05/11/2014
Phân tích sự thay đổi quan niệm về Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trong pháp luật Việt Nam - Bài tập cá nhân - Môn Luật Thương Mại
LỜI NÓI ĐẦU

Trong nền kinh tế thị trường, dưới sự tác động của quy luật cạnh tranh, hiện tượng phá sản các doanh nghiệp xảy ra như một sự tất yếu. Cùng với sự phát triển giao lưu và hợp tác kinh tế đã và đang diễn ra trên phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong môi truờng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với nhau. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, doanh nghiệp nào thích ứng được với cơ chế thị trường thì làm ăn có lãi và phát triển, còn ngược lại, doanh nghiệp nào không thích ứng được với cơ chế thị trường thì làm ăn thua lỗ, một khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và nếu tình trạng kéo dài, doanh nghiệp đó có thể lâm vào tình trạng phá sản. Để tìm hiểu rõ hơn thế nào là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản em xin lựa chọn đề tài: “ Phân tích sự thay đổi quan niệm về  Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trong pháp luật Việt Nam”

NỘI DUNG

1. Quan niệm Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quy định trong Điều 17 Luật doanh nghiệp tư nhân và Điều 24 Luật Công ty ban hành cùng ngày 21/12/1990

Quan niệm Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quy định trong Điều 17 Luật doanh nghiệp tư nhân và Điều 24 Luật Công ty ban hành cùng ngày 21/12/1990. Theo Điều 24 Luật Công ty quy định: “Công ty gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh đến mức tại một thời điểm tổng số trị giá các tài sản còn lại của công ty không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn, là công ty đang lâm vào tình trạng phá sản.” Điều 17 Luật Doanh nghiệp tư nhân cũng đã đưa ra khái niệm: “Doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh đến mức tại một thời điểm tổng số trị giá các tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn, là doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản.”

Như vậy, theo quy định trên ta có thể thấy dấu hiệu cơ bản nhất để xác định doanh nghiệp lâm và tình trạng phá sản là tại một thời điểm trị giá của tổng số tài sản nợ đến hạn lớn hơn trị giá tổng số tài sản hiện còn của công ty. Việc quy định dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản như vậy là chưa phản ánh được bản chất của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Bởi lẽ, tại một thời điểm nào đó có thể tổng giá trị tài  của công ty không đủ thanh toán khoản nợ đến hạn nhưng chưa chắc họ đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ nếu như chủ nợ thực hiện hoãn nợ, xóa nợ hoặc có người mua nợ hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp.
2. Quan niệm Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quy định trong Luật phá sản doanh nghiệp 1993 và Nghị định số 189/NĐ – CP ngày 23/12/1994 hướng dẫn thi hành luật Phá sản doanh nghiệp 1993

Để khắc phục những thiếu sót trên, Luật phá sản doanh nghiệp 1993 đã ra đời, tại Điều 2 luật này quy định: “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn”. Như vậy, có hai dấu hiệu để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là: mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không khôi phục được khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Quy định này dựa trên quan điểm cần có sự kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản để các cơ quan có thẩm quyền có thể can thiệp kịp thời nhằm khắc phục hậu quả xấu xảy ra là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không thể khôi phục hoạt động. Các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp 1993 đã dẫn tới một hệ quả là khi các doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì tài sản còn rất ít, thậm chí không thể thanh toán các chi phí phá sản. Chính vì vậy, nhữn doanh nghiệp thực sự lâm vào tình trạng phá sản họ cũng không muốn nộp đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 189/NĐ – CP ngày 23/12/1994 hướng dẫn thi hành luật Phá sản doanh nghiệp 1993 đã ghi rõ thêm điều kiện để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản: “ Doanh nghiệp được coi là có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản nói tại Điều 2 của Luật Phá sản doanh nghiệp, nếu kinh doanh bị thua lỗ trong hai năm liên tiếp đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn, không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp.” Ta thấy, nghị định này bổ sung thêm điều kiện phải kinh doanh thua lỗ trong hai năm liên tiếp đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn, không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp. Do đó, việc giải quyết thủ tục phá sản đối doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 

Có thể nói, Luật phá sản doanh nghiệp và Nghị định 189-CP đã có những quy định khá chặt chẽ về điều kiện để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, với những quy định chặt chẽ như vậy, pháp luật phá sản đi theo hướng thủ tục phá sản được áp dụng để xử lí tài sản của con nợ hơn là để phục hồi doanh nghiệp. Bởi lẽ, chờ tới lúc hội đủ điều kiện như đã nêu trong luật mới mở thủ tục giải quyêt yêu cầu tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng tài chính nào để khôi phục doanh nghiệp của mình và lúc đó nếu mở thủ tục phá sản cũng chỉ để xử lí tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, mục đích quan trọng của việc ban hành Luật Phá sản là tạo điều kiện cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản khôi phục hoạt động kinh doanh đã không đạt được.

3. Quan niệm Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quy định trong Luật phá sản doanh nghiệp 2004

Việc xác định doanh nghiệp lâm và tình trạng phá sản theo khái niệm nêu trọng Luật phá sản 1993 và nghị định 189 – CP hướng dẫn thi hành Luật phá sản 1993 còn gặp một số khó khăn, phức tạp thì Luật phá sản 2004 đã xác định khái niệm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản theo hướng đơn giản, hợp lí hơn.

Điều 3 Luật Phá sản 2004 đã quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Vậy căn cứ để xác định một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản của Luật Phá sản 2004 là khả năng thanh toán nợ đến hạn khi các chủ nợ yêu cầu. Luật Phá sản 2004 đã đưa ra quy định theo hướng đơn giản hóa tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, không cần đi vào thời gian thua lỗ, nguyên nhân của thua lỗ là từ đâu. Quy định này là một bước tiến mới của Luật phá sản 2004, phù hợp với thông lệ chung trên thế giới, tạo điều kiện cho viêc sớm mở thủ tục phá sản cũng như khả năng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN
Qua nhiều giai đoạn đổi mới Luật Phá sản 2004 đã được những thành tựu nhất định. Và bằng các quy định phù hợp của pháp luật, các doanh nghiệp sẽ thực sự có được một hành lang pháp lí phù hợp để các doanh nghiệp phát triển. Và điều quan trọng là các quy định này đã đảm bảo một cách hiệu quả nhất định các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã lâm và tình trạng phá sản.

No comments:

Post a Comment