Quyền giám sát của quốc hội và việc thực hiện quyền giám sát của quốc hội đối với hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Một trong những hoạt động giám sát quan trọng của quốc hội là hoạt động chất vấn của đại biểu quốc hội. Thông qua hoạt động chất vấn, đại biểu quốc hội thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân, nhiều vấn đề bức xúc của xã hội được đại biểu đưa ra để tìm giải pháp khắc phục.Để hiểu rõ về vấn đề quan trọng này ,em xin chọn đề tài “Vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội- Thực trạng và giải pháp”.
NỘI DUNG
I.Nội dung của vấn đề chất vấn.
1.Khái niệm chất vấn.
Chất vấn theo định nghĩa của từ điển Webster’s 1913 Dictionary là yêu cầu quan chức giải thích hoạt động, hành động của mình; là những câu hỏi buộc phải trả lời; là vấn đề nổi lên trong khi tranh luận.
Ở nước ta, theo quy định của Điều 2, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, chất vấn được hiểu là “một hoạt động giám sát, trong đó đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và yêu cầu những người này trả lời”.
Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội được Hiến pháp quy định.
2.Bản chất và mục đích của chất vấn.
- Về bản chất, chất vấn là một hình thức được quốc hội áp dụng để giám sát các cơ quan và cá nhân được giao quyền, là sự thể hiện cụ thể, trực tiếp quyền giám sát tối cao của quốc hội. Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) khi thực hiện quyền chất vấn của mình là nhân danh cá nhân với tư cách là người đại diện của quyền lực nhân dân, thay mặt nhân dân yêu cầu cá nhân bị chất vấn trả lời về trách nhiệm pháp lý của cá nhân đó về những việc làm có đúng với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo luật định hay không.
- Mục đích của ĐBQH khi thực hiện hoạt động chất vấn làm rõ trách nhiệm của cá nhân có trách nhiệm đối với một vấn đề nào đó. Đó là trách nhiệm chính trị của những người nắm giữ các chức vụ cao của nhà nước trước cử tri . Từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả, đề ra chiến lược hợp lý nhằm giải quyết các vướng mắc, cản trở công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao đời sống dân sinh.
3. Những nội dung cơ bản của pháp luật về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội(UBTVQH), Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội v.v.. đã cụ thể hoá quyền chất vấn của ĐBQH và nghĩa vụ trả lời chất vấn của người bị chất vấn, quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng như thời gian giữa hai kỳ họp của Quốc hội. Cụ thể :
- Quyền chất vấn của ĐBQH được quy định tại điều 80 của hiến pháp 2013 quy định “ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,Tổng kiểm toán nhà nước”.
- Điều 11 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp như sau:
1. ĐBQH ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Chủ tịch Quốc hội để chuyển đến người bị chất vấn. Đoàn thư ký kỳ họp giúp Chủ tịch Quốc hội tổng hợp các chất vấn của ĐBQH để báo cáo UBTVQH.
2. UBTVQH dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
3.Việc trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau đây:
a.Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục .
b. ĐBQH có thể nêu câu hỏi liên quan đến nội dung đã chất vấn để người bị chấp vấn trả lời.Thời gian trả lời chất vấn ,thời gian nêu câu hỏi và trả lời thêm được thực hiện theo quy định tại điều 43 của nội quy kỳ họp.
4.Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu ĐBQH không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền đề nghị Quốc hội thảo luận tại phiên họp đó hoặc 1 phiên họp khác hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm với người bị chất vấn. Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.
5.Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hoặc đã trả lời chất vấn của ĐBQH bằng văn bản có trách nhiệm báo cáo với các đại biểu Quốc hội bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo.
- Việc chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian giữa 2 kỳ họp được thực hiện theo những trình tự sau đây:
1. ĐBQH ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn và gửi đến UBTVQH.
2. UBTVQH chỉ đạo Ban công tác đại biểu giúp UBTVQH tiếp nhận chất vấn của ĐBQH để chuyển đến người bị chất vấn.
3.Tuỳ theo nội dung và tính chất của chất vấn, UBTVQH có thể quyết định người bị chất vấn phải trả lời chất vấn bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp tại phiên họp của UBTVQH. Trong trường UBTVQH quyết định cho người bị chất vấn trả lời bằng văn bản thì văn bản đó được gửi đồng thời tới UBTVQH và ĐBQH đã có câu trả lời chất vấn. Nếu không đồng ý với nội dung trả lời thì ĐBQH có quyền yêu cầu Chủ tịch Quốc hội đưa ra thảo luận trước Quốc hội hoặc UBTVQH
- Trong trường hợp, người bị chất vấn trả lời tại phiên họp của UBTVQH thì việc tiến hành được thực hiện như sau:
1.Chủ tịch Quốc hội nêu nội dung chất vấn của ĐBQH đã Quốc hội cho trả lời tại phiên họp của UBTVQH và những chất vấn khác được gửi đến UBTVQH trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội mà UBTVQH quyết định cho trả lời tại phiên họp.
• ĐBQH có câu hỏi chất vấn có thể được mời tham dự phiên họp của UBTVQH phiên họp và phát biểu ý kiến.
• Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục.
2. Sau khi nghe trả lời chất vấn, UBTVQH ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.
II.Thực trạng hoạt động chất vấn hiện nay.
a, Những kết quả đạt được của hoạt động chất vấn
Thông qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội diễn ra gần đây ta thấy hoạt động chất vấn đã cõ những bước tiến mới,cụ thể là ;
- Nội dung các vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn đã đề cập đến các thời sự nóng hổi, bức xúc,như vấn đề về giá xăng, điện, đào tạo, tai nạn giao thông……
- Không khí chất vấn và trả lời chất vấn đã cở mở hơn và thực sự dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm.Hoạt động hỏi và trả lời nhìn chung đã vào đúng trọng tâm, ngắn gọn hơn, có tranh luận khá liên tục, sôi nổi.
- Các đại biểu Quốc hội đã nắm bắt sát thực tiễn, lắng nghe kiến nghị của cử tri và nghiên cứu khá sâu để nêu những câu hỏi sắc sảo và theo sát các vấn đề thảo luận để tranh luận, trao đổi đến cùng. Nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để trả lời một cách nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn nhận trách nhiệm không né tránh, đùn đẩy.
- Kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn cũng có bước được nâng lên, hầu hết đều không đọc văn bản, hỏi và trả lời đều tập trung hơn theo một số nhóm vấn đề đã được lựa chọn. Tính trao đổi, đối thoại có nhiều tiến bộ hơn, chất vấn theo nhóm vấn đề rõ nét hơn, bước đầu khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải.
b. Những điểm còn hạn chế.
- Chưa có quy định cụ thể về việc quyết định thời lượng của các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Thông thường, việc bố trí thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn khoảng 2 đến 3 ngày. Tại một số kỳ họp, do có nhiều vấn đề cần làm rõ trong khi chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng do thời lượng hạn chế, nên Quốc hội không thể đi đến cùng những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
- Trong các kỳ họp, chỉ có khoảng 20% đến 25% số ĐBQH thực hiện hình thức chất vấn. Thậm chí còn có nhiều ĐBQH suốt cả nhiệm kỳ không sử dụng hình thức chất vấn này một lần nào.Hơn nữa, khi thực hiện hình thức chất vấn, có nhiều ĐBQH không có kỹ năng chất vấn nên còn lúng túng trong phương pháp thực hiện quyền chất vấn.Ngoài ra, giữa hai kỳ họp của Quốc hội, số lượng các ĐBQH gửi chất vấn đến UBTVQH để UBTVQH chuyển chất vấn đến những cá nhân và những cơ quan bị chất vấn rất ít, thường có khoảng 5 đến 10 chất vấn, cũng có khi không có chất vấn nào.
- Các ĐBQH chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật về hoạt động chất vấn. Điều này thể hiện ở chỗ: trường hợp không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì ĐBQH có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Quốc hội….. Song trên thực tế, các ĐBQH không đồng ý với trả lời chất vấn, nhưng cũng không thực hiện quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận hoặc tiến hành các hoạt động điều tra để xác định trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
- Các đại biểu Quốc hội nêu lên nhiều câu hỏi nhưng không phải tất cả đều đúng với nghĩa chất vấn mà chỉ là hỏi để lấy thông tin về một vấn đề nào đó, câu hỏi dài dòng, không đi vào trọng tâm câu hỏi. Bên cạnh đó là tình trạng đưa ra những câu hỏi gộp nhiều vấn đề lại với nhau gây khó khăn cho người bị chất vấn .
- Một số đại biểu tuy nắm được và hiểu rõ nhiều vấn đề nóng của đời sống xã hội, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của cử tri, của nhân dân nhưng lại có biểu hiện né tránh, chưa tích cực trong việc thực hiện quyền chất vấn.
- Một số người trả lời chất vấn khi trả lời còn nặng về giải trình vấn đề nhưng lại né tránh trách nhiệm giải quyết hoặc đưa ra biện pháp khắc phục. Nội dung trả lời còn chung chung, dài dòng chưa đúng trọng tâm chất vấn của đại biểu Quốc hội, đôi khi chưa thừa nhận những vấn đề chưa đúng, chưa tiếp thu với thái độ cầu thị, còn đổ lỗi cho những khó khăn của Bộ, ngành mình.
- Chưa có quy định về việc đánh giá, kết luận đối với việc trả lời chất vấn của người có trách nhiệm trước Quốc hội. Trên thực tế, sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội thường tóm tắt và nêu những vấn đề cần lưu ý. Vì vậy, trách nhiệm của người trả lời chất vấn chưa được xác định rõ.
III.Giải pháp để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH có hiệu quả
Để nâng cao chất lượng cho hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội chúng ta cần có một số giải pháp thiết thực như:
- Cần tiến hành rà soát lại các văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân, cơ quan có liên quan trong việc triển khai và phục vụ hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn .
- Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hiện hành cho phù hợp với những cải tiến về quy trình, quy mô chất vấn, trả lời chất vấn trong thời gian vừa qua, có lường trước một số vấn đề sẽ nảy sinh từ hoạt động này để có những quy định đón đầu.
- Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH.
- Tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tế quá trình đổi mới hoạt động chất vấn thời gian qua để có những cải tiến đột phá hơn trong tổ chức hoạt động này. Tăng cường giao và tạo điều kiện để thường xuyên tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các phiên họp UBTVQH, phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội
- Từng đại biểu cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ khi đưa ra câu hỏi chất vấn, đối với những vấn đề mà cử tri đưa ra, đại biểu Quốc hội cần nghiên cức trước và có trách nhiệm trả lời cho cử tri hiểu. Nếu có vấn đề phức tạp mới chuyển sang thành câu hỏi chất vấn. Cần lựa chọn những vấn đề để chất vấn, ưu tiên những vấn đề mà chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đang coi là trọng tâm như: xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng... Tại hội trường đại biểu Quốc hội nên lựa chọn câu hỏi chất vấn chất lượng nhất, tâm huyết nhất của mình để chất vấn, tránh những câu hỏi chỉ mang tính giải đáp hoặc yêu cầu cung cấp thông tin.
- ĐBQH nên đưa ra câu hỏi có trọng tâm đi thẳng vào cốt lõi vấn đề cần giải quyết mà cử tri quan tâm, tránh những câu hỏi chất vấn có tính thiếu xây dựng. Để việc trả lời có hiệu quả người trả lời chất vấn cần nghiên cứu kĩ, nắm bắt được thực tế trong lĩnh vực mình quản lý để trả lời một cách cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi mà ĐBQH chất vấn.
- Thời gian chất vấn cần được bố trí hợp lí. Nên bố trí vào khoảng từ giữa kì họp cho đến 2/3 kì họp để tránh tâm lý buông xuôi, cho qua. Hoạt động chất vấn phải được thực hiện cả trong và ngoài kỳ họp. .. Vì vậy, nếu tổng thời gian như vậy nhưng các phiên họp chất vấn được bố trí vào mỗi tuần 1 ngày thì không những giảm độ căng thẳng mà còn tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có câu hỏi chất vấn theo sát các vấn đề của kì họp.
Để đảm bảo cho hoạt động chất vấn mang tính thường xuyên, hạn chế tình trạng chất vấn dồn dập trong kì họp, Quốc hội cẩn tổ chức thực hiện trả lời chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo hướng này thì tại các kì họp của Quốc hội chỉ tập trung chất vấn, trả lời chất vấn những vấn đề lớn nổi cộm, được xã hội quan tâm và xử lý dứt điểm từng vấn đề cụ thể.
Ngoài ra phải có thủ tục ghi nhận ý kiến của ĐBQH , đánh giá câu trả lời chất vấn là đầy đủ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn hay chưa. Đồng thời cũng cần quy định cụ thể các thủ tục hậu chất vấn như thu thập ý kiến của đại biểu Quốc hội để đánh giá kết quả chất vấn, khi nào Quốc hội ra nghị quyết về các nội dung chất vấn, trách nhiệm của người bị chất vấn để làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện lời hứa bỏ phiếu tín nhiệm đối với người được chất vấn.
KẾT LUẬN
Hoạt động chất vấn của ĐBQH là 1 trong những hoạt động giám quan trọng của Quốc Hội . Thông qua hoạt động chất vấn, ĐBQH thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân, nêu lên những vấn đề mà cử tri đang bức xúc, yêu cầu giải quyết Vì vậy để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này,chúng ta cần phải có những giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động chất vấn của ĐBQH, đóng góp vào việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, ĐBQH, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được Hiến pháp quy định.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội ,Giáo trình Luật hiến pháp Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội,năm 2014
2. Trần Hoàng Minh, “Hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội-một số vấn đề cần quan tâm”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 6/2006.
3. Đặng Đình Luyến, “Một số yếu tố tác động tới hiệu quả của đại biểu Quốc hội”,Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 3/2002
4. Phạm Minh Phương,Hoạt động chất vấn của đại biểu quốc hội,Luận văn thạc sỹ luật học,hà nội 2006
5. Các bản hiến pháp 2013,1992.
6. Luật của Quốc hội số 30/2011/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 về tổ chức Quốc hội.
7. Luật sửa đổi,bổ sung 1 số điều của luật số 30/2011/QH10 về tổ chức Quốc hội năm 2007.
8. Luật của Quốc hội số 5/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 về hoạt động giám sát của Quốc hội.
9. Khoa luật –Đại học Quốc gia Hà nội, Giáo trình Luật hiến pháp Việt Nam,NXB ĐHQ,Hà nội,2005.
No comments:
Post a Comment