18/10/2014
Bài tập tình huống về vụ việc ly hôn - Bài tập cá nhân Luật Tố tụng Dân sự
ĐỀ BÀI

Anh A kết hôn với chị B năm 1990 có đăng ký kết hôn. Anh chị có một con chung là cháu C và một căn nhà diện tích 100 m2 tại huyện N tỉnh Q. Sau một thời gian chung sống anh chị phát sinh mâu thuẫn. Chị B và cháu C về nhà bố mẹ đẻ chị B sinh sống từ năm 2002 và đăng ký tạm trú tại quận C thành phố H. Anh A vẫn ở tại nhà cũ tại huyện N tỉnh Q. Nay anh A và chị B có đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con và thỏa thuận về việc chia tài sản chung vợ chồng nhưng không biết gửi đơn đến Tòa án nào.

a) Anh (chị) hãy xác định Tòa án có thẩm quyền mà các đương sự có thể nộp đơn yêu cầu.

b) Đối với vụ việc này, sau khi thụ lý Tòa án có phải tiến hành hòa giải để các bên đoàn tụ không? Giải thích rõ tại sao?

BÀI LÀM

A. MỞ BÀI

Ly hôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và thường đem lại những hậu quả nặng nề cho cặp vợ chồng và con cái của họ. Xung quanh việc ly hôn có nhiều vấn đề như hoà giải, toà án nào giải quyết việc xin ly hôn, việc chăm sóc, cấp dưỡng cho con cái…Qua bài tập cá nhân một này, em xin chọn đề tài số 6 để giải quyết.

B. THÂN BÀI

I. Toà án có thẩm quyền mà các đương sự có thể nộp đơn yêu cầu:

Căn cứ quy định tại Điều 27, Điều 33 và Điều 35 của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2005 thì: Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi anh A đang cư trú có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu ly hôn của người vợ. Tuy nhiên, hai vợ chồng có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của chị B giải quyết.

Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bị đơn. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì nơi cư trú của một cá nhân được hiểu là nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú. Trường hợp cá nhân không có hộ khẩu thường trú và không có nơi thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú của người đó là nơi tạm trú và có đăng ký tạm trú. Khi không xác định được nơi cư trú của cá nhân như quy định ở phần trên thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống, làm việc hoặc nơi có tài sản hoặc nơi có phần lớn tài sản (nếu tài sản của nhiều đó có ở nhiều nơi). Với quy định này, chị B không nhất thiết phải quay về địa phương nơi đăng ký kết hôn hay nơi chồng chị đang cư trú để ly hôn. Anh A và chị B có thể yêu cầu tòa án quận, huyện nơi cư trú giải quyết việc ly hôn.

II. Việc tiến hành hoà giải tại toà và trong tình huống:

Ly hôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và nhiều khi đó lại là những nguyên nhân không đáng để người trong cuộc đi đến ly hôn. Mặc khác, phía sau mỗi cuộc ly hôn luôn là những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những người trong cuộc và con cái họ. Khi đó, hòa giải là cần thiết. Ngoài ra, hòa giải còn đóng vai trò góp phần giảm thiểu xung đột và mâu thuẫn gay gắt giữa các bên, con cái vì thế mà cũng có cái nhìn “thiện cảm” hơn về bố mẹ từ cuộc chia tay của hai người. Điều 88 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”. Theo điều 88 Luật hôn nhân gia đình ở trên thì việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc. Khi hòa giải ở cơ sở không thành, hoặc với những vụ ly hôn đơn giản, không nhất thiết phải qua hòa giải cơ sở, đương sự có quyền nộp đơn ly hôn trực tiếp cho tòa án. Điều 88 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 chỉ rõ: “ Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án phải tiến hành hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự”. Khác với hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại Tòa án là một thủ tục bắt buộc, kể cả khi hai bên thuận tình ly hôn.

Do vậy, đối với vụ việc này, sau khi thụ lý Tòa án phải tiến hành hòa giải để anh A và chị B đoàn tụ. Trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, các bên đồng ý ly hôn, tòa sẽ hòa giải để các bên thỏa thuận vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản, nợ chung… Nếu các bên thỏa thuận được, Tòa án sẽ lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn. Sau bảy ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu các bên vẫn không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

C. KẾT BÀI

Ly hôn luôn đem lại nhiều vấn đề. Ảnh hưởng tới hai bên vợ chồng và con cái họ. Trên đây em đã giải quyết hai vấn đề rất nhỏ trong một tình huống thực tế: thẩm quyền của toà án thụ lí việc ly hôn và việc hoà giải tại toà.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật tố tụng Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. CAND, năm 2011.
2. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005.
3. Luật Hôn nhân gia đình 2000.
4. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

No comments:

Post a Comment