19/03/2015
Phân tích quy định pháp luật về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá - Bài tập học kỳ Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại
Giá cả là yếu tố vô cùng quan trọng có tác động trực tiếp và sâu rộng đến mọi mặt đời sống. Bất cứ hành vi trục lợi nào liên quan tới lĩnh vực này đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế- chính trị- xã hội đất nước. Do đó, việc đặt ra các qui định pháp luật về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế. Do vậy, bài viết này đề cập đến vấn đề “Phân tích quy định pháp luật về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá”.

NỘI DUNG

1. Khái niệm, đặc điểm của giá

a) khái niệm:

Theo quy định khoản 4 Điều 4 Luật giá 2012 “Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quy định tại một thời điểm, địa điểm nhất định” 

b) đặc điểm

Thứ nhất:Các qui luật kinh tế của thị trường (Qui luật giá trị, qui luật cung – cầu, qui luật cạnh tranh) quyết định sự hình thành và vận động của giá cả thị trường .

Thứ hai: Giá cả tiền tệ là cơ sở hình thành giá cả thị trường. Nếu nhu cầu về tiền không thay đổi theo thời gian, thì sự gia tăng mức cung tiền nhất định phải dẫn đến một lượng tăng tương đương trong mức giá. Có nghĩa là giá cả tiền tệ được thể hiện ngay trong mỗi yếu tố hình thành nên giá trị hàng hoá.

Thứ ba:Giá thị trường phải được xác định tại một thời điểm, địa điểm nhất định. 

Điều này xuất phát từ sự vận động của cơ chế thị trường đòi hỏi giá cả có những biến động nhất định, cho nên giá thị trường được tính tại một thời điểm cụ thể. Ngoài ra, yếu tố về địa lý cũng có thể tạo ra những khác biệt rõ rệt. 

2. Quy định của pháp luật về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá

2.1. Đối với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; cán bộ, công chức thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá

Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình thì các cơ quuan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, đặc biệt các cán bộ, công chức thuộc các cơ quan trên cần thực hiện nghĩa vụ của mình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường; thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội, các chủ thể hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, đảm bảo trật tự kỷ cương Nhà nước. Bởi vậy, mà khoản 1 Điều 10 Luật giá 2012 nghiêm cấm cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; cán bộ, công chức thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá thự hiện các hành vi sau: 

“a) Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giá;

b) Ban hành văn bản không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục;

c) Tiết lộ, sử dụng thông tin do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để vụ lợi”

2.2. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh

Theo Khoản 2 Điều 10 Luật giá 2012 thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không được thực hiện các hành vi sau: “ a) Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;

b) Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;

c) Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý;

d) Các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi.”

Nhận thấy, quy định trên quy định về hành vi cấm trong lĩnh vực giá đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh là một quy định kế thừa Pháp lệnh giá. Các hành vi vi phạm qui định tại khoản này làm thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh khác; gây tác động xấu đến nền kinh tế. 

2.3. Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá

Theo quy định của Luật giá 2012 thì những doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp năm 2005 và hoạt động sau khi được Bộ tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá có thẩm quyền thẩm định giá. 

Các hành vi bị cấm đối với các đoanh nghiệp thẩm định giá và chi nhánh doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 điều 10 Luật giá năm 2012. Các hành vi bị cấm được liệt kê một cách khá đầy đủ, rõ ràng, đây là điểm mới của Luật giá 2012 so với pháp lệnh về giá năm 2002. 

2.4. Đối với thẩm định viên về giá hành nghề

Tại khoản 4 Điều 10 Luật giá 2012 quy định các hànhvi mà thẩm định viên về giá hành nghề không được thực hiện:

Thứ nhất: Hành nghề thẩm định giá với tư cách cá nhân. Chỉ có tổ chức mới đáp ứng đủ điều kiện thẩm định giá, thẩm định viên với tư cách cá nhân không được tiến hành hoạt động này mà chỉ được nhân danh tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá.

Thứ hai:Đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên. Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012: Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Như vậy, pháp luật cấm hành vi thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên,quy định này giúp phản anh đúng giá trị của tài sản cần được thẩm định đồng thời tránh được sự câu kết giữa các doanh nghiệp làm sai lệch giá trị của tài sản cần được thẩm .

Thứ ba: Thực hiện thẩm định giá cho đơn vị được thẩm định giá mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của đơn vị được thẩm định giá.

Quy định này nhằm giúp cho việc thẩm định giá của thẩm định viên được khách quan, Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá.

2.5. Đối với tổ chức, cá nhân có tài sản được thẩm định giá và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá

Khoản 5 Điều 10 Luật Giá 2012 quy định tổ chức, cá nhân có tài sản được thẩm định giá và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá không được thực hiện các hành vi sau: a) Chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá để ký hợp đồng thẩm định giá;

b) Cung cấp không chính xác, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá;

c) Mua chuộc, hối lộ, thông đồng với thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

Như vậy, nhóm chủ thể thứ năm trong nhóm chủ thể có thể thực hiện các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá là nhóm chủ thể bị tác động bởi hành vi thẩm định giá. Sở dĩ Luật quy định như vậy, là để bao trùm toàn bộ các khả năng, tránh mọi “lỗ hổng” pháp luật, vì trên thực tế, có những trường hợp tổ chức, cá nhân chỉ chịu tác động của việc thẩm định giá cũng có thể có các hành vi xâm hại đến các hoạt động về quản lý giá của nhà nước và các lĩnh vực khác liên quan đến giá. 

3: Nhận xét quy định của pháp luật về các hành vi bị cấm trong lĩnh vựcgiá

Điều 10 luật giá 2012 đã quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá khá là toàn diện. So với pháp lênh giá năm 2002 thì luật giá 2012 đã thể hiện được sự rõ ràng, cụ thể và chi tiết, biểu hiện. Khác với pháp lệnh giá quy định về các hành vi bị cấm tại điều 28 chỉ quy định về nhóm chủ thể duy nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và liệt kê các hành vi bị cấm. Như vậy pháp lệnh chỉ đặt ra đối tượng bị cấm rất hạn hẹp, chưa bao quát hết các chủ thể liên quan. Để khắc phục tình trạng đó luật giá đã có quy định tại điều 10 với phương hướng là phân chia thành 5 nhóm chủ thể, mỗi một chủ thể lại có những hành vi bị cấm khác nhau, xuất phát từ vị trí và khả năng tác động của các chủ thể về giá. Như vậy có thể thấy luật giá đã có bổ sung hầu như tòan bộ các hành vi bị cấm. Điều đó cho thấy luật giá có sự bao quát khá rộng, hạn chế tối đa sự vi phạm về giá, bởi lẽ các chủ thể đều có tác động tới sự biến động về giá.

C: KẾT LUẬN

Cho tới thời điểm này, Luật Giá 2012 còn hai tháng nữa mới có hiệu lực do đó chúng ta chưa thể biết được hiệu quả thi hành của nótrên thực tế, song có thể nói so với Pháp lệnh về Giá 2002 Luật đã có bước tiến đáng kể nhằm khắc phục những thiếu sót, sai lầm cuả Pháp lệnh- sau 10 năm thực hiện đã trở nên lỗi thời, bộc lộ nhiều hạn chế không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Nó cũng cho thấy nỗ lực của nhà nước trong việc xây dựng một thị trường minh bạch, trong sạch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Luật Giá 2012
- Pháp lệnh về giá 2002
- Nguồn từ internet: http://rubiclaw.vn/hanh-vi-bi-cam-trong-linh-vuc-gia

No comments:

Post a Comment