08/02/2014
Bài tập nhóm Tố tụng hình sự - Nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử
I. Nội dung của nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử.

1.Nội dung:


Nội dung của nguyên tắc có thể hiểu là những biểu hiện cụ thể của tư tưởng chỉ đạo có tính bắt buộc về tổ chức tố tụng để xét xử về hình sự nhằm đảm bảo cho việc xét xử đúng đắn, khách quan bảo đảm các quyền và lợi ích của công dân, lợi ích của nhà nước, lợi ích của xã hội, được quy định tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 (Điều 11), Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 20) và các quy định liên quan khác trong các văn bản quy phạm pháp luật tố tụng hình sự. Theo đó, nội dung nguyên tắc hai cấp xét xử như sau:

Thứ nhất:  Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử đầu tiên. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án và quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực ngay, viện kiểm sát có quyền kháng nghị; bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật, thời hạn kháng cáo, kháng nghị được quy định tại điều 234 BL TTHS để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án một lần nữa.

Thứ hai:  Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do BL TTHS quy định thì có hiệu lực pháp luật. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị thì phải được xét xử phúc thẩm. Tòa án xét xử phúc thẩm là cấp thứ hai. Khi xét xử lại vụ án, Tòa án phúc thẩm không chỉ kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án và quyết định của Tòa án sơ thẩm mà còn xét xử lại vụ án về mặt nội dung. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp  luật ngay sau khi tuyên án và được đưa ra thi hành.

Thứ ba:  Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

2.Ý nghĩa của nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng hình sự Việt Nam.

a. Ý nghĩa pháp lý:

Đảm bảo tính hợp pháp, có căn cứ của các bản án và quyết định của Tòa án đã bị kháng cáo, kháng nghị lẫn những bản án không bị kháng cáo, kháng nghị. Đồng thời, nhằm đảm bảo để không cho phép các Tòa án đưa ra thi hành các bản án, quyết định không đúng pháp luật, không có căn cứ. Bởi lẽ, qua các cấp xét xử khác nhau như vậy những vấn đề thuộc về nội dung vụ án sẽ một lần nữa được xem xét, phân tích và đánh giá kĩ càng, đầy đủ hơn. Trên cơ sở đó, các phán quyết mà Tòa án đưa ra sẽ đảm bảo độ chính xác cao hơn.

Thực hiện chế độ hai cấp xét xử đã góp phần thực hiện việc giám sát của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới đồng thời nhằm khắc phục những sai lầm, khuyết điểm của Tòa án cấp dưới: Việc quy định một vụ án hình sự có thể được xét xử ở hai cấp cũng như quy định về việc sơ thẩm có thể bị sửa, bị hủy bản án, quyết định ở cấp phúc thẩm sẽ góp phần tạo áp lực đòi hỏi các Tòa án cấp dưới khi đưa ra bản án hay quyết định phải thực sự cân nhắc, thận trọng và trách nghiệm hơn. Và Tòa án phúc thẩm cũng kịp thời sửa chữa những sai lầm và những vi phạm pháp luật mà cấp sơ thẩm đã mắc phải, giảm thiểu được các vụ án oan sai. Thông qua hoạt động xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp trên không chỉ chỉ ra những sai lầm, thiếu sót mà Tòa án cấp dưới đã mắc phải, tự mình sửa chữa những sai lầm, khắc phục những thiếu sót đó hoặc đề nghị Tòa án cấp dưới sửa chữa những sai lầm của mình mà đây cũng chính là một hình thức hướng dẫn áp dụng pháp luật có hiệu quả rất lớn giữa tòa án cấp phúc thẩm với tòa án cấp sơ thẩm, nhờ đó mà chất lượng xét xử tại các cấp xét xử ngày càng được nâng cao. Từ đó giúp tìm ra các giải pháp thích hợp để sửa chữa, khắc phục về lập pháp cũng như việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổ chức các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là hoàn thiện tổ chức tòa án đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc hai cấp xét xử và yêu cầu cải cách tư pháp.

b. Ý nghĩa chính trị:

Việc quy định nguyên tắc hai cấp xét xử tại điều 20 BL TTHS đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đáp ứng các yêu  cầu của Nhà nước pháp quyền đối với vấn đề tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân trong lĩnh vực tư pháp, một lĩnh vực có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội: Các chủ thể tham gia tố tụng có thể thể hiện thái độ không nhất trí của mình đối với việc xét xử của Tòa án và có quyền trực tiếp đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của mình nhiều lần tại các phiên Tòa xét xử khác nhau, tăng tính khách quan hơn trong việc Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ án. Bởi lẽ, việc xét xử phải nhằm đến mục đích cao nhất là đúng người, đúng tội và áp dụng đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân. Do vậy sẽ là không công bằng nếu như tước bỏ quyền được bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo, người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án một lần nữa tại một phiên tòa xét xử khác, nếu như chưa thể có các điều kiện thực tế để khẳng định hay bảo đảm rằng phán quyết của lần xét xử đầu tiên là hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh đó, nguyên tắc cũng thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra phán xét: Là sự thể hiện rõ ràng nhất bản chất của nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân; trong đó, vấn đề tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân là một nội dung quan trọng của nhà nước pháp quyền. Tòa án với nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, trong phạm vi hoạt đông của mình phải xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Luật cho phép những bên tố tụng có liên quan được quyền kháng cáo, kháng nghị nhưng lại chỉ dừng lại ở hai cấp là một quy định rất hoàn chỉnh, không những có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của công dân mà còn được tình trạng vụ án bị xét xử ở quá nhiều cấp làm cho quá trình tố tụng kéo dài, ảnh hưởng tới hiệu lực của bản án, quyết định, nhất là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

c. Ý nghĩa xã hội:

Việc quy định và thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử góp phần rất lớn vào việc đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả giáo dục, ý thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao uy tín, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng. Với việc quy định và thực hiện nguyên tắc xét xử công khai ở cả cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, người dân có điều kiện biết rõ về hoạt động xét xử.

Mặt khác, khi biết được kết quả của hoạt động xét xử phúc thẩm, thấy được sự đánh giá về tính đúng đắn hay không đúng đắn của xét xử sơ thẩm, người dân mới thực hiện được triệt để quyền giám sát hoạt động xét xử của tòa án các cấp. Trên cơ sở đó mới có thái độ chính xác nhất về tính khách quan của hoạt động này trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích chung của xã hội, cộng đồng.


II.Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguyên tắc “ Thực hiện chế độ hai cấp xét xử”.

1.Thực trạng của việc áp dụng nguyên tắc “ Thực hiện chế độ hai cấp xét xử” trong tố tụng hình sự Việt Nam.

1.1. Thành tựu đạt được.


- Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng vụ án cần phải thụ lý xét xử ở cấp sơ thẩm không giảm nhưng tốc độ giải quyết tại cấp này đã nhanh chóng hơn, lượng án tồn đọng ngày càng hạn chế. Đặc biệt, chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, số lượng các vụ án mà các bản án quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị có chiều hướng giảm so với trước. Nhờ chất lượng xét xử sơ thẩm ngày càng đảm bảo nên lượng án bị xét xử  phúc thẩm theo hướng không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị chiếm tỷ lệ cao so với số lượng án bị sửa, bị hủy. Tình trạng xét xử oan sai có xu hướng giảm so với trước.

- Số lượng vụ án đã giải quyết, xét xử phúc thẩm chiếm tỷ lệ cao trên tổng số vụ án tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý. Ví dụ, năm 2007 số lượng vụ án được giải quyết xét xử phúc thẩm là 14.480 trên tổng số 15.127 vụ chiếm 95,72%.

- Chất lượng xét xử phúc thẩm ngày càng được nâng cao: Việc xét xử ở cấp phúc thẩm nhìn chung đảm bảo chất lượng, góp phần sửa chữa kịp thời các sai lầm, vi phạm của tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc hai cấp xét xử. Điều này thể hiện ở chỗ, hàng năm số lượng án được xét xử phúc thẩm rất lớn và có chiều hướng gia tăng nhưng số án bị kháng nghị lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thụ lý ở TANDTC là không nhiều. Năm 2007, Tòa án các cấp đã xét xử phúc thẩm 12.238 vụ, số vụ thụ lý để  xét xử lại giám đốc thẩm TANDTC là 83.

1.2. Hạn chế và nguyên nhân.

- Lượng án tồn đọng tại tòa án nhân dân cấp huyện hàng năm nhìn chung là có xu hướng ngày càng giảm nhưng vẫn còn nhiều và có chiều hướng tăng giảm không ổn định. Nguyên nhân là do hệ thống Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ nên sự chênh lệch về điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như mật độ dân cư rất khác nhau giữa các huyện nên lượng án mà các Tòa án cấp huyện khác nhau cũng rất chênh lệch. Có tòa án thì phải xét xử nhiều loại vụ việc nhưng cũng có Tòa án lại xét xử rất ít trong khi biên chế thẩm phán cũng không chênh lệch nhiều lắm. Điều đó dẫn đến một nghịch lý là cùng một chế độ đãi ngộ như chế độ lương, trợ cấp, cùng điều kiện làm việc như nhau nhưng Thẩm phán các Tòa án nhiều việc có cường độ làm việc gấp nhiều lần Thẩm phán các Tòa án cùng cấp nhưng ít việc hơn. Tình trạng này kéo dài dẫn đến sự lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Đồng thời, sự quá tải số lượng án phải xét xử sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử sơ thẩm.

- Số lượng án sơ thẩm tồn đọng tại tòa án nhân dân cấp tỉnh tuy không lớn so với lượng án thụ lý hàng năm nhưng nhìn chung còn cao. Ví dụ: Năm 2007, thụ lý 11.266 vụ, tồn đọng 329 vụ, chiếm 2,92%. Nguyên nhân của tình trạng này do lượng án sơ thẩm TAND xét xử hàng năm tương đối lớn và mỗi năm TA cấp tỉnh lại thụ lý xét xử phúc thẩm một lượng án không nhỏ. Số lượng án sơ thẩm xét xử bị xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm còn tương đối cao. Việc xét xử ở TA sơ thẩm nhìn chung là ngày càng bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, số lượng án bị sửa, bị hủy vẫn còn nhiều.

- Tình trạng tồn đọng án tại các TA cấp phúc thẩm hàng năm còn tương đối cao. Các số liệu thống kê hàng năm cho thấy tốc độ giải quyết xét xử ở cấp phúc thẩm vẫn còn chậm, tình trạng tồn đọng vẫn còn nhiều. Cụ thể như, năm 2003, thụ lý 7.355 vụ, tồn đọng 604 vụ (8,21%); Cho đến năm 2007, số lượng án phúc thẩm tồn đọng tại cấp tỉnh lại giảm nhiều so với các năm trước. Thụ lý 10.111 vụ, tồn đọng 203 vụ ( 2,00%). Số lượng án chưa giải quyết so với số lượng án đã thụ lý hàng năm ở 3 TATC khá lớn.

-  Vẫn còn nhiều bản án đã xét xử phúc thẩm nhưng bản án bị TA giám đốc thẩm hủy để điều tra lại hoặc xét lại. Nguyên nhân của việc xét xử phúc thẩm còn nhiều trường hợp chưa đảm bảo chất lượng về chủ quan cũng như ở cấp sơ thẩm do tình trạng trình độ chuyên môn của người tố tụng còn hạn chế, về khách quan, cũng giống như quy định về xét xử sơ thẩm, quy định của BLTTHS về phúc thẩm cũng chưa thật rõ ràng, cụ thể, hướng dẫn áp dụng còn chưa kịp thời, đầy đủ dẫn đến lúng túng trong việc nhận thức và khó khăn trong áp đụng để giải quyết.

2. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguyên tắc “ Thực hiện chế độ hai cấp xét xử”.

Thực hiện chế độ hai cấp xét xử là nguyên tắc đúng đắn của Nhà nước pháp quyền và tố tụng hiện đại mà các Nhà nước tiến bộ đều phải tuân thủ. Do vậy, cần phải đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và giúp cho việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử đạt hiệu quả cao nhất.

2.1.Hoàn thiện pháp luật TTHS.

• Về xét xử sơ thẩm:

- Cần xác định được đúng bản chất của xét xử sơ thẩm là xét xử lần đầu vụ án hình sự ở cấp xét xử thứ nhất. Quyết định sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật TTHS để xét xử lại ở cấp phúc thẩm. Quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật TTHS có hiêu lực từ ngày ra quyết định.

- Hoàn thiện về giới hạn xét xử sơ thẩm: TA chỉ xét xử những bản án và những hành vi theo tội danh mà việc kiểm sát đã truy tố và TA đã quyết định đưa ra xét xử.

- Hoàn thiện quy định về giao quyết định đưa vụ án ra xét xử của TA theo hướng không chỉ giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo, người đại diện hơp pháp của họ và người bào chữa, mà còn cần cho cả người bị hại, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ biết.

• Về xét xử phúc thẩm:

- Tính chất của xét xử phúc thẩm: Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của bộ luật này.

- Về thủ tục tố tụng ở cấp phúc thẩm: Các quy định về thủ tục phiên tòa sơ thẩm cần được áp dụng để tiến hành xét xử phúc thẩm tại phiên tòa phúc thẩm.

2.2. Nâng cao năng lực của người tiến hành tố tụng.

Năng lực của những chủ thể tiến hành tố tụng giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định tới chất lượng của các phán quyết trong các vụ án hình sự. Khi trình độ của những chủ thể này chưa đáp ứng được yêu cầu của việc áp dụng pháp luật vào giải quyết các vụ án hình sự thì ắt dẫn đến tình trạng nhận thức sai tinh thần pháp luật từ đó đưa tới cách giải quyết chưa đúng đắn. Vì vậy, một yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng của các bản án xét xử trong tố tụng hình sự hiện nay ở nước ta là phải không ngừng nâng cao năng lực của những người tiến hành tố tụng.

2.3. Tăng cường cơ sở vật chất  phục vụ cho hoạt động xét xử.

Hiện nay, ở nhiều địa phương cơ sở vật chất tại các Tòa án còn nghèo nàn. Điều đó cũng là một khó khăn gây ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả làm việc của các tòa án. Do đó, cần phải tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện tốt cho các cán bộ có thể thoải mái khi làm việc, tăng cường hiệu quả làm việc.

2.4. Hoàn thiện tổ chức Toà án các cấp để thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử.

Hiện nay, Toà án được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước; mối quan hệ hữu cơ với các cơ quan pháp luật khác và đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng đối với Toà án các cấp. Tuy nhiên, nhóm em có một số ý kiến như sau:

Không thể chỉ tổ chức một loại Toà án sơ thẩm. Việc dồn tất cả các loại án với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp khác nhau vào thẩm quyền của một Toà án là bất hợp lý, gây rất nhiều bất cập về tổ chức, cán bộ, trang bị, phương tiện cũng như thủ tục tố tụng.

Điều đó cũng khó phù hợp với xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền là mở rộng phạm vi tài phán các tranh chấp trong xã hội. Vì vậy, theo nhóm em cần tổ chức hai loại Toà án sơ thẩm: Toà án xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp và Toà án xét xử các vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng.

Với thẩm quyền xét xử của Toà án hiện nay thì để Toà án cấp huyện và Toà án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm tạm thời là hợp lý. Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi tài phán của Toà án, thì cần tổ chức lại hệ thống Toà án sơ thẩm 2 cấp (cấp thấp nhất ở từng quận, huyện, liên quận, huyện hoặc mỗi quận, huyện có nhiều Toà án; cấp cao hơn có thể ở từng tỉnh hoặc mỗi tỉnh, thành phố có một số Toà án) với đa số các vụ án được xét xử ở Toà án cấp thấp nhất.

Đồng thời cần nghiên cứu quy định thủ tục xét xử sơ chung thẩm đối với một số loại án tại Toà án cấp thấp nhất để đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả của hoạt động xét xử mà vẫn không ảnh hưởng nhiều đến các nguyên tắc tố tụng, nhất là nguyên tắc hai cấp xét xử;

- Thành lập các Toà án phúc thẩm độc lập ở các vùng (giống như các Toà Thượng thẩm trước đây). Không nên coi Toà án phúc thẩm là Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao. Với chức năng phá án, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và làm án lệ, không nên có một Toà án tối cao với hàng trăm thẩm phán như hiện nay. Các thẩm phán Toà án phúc thẩm không nên là thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Toà án nhân dân tối cao chỉ gồm 15 đến 17 thẩm phán và cấu thành Hội đồng (toàn thể) thẩm phán; tất cả các thẩm phán này đều tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ của Toà án nhân dân tối cao.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment