31/05/2014
Nhà nước phân quyền cát cứ phong kiến Tây Âu - Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới - 8 điểm
Phân quyền cát cứ là trạng thái cơ bản, nổi bật nhất trong thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến Tây Âu. Nó bao trùm và chi phối mọi lĩnh vực kinh tế,xã hội và chính trị phong kiến. 

Vậy trạng thái phân quyền cát cứ được biểu hiện như thế nào? Nó bắt nguồn từ những nguyên nhân gì? Và hệ quả của nó ra sao? Để trả lời cho những câu hỏi trên, em xin chọn đề tài : “Phân tích cơ sở thiết lập và những biểu hiện của nhà nước phân quyền cát cứ phong kiến Tây Âu”. Bài làm còn nhiều thiếu sót mong thầy cô góp ý và bổ sung thêm. Em xin chân thành cám ơn!

II. NỘI DUNG

1. Cơ sở thiết lập nhà nước phân quyền cát cứ phong kiến Tây Âu

a, Cơ sở lịch sử 


Ngay từ thời đế quốc Frăng đã nảy sinh hiện tượng phân quyền cát cứ. Sau khi Clôvít chết năm 511, Vương quốc Frăng bị chi phối thành bốn phần do những người con của ông cai quản. Từ cuối thế kỷ VI, nội chiến giữa các anh em dòng họ Mêrôvanhgiêng thường xuyên xảy ra, khiến cho quyền lực của các ông vua ngày càng suy yếu. Trong khi đó thế lực quý tộc ngày càng mạnh, lấn át cả nhà vua, biến nhà vua thành lá chắn để che đỡ trong việc tranh nhau giành quyền lợi. Nhiều vùng trước kia thần phục, nay thoát ly khỏi phạm vi thế lực của nhà vua, trở thành những vùng độc lập. Mãi tới đầu thế kỷ VIII, thừa tướng Sác lơ Mác ten dùng vũ lực khôi phục lại trật tự cũ trong toàn vương quốc. Tuy nhiên với hòa ước Veéc đoong, trạng thái phân quyền cát cứ ngày càng phổ biến và sâu sắc hơn ở Tây Âu. Nội bộ đế quốc Frăng tan rã, từng đế quốc nhỏ cũng bị chia rẽ. Cuộc chiến tranh giành quyền lực không ngừng diễn ra, đời sống nhân dân muôn vàn cơ cực.


b, Cơ sở kinh tế

- Nguyên nhân cơ bản, có tính quyết định là về kinh tế. Trong đó, trước hết phải nói đến chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất. Đó là sở hữu tư nhân rất lớn của phong kiến được hình thành từ hai nguồn:

Nguồn thứ nhất từ chế độ phân phong ruộng đất và chế độ thừa kế ruộng đất.

Chế độ phân phong theo hình chóp từ trên xuống dưới và quan hệ thần thuộc và tôn chủ, theo sơ đồ như sau:

Vua là người nắm trong tay nhiều ruộng đất nhất nên sẽ là phong quân lớn nhất, khi đó, đại quý tộc sẽ trở thành bồi thần của nhà vua; đến phần mình, đại quý tộc là phong quân của trung quý tộc, trung quý tộc trở thành bồi thần; và tương tự như vậy đối với tiểu quý tộc. Quan hệ này thể hiện ở việc một người bồi thần chỉ phục vụ cho một phong quân trực tiếp cấp ruộng đất cho mình và không phải trung thành và không có nghĩa vụ với phong quân lớn hơn.

Chính quan hệ thần thuộc và tôn chủ này đã làm cho quyền lực về mặt kinh tế của các nhà vua Tây Âu bị hạn chế, những đẳng cấp dưới sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ về mặt kinh tế (mà quan trọng nhất là nghĩa vụ quân dịch) đối với nhà vua. Hơn nữa các đại quý tộc khi thế lực lớn mạnh cũng sẽ không tôn phục nhà vua nữa.

Tập quán thừa kế cũng góp phần làm cho trạng thái phân quyền cát cứ tồn tại lâu dài, bền chặt. Khởi đầu, các đất phong chưa trở thành vật sở hữu có thể thừa kế. Sau đó trên thực tế, tất cả các con cái đều được thừa kế đất đai mà cha ông mình được phong. Dần dần để lãnh địa không bị chia nhỏ mà quyền lực của chúa phong kiến cũng không bị phân chia theo cùng với đất đai, nên một tập quán đã được hình thành từ thế kỷ XI: chỉ người con trưởng mới được thừa kế. Theo tập quán này, để cho việc quản lý chặt chẽ hơn, người ta yêu cầu người nhận đất chỉ được thừa kế cho con trai trưởng. Đây là yếu tố củng cố cho chế độ sở hữu lớn ở các lãnh địa của lãnh chúa.

Nguồn thứ hai là số ruộng đất ít ỏi của những nông dân tự do, nằm rải rác trong khu đất đai của lãnh địa, giống như những ốc đảo trên sa mạc.Nông dân tự do ngoài nghĩa vụ đi lính cho nhà vua, còn là nạn nhân của các cuộc nội chiến, là một đối tượng cướp bóc của giặc ngoại xâm, nên họ phải nhờ chúa phong kiến ở lãnh địa “ bảo hộ” cho mình. Và đương nhiên họ phải hiến dâng đất cho lãnh chúa và trở thành lệ nông hoặc nông nô.

Chế độ phân phong và thừa kế như trình bày ở trên đã dẫn tới hậu quả quyền sử hữu tối cao ruộng đất không thuộc nhà vua và dẫn tới trạng thái phân quyền cát cứ. Trạng thái phân quyền cát cứ đẻ ra trạng thái kinh tế tự cấp tự túc. Đến lượt nó nền kinh tế tự nhiên nó lại là một yếu tố kinh tế kinh tế củng cố trạng thái chính trị phân quyền cát cứ.

- Về  giao thông, những con đường có từ thời đế quốc La Mã, do chiến tranh loạn lạc không sửa chữa được, nên đều bị hư hỏng. Việc đi lại chuyên chở không được an toàn vì nạn cướp bóc dọc đường thường xuyên xảy ra. Chính tình trạng giao thông vận tải khó khăn, trắc trở khiến cho mối liên hệ giữa các vùng không thường xuyên chặt chẽ. Đây là một trong số các nguyên nhân dẫn tới khuynh hướng cát cứ địa phương của các chúa phong kiến.

- Ngoài ra, ở từng nước còn có những nguyên nhân khác. Như ở Pháp, có triều vua mà lãnh địa của vua nhỏ hơn rất nhiều so với lãnh địa của nhiều lãnh chúa, thế lực của nhà vua rất hạn chế. Những lãnh chúa lớn thường áp đảo nhà vua và tranh giành quyền lợi giữa bọn chúng với nhau.Ở Italia, do sự hình thành của các quốc gia thành thị, do sự xâm lược và sâu xé của của nhiều thế lực từ bên ngoài, do sự hình thành quốc gia của giáo hoàng ở miền trung Italia nên toàn Italia không có chính quyền trung ương. Ở Đức, bọn chúa phong kiến rất chú trọng việc xâm lược để thỏa mãn nhu cầu ruộng đất và của cải. Thế lực của chúng rất mạnh nên cục diện cát cứ ở Đức rất trầm trọng, thế kỉ XV ở Đức có tới khoảng 300 lãnh địa lớn nhỏ.

2. Biểu hiện của nhà nước phân quyền cát cứ phong kiến Tây Âu

Phân quyền cát cứ là trạng thái cơ bản, bao trùm và chi phối trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị phong kiến. Nó được biểu hiện cụ thể về thời gian, không gian và thực quyền lãnh chúa. 

a. Biểu hiện về thời gian

Trạng thái phân quyền cát cứ chiếm hầu hết thời gian của chế độ phong kiến Tây Âu. Ví  dụ như ở Đức, Italia trạng thái phân quyền cát cứ tồn tại vững chắc trong suốt thời phong kiến, cho đến khi nước Đức, Ý thống được thống nhất trạng thái này mới được chấm dứt. Tình trạng phân quyền cát cứ manh nha từ thời đế quốc Frăng. Ngay từ năm 511, khi Clôvít chết, vương quốc Frăng bị chi phối thành 4 phần do những người con của ông cai quản. Từ thế kỷ VI, đã diễn ra cuộc nội chiến của dòng họ Mê rô vanh đã làm cho quyền lực nhà vua ngày càng suy yếu và quyền lực của quý tộc ngày càng mạnh và lấn át nhà vua. Nhiều vùng đã thoát li trở thành những nước độ lập. Mãi đầu thế kỷ VIII, Sác lơ Mác ten dùng vũ lực khôi phục lại trật tự cũ trong toàn vương quốc. Năm 843, với việc ký kết hòa ước Véc đoong đã đánh dấu sự xác lập chế độ phân quyền cát cứ phong kiến Tây Âu.

b.Biểu hiện về không gian

Có ở hầu hết các quốc gia phong kiến Tây Âu. Trong đó điển hình là Anh và Pháp. Cá biệt ở Đức và Ý thì trạng thái phân quyền cát cứ có sự khác biệt. Ở Ý, trạng thái phân quyền cát cứ thậm chí còn nặng nề hơn ở Pháp. Ở Pháp có vua là người đứng đầu (mặc dù không có thực quyền), còn ở Ý thì không có hoàng đế và chính quyền trung ương (dù chỉ là hình thức). Ý chia thành ba vùng khác nhau là Bắc, Trung, Nam do ba lãnh chúa cai trị. Còn ở Đức thì thế lực các “chư hầu” (lãnh chúa lớn) mạnh đến mức họ bầu ra hoàng đế Đức. Nếu hoàng đế có mưu đồ tăng cường thế lực của mình thì lập tức bị đánh đổ và được thay thế bằng người khác.

c. Thực quyền lãnh chúa

Nói đến trạng thái cát cứ là nói về lãnh địa và lãnh chúa phong kiến. Có lãnh chúa thế tục và lãnh chúa tôn giáo tương ứng với hai loại lãnh địa là lãnh địa của phong kiến và lãnh địa của giáo hội thiên chúa.

- Về kinh tế: Lãnh chúa có toàn quyền sở hữu đất đai thuộc lãnh địa của mình. Mỗi lãnh địa có nhiều trang viên, trang viên phong kiến được chia làm hai phần: Phần thứ nhất gồm lâu đài và một số ruộng đất, vườn tược do lãnh chúa trực tiếp quản lý và sức lao dịch ở đây là tô lao dịch của nông nô. Phần thứ hai chủ yếu gồm đất đai canh tác được chia thành nhiều khoảnh nhỏ cấp cho gia đình nông dân lĩnh canh. Kinh tế của lãnh địa là nền kinh tế tự cấp, tự túc. Lãnh chúa có quyền tự tổ chức sản xuất, thu tô thuế, thậm chí có nơi lãnh chúa còn có quyền đúc tiền riêng.

- Về chính trị: Những tước vị và chức vụ trong chính quyền mà nhà vua trao cho các lãnh chúa nay đã trở thành cha tuyền con nối. Không những thế chúng còn biến luôn cả khu vực hành chính do chúng đứng đầu thành lãnh địa riêng. Nhà vua không thể điều động, thuyên chuyển hoặc thay thế chúng bằng người khác. Chúng còn dùng uy quyền biến các thần thuộc của nhà vua thành thần thuộc của chúng, biến những thần dân của nhà vua thành thần dân của chúng. Các lãnh chúa đều có tòa án riêng xét xử những thần dân trong lãnh địa dám chống lại chúng. Những vụ án xét xử còn đem lại cho lãnh chúa một khoản thu nhập lớn nhờ những món tiền phạt và những vụ tịch thu tài sản. 

- Về quân sự: Giữa các lãnh chúa phong kiến thường xảy ra chiến tranh nhằm cưỡng đoạt đất đai, tài sản, mở rộng phạm vi thế lực. Các lãnh chúa tổ chức quân đội riêng. Bộ phận quân đội của lãnh chúa hoàn toàn tách khỏi sự điều động của vua.

- Về xã hội: Quan hệ cơ bản là quan hệ giữa lãnh chúa (gồm cả tăng lữ cao cấp, thực chất cũng là lãnh chúa) với nông dân. Nông dân có ba loại: nông dân tự do, lệ nông và nông nô. Trong đó, lệ nông, nông dân tự do đều dần dần trở thành nông nô. Nông nô lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh chúa phong kiến cả về ruộng đất và thân thể. Nông nô phải làm lao dịch không công, nộp địa tô cho chủ…Họ phải nộp thuế thân cho chúa phong kiến. Nông nô lấy vợ, lấy chồng phải nộp thuế kết hôn. Con cái nông nô muốn thừa kế tài sản của cha cũng phải nộp thuế thừa kế. Nhưng so với nô lệ trong xã hội cổ đại thân phận của nông nô có khá hơn. Nông nô có nhà cửa, công cụ sản xuất, kinh tế gia đình riêng. 

Như vậy, trên thực tế, các lãnh địa đã trở thành những quốc gia nhỏ. Các lãnh chúa trở thành vua trên lãnh địa của mình, có đầy đủ quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, có bộ máy chính quyền, tòa án, quân đội, luật lệ riêng. Thậm chí ở Đức, vua Sác lơ IV (1347-1378) phải ban hành “Đạo luật vàng” xác nhận quyền lực của các lãnh chúa. Hay nói cách khác, cục diện phân quyền cát cứ được thể chế hóa bằng pháp luật.

III. KẾT BÀI 

Có thể nói, thời kỳ phân quyền cát cứ là thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến Tây Âu. Chính trong trạng thái phân quyền cát cứ đó, quan hệ phong kiến được thể hiện rõ nét nhất, thể hiện qua chế độ sở hữu phong kiến, quan hệ địa chủ phong kiến, nông nô, địa vị của hai giai cấp này trong xã hội và phương thức bóc lột địa tô.

Cảm ơn bạn Quách Chinh đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment