07/11/2014
Bài tập cá nhân về tội hiếp dâm - môn Luật Hình sự 2
Bài 1: A và B (là nam giới), rủ nhau đi uống rượu. Khi đã ngà ngà say,A,B vào một chòi canh cá nghỉ. Khi đang nghỉ A nhìn thấy chị C đang đi một mình trên quãng đường vắng gần đó. A bàn với B để thực hiện hành vi giao cấu với C. Thực hiện kế hoạch đã bàn, A ra ngoài buông lời trêu ghẹo chị C và dụ chị C vào chòi cá. Chị C không đồng ý, A dùng tay bịt mồm chị C và gọi B ra lôi chị C vào chòi cá. Trong chòi cá chỉ riêng A thực hiện hành vi giao cấu với chị C, B chỉ đứng nhìn không nói gì. Hai ngày sau A,B bị bắt.

Hỏi:
1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao? (2 điểm)
2. Giả sử B mới 15 tuổi thì trong vụ án trên có đồng phạm không? Tại sao? 
(2 điểm)
3. Nếu khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị C,  B  giữ chân tay chị C thì B chỉ được coi là người giúp sức, đúng hay sai? Tại sao? (2 điểm)
4. Giả sử sau khi bị bắt, A được xác định dương tính với vi rút HIV thì khung hình phạt áp dụng đối với A có thay đổi không? Tại sao? (1 điểm)

BÀI LÀM

1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao?

Hành vi của A và B cấu thành tội hiếp dâm. Vì:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 20 BLHS quy đinh: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi cả hai dấu hiệu:

- Có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm; trong vụ án này mặc nhiên coi A, B đều đạt độ tuổi chịu TNHS.

- Những người này phải thực hiện cùng tội phạm (cố ý). Tình tiết: “A bàn với B để thực hiện hành vi giao cấu với C. Thực hiện kế hoạch đã bàn, A ra ngoài buông lời trêu ghẹo chị C và dụ chị C vào chòi cá. Chị C không đồng ý, A dùng tay bịt mồm chị C và gọi B ra lôi chị C vào chòi cá” cho thấy A và B đều cùng tham gia vào tội phạm với sự phân công công việc rõ ràng cho từng người.

Như vậy, A và B là đồng phạm. Trong đó, A trong vai trò là người thực hành và B trong vai trò là người giúp sức căn cứ theo khoản 2 điều 20 BLHS.

Hành vi của A và B cấu thành tội hiếp dâm theo Điều 111 BLHS : “Tội hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nan nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ”

Các dấu hiệu pháp lí cấu thành tội hiếp dâm:

- Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt. Người thực hiện hành vi phạm tội cảu tội này chỉ có thể là nam giới (A và B đều là nam giới).

- Mặt khách quan của tội phạm: 

Hành vi khách quan của tội này là hành vi giao cấu với người phụ nữ trái với ý muốn của họ bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vụ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc bằng thủ đoạn khác. 
CTTP tội hiếp dâm yêu cầu tội phạm phải có hành vi giao cấu với nạn nhân. Nhưng không đòi hỏi hành vi giao cấu phải đã kết thúc về mặt sinh lí. Ở đây, A bịt mồm chị C và cùng B lôi chị C vào chòi cá làm cho chị C lâm vào tình trạng không thể chống cự được, A đã thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của C với vai trò là người thực hành còn B giúp A lôi chị C vào chòi cá với vai trò là người giúp sức.

- Mặt chủ quan của tội phạm: 

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi giao cấu của mình là trái ý muốn người phụ nữ nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi phạm tội của mình. 

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích phạm tội ở đây là giao cấu trái ý muốn của chị C. 
Thật vậy, qua phân tích ở trên hành vi của A, B thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP tội hiếp dâm.

2. Giả sử B mới 15 tuổi thì trong vụ án trên có đồng phạm không? Tại sao?

Trong trường hợp này B mới 15 tuổi thì vụ án trên không là đồng phạm. Vì:

Trong vụ án này “A dùng tay bịt mồm chị C và gọi B ra lôi chị C vào chòi cá” từ tình tiết nay ta có thể thấy A, B dùng vũ lực để kéo chị C vào chòi cá và ở đó chỉ có A thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của chị C còn B chỉ đứng nhìn. Như vậy, áp dụng khoản 1 điều 111 BLHS thì A và B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm với mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù. Mặt khác, căn cứ theo khoản 3 điều 8 BLHS thì A, B phạm tội nghiêm trọng. Mặt khác, B mới 15 tuổi do đó B không phải chịu TNHS theo khoản 2 điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự  về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Thật vậy , B chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
Điều 20 BLHS quy đinh: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. 

Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi cả hai dấu hiệu:

- Có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm; trong vụ án này B chưa đạt độ tuổi chịu TNHS.

- Những người này phải thực hiện cùng tội phạm (cố ý). Ở đây, A và B đều cùng tham gia vào tội phạm với việc phân công các vị trí rõ ràng.
Như vậy ta khẳng định A, B không là đồng phạm.

3. Nếu khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị C,  B  giữ chân tay chị C thì B chỉ được coi là người giúp sức, đúng hay sai? Tại sao?

Khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị C,  B  giữ chân tay chị C thì B chỉ được coi là người giúp sức là sai, vì:

Hành vi giữ tay chân của B để tên A giao cấu với nạn nhân không thể coi B là người giúp sức, ở tình huống này hành vi của B vẫn được coi là người thực hành; bởi vì, tội phạm hiếp dâm không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện trọn vẹn hành vi được mô tả trong CTTP tội hiếp dâm mà có thể mỗi người chỉ thực hiện một phần hành vi đó. Nhưng đòi hỏi hành vi tổng hợp của họ phải là hành vi có đầy đủ dấu hiệu của CTTP hiếp dâm. Trong vụ hiếp dâm này, B là tên giữ chân nạn nhân để tên A thực hiện việc giao cấu với chị C. Ở đây, hành vi của từng đồng phạm không thỏa mãn hết các dấu hiệu của CTTP  tội hiếp dâm nhưng hành vi tổng hợp của những người này thỏa mãn hết các dấu hiệu đó. Tất cả những người đồng phạm trong tình huống này là A, B đều được coi là người thực hành – đều là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Như vậy, giả sử hành vi của B là giữ tay chân cho A thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân thì cũng được coi là người thực hành.

4. Giả sử sau khi bị bắt, A được xác định dương tính với vi rút HIV thì khung hình phạt áp dụng đối với A 
có thay đổi không? Tại sao?

Vấn đề xác định người phạm tội có biết mình bị nhiễm HIV trước thời điểm phạm tội hay không thì không chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội mà phải dựa trên những chứng cứ rõ ràng. Do vậy, trong vụ án này cần chia thành hai trường hợp:

Trường hợp 1: nếu A không biết mình bị nhiễm HIV từ trước khi thực hiện phạm tội, mà sau khi bị bắt cơ quan giám định xác định A bị dương tính với vi rút  HIVà lỗi của A là lỗi vô ý. Do đó A không phạm tội tội nào khác ngoài tội hiếp dâm theo điểm b khoản 2 điều 111BLHS, mà nó cũng không phải tình tiết tăng năng hay giảm nhẹ được quy định taị Điều 46, 48 BLHS nên khung hình phạt áp dụng đối với A không thay đổi.

Trường hợp 2: Nếu A biết mình bị nhiễm HIV từ trước khi thực hiện tội phạm và sau khi bị bắt cơ quan giám định xác A bị dương tính với vi rút HIV thì khung hình phạt đối với tội hiếp dâm của A sẽ thay đổi và sẽ áp dụng theo điểm b khoản 3 điều 111BLHS về tội hiếp dâm: “ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội” với khung hình phạt là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân. Như vậy, khung hình phạt đối với A sẽ bị thay đổi với mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân.

No comments:

Post a Comment