ĐỀ BÀI: Vợ chồng ông A, bà B có 3 người con là C, D, E. Năm 2000 ông bà chết không để lại di chúc. Tài sản ông bà để lại cho các con là căn nhà 3 tầng tổng diện tích 320m2 ở phố X, Hà Nội. Sau khi ông bà chết, anh C ở tầng 1, chị D ở tầng 2, anh E ở tầng 3. Năm 2006 anh C bán cho ông K ½ diện tích nhà tầng 1 và khi giao nhà thì xảy ra tranh chấp do chị D, anh E không đồng ý việc bán nhà. Nay chị D, anh E kiện ông K yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà. Hỏi:
1. Xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp mà Tòa án cần phải giải quyết?
BÀI LÀM
1. Xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp mà Tòa án cần phải giải quyết?
Trong tình huống này, quan hệ pháp luật có tranh chấp mà Tòa án cần phải giải quyết là quan hệ pháp luật dân sự mà cụ thể là quan hệ tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở.
Trong tình huống trên có thể nhận thấy:
- Thứ nhất, căn nhà 3 tầng tổng diện tích 320m2 ở phố X, Hà Nội là di sản của ông A và bà B để lại cho 3 người con là C, D, E. Do chưa tiến hành chia di sản thừa kế nên căn nhà này sẽ thuộc sở hữu chung của cả C, D và E. Mặc dù hiện tại anh C ở tầng 1, chị D ở tầng 2, anh E ở tầng 3 tuy nhiên đây không phải là việc chia di sản do đó diện tích nhà tầng 1 không phải thuộc sở hữu riêng của anh C.
- Thứ hai, giữa anh C và ông K có việc giao kết hợp đồng mua bán 1/2 diện tích nhà tầng 1. Như vậy đối tượng trong hợp đồng giữa anh C và ông K là 1/2 diện tích tầng 1 căn nhà thuộc sở hữu chung của C, D và E. Thông qua hợp đồng mua bán nhà ở với anh C, ông K đã xác lập quyền sở hữu của mình đối với 1/2 diện tích nhà tầng 1.
- Thứ ba, việc anh C bán 1/2 diện tích nhà tầng 1 cho ông K mà không được sự đồng ý của chị D và anh E đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của D và E. Chị D và anh E không đồng ý việc bán nhà do đó đã khởi kiện ông K yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà.
Tranh chấp giữa chị D, anh E với ông K trong vụ án trên là tranh chấp về quyền sở hữu 1/2 diện tích tầng 1 căn nhà 3 tầng tại phố X, Hà Nội mà anh C đã chuyển giao cho ông K thông qua hợp đồng mua bán nhà ở. Như vậy tranh chấp này là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản phát sinh từ hợp đồng dân sự. Do đó quan hệ pháp luật có tranh chấp ở đây là quan hệ pháp luật dân sự. Tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 25 BLTTDS 2004.
2. Tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án.
Trong vụ án dân sự, đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLTTDS năm 2004 thì “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Trong vụ án trên, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự đó là:
- Chị D và anh E tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn bởi:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 BLTTDS thì “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm…”. Trong vụ án này, chị D và anh E là người khởi kiện để yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng mua bán nhà giữa anh C và ông K vì cho rằng việc mua bán này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ đó là quyền sở hữu đối với căn nhà 3 tầng là di sản của ông A, bà B để lại. Do đó chị D và anh E được xác định là nguyên đơn trong vụ án.
- Ông K tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn bởi:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 BLTTDS thì “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.Trong vụ án này, ông K là người bị nguyên đơn là chị D và anh E khởi kiện để yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng mua bán nhà vì cho rằng hợp đồng mua bán nhà giữa ông K và anh C mà không có sự đồng ý của chị D và anh E đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó ông K được xác định là bị đơn trong vụ án.
- Anh C tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bởi:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS thì “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhân đưa họ vào tham gia tố tụng với với tư các là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…”. Trong vụ án này, anh C không phải là người khởi kiện ông K cũng không phải là người bị chị D và anh E khởi kiện. Tuy nhiên việc giải quyết vụ án có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của anh C bởi anh không chỉ là đồng chủ sở hữu của căn nhà 3 tầng tại phố X, Hà Nội với chị D và anh E mà anh còn là chủ thể trong hợp đồng mua bán nhà ở với ông K (hợp đồng đang bị chị D và anh E yêu cầu Tòa án hủy bỏ). Do đó anh C được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Việc tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của anh C có thể do anh tự đề nghị hoặc do các đương sự khác (chị D, anh E hoặc ông K) đề nghị với Tòa án. Trong trường hợp anh không tự mình đề nghị hoặc không có ai đề nghị đưa anh C vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa anh C vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi việc giải quyết vụ án có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của anh.
Thuật ngữ viết tắt
BLTTDS: Bộ luật tố tụng dân sự
No comments:
Post a Comment