm hại. Do tính chất quốc tế của hoạt động khủng bố nên những nước bị khủng bố khi áp dụng hành động đơn phương thường nhắm vào các nước khác chứ không phải chỉ một cá nhân. Bởi vậy, hành động trả đũa đối với chủ nghĩa khủng bố thường được thể hiện ở sự can thiệp nào đó, thậm chí can thiệp bằng vũ trang đối với những nước bị coi là đã dung túng, khuyến khích, thực hiện những hoạt động khủng bố.

Vậy việc sử dụng vũ lực tấn công vào quốc gia khác để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố có hợp pháp không? Điều 51 Hiến chương LHQ có quy định “quyền tự vệ” của các quốc gia, nhưng quyền này không cho phép tiến hành trả đũa đối với những cuộc tấn công trước đó. Như vậy, luật pháp quốc tế không cho phép các quốc gia sử dụng vũ lực đối với những nước đã tiến hành khủng bố. Bởi muốn tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không chỉ đơn thuần dựa vào sự trả thù của một hoặc hai quốc gia, còn phát động chiến tranh để tiến hành trả đũa chủ nghĩa khủng bố là điều vô cùng nguy hiểm. Thực tế đã chứng minh, để trả đũa cho thảm họa khủng bố ngày 11/9, Mỹ đã tiến hành chiến tranh đánh Afghanistan, để ngăn ngừa chủ nghĩa khủng bố Mỹ đã sử dụng vũ trang tấn công Iraq; thế nhưng chủ nghĩa khủng bố mà Mỹ nhằm tiêu diệt vẫn chưa có kết quả.

Như vậy, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không nên tiến hành bằng cách dùng vũ lực đơn phương của các nước mà nên tiến hành thông qua sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ LHQ, phù hợp với nguyên tắc an ninh tập thể do LHQ đề ra. Nếu làm được điều này thì cuộc chiến chống khủng bố mới có tính hợp lý và hợp pháp, nó sẽ được đông đảo nhân dân trên thế giới ủng hộ, đồng thời sẽ giảm bớt được những cuộc xung đột vũ trang và những mâu thuẫn giữa các khu vực, giữa các quốc gia và giữa các dân tộc trên thế giới và điều cơ bản là thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn.

III.Một số khuyến nghị:
“ Cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế” và “quyền tự vệ” được khẳng định trong Hiến chương LHQ là những nguyên tắc quan trọng nhất, mang tính căn bản nhất về hành vi sử dụng vũ lực. Nhưng thực tế đã chứng minh, sử dụng vũ lực vẫn là một hiện tượng thường thấy hiện nay. Cuộc chiến tranh Iraq gần đây càng thúc đẩy hành vi sử dụng vũ lực tới đỉnh điểm. Điều này khiến chúng ta cần phải xem xét lại vấn đề sử dụng vũ lực và luật quốc tế. Mặc dù đòi hỏi thực hiện pháp luật quốc tế đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 2 Hiến chương LHQ với nguyên tắc “Tận tâm thực hiện cam kết quốc tế” (hay còn gọi là nguyên tắc Pacta sun servanda), nhưng vấn đề quan trọng hơn chính là việc các thành viên của LHQ phải tự giác tuân thủ pháp luật. Lâu nay luật quốc tế vẫn bị coi là “luật mềm” bởi việc chấp hành pháp luật trong nước luôn được bảo đảm bằng quyền lực tối cao của nhà nước là chủ quyền quốc gia, còn cộng đồng quốc tế khó có một quyền lực có đủ sức mạnh tối cao như vậy để bảo đảm việc chấp hành pháp luật quốc tế. Do đó, tự giác tuân thủ là cách bảo đảm có hiệu quả nhất đối với luật quốc tế. Tự giác tuân thủ là một việc làm rất có ý nghĩa trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên trong nhiều trường hợp cần phải giám sát sự chấp hành bởi vì đây là một biện pháp quan trọng để bảo đảm cho các cam kết quốc tế được thực hiện. Việc giám sát chấp hành có thể chia làm hai hình thức:

- Đơn phương: các nước lợi dụng ảnh hưởng quốc tế của mình, dùng ngoại giao làm biện pháp chủ yếu thúc giục các nước khác chấp hành nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực”.

- Đa phương: đa số các nước cùng nhau vận dụng những ảnh hưởng và sức mạnh tập thể để yêu cầu các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế chấp hành nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực”.

Trong hai hình thức này thì hình thức đa phương mang lại hiệu quả cao hơn, tránh được sự độc đoán của các nước lớn biểu hiện dưới hình thức đơn phương. Tuy nhiên, biện pháp thích hợp nhất vẫn là thực hiện sự giám sát thông qua LHQ. Trong thời gian qua Hội đồng Bảo an LHQ đã có những nỗ lực rất lớn khi thực hiện sự giám sát đối với nguyên tắc này. Tuy nhiên trong tình hình một số siêu cường đang thực thi chủ nghĩa bá quyền với nguyên tắc “các nước lớn nhất trí” thì vai trò của Hội đồng Bảo an trong một số trường hợp đã không phát huy hết hiệu lực của mình khi giám sát việc thực hiện nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực”. Vì vậy, hiện nay, đối với những trường hợp tương tự, theo chúng tôi, cần phải có một tổ chức cao hơn Hội đồng Bảo an, cụ thể là Đại hội đồng của LHQ, đứng ra tổ chức, thực hiện sứ mạng giám sát này.

KẾT LUẬN
Ngày nay, trong các mối quan hệ quốc tế, với xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau, không một quyết định chính trị nào có thể trở thành niềm hy vọng và mang ý nghĩa trong đời sống quốc tế nếu nó không được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Tuy nhiên vấn đề làm thế nào để nguyên tắc đó thực sự đi vào đời sống, được chấp hành nghiêm chỉnh là vấn đề đáng quan tâm. Do bất cứ lĩnh vực nào trong quan hệ giữa các quốc gia hiện nay đều có thể bị đe dọa bởi việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nên việc tuân thủ nguyên tắc không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế là điều hết sức cần thiết cho sự ổn định, phát triển trong hòa bình an ninh của thế giới ngày nay. Với vốn hiểu biết hạn chế của mình, em đã trình bày quan điểm của mình về vấn đề trên, em mong được sự góp ý của thầy cô giáo.

Em xin chân thành cảm ơn!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình Công pháp quốc tế. Đại học Luật Hà Nội. NXB Công an nhân dân. (Trang 44).

Luật Quốc tế, lí luận và thực tiễn. Ths. Trần Văn Ánh, Ths. Lê Mai Anh. NXB Giáo dục. ( Trang 114, 115, 116).

No comments:

Post a Comment