05/11/2014
Bài tập cá nhân bán trắc nghiệm về chuyển vụ án cho cơ quan điều tra khác và đình chỉ vụ án vì bị can mặc bệnh tâm thần - môn Tố Tụng Hình Sự 2
Đề 06: Những khẳng định sau đúng hay sai, tại sao?

a. Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra phải ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra khác.

b. Trong mọi trường hợp khi bị can bị mắc bệnh tâm thần, Thẩm phán phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
1.Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra phải ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra khác.

Trả lời: Sai. Vì:

Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do  BLTTHS quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Để điều tra thu thập chứng cứ, trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra được tiến hành các họat động điều tra bảo đảm cho họat động điều tra theo quy định của BLTTHS. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để đảm bảo mọi họat động điều tra đúng pháp luật cụ thể trong giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra được quy định là nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát điều tra (khoản 3 Điều 113 BLTTHS)

Căn cứ theo Điều 116 BLTTHS năm 2003 quy định Chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền: “Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án…”. Mặt khác, căn cứ tại Điểm 10.1 Mục 10 Thông tư liên tịch của Viện Kiểm sát tối cao, Bộ công an, Bộ quốc phòng số 05/2005/TTLT – VKSTC – BCA- BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong thực hiện một số quy định của BLTTHS 2003 quy định: “ Nếu phải chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thì Cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực tiến hành các thủ tục để Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu ra quyết định chuyển vụ án. Nếu vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị chuyển thì Viện kiểm sát cấp tỉnh , Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu ra quyết định chuyển vụ án. Trong thời hạn ba ngày, kể từ khi nhận được đề nghị chuyển vụ án của Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực hoặc của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu thì Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phải ra quyết định chuyển vụ án.” và theo khoản 2 Điều 32 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuận theo pháp luật trong việc điều tra vụ án hình sự ngày 02/1/2008 của Viện trưởng VKSNDTC: “Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các Cơ quan điều tra thuộc các ngành khác nhau thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp nơi tội phạm xảy ra hoặc nơi phát hiện tội phạm quyết định...”

Như vậy, những trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình cơ quan điều tra phải đề nghị 

Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án chi cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra, chứ không được tự quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra khác tiến hành điều tra.

2. Trong mọi trường hợp khi bị can bị mắc bệnh tâm thần, Thẩm phán phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trả lời: Sai. Vì:

Căn cứ theo quy định tại Điều 180 BLTTHS về quyết định tạm đình chỉ hoặc đỉnh chỉ vụ án, thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau: Bị can bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác có giấy chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; không biết rõ bị can đang ở đâu.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị can bị mắc bệnh tâm thần trong khi thực hiện tội phạm thì hành vi đó không cấu thành tội phạm vì người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 13 BLHS quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.” Nên hành vi của bị can thuộc quy định tại khoản 2 Điều 107 BLTTHS nhưng do có thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố, khi chuẩn bị xét xử VKS mới phát hiện ra bị can mắc bệnh tâm thần thì căn cứ theo Điều 181 BLTTHS: “Nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án”.  Do đó, khi nhận thấy trường hợp này thuộc khoản 2 Điều 107 BLTTHS, thì Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án. Mặt khác, căn cứ theo khoản 1 Điều 180: “ Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 của Bộ luật này; ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.” Do đó, thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án vì xét thấy Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa là đủ căn cứ theo quy định tại Điều 181 BLTTHS. 

Mặt khác, căn cứ theo khoản 2 Điều 176 BLTTHS trong thời hạn chuẩn bị xét xử thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau: trả hồ sơ để điều tra lại, tạm định chỉ hoặc đình chỉ vụ án, đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố có thiếu sót và tới khi chuẩn bị xét xử viện kiểm sát không phát hiện ra bị can mắc bệnh tâm thần, rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa (Điều 181 BLTTHS) thì Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vì không có căn cứ để ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 179 BLTTHS); ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án (Điều 180 BLTTHS).

Như vậy, khẳng định trên là sai, có hai trường hợp nêu trên thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử chứ không phải quyết định tạm đình chỉ vụ án.

No comments:

Post a Comment