21/01/2015
Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án - Bài tập nhóm Tố tụng Hình sự
Nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án (Điều 19 BLTTHS) có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn xét xử. Đây chính là cơ chế để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo cũng như những chủ thể tham gia tố tụng khác, giúp cho việc truy tố, xét xử được khách quan, toàn diện và đầy đủ. Với tầm quan trọng như vậy, nhưng bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn nhiều vướng mắc trong khi triển khai thực hiện nguyên tắc, chưa đáp ứng được tinh thần nghị quyết số NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Vì vậy, nhóm chúng em chọn đề tài: “Ý nghĩa của nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguyên tắc này”.

II. NỘI DUNG

1. Nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án & một số vấn đề lí luận.

Quyền bình đẳng trước tòa án được quy định tại Điều 19 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.”

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự, thể hiện quyền bình đẳng của các bên chủ thể, mà rõ nét nhất là giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Họ bình được đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu (VD: yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch…) và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Dựa vào chứng cứ mà các bên đưa ra, Tòa án mới có thể giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội. Với những nội dung như vậy, nguyên tắc này còn được coi là biểu hiện từ nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật (Điều 5 BLTTHS).

Như vậy, bình đẳng trước Tòa án là một phương châm, định hướng chi phối đến hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, Tòa án phải tôn trọng quyền của các chủ thể như đã nêu trên, không thể coi trọng quyền người này hơn người kia. Mặt khác, Tòa phải tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện quyền của mình, đặc biệt là đảm bảo cho bị cáo không bị hạn chế trong việc trình bày các tình tiết của vụ án, đưa ra chứng cứ, lý lẽ để Hội đồng xét xử xem xét… Qua đó, Tòa án đã nổi bật với vị trí là một người trọng tài công minh, đứng giữa bên buộc tội và gỡ tội. Xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

2. Ý nghĩa của nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án.

a. Đảm bảo cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án đã tạo ra cơ sở pháp lí cho bên gỡ tội và những người tham gia tố tụng khác được bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, yêu cầu, tranh luận dân chủ trước Tòa án. Thông qua đó mà sự thật khách quan của vụ án sẽ được làm sáng tỏ.

Giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ là trách nhiệm của Tòa án nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, đồng thời cũng là yêu cầu của xã hội ta trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả hay không là phụ thuộc một phần từ những quyết định khách quan, toàn diện, đầy đủ của Tòa án trong hoạt động xét xử.

b. Xác định vị trí Tòa án là người trọng tài công minh giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

Theo Điều 19 BLTTHS thì Tòa án phải tôn trọng và có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên buộc tội, gỡ tội...bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Việc quy định như vậy đã xác định vị trí của Tòa án là người trọng tài công minh (người thực hiện chức năng xét xử, công bằng và sáng suốt) đứng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện. Thực hiện nhiệm vụ nặng nề, vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa không làm oan nguời vô tội.

Với vai trò là người trọng tài công minh, Tòa án đem đến sự cân bằng trong hoạt động xét xử, giữa một bên là nhà nước với quyền lực hùng mạnh và một bên yếu thế hơn là bị can, bị cáo... Hiện nay, theo quy định của BLTTHS thì Tòa án vẫn có một phần trách nhiệm chứng minh tội phạm. Điều này, dễ dẫn tới việc « Tòa làm thay Viện », không đảm bảo vị trí, vai trò là người trọng tài công minh của Tòa án. Vì vậy, chúng ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp trong nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị.

3. Thực trạng áp dụng nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án.

a. Kết quả đạt được khi thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án.

- Chất lượng tranh luận tại phiên Tòa được nâng cao.

Qua một thời gian quán triệt tinh thần nghị quyết số 49-TW của Bộ Chính trị cũng như thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án, nhìn chung việc xét hỏi và tranh luận tại phiên Tòa đã từng bước được đổi mới và dân chủ hơn. Trong phiên tòa, Luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày hết ý kiến của mình; Kiểm sát viên thể hiện được tính khách quan hơn trong việc thẩm vấn, xét hỏi. Bên cạnh đó văn hóa tranh tụng đã được nâng cao đáng kể…

- Quyền của người tham gia tố tụng được đảm bảo.

Trong những năm qua, việc tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án của các cơ quan tiến hành tố tụng đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, đặc biệt là quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, cũng như những người tham gia tố tụng khác. Tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng, tích cực, chủ động hơn trong việc bảo vệ quan điểm của mình trước Tòa án. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2006, số vụ án Tòa án nhân dân cấp huyện có luật sư tham gia là 2856 vụ; số vụ án Toàn án nhân dân cấp tỉnh có luật sư là tham gia là 3147 vụ. Năm 2009, số vụ án Tòa án nhân dân cấp huyện có luật sư tham gia là 4714 vụ.

- Chất lượng công tác xét xử đã được nâng cao.

Thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa hình sự cho thấy, nhiều Hội đồng xét xử đã thể hiện được tính khách quan, tôn trọng quyền bình đẳng giữa người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, bày tỏ quan điểm và tranh luận dân chủ…Qua đó, hiệu quả của công tác xét xử đã được nâng cao. Số lượng các vụ án oan ngày một giảm xuống. Theo báo cáo tổng kết của ngành Tòa án nhân, năm 2003 có 7 người bị kết án oan; năm 2004 có 5 người; năm 2005 có 4 người; từ năm 2006 đến 2009 thì không có người nào bị kết án oan.

b. Một số vướng mắc khi triển khai thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án.

b.1. Quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa phù hợp.

Nhiều quy định của BLTTHS hiện hành liên quan đến quyền bình đẳng trước Tòa án còn bất cập, chưa cụ thể. Chẳng hạn, Điều 207 BLTTHS quy định: “Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị chủ tọa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng rõ”. Như vậy, BLTTHS không quy định bị cáo có quyền hỏi trực tiếp những người tham gia tố tụng khác tại phiên Tòa. Điều này còn hạn chế, chưa đảm bảo nguyên tắc “bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”. Bị cáo muốn hỏi ai đó lại phải “nhờ” Chủ tọa “hỏi giúp” mà không quy định Chủ tọa có nghĩa vụ hỏi giúp bị cáo. Ngoài ra, việc Chủ tọa hỏi trước dẫn đến cái nhìn chủ quan đối với vụ án, khiến bên buộc tội và gỡ tội dễ rơi vào bị động; Tại các Điều 187, 189, 190, 245, 280 Bộ luật TTHS quy định, trong mọi trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt phải hoãn phiên tòa, trong khi đó nếu bị cáo, luật sư và những chủ thể khác vắng mặt thì vẫn có thể tiến hành xét xử vụ án. Việc quy định như vậy là chưa đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh tụng; Một vấn đề nữa, đó là BLTTHS chưa có sự quy định cụ thể về quyền bình đẳng của các bên. Vd: quyền bình đẳng trong việc đưa ra quan điểm, đưa ra yêu cầu và tranh luận trước Tòa…

b.2. Đội ngũ thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

- Việc thực hiện quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu của những người tham gia tố tụng trên thực tế chưa tốt.

Hầu hết, các bị cáo, Luật sư mới chỉ dựa vào hồ sơ vụ án và tìm ra trong đó những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Có rất ít Luật sư đưa ra những tài liệu, chứng cứ có tính thuyết phục để bảo vệ cho thân chủ của mình. Thậm chí, còn viện dẫn những điều luật lạc hậu, các văn bản pháp luật đã bị sửa đổi, bổ sung…

- Sự bình đẳng trong tranh luận còn chưa được đảm bảo.

Trong thực tiễn, việc tranh luận dân chủ tại một số phiên Tòa còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều vụ án không có Luật sư tham gia (thống kê năm 2011, khoảng 80% vụ án hình sự thiếu Luật sư). Bên cạnh đó, trách nhiệm và năng lực của Kiểm sát viên còn nhiều bất cập, họ chưa chủ động xét hỏi, thẩm vấn làm sáng tỏ sự thật vụ án. Tại nhiều phiên Tòa, việc điều khiển tranh luận của Chủ tọa còn hạn chế, tình trạng tranh luận lan man, công kích giữa các bên còn xảy ra; Phán quyết của Tòa án chưa thật sự khách quan, không dựa vào kết quả tranh luận tại phiên tòa… Những vấn đề trên dẫn đến thực trạng số vụ án sơ thẩm bị sửa, bị hủy ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hằng năm vẫn còn xảy ra.

Năm

Tỷ lệ án bị hủy (%)

Tỷ lệ án bị sửa (%)

2005

0,7

4,2

2006

0,6

4,1

2007

0,63

4,43

2008

0,6

4,6

2009

0,71

4,21

Tổng

0,65

4,3

(Báo cáo Tổng kết Tòa án nhân dân tối cao)

- Việc xem xét giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng chưa được đảm bảo.

Thực tế, việc xem xét, giải quyết những yêu cầu của người tham gia tố tụng chưa được đảm bảo, đặc biệt là đối với yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng. Theo các luật sư, hầu hết khi bị yêu cầu thay đổi, tâm lý người tiến hành tố tụng và ngay cả các cơ quan tố tụng thường thấy bị xúc phạm, tự ái nên có xu hướng bác bỏ yêu cầu thay người này, viện vào lý do “không có chứng cứ”. Nhiều trường hợp bị cáo, người bị hại bị tước quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng.

4. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án.

a. Hoàn thiện các quy định của pháp luật.

- BLTTHS cần xác định rõ tại phiên tòa vai trò của HĐXX chỉ là người “trọng tài” giữa bên buộc tội và bào chữa để ra phán quyết về vụ án, còn việc xét hỏi theo hướng buộc tội là trách nhiệm của Kiểm sát viên, việc xét hỏi gỡ tội hoặc giảm nhẹ TNHS cho bị cáo là trách nhiệm của người bào chữa. Vì vậy, đề nghị sửa đổi các quy định về xét hỏi theo hướng : khi xét hỏi, Kiểm sát viên hỏi trước, sau đó đến người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, các thành viên HĐXX có thể hỏi bất kỳ ở thời điểm nào nếu xét thấy cần thiết nhằm làm sáng tỏ các tình tiết về vụ án hoặc mang tính chất nêu vấn đề để các bên tập trung xét hỏi làm rõ, còn việc hỏi để buộc tội và gỡ tội dành cho Kiểm sát viên và người bào chữa.

- Thực tiễn cho thấy trong quá trình tranh luận tại phiên tòa, nhiều khi những câu hỏi, đáp của các bên không đi thẳng vào vấn đề, không giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn, khúc mắc còn tồn tại nên cần có những quy định cụ thể và chi tiết hơn nữa về quyền và nghĩa vụ của Kiểm sát viên và người bào chữa trong quá trình tranh tụng tại phiên Tòa, thúc đẩy sự chủ động tranh tụng của Kiểm sát viên và Luật sư. Để tạo ra một cơ chế  thực sự dân chủ và bình đẳng tại phiên tòa, tạo điều kiện để thực hiện một cách có hiệu quả nhất quyền buộc tội và gỡ tội, những quy định này phải được quy định trong văn bản tố tụng có giá trị pháp lý cao nhất là BLTTHS.

- BLTTHS không quy định bắt buộc tất cả các vụ án hình sự đều phải có sự tham gia của người bào chữa nên trong thực tiễn phần lớn các vụ án hình sự không có người bào chữa tham gia. Các điều 49, 50 của Bộ luật không quy định quyền thu thập chứng cứ của bị can, bị cáo trong trường hợp họ không có người bào chữa. Để bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình và đảm bảo việc chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng được khách quan, toàn diện, cần bổ sung quyền thu thập chứng cứ của bị can, bị cáo trong trường hợp họ không thể thu thập được thì có thể yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ. Cũng cần bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của bị can, bị cáo, nếu chứng cứ đó có lợi cho họ trong việc bào chữa.

- Ngoài ra, trong thực tiễn xét xử những trường hợp bị cáo có những lý lẽ (có thể là chưa phù hợp với thực tế khách quan) nhằm bào chữa cho hành vi phạm tội của mình, thì thường bị coi là có thái độ không thành khẩn nhận tội và nhiều trường hợp đã được nhận định trong bản án để đánh giá nhân thân của bị cáo…Để thực sự đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa trong BLTTHS cần quy định: “Bị cáo có quyền sử dụng những biện pháp và cách thức mà pháp luật không cấm để bào chữa trước tòa, không bị coi là những tình tiết đánh giá về nhân thân cũng như về ý thức của họ.”

b. Một số yêu cầu đối với chủ thể chính tham gia hoạt động tranh tụng tại phiên Tòa & Hội đồng xét xử.

- Đối với Kiểm sát viên: KSV khi được giao nhiệm vụ cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc diễn biến của vụ án, kiểm tra cẩn thận các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các tài liệu khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. KSV cần xây dựng kế hoạch tranh luận tại phiên toà và chuẩn bị các văn bản pháp luật có liên quan đến vụ án. KSV cần chú ý đến những lập luận của mình sao cho sự khẳng định về tội danh đã truy tố là có căn cứ. Bên cạnh đó, KSV cần có phương pháp đối đáp khi tham gia tranh tụng tại phiên toà. Khi đối đáp, KSV phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ của vụ án đã được xét hỏi và dựa vào các qui định của pháp luật. KSV cần có thái độ bình tĩnh và phản ứng linh hoạt khi đối đáp với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

- Đối với người bào chữa: Cần tăng cường đội ngũ luật sư về số lượng và chất lượng. Hiện nay cả nước có khoảng 4000 luật sư/ khoảng 87 triệu dân, một tỷ lệ quá thấp. Số lượng các vụ án hình sự có người bào chữa tham gia lại càng khiêm tốn hơn vì có rất nhiều vụ án hình sự do bị cáo không có khả năng về tài chính. Bên cạnh đó việc nâng cao về trình độ pháp luật, kỹ năng tranh tụng cho luật sư là rất cần thiết.

- Đối với Hội đồng xét xử: Nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng xét xử cho thẩm phán. Với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng nhất, HĐXX cần xác định sự thật khách quan của vụ án, tôn trọng các bên tham gia tranh tụng và đưa ra các phán quyết một cách đúng đắn, đầy đủ. Muốn thực hiện được điều này, ngay từ khi xét hỏi, Chủ toạ phiên toà nên chủ động tạo điều kiện để các bên tham gia tranh tụng hỏi những người tham gia tố tụng khác, tránh lạm dụng quy định của BLTTHS trong việc xét hỏi như hiện nay khi mà chủ tọa phiên toà được phép hỏi trước nên đã tập trung quá nhiều vào việc xét hỏi. Khi thấy có những câu hỏi của KSV và người bào chữa có những biểu hiện không tôn trọng người được hỏi hoặc vi phạm nghiêm trọng các qui định của BLTTHS, chủ toạ phiên toà cần nhắc nhở kịp thời. Khi các bên tham gia đối đáp, HĐXX cần chú ý xác định xem lập luận của họ được dựa vào chứng cứ nào và trên cơ sở nào của pháp luật

- Ngoài ra, còn có một số giải pháp khác như: Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, đảm bảo việc tuyên truyền thường xuyên, đồng bộ, có hiệu quả để nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ tư pháp./.

III. KẾT LUẬN

Nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Bên cạnh đó, nguyên tắc này đã xác định vị trí của Tòa án là người trọng tài công minh cho bên buộc tội và gỡ tội. Để nâng cao hiệu quả của nguyên tắc này cần tiến hành đồng bộ các giải pháp khác nhau, đó là: các giải pháp pháp lý; các giải pháp về con người, và có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ thỏa đáng phù hợp với hoạt động đặc thù của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán…

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.

Trần Đức Lương (2002), "Đẩy mạnh cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Tạp chí Cộng sản, (10).

Đặng Thanh Nga, Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án, Luận văn Thạc sỹ.

Ngô Hồng Phúc (2003), "Vấn đề nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự", Tòa án nhân dân, (2).

Tòa án nhân dân tối cao (2004), Báo cáo tổng kết công tác năm 2004 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2005 của ngành Tòa án nhân dân, Hà Nội.

Tòa án nhân dân tối cao (2005), Báo cáo tổng kết công tác năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của ngành Tòa án nhân dân, Hà Nội.

Tòa án nhân dân tối cao (2008), Báo cáo tổng kết công tác năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2009 của ngành Tòa án nhân dân, Hà Nội.

Tòa án nhân dân tối cao (2009), Báo cáo tổng kết công tác năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành Tòa án nhân dân, Hà Nội.

Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển luật học, Nxb Từ điển bách khoa; Nxb Tư pháp, Hà Nội.

Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

1 comment:

  1. Bán giàn giáo cũ – Thanh lý giàn giáo cũ giá tốt tại công ty giàn giáo chúng tôi. Công ty chúng tôi chuyên cung cấp giàn giáo cũ đã qua sử dụng với chất lượng còn mới đến 90%. Các sản phẩm công ty đang thanh lý bao gồm giàn giáo 1.7m, giàn giáo 1.5m, giàn giáo 0.9m, giàn giáo nêm, kích tăng, xà gồ, chéo giằng, coppha, thang giàn, mâm giàn và phụ kiện giàn giáo.

    Ngoài ra, công ty cung cấp các giải pháp cho thuê, lắp đặt giàn giáo và cung cấp giàn giáo theo đơn đặt hàng.

    ReplyDelete