14/06/2014
Bài tập cá nhân Luật Tố tụng Hình sự - Câu hỏi bán trắc nghiệm có đáp án - Bài 1
a) Trong mọi trường hợp chỉ được bắt người vào ban ngày.

Trả lời: khẳng định trên là Sai.

Trước hết “Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng với bị can, bị cáo, người đang bị truy nã và trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì áp dụng cả đối với người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm kịp thời ngặn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.”

Quyết định bắt người tác động trực tiếp đến đến quyền tự do về thân thể của công dân, một trong các quyền nhân thân quan trọng của con người được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy cần hết sức thận trọng trong khi quyết định bắt. Việc bắt người đúng pháp luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc phòng chống ngăn ngừa tội phạm, ngược lại nếu bắt người không đúng pháp luật sẽ xâm phạm quyền tự do thân thể của cá nhân, làm giảm uy tín của Nhà Nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo điều kiện cho các thế lực phản động xuyên tạc nói xấu chế độ, chống lại Nhà Nước.

Bắt người vào ban ngày là tiến hành bắt trong khoảng thời gian từ sau 6h sáng cho tới trước 22h tối. Tiến hành bắt ngoài khoảng thời gian quy định nêu trên sẽ là bắt người vào ban đêm. Sở dĩ Luật quy định bắt người vào ban ngày để nhằm tránh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt ( ngủ, nghỉ ngơi) của những người xung quanh nơi người bị bắt cư trú, cũng như tránh gây sự hoang mang cho những người sống xung quanh. 

Tuy nhiên trong một số trường hợp Luật quy định được tiến hành bắt vào ban đêm. Theo Khoản 3 Điều 80 BLTTHS 2003 quy định “ Không bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này.” Đối với trường hợp buộc phải bắt khẩn cấp, bắt tội phạm truy nã, bắt quả tang nếu hành vi diễn ra vào ban đêm mà ta đợi tới sáng mới tiến hành bắt sẽ tạo điều kiện cho tội phạm hoàn tất hành vi và tẩu thoát khỏi hiện trường, như vậy ta thấy ý nghĩa của biện pháp ngăn chặn không còn nữa. Xét về mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như yêu cầu cấp thiết phải bắt ngay tội phạm của những trường hợp nêu trên, nên Luật đã quy định được phép bắt vào ban đêm. Theo em quy định này rất hợp lí và có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tội phạm.

b) Vật chứng là tiền bạc phải được bảo quản tại Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Trả lời: khẳng định trên là Sai.

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 75 BLTTHS quy định: “b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác;”. Theo đó, vật chứng là tiền bạc được bảo quản tại ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác (như hệ thống kho bạc nhà nước) chứ không phải được bảo quản tại Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Ta cần hiểu thế nào là vật chứng: Điều 74 BLTTHS quy định “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.” vật chứng là một nguồn của chứng cứ, được thu thập theo thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định chứa đựng các thông tin có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Do tầm quan trọng nêu trên nên BLTTHS quy định thủ tục thu thập, niêm phong và bảo quản vật chứng rất cụ thể, chặt chẽ. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Vật chứng sau khi thu thập thường được bảo quản tại cơ quan tiến hành tố tụng Điểm đ Khoản 2 Điều 75 BLTTHS quy định “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.” 

Tuy nhiên trong một số trường hợp phụ thuộc vào đặc tính của vật chứng mà Bộ luật quy định khác. Như vậy, vật chứng không chỉ được bảo quản tại cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà còn thuộc quyền bảo quản của cơ quan chuyên trách ( đối với tài sản, vật đặc biệt), cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có vật chứng (trường hợp không đưa về cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan chuyên trách không bảo quản).

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment