17/01/2015
Việc góp vốn để thành lập Hợp tác xã của các xã viên cũng giống như việc góp vốn và rút vốn của thành viên trong công ti TNHH hai thành viên trở lên
a) Việc góp vốn để thành lập Hợp tác xã của các xã viên cũng giống như việc góp vốn và rút vốn của thành viên trong công ti TNHH hai thành viên trở lên. Theo em đây là một khẳng định sai, bởi vì:

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể khi đủ điều kiện trở thành xã viên mà muốn tham gia vào hợp tác xã thì cần phải làm đơn xin gia nhập hợp tác xã, nếu các hợp tác xã đã đăng ký và hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 1996 thì được miễn trừ đơn gia nhập hợp tác xã. Một điều kiện nữa để xác lập tư cách thành viên thì phải có vốn góp hoặc góp sức. Việc góp vốn và góp sức vào hợp tác xã là một điều kiện và nghĩa vụ quan trọng của xã viên. Mức vốn góp dựa vào sự quy định điều lệ hợp tác xã nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn quá 30% tổng số vốn điều lệ hợp tác xã. Xã viên khi gia nhập vào hợp tác xã có thể góp vốn một lần hoặc nhiều lần theo quy định của điều lệ hợp tác xã. Tuy nhiên, ngoại trừ một số trường hợp, xã viên tham gia vào hợp tác xã, không có đủ điều kiện góp vốn nhưng có mong muốn trở thành xã viên hợp tác xã, sẵn sàng góp sức, tán thành điều lệ hợp tác xã thì cũng có thể trở thành xã viên hợp tác xã. Để làm rõ hình thức góp sức, Nghị định số 177/2004/NĐ-CP đã quy định ở Điều 10 như sau: “Góp sức dưới các hình thức trực tiếp quản lí, trực tiếp tham gia lao động sản xuất, tư vấn cung cấp kiến thức, kinh doanh và khoa học kĩ thuật cho hợp tác xã tùy thuộc vào nhu cầu của hợp tác xã”.

Ở hợp tác xã, nếu xã viên muốn rút vốn ra khỏi hợp tác xã (đồng nghĩa với việc tư cách xã viên cũng không còn) thì phải làm đơn xin ra hợp tác xã. Phần vốn góp của xã viên sẽ được trả lại khi họ được chấp nhận ra khỏi hợp tác xã (Điều 18, Luật hợp tác xã năm 2003). Việc góp vốn và trả lại vốn góp cho xã viên được quy định tại Điều 31, Luật hợp tác xã năm 2003.

Còn với thành viên công ti TNHH hai thành viên trở lên, việc góp vốn và rút vốn có phức tạp hơn trường hợp của xã viên hợp tác xã. Với phần vốn góp, thành viên công ti bắt buộc phải góp vốn bằng tài sản, không bị pháp luật hạn chế mức vốn góp tối đa như các xã viên trong hợp tác xã. Khi thành lập công ti, các thành viên phải cam kết góp vốn vào công ti với giá trị vốn góp và thời hạn góp vốn cụ thể. Thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng thời hạn như đã cam kết. Góp vốn có thể một hoặc nhiêu lần theo thỏa thuận, không phải góp đủ ngay từ đầu, song phải góp đủ trong thời gian không quá 36 tháng (khoản 3, Điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP). Khi góp đủ giá trị phần vốn góp, thành viên được công ti cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, phần tài sản góp đó sẽ thuộc sở hữu của công ti (ở hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã, góp vốn vào hợp tác xã thì phần tài sản vẫn thuộc sở hữu của xã viên). Cũng chính vì vậy, nếu tài sản góp vốn là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho công ti. Trường hợp có thành viên không góp đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ti, thành viên đó phải chịu bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Việc thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp được quy định tại Điều 39, Luật doanh nghiệp 2005.

Rút vốn của thành viên công ti TNHH hai thanh viên trở lên: Căn cứ Ðiều 44 Luật Doanh nghiệp 2005 thì thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo các quy định sau:

1/ Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;

2/ Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày chào bán.

Căn cứ điểm a khoản 3 Ðiều 60 Luật Doanh nghiệp 2005 thì theo quyết định của Hội đồng thành viên, công ty có thể giảm vốn điều lệ bằng hình thức hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn hai năm, kể từ ngày đăng ký kinh doanh; đồng thời vẫn phải đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên. Như vậy, thành viên không thể tự rút toàn bộ vốn và đăng ký giảm vốn điều lệ đồng thời rút tên khỏi công ty. Thành viên chỉ được rút một phần vốn và chuyển nhượng phần còn lại cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng.

Từ những phân tích trên ta thấy việc góp vốn để thành lập Hợp tác xã của các xã viên không giống như việc góp vốn và rút vốn của thành viên trong công ti TNHH hai thành viên trở lên.

b) Người nước ngoài cũng có thể góp vốn để trở thành xã viên hợp tác xã. Đây là khẳng định sai, vì:

Tại khoản 1 Điều 17, Luật hợp tác xã năm 2003 quy định cụ thể điều kiện trở thành xã viên hợp tác xã là: Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có góp vốn, góp sức, tán thành Điều lệ hợp tác xã, tự nguyện xin gia nhập hợp tác xã có đơn xin gia nhập hợp tác xã có thể trở thành xã viên. Như vậy, điều này đã giới hạn đối với cá nhân về mặt quốc tịch và độ tuổi những người muốn gia nhập hợp tác xã. Do đó, sẽ không có người nước ngoài hay người không có quốc tịch tham gia vào hợp tác xã mà chỉ có người Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành xã viên hợp tác xã, công dân Việt Nam cũng phải có đủ các điều kiện về tuổi tác ( 18 tuổi trở lên), phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đơn xin gia nhập hợp tác xã, tán thành điều lệ, nội quy, quy chế hợp tác xã. Ở Việt Nam, với nền kinh tế nông nghiệp là phổ biến và còn ở trình độ thấp, sức lao động dồi dào trong khi nguồn vốn còn nhiều hạn hẹp, hợp tác xã được thành lập nhằm tạo việc làm cho thành viên, ưu tiên phục vụ cho xã viên, những người có vốn không lớn lắm và không quá chênh lệch nhau nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Những người nước ngoài muốn đầu tư vào nước ta sẽ chọn những hình thức kinh doanh khác, với số vốn góp lớn và lợi nhuận thu về cũng lớn hơn. Xét về bản chất thì hợp tác xã ở Việt Nam là hình thức tổ chức kinh tế phù hợp với người bình dân Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình Luật thương mại (tập 1); Trường đại học Luật Hà Nội; Nxb Công an nhân dân; HN -2007

Hỏi & đáp Luật Thương mại (hay Luật Kinh doanh, Luật Kinh tế); Ts. Nguyễn Thị Dung (chủ biên); Nxb Chính trị – Hành chính; HN – 2011

Luật Doanh nghiệp năm 2005

Luật Hợp tác xã năm 2003.

No comments:

Post a Comment