29/09/2014
Địa vị pháp lý của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự
Bài tập học kỳ Luật Tố tụng Hình sự có đáp án.

MỞ ĐẦU


Địa vị pháp lý là vị trí của chủ thể trong mối quan hệ với những chủ thể khác trên cơ sở những quy định của pháp luật, thể hiện thành một tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, quy đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể đối với các hoạt động của mình trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ đó. Trong quan hệ pháp luật TTHS, một bên là cơ quan Nhà nước đại diện cho quyền lực Nhà nước để tiến hành tố tụng tìm ra sự thật của vụ án và giải quyết vụ án, một bên là người tham gia tố tụng không nắm trong tay quyền lực nào, các chủ thể có địa vị pháp lý khác nhau trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thì địa vị pháp lý cũng khác nhau. Do đó, làm rõ được địa vị pháp lý của các chủ thể trong TTHS là điều rất quan trọng ảnh hưởng đến cả quá trình và kết quả giải quyết một vụ án. Trong bài tập này em xin chọn để tài “Địa vị pháp lý của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự”.


NỘI DUNG

KHÁI NIỆM ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO

Khái niệm địa vị pháp lý của bị can.

Theo khoản 1 Điều 49 BLTTHS bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.

Địa vị pháp lý của bị can là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đã bị khởi tố về hình sự trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Khi một người có địa vị pháp lý là bị can thì họ sẽ có các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của bị can được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 49 BLTTHS

Khái niệm địa vị pháp lý của bị cáo.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 BLTTHS thì: bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Địa vị pháp lý của bị cáo chính là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của một người đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án có thẩm quyền đến khi bản án kết tội hay quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 50 BLTTHS.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO

Những quy định của BLTTHS Việt Nam hiện hành về địa vị pháp lý của bị can

Những quy định về quyền của bị can

Quyền của bị can được quy định tai khoản 2 Điều 49 BLTTHS, theo đó bị can có các quyền:

– Được biết mình bị khởi tố về tội gì

Đây là quyền quan trọng, quyền đầu tiên và quyền ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các quyền khác của bị can. Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự, mốc xác định tư cách bị can là lúc có quyết định khởi tố bị can đã được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Do đó, bị can cần phải được biết mình bị khởi tố về tội gì, theo điều nào của BLHS để từ đó có thể tiến hành tự bào chữa cho mình hoặc nhờ người bào chữa cho mình.

Tuy nhiên, quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì của bị can có được bảo đảm trên thực tế hay không lại phụ thuộc vào hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, thông qua việc giao và giải thích các quyết định tố tụng cũng như giải thích các quyền và nghĩa vụ cho bị can. Bị can được biết mình bị khởi tố về tội gì thông qua quyết định khởi tố bị can. Quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền phải có đầy đủ nội dụng theo quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 126 BLTTHS và phải được tống đạt đến bị can. CQĐT có trách nhiệm phải giao ngay quyết định khởi tố bị can và giải thích các quyền và nghĩa vụ cho bị can.

Quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì của bị can thể hiện sự công bằng, bình đẳng và tiến bộ của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Bởi vì Nhà nước có quyền lực trong tay và các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sử dụng quyền lực đó để tiến hành các hoạt động tố tụng với bị can, nên bị can phả được biết mình bị khởi tố về tội gì một cách công khai, minh bạch để trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người bào chữa, người đại diện hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.

– Được giải thích về quyền và nghĩa vụ

Khi biết mình bị khởi tố về tội gì, bị can sẽ mong muốn được biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì để thực hiện nhằm gỡ tội cho mình. nhằm đảm bảo cho bị can biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì, BLTTHS đã quy định cụ thể là bị can có quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ. Việc thực hiện được quyền này của bị can đồng nghĩa với việc CQTHTT và NTHTT phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Đó là nghĩa vụ giải thích cho bị can hiểu rõ họ có những quyền và nghĩa vụ gì.

Việc đảm bảo quyền này của bị can có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo quyền con người của bị can, cũng như góp phần nhanh chóng, kịp thời giải quyết vụ án, xác minh sự thật vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào quyền được gải thích về quyền và nghĩa vụ của bị can cũng được đảm bảo. Để thực hiện tốt quyền này của bị can, thì CQTHTT và NTHTT đều phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình là giải thích rõ cho bị can họ có những quyền và nghĩa vụ gì. Nhưng trên thực tế có nhiều lí do khác nhau mà quyền này của bị can vẫn chưa được thực hiện. Trong nhiều trường hợp là do sự yếu kém về chuyên môn của NTHTT đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, cũng có trường hợp do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của bị can nên mặc dù không được giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình nhưng cũng không yêu cầu được biết mình có quyền và nghĩa vụ gì.

– Quyền được trình bày lời khai

Bị can có quyền trình bày lời khai về những vấn đề liên quan đến vụ án mà họ bị khởi tố.

Đây là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bị can. Do vây, nhiều khi bị can đã sử dụng quyền này để khai báo những tình tiết có lợi cho mình nhằm chứng minh mình vô tội hoặc phạm tội ở mức độ nhẹ hơn tội đã bị khởi tố hay đưa ra những tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình. Tuy nhiên trong trường hợp mà họ từ chối khai báo hay khai báo gian dối thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Và ngược lại, nếu họ có thái độ khai báo thành khẩn thì đó lại được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.

Trong mọi trường hợp thì cơ quan điều tra cũng cần tôn trọng quyền được trình bày lời khai của bị can. Bởi vì thông qua lời khai của bị can – người bị cho là đã có hành vi trái pháp luật ta có thể xác định được sự thật một cách khách quan. Đặc biệt trong mọi trường hợp, người tiến hành tố tụng không được phép dùng các biện pháp trái pháp luật để buộc bị can phải khai báo. Điều đó sẽ dẫn đến sai lầm trong kết quả điều tra vụ án. Và quan trọng hơn là việc làm đó của NTHTT đã vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền của bị can.

(4) – Quyền được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu

Theo quy định của pháp luật thì bị can có quyền cung cấp những tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án cũng như những yêu cầu, như yêu cầu trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, yêu cầu điều tra lại…

Hiện nay, quyền này vẫn chưa thực sự được đảm bảo. Nguyên nhân xuất phát từ những NTHTT khi họ không thấy hết tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện tốt quyền này.

(5) – Quyền được đề nghị thay người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch

NTHTT, người giám định, người phiên dịch là những chủ thể có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án. Sự thật vụ án chỉ được xác định một cách chính xác nếu các chủ thể nêu trên thực hiện tốt vai trò của mình trong mỗi giai đoạn tố tụng hình sự. Bởi vậy, việc thay đổi NTHTT, người giám định, người phiên dịch để đảm bảo vụ án được điều tra, xét xử một cách công khai, minh bạch, sự thật vụ án được xác định một cách khách quan, công bằng là điều rất cần thiết.

Theo đó, bị can có quyền đề nghị thay NTHTT, người giám định, người phiên dịch nếu có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ và việc họ tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng có thể làm cho vụ án được giải quyết không theo hướng không có lợi cho bị can. Khi CQTHTT nhận được đề nghị thay đổi NTHTT, người giám định, người phiên dịch thì cần phải xem xét, giải quyết yêu cầu đó nếu thấy yêu cầu đó có căn cứ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự .

(6) – Quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa

Bị can có quyền tự bào chữa. Theo đó, bị can có quyền dùng những lí lẽ, chứng cứ để gỡ tội và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia tố tụng. Quyền tự bào chữa không phải là quyền độc lập, tách rời các quyền khác của bị can mà quyền bào chữa là sự tổng hòa các quyền của bị can trong tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thông qua quyền tự bào chữa của bị can thì Nhà nước cho phép bị can tự vệ, chống lại sự buộc tội của CQTHTT và NTHTT. Ta thấy, quy định này của pháp luật đã thể hiện được sự bình đẳng giữa bị can và NTHTT. Mặc dù, một bên là người bị buộc tội, không có quyền lực với một bên là những người mang quyền lực của nhà nước.

Ngoài quyền tư bào chữa, bị can có quyền nhờ người bào chữa cho mình. Quyền này thể hiện sự đảm bảo của pháp luật cho quyền bào chữa của bị can. Pháp luật đảm bảo cho bị can được người khác bào chữa cho mình nếu không tự mình bào chữa. Người được bị can nhờ bào chữa phải là người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 305 BLTTHS thì trong trường hợp bị can là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì người đại diện hợp pháp của người đó có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho bị can.

Bị can và người đại diện cho bị can có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được đoàn luật sư cử bào chữa cho bị can.

(7) – Quyền được nhận các quyết định, các văn bản tố tụng

Theo quy định tại điển g khoản 2 Điều 49 BLTTHS thì khi tham gia vào quá trình tố tụng, bị can có quyền được nhận các quyết định và văn bản tố tụng. Các quyết định và văn bản tố tụng như: quyết định khởi tố bị can, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định khác theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự.

Các quyết định và văn bản trên có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của bị can. Việc pháp luật quy định bị can có quyền nhận các quyết định và văn bản tố tụng nhằm đảm bảo cho bị can có thể thực hiện tốt quyền bào chữa và các quyền tố tụng khác của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp nào cũng vậy, việc thực hiện quyền của người này luôn đi đôi với việc thực hiện nghĩa vụ của người khác. Như vậy, để đảm bào tốt quyền này của bị can, thì đòi hỏi CQTHTT và NTHTT phải tiến hành các trình tự tố tụng đúng quy định của pháp luật, các quyết định tố tụng phải đưa ra dưới dạng văn bản, có căn cứ và đúng pháp luật.

(8) – Quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng

Không phải trong mọi trường hợp mọi quyết định và hành vi tố tụng của CQTHTT và NTHTT đều đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, để dảm bảo thực hiện tốt quy định của pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị can, pháp luật đã cho phép bị can có quyền khiếu nại các quyết định và hành vi tố tụng của CQTHTT và NTHTT.

Bị can có thể khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của CQTHTT và NTHTT lên các chủ thể có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 328 BLTTHS thì bị can chỉ có quyền khiếu nại trong 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà bị cáo cho rằng có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Điều 328 cũng quy định, trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, dịch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì trở ngại khách quan mà bị can không thực hiện tốt quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu.

Các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải xem xét và giải quyết khiếu nại theo đúng quy định và thời hạn pháp luật quy định. Kết quả xem xét, giải quyết khiếu nại phải được thông báo bằng văn bản cho bị can biết.

Theo Điều 329 BLTTHS thì đối với khiếu nại quyết định và hành vi tố tụng của Điều tra viện, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra do thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét và giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định khiếu nại thì bị can có thể khiếu nại đến Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát xem xét và giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể thừ ngày nhận được khiếu nại. Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng cơ quan điều tra và các quyết định của cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì bị can có thể khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Theo quy định tại Điều 330 BLTTHS thì khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì bị can có quyề khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền cuối cùng.

Các nghĩa vụ của bị can

Bị can có quyền trong tố tụng hình sự cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Khoản 3 Điều 49 BLTTHS quy định: “bị can có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.” Bị can có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Việc triệu tập bị can phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 129 BLTTHS.

Trong trường hợp bị can vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải theo quy định tại Điều 130 BLTTHS. Trong trường hợp bị can bỏ trốn thì sẽ bị truy nã. Trong trường hợp bị can bị tạm giam thì việc triệu tập bị can của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ được thông quan Ban giám thị trại tạm giam.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Tòa án cúng có thể triệu tập bị can để giải quyết vấn đề dân sự hoặc cam đoan trước khi quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn như cấm đi khỏi nới cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo cho bị can sẽ có mặt khi được triệu tập để giúp cho quá trình xét xử được thuận lợi. Như vây, trong trường hợp Tòa án cần triệu tập bị can mà bị can lợi dụng sơ hở của pháp luật, không có mặt theo giấy triệu tập sẽ làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án. Do đó, khoản 3 Điều 49 BLTTHS cần bổ sung thêm nghĩa vụ của bị can là phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng thuận lợi.

Những quy định của BLTTHS Việt Nam hiện hành về địa vị pháp lý của bị cáo

Các quyền và nghĩa vụ cụ thể của bị cáo trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 50 BLTTHS:

Các quyền của bị cáo

– Quyền được nhận các quyết định, văn bản tố tụng

Bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Khi đó, bị cáo sẽ có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tư cách tố tụng của mình. Quyền đầu tiên của bị cáo là quyền được nhận các quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản cán, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác theo quy định của BLTTHS.

Quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử là quyền quan trọng nhất của bị cáo, vì quyết định đưa vụ án ra xét xử có vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Quyết định đó sẽ khiến người bị buộc tội chuyển từ tư cách bị can sang bị cáo. Bị cáo dựa vào quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ có thể biết mình bị đưa ra xét xử với tội danh gì, thời gian, địa điểm mở phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư kí tòa án tham gia phiên tòa, người bào chữa, người phiên dịch tham gia phiên tòa…

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 178 BLTTHS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 128 BLTTHS thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Quy định này nhằm đảm bảo cho bị cáo sẽ nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Nếu CQTHTT và NTHTT không đảm bảo tốt quyền này cho bị cáo thì bị cáo có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa.

Ngoài ra bị cáo còn có thể nhận được các quyết định khác như: quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn nếu xét thấy cần thiết, quyết định dình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật.

– Quyền tham gia phiên tòa

Phiên tòa được mở ra để xét xử bị cáo, do đó không có lý do gì để ngăn cản việc bị cáo có mặt tại phiên tòa để theo dõi việc các CQTHTT giải quyết vụ án và tiến hành bào chữa cho mình. Do vậy, quyền tham gia phiên tòa là quyền đương nhiên của bị cáo. Có quyền tham gia phiên tòa sẽ tạo thuận lợi cho việc bị cáo thực hiện quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Đây không chỉ là quyền của bị cáo mà còn là vấn đề mang tính nguyên tắc. Vì quyền này của bị cáo đã thể hiện sự bình đẳng, khách quan trong tố tụng hình sự, đó là sự bình đẳng giữa một bên là Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên – chủ thể mang quyền lực nhà nước và một bên là bị cáo – người bị buộc tội, không mang quyền lực nhà nước. Tại phiên tòa, bị cáo sẽ bình đẳng với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và tranh luận dân chủ tại phiên tòa.

Việc bị cáo tham gia phiên tòa là quyền cũng như nghĩa vụ. Điều 187 BLTTHS quy định về sự có mặt của bị cáo tai phiên tòa đã quy định rõ:

“Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo”.

Pháp luật quy định về sự có mặt cuat bị cáo tại phiên tòa xét xử để đảm bảo cho bị cáo thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi của mình. Hơn nữa, sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa còn thể hiện tính công khai, minh bạch khi xét xử, đảm bảo được quyền bình đẳng trước tòa của bị cáo.

Tuy nhiên không phải trong mọi trưởng hợp bị cáo đều thực hiện tốt quyền hay cũng như nghĩa vụ tham gia phiên tòa của mình. Điều đó gây khó khăn cho sự xét xử của tòa và làm ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật vụ án. Do vậy, để đảm bảo cho việc xét xử được diễn ra thuận lợi, khoản 2 Điều 187 đã quy định: “Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.”

Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8/12/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tự xét xử phúc thẩm của BLTTHS thì: “trong trường hợp bị cáo có kháng nghị, bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án xét xử họ theo quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTHS”. Theo khoản 2 Điều 187 BLTTHS thì tòa án xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo là người bị kháng cáo, kháng nghị là phù hợp. Nhưng trong trường hợp bị cáo có kháng cáo thì không hợp lý… Việc bị cáo vắng mặt mà không có lý do chính đáng sẽ gây trở ngại cho việc xét xử của Tòa án thì cần phải coi là bị cáo đã từ bỏ việc kháng cáo của mình và phiên tòa phúc thẩm sẽ bị hủy bỏ.

– Quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ

Trong quá trình tham gia tố tụng hình sự, người có địa vị pháp lý khác nhau tương ứng với mỗi tư cách tố tụng trong từng giai đoạn tố tụng. Khi người bị buộc tội tham gia tố tụng với tư cách là bị cáo thì họ sẽ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với tư cách bị cáo. Do đó, họ cần được CQTHTT và NTHTT giải thích cho họ hiểu quyền và nghĩa vụ của mình.

Bị cáo tham gia tố tụng kể từ khi có quyết định của Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Theo quy định tại Điều 201 BLTTHS về thủ tục bắt đầu phiên tòa thì Chủ tọa phiên tòa là người giải thích cho bị cáo cũng như những người được triệu tập có mặt tại phiên tòa về quyền và nghĩa vụ của họ.

– Quyền được yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của pháp luật

Trong quá trình xét xử, người tiến hành tố tụng bao gồm: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm, Thư kí tòa án và Kiểm sát viên. Họ có vai trò rất lớn trong quá trình xét xử nhằm xác minh sự thật vụ án.

Theo quy định tại Điều 43 BLTTS thì NTHTT phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu: họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, là người đại diện hợp pháp, người thân thích của người đó hoặc của bị can, bị cáo; họ đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, phiên dịch trong vụ án đó hoặc có căn cứ rõ ràng khác để chứng minh họ không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Nếu NTHTT thuộc một trong những trường hợp trên phải từ chối tiến hành tố tụng, nếu không từ chối thì bị cáo có quyền yêu cầu thay đổi NTHTT. Bởi bị cáo là đối tượng bị đưa ra xét xử, là đối tượng bị buộc tội trong vụ án hình sự, do vậy việc xét xử như thế nào có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của bị cáo, nên bị cáo có quyền thay đổi NTHTT. Quyền này của bị cáo thể hiện sự khách quan trong quá trình xét xử. Đây là sự thể hiện nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự: đảm bảo sự vô tư của những người tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, bị cáo còn có quyền yêu cầu thay đổi người giám định, người phiên dịch. Họ là những chủ thể có vai trò quan trọng trong việc xác minh sự thật vụ án. Cũng như những người tiến hành tố tụng khác, khi người giám định, người phiên dịch thuộc trường hợp phải từ chối tham gia tố tụng mà không từ chối thì bị cáo có quyền thay đổi người giám định, người phiên dịch.

Bị cáo có thể yêu cầu thay đổi NTHTT, người giám định, người phiên dịch trước hoặc tại phiên tòa xét xử. Khi có yêu cầu thì Chánh án tòa án, Hội đồng xét xử phải xem xét và quyết định, trong trường hợp cần thiết thì phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, BLTTHS không quy định cụ thể trường hợp thay đổi người giám định, người phiên dịch tại phiên tòa thì có phải hoãn phiên tòa hay không và cách thức giải quyết như thế nào.

– Quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu

Tại phiên tòa, bị cáo có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật. Trong quá trình điều tra, bị can cũng có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật nhưng những tài liệu, đồ vật đó có thể chưa phải là tài liệu, đồ vật quan trọng hoặc chưa đưa ra vì chưa tìm được. Và đến khi bị đưa ra xét xử thì những tài liệu, đồ vật mà bị cáo đưa ra thường là những tài liệu, đồ vật mới được tìm thấy hoặc là rất quan trọng đối với vụ án, có ý nghĩa gỡ tội cho bị cáo, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Hôi đồng xét xử phải xem xét, xác minh, đánh giá các tài liệu và đồ vật đó có phải là chứng cứ quan trọng của vụ án không và giá trị của chũng trong việc xác minh sự thật vụ án.

Bị cáo có quyền đưa ra yêu cầu. Nhưng BLTTHS lại không quy định rõ quyền đưa ra yêu cầu gì. Và thực tế cho thấy, bị cáo thường yêu cầu những vấn đề như yêu cầu triệu tập người làm chứng, yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu để xem xét, yêu cầu hoãn phiên tòa… Các yêu cầu này được Hội đồng xem xét và quyết định.

Quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu của bị cáo được đảm bảo trong suốt quá trình xét xử từ khi phiên tòa bắt đầu đến phần xét hỏi tại phiên tòa cũng như phần tranh luận tại phiên tòa. Đảm bào tốt quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu của bị cáo trong suốt quá trình xét xử sẽ đảm bảo việc xác định sự thật vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

(6) – Quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa

Quyền bào chữa của bị cáo là tổng thể các quyền năng mà pháp luật quy định cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần để họ sử dụng nhằm chống lại một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội, giảm nhẹ trách nhiềm hình sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị cáo.

Quyền tự bào chữa được thực hiên ngay từ khi một người bị khởi tố về hình sự. khi họ trở thành đối tượng bị buộc tội thì quyền bào chữa được thực hiên trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều 217 BLTTHS trong phần tranh luận tại phiên tòa có quy định rõ: sau khi kết thúc phần xét hỏi, Kiểm soát viên trình bày lời luận tội thì bị cáo có quyền trình bày lời bào chữa của mình. Trong trường hợp bị cáo có người bào chữa thì người bào chữa sẽ bào chữa cho bị cáo và bị cáo sẽ bổ sung ý kiếm bào chữa. Trong trường hợp bị cáo không hiểu rã về pháp luật thì việc người bào chữa tham gia phiên tòa bào chữa cho bị cáo đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong trường hợp vị cáo chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Do vậy, Điều 190 BLTTHS quy định: người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà. Quy định này của pháp luật đảm bảo cho bị cáo thực hiện tốt nhất quyền bào chữa tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử phải tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo vì quyền bào chữa của bị cáo không chỉ đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, thể hiện tính nhân đạo và dân chủ trong tố tụng hình sự mà còn đảm bảo cho việc xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ nhất.

(7) – Quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại tòa

Quyền này cho phép bị cáo đưa ra ý kiến, những lập luần của mình và đối đáp với hững ý kiến không thống nhất của chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 218 BLTTHS thì bị cáo có quyền trình bày ý kiến của mình về luận tội của Kiểm soát viên và đưa ra đề nghị của mình. Kiểm soát viên sẽ đưa ra những lập luận đối đáp của mình đối với từng ý kiế. Bị cáo cũng có quyền đưa ra ý kiến và lập luận đối đáp với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi của những người này. Đồng thời với việc đưa ra ý kiến, tranh luận tại phiên tòa thì bị cáo cũng có thể đưa ra các yêu cầu như: yêu cầu them người làm chứng, xét hỏi thêm…

Quyền này của bị cáo thể hiên sự bình đẳng khách quan trong quá trình xét xử. Trên thực tế, quyền này của bị cáo nhiều khi vẫn chưa thực sự được đảm bảo do những NTHTT vẫn chưa tôn trọng các quyền của bị cáo. Trong nhiều trường hợp, khi bị cáo đang trình bày ý kiến của mình thì bị Hội đồng xét xử cắt ngang hoặc không lắng nghe họ trình bày. Do đó, cần quán triệt cho NTHTT tinh thần tong trọng quyền của bị cáo cũng như nhưng người tham gia tố tụng qua đó góp phần đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của bị cáo.

(8) – Quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án

Theo quy đinh tại Điều 220 BLTTHS thì sau khi những người tham ia tranh luận không trình bày gì thêm, Chủ tọa phiên tòa sẽ tuyên bố kết thúc phần tranh luận và bị cáo sẽ được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử và phòng nghị án. Pháp luật quy định chi bị cáo nói lời sau cùng là tạo điều kiện, cơ hội cho bị cáo được bày tỏ thái độ, nguyện vọng của mình trước khi Hội đồng xét xử đưa ra những quyết định đối với vụ án.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo có quyền trình bày mọi vấn đề lien quan đến vụ án và bày tỏ thái đọ của mình với việc buộc tội. Pháp luật quy định trong khi bị cáo nói lời sau cùng thì Hội đồng xét xử không được phép đặt câu hỏi. Để tránh cho việc bị cáo trình bày dài dòng hay không trình bày vấn đề chính thì luật cũng quy định Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày đến điểm không lien quan đến vụ án nhưng không được hạn chế thời gian với bị cáo.

Thực tiễn xét xử cho thấy, bị cáo thường bày bỏ tâm tư về việc thực hiện tội phạm, tỏ ra ăn năn hối cải, mong được giảm án hay tỏ ra mình vô tội… Và thông thường nhiều bị cáo trong quá trình tố tụng tỏ ra gan lỳ không chịu khai báo hay không khai báo đầy đủ sự thật vụ án. Nhưng đến khi nói lời sau cùng trước khi nghị án thì bị cáo đã có sự thay đổi về suy nghĩ và khai báo thêm nhiều tình tiết mới có ý nghĩa trong việc xác định sự thật. Do vậy, pháp luật nước ta đã quy định nếu trong khi nói lời sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đói với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại phần xét hỏi. quy định này sẽ đảm bảo cho Hội đồng xét xử không bỏ qua những tình tiết có ý nghĩa quan trọng với vụ án.

(9) – Quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án

Kháng cáo là quyền cho phép bị cáo chống lại bản án và quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật và đòi xét xử lại. Theo đó, bị cáo có quyền kháng cáo bản án, các quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo quy định tại Điều 233 BLTTHS thì bị cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo bị tạm giam thì Ban giám thị trại giam phải đảm bảo cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo. Bị cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Trong trường hợp này, Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó theo quy định tại Điều 95 BLTTHS.

Bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo sẽ được tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Và nếu đơn kháng cáo của bị cáo được gửi qua đường bưu điện, thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua ban giám thị trại giam thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại giam nhận được đơn. Các quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc kháng cáo của bị can.

Tuy nhiên, Điều 235 BLTTHS cũng quy định việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận nếu lí do chính đáng. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thành lập Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán để xem xét lí do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của bị cáo.

Để đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo được thực hiện một cách nghiêm túc thì CQTHTT và NTHTT cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của BLTTHS như: thông báo cho bị cáo về việc kháng cáo, hậu quả của việc kháng cáo, bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo; thời hạn xét xử phúc thẩm, thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm, những người tham gia phiên tòa phúc thẩm; bổ sung, xem xét chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm, thủ tục phiên tòa phúc thẩm và bản án phúc thẩm và thẩm quyền của tòa án phúc thẩm. Những NTHTT cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mới có thể đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo được thực hiện. Hơn nữa, việc thực hiện tốt các quy định trên cũng góp phần đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo được thực hiện một cách tốt nhất.

(10) – Quyền khiếu nại hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Cũng giống như bị can, khi bị cáo nhận thấy các quyết định, hành vi của CQTHTT, NTHTT vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bị cáo có quyền khiếu nại. Bị cáo có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư kí tòa án.

Đối tượng của khiếu nại là các quyết định không thuộc đối tượng của kháng cáo như: quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án của Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa…

Bị cáo cũng có quyền khiếu nại hành vi của người tiến hành tố tụng nếu các hành vi đó là trái pháp luật. Theo đó, bị cáo có quyền khiếu nại các hành vi của Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư kí tòa án nếu các hành vi đó là trái pháp luật, xâm hại đến các quyền lợi hợp pháp của bị cáo, ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật vụ án.

Khiếu nại trong quá trình xét xử chủ yếu liên quan đến các quyết định, hành vi tố tụng của Tòa án nên chủ thể giải quyết khiếu nại chủ yếu là Tòa án mà người đại diện là Chánh án. Theo quy định tại Điều 331 BLTTHS, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Phó chánh án trước khi mở phiên tòa do Chánh án tòa án giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu bị cáo không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền tiếp tục khiếu nại với Tòa án cấp trên trực tiếp. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án cấp trên là quyết định cuối cùng và không thể bị khiếu nại.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án thì Tòa án cấp trên giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định này là quyết định cuối cùng và không thể bị khiếu nại tiếp và bị cáo có nghĩa vụ phải chấp hành.

Khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì về nguyên tắc bị cáo không thể kháng cáo và phải chấp hành nhưng vẫn có thể khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại trong trường hợp này được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương XXX – thủ tục Giám đốc thẩm, Chương XXXI – thủ tục tái thẩm của BLTTHS.

Thời hiệu khiếu nại của bị cáo là 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được hành vi, quyết định của CQTHTT, NTHTT là có vi phạm pháp luật. Trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan mà người bị kết án không thực hiện được quyền khiếu nại của mình thì thời gian gặp trở ngại đó không được tính vào thời hiệu khiếu nại.

2.2. Các nghĩa vụ của bị cáo

Khoản 3 Điều 50 BLTTHS quy định: “Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, trong trường hợp vắng mặt không có lí do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã”.

Như vậy, cũng như bị can, bị cáo cũng có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của CQTHTT và ở đây là Tòa án. Do tư cách bị cáo chỉ hình thành khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án có thẩm quyền nên bị cáo chỉ phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

Trong trường hợp bị cáo bị áp dụng biện ngăn chặn là tạm giam thì có thể đảm bảo được việc bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Nhưng trong trường hợp bị cáo đang tại ngoại thì nhiều khi Tòa án gặp khó khăn trong việc triệu tập bị cáo. Do vậy, pháp luật đã có quy định, nếu bị cáo vắng mặt mà không có lí do chính đáng khi Tòa án triệu tập thì bị cáo sẽ bị áp giải. Trong trường hợp bị cáo có hành vi bỏ trốn thì bị cáo sẽ bị truy nã theo quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN


Địa vị pháp lý của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự được thể hiện thông qua các quyền và nghĩa vụ cụ thể của họ trong quá trình tố tụng. Ngoài các quyền và nghĩa vụ cụ thể được quy định tại Điều 49 và Điều 50 BLTTHS thì bị can, bị cáo còn có các quyền khác được quy định như một nguyên tắc trong tố tụng hình sự như quyền bất khả xâm phạm về thâm thể, quyền bình đẳng trước pháp luật… Có thể thấy, các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự đã tạo cho họ một vi thế chắc chắn để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Việc đảm bảo tốt quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của chính bị can, bị cáo và những NTHTT trong qua trình tố tụng.

No comments:

Post a Comment