14/11/2014
Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này - Bài tập học kí - môn Luật Hôn Nhân và Gia Đình
Gia đình là tế bào của xã hội được xây dựng trên cơ sở gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong đó nền tảng nhất là quan hệ hôn nhân. Cuộc sống chung của vợ chồng khi hôn nhân được xác lập luôn luôn đòi hỏi phải có một khối tài sản để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nhằm bảo đảm lợi ích cho vợ, chồng, tôn trọng quyền sở hữu tài sản riêng của công dân cũng như tạo cho họ có những điều kiện tốt để sản xuất kinh doanh thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã công nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng. Trong đó thì việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân là một căn cứ đặc biệt hình thành tài sản riêng của vợ chồng. Luật Hôn nhân và gia đình đã có những quy định khá cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên cũng có những vướng mắc khi áp dụng trong thực tế cũng như xác định hậu quả pháp lí khi chia tài sản chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này sau đây em xin được đi sâu làm rõ đề bài: “Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này”

NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN VỢ CHỒNG VÀ CHIA TÀI SẢN CHUNG TRONG THỜI KÌ HÔN NHÂN
  
1. Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng.
    
Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về sở hữu tài sản của vợ chồng bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và các trường hợp, nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng theo luật định.
    
Chế độ tài sản chung của vợ chồng là cơ sở pháp lí để đảm bảo và bảo vệ quyền và lợi ích của vợ chồng về tài sản, bảo vệ lợi ích của người thứ ba có quan hệ giao dịch về tài sản đối với vợ chồng, cùng với đó chế độ tài sản chung của vợ chồng còn là cơ sở pháp lí để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp.

2. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân

2.1 Khái niệm chia tài sản chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân
       
Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. “1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.
      
2.Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”
    
Có thể hiểu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là chuyển một phần hoặc toàn bộ các tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng thành các tài thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng, hay sở hữu chung theo phần của vợ chồng.
    
Theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, trong trường hợp có lý do chính đáng, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân có thể được thực hiện thông qua thỏa thuận bằng văn bản giữa vợ và chồng, hoặc bản án, quyết định của Tòa án. Khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng không thay đổi. Đây là điểm khác biệt nhất của chế định này so với chế định ly thân được quy định trong pháp luật của một số nước phương Tây. Tuy nhiên quan hệ sở hữu giữa vợ và chồng về tài sản đã có sự thay đổi nhiều. Theo Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 8 Nghị định 70/ 2001/NĐ-CP phần tài sản mà vợ, chồng được chia, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của mỗi bên trừ vợ chồng có thỏa thuận khác. 

2.2. Lý do chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân
         
- Do các điều kiện kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế thị trường do tính chất của công việc, nghề nghiệp của vợ chồng cần tự chủ trong các trường hợp  đầu tư kinh doanh, nếu sử dụng tài sản chung vợ chồng để đầu tư, kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chung của gia đình trong trường hợp việc đầu tư kinh doanh đó gặp rủi ro. Để bảo vệ quyền và lợi ích chung của gia đình cũng như tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân quyền tự do kinh doanh được pháp luật công nhận, viêc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân đc luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 công nhận.
       
 -Do cuộc sống chung vợ chồng khó tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn, nhiều trường hợp chỉ muốn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng mà không muốn ly hôn mà chỉ muốn có tài sản để thực hiện việc đầu tư, kinh doanh…Đáp ứng nhu cầu này của vợ chồng nhằm mục đích xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc và ổn định quan hệ xã hội, pháp luật cho phép vợ chồng có quyền chia tài sản chung ngay khi hôn nhân còn tồn tại.
        
-Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba, trường hợp do vợ hoặc chồng - phía thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ mà vợ chồng không thỏa thuận được về việc lấy tài sản chung để trả nợ cho một bên thì vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân để người vợ hoặc chồng lấy phần tài sản của mình trong khối tài sản chung nhằm thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng.

2.3. Điều kiện chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân.
        
Theo quy định tại khoản 1 điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: “1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.
        
Như vậy việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân chỉ được đặt ra khi có yêu cầu một bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai bên. Nếu mỗi người thấy rằng việc chia tài sản chung là cần thiết thì có thể thỏa thuận vợ chồng để chia tài sản, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. 
      
Nếu như vợ hoặc chồng hoặc cả hai bên có yêu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là điều kiện tiên quyết để vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân được đặt ra thì để việc chia tài sản trong thời kì hôn nhân có thể được thực hiện ngoài điều kiện trên luật còn quy định vợ chồng phải có lý do chính đáng. Đây là cần thiết bởi việc chia tài sản sẽ ảnh hưởng đến khối cộng đồng tài sản, ảnh hưởng đến nền tảng kinh tế chung của gia đình, từ đó tác động đến sinh hoạt bình thường của vợ chồng, con cái, tác động đến lợi ích chung của gia đình. Chính vì thế, chỉ những điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu khách quan lợi ích của các thành viên trong gia đình thì khối cộng đồng tài sản mới được phân chia. Theo quy định của luật thì những lý do để vợ chồng có thể yêu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân bao gồm:
      
- Trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng: xuất phát từ việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của cá nhân, nếu một trong hai vợ chồng muốn đầu tư kinh doanh riêng thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng, tạo điều kiện cho vợ chồng có tài sản riêng làm vốn đầu tư kinh doanh. Mặt khác, quy định này còn nhằm bảo vệ lợi ích của gia đình, bảo đảm cuộc sống ổn định của các thành viên trong gia đình tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động đầu tư kinh doanh gây ra.
    
 - Trường hợp vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng: Nếu vợ (chồng) phải thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì vợ chồng có thể chia tài sản chung để giúp người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình.
   
 - Trường hợp có lí do chính đáng khác: Việc xác định có lý do chính đáng để chia tài sản chung của vợ chồng thì khi hôn nhân tồn tại là xuất phát từ lợi ích của gia đình, lợi ích của vợ chồng hoặc của người thứ ba. Vì vậy, lí do chính đáng khác để chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân còn tồn tại tùy từng trường hợp có khác nhau.
     
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì luật Hôn nhân và gia đình đã dự liệu trước trường hợp vợ chồng có thể lạm dụng quyền của mình trong việc chia tài sản chung gây hậu quả xấu, xâm phạm đến các lợi ích khác được pháp luật bảo vệ. Vì thế, khoản 2 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định: “2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”

2.4. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. 
    
- Trường hợp chia theo thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản
    
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung”. Nếu vợ chồng thỏa thuận được trong việc chia tài sản thì sư thỏa thuận đó được lập thành văn bản và được Nhà nước công nhận. Theo điều 6 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định văn bản thỏa thuận của vợ chồng về chia tài sản chung phải đáp ứng được những yêu cầu sau đây:  Lý do chia tài sản; Phần tài sản chia (bao gồm bất động sản, động sản, các quyền tài sản); trong đó cần mô tả rõ những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia; Phần tài sản còn lại không chia, nếu có; Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung; Các nội dung khác, nếu có;  Văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
   
- Trường hợp vợ chồng yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
    
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên ngang nhau cách hữu hiệu nhất là chia đôi khối tài sản cần chia. Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân nếu không có hoặc không thỏa thuận được. Theo đó, khi chia tài sản chung, Tòa án căn cứ vào lý do, mục đích chia tài sản chung để quyết định phạm vi tài sản chung cần chia. Việc chia tài sản chung căn cứ vào các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình; nếu các tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất thì áp dụng các quy định tại điều 97, điều 98, điều 99 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

II. HẬU QUẢ PHÁP LÍ CỦA VIỆC CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KÌ HÔN NHÂN.
   
1.Quan hệ về nhân thân.
    
Quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về các lợi ích nhân thân. Đó là các quan hệ như: Quan hệ giữa vợ và chồng về sự yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ nhau; về việc xác định chỗ ở chung; quan hệ giữa cha mẹ và các con về việc xác định chế độ pháp lý nhân thân của con chưa thành niên…
    
Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại điều 29 luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại trước pháp luật, vợ chồng có thể sống chung hoặc riêng nhưng các quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng vẫn được đảm bảo thực hiện. Theo đó các quyền nhân thân giữa vợ và chồng với tư cách là công dân: quyền đối với họ tên, quyền xác định lại dân tộc, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Các quyền và nghĩa vụ phát sinh nhân thân giữa vợ chồng phát sinh từ khi kết hôn vẫn được duy trì không thay đổi so với trước khi chia tài sản chung vợ chồng. Theo quy định tại điều 18 Luật hôn nhân và gia đình: “Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”. Mặc dù chia tài sản chung nhưng quan hệ hôn nhân vẫn chưa chấm dứt nên vợ chồng vẫn có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình: vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng và giữu gìn danh dự, nhân phẩm và uy tín cho nhau (Điều 21); vợ chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau, không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 22); Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó ( Điều 24); Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.(Điều 3). 
    
Tuy nhiên việc quy định vợ chồng có quyền chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không phải gián tiếp quy định chế độ ly thân. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam không quy định chế định ly thân. Ly thân được hiểu là một chế định pháp luật và là một thuật ngữ pháp lý để chỉ trường hợp vợ chồng phải sống riêng rẽ và tách bạch về tài sản mà pháp luật nhiều nước tư sản và hệ thống pháp luật hôn nhân gia đình dưới chế độ cũ ở nước ta quy định. Có thể thấy rằng, mặc dù có nhiều điểm tương đồng với chế định ly thân dưới chế độ phong kiến, thực dân nhưng việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân cũng có những điểm khác biệt căn bản. Cụ thể là: 
    
Thứ nhất, nếu các lý do chính đáng là 1 trong những căn cứ  để vợ chồng  có thể chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì lí do ly thân trong chế độ cũ chỉ dựa vào yếu tố lỗi làm căn cứ để tòa án giải quyết li thân.
    
Thứ hai, ly thân đặt vợ chồng vào tình trạng sống tách biệt nhau, không có đời sống chung nhưng chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không nhất thiết phải như vậy. Sau khi chia tài sản chung việc vợ chồng ở chung hay riêng là quyền của họ, pháp luật không can thiệp. Hơn nữa, chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân vợ chồng có quyền thỏa thuận chia 1 phần hoặc toàn bộ tài sản chung, do vậy chế độ sở hữu chung của vợ chồng không chấm dứt nhưng ly thân sẽ đặt vợ chồng vào tình trạng biệt sản. 
    Tóm lại việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không làm thay đổi mối quan hệ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ thì nó cũng có thể làm thay đổi một số quan hệ nhân thân trong gia đình như vợ chồng ly hôn, lẩn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Vì thế, pháp luật cần có những quy định cụ thể và quan tâm hơn đến vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con cái theo quy định của pháp luật hiện hành. 

2. Quan hệ về tài sản
      
Quan hệ tài sản là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về lợi ích tài sản. Đó là những quan hệ như: Quan hệ cấp dưỡng lẫn nhau giữa vợ chồng; giữa cha mẹ với các con; giữa các thành viên khác trong gia đình, quan hệ về sở hữu giữa vợ và chồng…
       
Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, quan hệ nhân thân của vợ chồng không có gì thay đổi. Tuy nhiên theo quy định tại điều 30 Luật hôn nhân và gia đình: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng”. Căn cứ vào quy định tại Điều 30 thì quan hệ tài sản của vợ chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân đã có sự thay đổi. Chế độ cộng đồng tài sản dưới hình thức sở hữu chung chấm dứt, thay vào đó hình thành hai chủ sở hữu với hai khối tài sản riêng biệt. Vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án chia toàn bộ hoặc một phần tài sản chung. Nếu chia toàn bộ tài sản chung thì phần của mỗi người sau khi chia và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu chung của mỗi người. Nếu chia một phần tài sản trong khối tài sản chung thì chỉ có một phần tài sản đã được chia và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia mới là tài sản riêng của mỗi người. Phần tài sản chung còn lại không chia vẫn thuộc khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ khối tài sản chung đương nhiên thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân thì những thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi bên vợ, chồng là tài sản riêng của vợ chồng. Cụ thể, tại điều 8 Nghị định 70/2001/NĐ- CP quy định về hậu quả chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân:“1. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.
   Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng”.
      
Quy định này giúp cho việc phân định tài sản riêng của vợ chồng trở nên rõ ràng, minh bạch, tránh xảy ra tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, sau khi chia tài sản riêng của vợ chồng quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại. Đây là điểm khác biệt so với việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
      
Hơn nữa, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, do vậy theo quy định tại điều 27 luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì  tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung hay thừa kế chung trong thời gian này vẫn đc coi là tài sản chung của vợ chồng: “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.
      
Không chỉ vậy, theo quy định tại điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Điều 24, Điều 26 Nghị định 70/2001/ NĐ- CP:  Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Sau khi chia tài sản quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại vì vậy tài sản (quyền sử dụng đất) phát sinh trong thời kì hôn nhân đương nhiên thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà mỗi bên vợ hoặc chồng có được sau khi chia tài sản chung do Nhà nước giao, giao khoán hoặc được thuê của Nhà nước…Tuy nhiên, không phải trong bất kì trường hợp nào quyền sử dụng đất mà mỗi bên vợ chồng có được cũng thuộc phần tài sản chung của vợ chồng. Cụ thể, sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì quyền sử dụng đất mà mỗi bên có được chỉ là phần tài sản chung của vợ chồng nếu nó không liên quan đến lý do chia tài sản chung của vợ chồng. 
       
Một vấn đề rất quan trọng nữa là tài sản mà vợ chồng làm ra sau khi chia tài sản chung như: tiền lương, tiền công lao động…là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của mỗi bên. Tại khoản 2 điều 8 Nghị định 70/ 2001/ NĐ-CP quy định như sau: “Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác”. Như vậy, sau khi chia tài sản mỗi người độc lập với nhau về thu nhập hợp pháp của mình, phần thu nhập đó sẽ không thuộc phần tài sản chung của vợ chồng mà thuộc phần tài sản riêng của mỗi người. 
       

Bên cạnh các quy định về điều kiện, nguyên tắc, hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân, pháp luật hiện hành còn quy định việc khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng (điều 9 Nghị định 70/2001/NĐ-CP). “1. Trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung và sau đó muốn khôi phục chế độ tài sản chung, thì vợ chồng phải thoả thuận bằng văn bản có ghi rõ các nội dung sau đây:
a) Lý do khôi phục chế độ tài sản chung;
b) Phần tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên;
c) Phần tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, nếu có;
d) Thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung;
đ) Các nội dung khác, nếu có.
2. Văn bản thoả thuận phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
     
Theo đó, trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung và sau đó muốn khôi phục chế độ tài sản chung thì vợ chồng phải thỏa thuận bằng văn bản và ghi rõ các nội dung như: lý do khôi phục chế độ tài sản chung, phần tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên, phần tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng, thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung…
    
Khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng sau khi đã chia tài sản không chỉ là thỏa thuận của vợ chồng xem xét những tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng mà ở đây cần phải hiểu khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng là: “khôi phục căn cứ pháp lý để xác lập tài sản chung của vợ chồng”. Bởi vì, theo nguyên tắc chung những tài sản mà vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh…trong thời kì hôn nhân (trừ nguồn gốc tài sản riêng) thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Căn cứ này đã tạm chấm dứt khi vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân (Điều 30 Luật HN- GĐ năm 2000; Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP). Sau khi đã chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân thì những tài sản mà vợ chồng được chia từ khối tài sản chung; các hoa lợi, lợi tức từ tài sản được chia; thu nhập do hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng. Nay khôi phục chế độ tài sản chung vợ chồng, căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 phải được áp dụng.
      
Đây là một vấn đề rất quan trọng, vì nó là cơ sở pháp lý để xác lập tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp của vợ chồng với nhau và với người khác.

III. Một số giải pháp hoàn thiện chia tài sản chung vợ chông trong thời kì hôn nhân.
       
Thứ nhất, theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chỉ công nhận vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong hôn nhân, quyền khởi kiện của người thứ 3 trong trường hợp này không được thừa nhận là hoàn toàn phù hợp về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn vẫn có những bất cập cần có sự vận dụng linh hoạt hơn. Theo quy định của pháp luật, khi vợ, chồng có nghĩa vụ tài sản riêng thì nghĩa vụ tài sản đó được thực hiện bằng tài sản riêng của họ. Tài sản chung của vợ chồng không được sử dụng cho việc thanh toán các khoản nợ này, trừ trường hơp đã có sự thỏa thuận. Vậy vấn đề đặt ra là người có nghĩa vụ tài sản không có hoặc không đủ tài sản riêng để thanh toán để thanh tóan các khoản nợ và vợ, chồng đã không có thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản. Trong trường hợp này, pháp luật cần quy định rõ chủ thể thứ ba có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản của vợ chồng có quyền yều cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Tuy nhiên nếu việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình người có nghĩa vụ thì tòa án cần xem xét không chấp nhận yêu cầu của người thứ ba.
    
Thứ hai, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc chia tài sản chung vợ chồng không làm thay đổi mối quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con. Thực tế, việc vợ chồng áp dụng quy định này đã phản ánh những mâu thuẫn trong quan hệ giữa họ. Sự độc lập về tài sản sau khi chia tài sản chung có thể dẫn đến vợ chồng sống ly thân hoặc một trong hai bên trốn tranh trách nhiệm với gia đình, từ đó phát sinh tranh chấp về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập, không có tài sản để tự nuôi mình. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các con, pháp luật cần quy định rõ: Trong trường hợp sau khi chia tài sản chung vợ chồng có những tranh chấp về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập, không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng, của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến con áp dụng tương tự quy định quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con khi ly hôn.
    
Thứ ba, trước đây căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh về tài sản giữa vợ chồng thì Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình 1986 quy định: “Khi hôn nhân còn tồn tại, nếu một bên có yêu cầu hoặc lý do chính đáng thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định ở Điều 42 của luật này”. Tuy nhiên, theo luật Hôn nhân và gia đình hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề này khiến cho Tòa án nhiều khi cũng gặp phải khó khăn khi vận dụng các căn cứ pháp lí để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Chính vì thế pháp luật cần quy định cụ thể như sau: Khi chia tài sản chung, Tòa án căn cứ vào lý do, mục đích chia tài sản chung để quyết định phạm vi tài sản chung được chia. Việc chia tài sản chung căn cứ vào các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn quy định tại Điều 95 Luật HN- GĐ; nếu tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất thì áp dụng các quy định tại Điều 97, Điều 98, Điều 99 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
   
Thứ tư, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định 70/ 2001/NĐ-CP quy định các trường hợp chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà không có lý do chính đáng thì bị tuyên bố là vô hiệu. Tuy nhiên luật Hôn nhân và gia đình lại không quy định ai là người có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân trong trường hợp thỏa thuận này vi phạm các điều kiện được quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập, không có tài sản để tự nuôi mình. Mặt khác, luật Hôn nhân và gia đình cũng không quy định rõ hậu quả pháp lý của việc tuyên bố vô hiệu đối với thỏa thuận chia tài sản chung. Vì vậy, pháp luật cần quy định rõ: Trong trường hợp thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà bị Tòa án tuyên là vô hiệu, chế độ tài sản chung của vợ chồng được khôi phục lại ban đầu trước khi có thỏa thuận chia tài sản chung.
    
Thứ năm, quy định trong thời kì hôn nhân nếu có lý do chính đáng vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung bằng văn bản mà không quy định trách nhiệm của họ đối với gia đình sau khi chia tài sản chung là một quy định quá mở. Do đó, để phát huy mục đích, ý nghĩa của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân cần bổ sung vào khoản 1 Điều 6 Nghị Định 70/ 2001/ NĐ-CP một nội dung bắt buộc trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng là: Tài sản bảo đảm cho các nhu cầu chung của gia đình. Bên cạnh đó cần phải quy định cụ thể: Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận dược việc bảo đảm các nhu cầu chung của gia đình thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án quyết định mức đóng góp giữa các bên trên cơ sở nhu cầu thực tế của gia đình và khả năng kinh tế của các bên và quyết định không chia toàn bộ tài sản chung, tài sản chung không chia phục vụ cho nhu cầu của gia đình. 
    
Thứ sáu, tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 70/ 2001/ NĐ- CP trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận bằng văn bản về khôi phục chế độ tài sản chung, thì kể từ ngày văn bản khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực việc xác định tài sản riêng của mỗi bên và tài sản chung của hai vợ chồng căn cứ vào sự thỏa thuận giữa hai bên. Như vậy cho thấy rằng: việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và khội phục tài sản chung mà không cần sự xem xét của Tòa án đã dẫ đến sự mâu thuẫn với Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó khi thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, những tài sản có nguồn gốc được quy định tại điều 27 phải được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng. Pháp luật chỉ nên trao cho vợ, chồng quyền thỏa thuận về tài sản chung đối với những tài sản riêng được quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
   
Ngoài ra, không ngừng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ áp dụng pháp luật về chia tài sản chung; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. 


KẾT LUẬN.
       
Tóm lại, quan hệ tài sản giữa vợ chồng là vấn đề hết sức quan trọng, là một trong những tiền đề giúp cho vợ chồng xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần cho gia đình.  Khi xã hội ngày càng phát triển kéo theo hàng loạt các vấn đề khác nảy sinh nhất là trong quan hệ tài sản vợ chồng. Việc pháp luật quy định vợ chồng được phép chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là một giải pháp hay trong nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đã đạt được thì quy định này vẫn còn một số điểm thiếu sót mà cần phải bổ sung hơn nữa trong thời gian tới. Chính vì vậy, đòi hỏi các nhà làm luật phải tiếp tục nghiên cứu, học hỏi để nhanh chóng hoàn thiện những lỗ hổng của pháp luật nhằm tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho việc giải quyết các tranh chấp đang diễn ra ngày càng gay gắt trong cuộc sống mỗi gia đình hiện nay.

No comments:

Post a Comment