16/06/2014
Bài tập cá nhân nhận định Luật Tố tụng Hình sự có đáp án - Đề 1
Đề bài 1: Những khẳng định sau đây đúng hay sai, tại sao?

a. Chỉ có Việm khiểm sát mới có quyền luận tội bị cáo.

b. Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không được trình bày thêm các tình tiết liên quan đến vụ án

BÀI LÀM

A. Chỉ có Việm khiểm sát mới có quyền luận tội bị cáo.

Khẳng định trên là đúng. Vì theo quy định, việc buộc tội bị cáo tại phiên tòa là nhiệm vụ của kiểm sát viên. Chỉ Viện kiểm sát mới có đủ khả năng và quyền hạn để đáp ứng được yêu cầu của việc luận tội bị cáo, giúp cho Tòa án có cơ sở giải quyết đúng đắn vụ án.

Quy định này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 217. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

Điều 217. Trình tự phát biểu khi tranh luận.

“ 1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.

Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà….”

Trên cơ sở quy định của Điều 217 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự thì yêu cầu, nội dung của luận tội như sau:

- Phải phân tích, đánh giá các chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả gây ra, vai trò trách nhiệm và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đề xuất áp dụng pháp luật và vận dụng chính sách xử lý cho phù hợp; khi nêu hành vi phạm tội phải viện dẫn các chứng cứ để chứng minh, bảo đảm tính lôgic và sắc bén.

- Phải phân tích, phê phán thủ đoạn phạm tội của bị cáo; phân tích bác bỏ những quan điểm không có căn cứ, không phù hợp với vụ án của những người tham gia tố tụng khác để làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ chính sách pháp luật, thể hiện tính đấu tranh và tính thuyết phục của bản luận tội. Khi phân tích bác bỏ các quan điểm không phù hợp phải viện dẫn các chứng cứ để chứng minh.

- Kiểm sát viên phải phân tích, phê phán hành vi và thủ đoạn thực hiện tội phạm, những nhận thức lệch lạc, sai trái của bị cáo để lên án trước dư luận; đồng thời rút ra những bài học cảnh giác trong nhân dân và kiến nghị các biện pháp phòng ngừa để khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, nội dung này phải phù hợp với thực tế của vụ án, tránh cường điệu, lan man, xa rời thực tiễn; cần gắn chặt với yêu cầu chính trị chung và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ tốt cho việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng chống loại tội phạm đó nói riêng.

- Đề nghị áp dụng về hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp, bồi thường thiệt hại (nếu có), đảm bảo chính xác theo điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự.

Có thể nói, luận tội có ý nghĩa pháp lý và chính trị rất lớn; phần trình bày lời luận tội của Kiểm sát viên thường được sự quan tâm chú ý theo dõi đặc biệt của những người tham dự phiên toà và công chúng. Xét về tính chất pháp lý thì luận tội của Kiểm sát viên chính là công cụ để Viện kiểm sát thực hành quyền công tố Nhà nước tại phiên toà. 

B. Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không được trình bày thêm các tình tiết của vụ án.

Khẳng định trên là sai. Vì khi kết thúc tranh luận, Bị cáo được trình bày lời nói sau cùng để thực hiện quyền tự bào chữa của mình trước khi hội đồng xét xử vào phòng nghị án. 

Quy định này được ghi nhận tại điều 220 bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Điều 220. Bị cáo nói lời sau cùng.

Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận. Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án, nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo.

Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo được trình bày về những vấn đề mà họ cho là cần thiết nhất đối với mình để hội đồng xét xử xem xét khi nghị án. Ví dụ: Nếu bị cáo nhận tội thì có thể đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo; nêu không nhận tội thì đề nghị hội đồng xét xử lưu ý các chứng cớ gỡ tội…

Khi bị cáo nói lời sau cùng, Hội đồng xét xử không được đặt câu hỏi và hạn chế thời gian trình bày của bị cáo nhưng có quyền yêu cầu bị cáo không nhắc lại chi tiết những vấn đề đã được xét hỏi, không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm những tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi, sau đó lại tranh luận về những vấn đề mới được xét hỏi.

Kết luận: Khẳng định trên là sai.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011. 
2. Bộ Luật tố tụng hình sự  của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003. 
3. http://tapchikiemsat.org.vn
4. http://www.vietlow.gov.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment