06/11/2014
Luật Tố tụng Dân sự - Nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện

Các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự (TTDS) luôn là tiền đề để hoạt động xét xử được diễn ra đúng trình tự, giải quyết đúng đắn các yêu cầu của đương sự theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc hai cấp xét xử là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự, việc quy định và thực hiện nguyên tắc này đảm bảo cho các vụ án được xem xét, giải quyết một cách chính xác, khách quan giúp tòa án đưa ra được những bản án, quyết định đúng đắn nhất. Tuy nhiên việc thực hiện nguyên tắc này trong thực tiễn vẫn còn những bất cập nhất định. Với mong muốn thông qua bài viết dưới đây có thể đi sâu tìm hiểu các quy định của PLTTDS về nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự, đồng thời qua đó đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo thực hiện trên thực tế nguyên tắc này nên em chọn đề tài: “Nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện”.


NỘI DUNG

I. Khái quát chung về nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự.
1. Khái niệm nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự.

Để đưa ra khái niệm nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự thì trước hết cần làm rõ các khái niệm xét xử, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm.
Theo từ điển luật học, “xét xử là hoạt động xem xét, đánh giá bản chất pháp lí của vụ việc nhằm đưa ra một phán quyết về tính chất, mức độ pháp lí của vụ việc. Từ đó nhấn danh nhà nước đưa ra một phán quyết tương ứng với bản chất, mức độ trái hay không trái pháp luật của vụ việc.”. Theo cách thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước hiện nay, có thể khẳng định rằng hoạt đông xét xử chỉ do một cơ quan duy nhất là tòa án tiến hành, vì vậy xét xử nói chung được hiểu là: dạng hoạt động đặc biệt của nhà nước do tòa án tiến hành theo trình tự, thủ tục và các nguyên tắc nhất định nhằm giải quyết khách quan, toàn diện, đầy đủ các vụ án hình sự, dân sự, bằng việc ra bản án hoặc các quyết định khác để giải quyết vụ án.

Về khái niệm xét xử sơ thẩm (XXST): trước hết theo Đại từ điển tiếng việt thì xét xử sơ thẩm là xét xử lần đầu một vụ việc ở tòa án cấp thấp. Dưới góc độ khoa học pháp lí thì “XXST là xét xử lần đầu để giải quyết tất cả những vấn đề liên quan trong vụ án. Khi xét xử sơ thẩm, tòa án xem xét và giải quyết mọi vấn đề của vụ án bằng việc ra bản an và quyết định. Hội đồng xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia. Trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.”. Như vậy có thể hiểu XXST là xét xử lần đầu vụ việc dân sự, theo đó tòa án giải quyết mọi vấn đề thuộc nội dung vụ việc bằng việc ra bản án, quyết định. Bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại ở cấp phúc thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng.

Về khái niệm xét xử phúc thẩm (XXPT): Theo giáo trình trường Đại học Luật Hà nội: “phúc thẩm dân sự là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”.

Nguyên tắc tố tụng dân sự được hiểu là những quy định pháp luật cơ bản có tính chất bắt buộc chung, xác định phương châm và định hướng cho toàn bộ quá trình tố tụng hay một số hoạt động tố tụng nhất định, thể hiện bản chất của chế độ nhà nước, bản chất của tố tụng dân sự, được quy định trong BLTTDS và trong các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Từ đây có thể đưa ra khái niệm về nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTDS: là tư tưởng chỉ đạo, có tính bắt buộc chung, thể hiện quan điểm có tính định hướng của nhà nước trong việc tổ chức tố tụng để xét xử các vụ án dân sự, được quy định trong PLTTDS trong đó xác định một vụ việc dân sự được xét xử lại và chỉ có thể được xét xử lần đầu ở cấp sơ thẩm có thể được xét xử lại và chỉ cỏ thể được xét xử lại một lần nữa ở cấp phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của PLTTDS, nhằm giải quyết đúng đắn, kịp thời vụ việc bản đảm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

2. Lược sử hình thành và phát triển của nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự Việt nam.

2.1 Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1989.

Với những quy định của Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/ . Cơ chế xét xử của tòa án bắt đầu hình thành với hai cấp xét xử chủ yếu: sơ thẩm và phúc thẩm. Cấp sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất được áp dụng cho hai cấp tòa án: Tòa án sơ thẩm và tòa án đệ nhị cấp. Căn cử để phân định thẩm quyền XXST giữa hai tòa án này là tính chất và giá trị của tài sản tranh chấp.

Theo Sắc lệnh số 51/SL thì bản án XXST chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà còn có thể bị kháng cáo để xem xét lại. Việc xem xét lại này do tòa án trên một cấp của tòa án đã ra bản án sơ thẩm bị kháng cáo tiến hành. Tòa án đệ nhị cấp có thẩm quyền phúc thẩm những phán quyết sơ thẩm của tòa án sơ thẩm bị khắng cáo. Tòa thượng thẩm xét xử phúc thẩm những phán quyết sơ thẩm của tòa án đệ nhị cấp bị kháng cáo. Cách quy định này đã tạo nên một hệ thống hai cấp xét xử của tòa án lúc bấy giờ. Hiến pháp năm 1959, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 ra đời đã quy định về nguyên tắc hai cấp xét xử. Sau này, Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 1989 và kể cả sau khi có Hiến pháp 1980 thì về cơ bản việc xét xử vẫn được thực hiện theo hai cấp. Tóm lại, trong thời kì này, nguyên tắc hai cấp xét xử đã được hình thành và trở thành cơ chế vận hành cơ bản của tòa án, có tính chất xuyên suốt toàn bộ các quá trình phát triển của tổ chức tòa án. Đó là việc thực hành chế độ hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm.

2.2. Giai đoạn tử năm 1989 đến năm 2004.

Giai đoạn này nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử vẫn chưa được quy định thành một điều luật cụ thể theo đó một vụ án dân sự được xét xử thông qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động xét xử của tòa án: “Đổi mới thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo việc xét xử vừa đúng đắn, vừa nhanh chóng” đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động xét xử của tòa án. Đặc biệt, sự ra đời của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 đã đánh dấu một mốc quan trọng khi quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử tại Điều 11: “Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử ”. Như vậy, mặc dù PLTTDS chưa có một quy định cụ thể nào về nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử, nhưng bằng đường lối chính sách của Đảng và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, pháp luật nước ta vẫn thừa nhận nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử là một nguyên tắc không thể thiếu trong TTDS.

2.3. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay.

Khi BLTTDS được ban hành năm 2004 khi hai cấp xét xử mới chính thức được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản (tại Điều 17 BLTTDS). Tuy vậy, những nội dung cơ bản của nguyên tắc này trong BLTTDS hầu như không có sự thay đổi so với các văn bản PLTTDS trước đây. Nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định tại Điều 17, Điều 245, Điều 247 và Điều 252 BLTTDS.

II. Quy định của pháp luật về thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự.
1. Quy định của PLTTDS Việt nam về xét xử ở cấp sơ thẩm.

- Về cơ sở pháp lí cho việc xét xử ở cấp sơ thẩm: Thứ nhất, đó là hành vi khởi kiện, cơ sở làm phát sinh quan hệ PLTTDS ,Tòa án chỉ giải quyết vụ án dân sự khi đơn khởi kiện của các chủ thể có thẩm quyền nộp đơn khởi kiện theo quy định của PLTTDS, đơn khởi kiện thỏa mãn các điều kiện về nội dung, hình thức và họ đã nộp tiền tạm ứng án phí; thứ hai là quyết định đưa vụ án ra xét xử, đây là cơ sở pháp lí để tòa án mở phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự.

- Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm: Theo LTCTAND năm 2002, XXST thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh. Việc phân định thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm giữa TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện chủ yếu dựa trên tiêu chí tính chất đơn giản, phức tạp của vụ án. Hiện nay, thẩm quyền XXST của tòa án cấp huyện đã được mở rộng phần lớn các vụ án dân sự được xét xử ở cấp huyện. Tuy nhiên, việc tổ chức hệ thống tòa án và phân định thẩm quyền như hiện nay dẫn đến lượng án tòa án cấp tỉnh phải xét xử là tương đối lớn, khi vừa phải XXST vụ án dân sự, vừa XXPT vụ án dân sự mà các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Về phiên tòa sơ thẩm dân sự.
+ Thành phần hội đồng XXST dân sự: Theo Điều 52 BLTTDS, thành phần hội đồng XXST vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt thì HĐXXST có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Bên cạnh đó, BLTTDS còn quy định về việc thay thế thành viên HĐXX trong trường hợp đặc biệt nếu có thành viên của HĐXX không thể tham gia xét xử (Điều 198). Trên thực tế, xét về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử thì đa số các Thẩm phán vượt trội hơn hẳn so vởi Hội thẩm nhân dân, đôi khi việc tham gia của HTND chi mang tính hình thức. Trong khi đó khi nghị án, HTND luôn chiếm đa số trong biểu quyết, ý kiến của Thẩm phán nhiều khi là thiểu số và chỉ được trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Điều này dẫn đến tình trạng bản án, quyết định có thể bị sửa hoặc bị hủy. Việc tham gia của HTND là cần thiết bảo đảm tính dân chủ và sự quan sát của nhân dân trong HĐXX, vì vậy thành phần HĐXX ST nên có một HTND và hai Thẩm phán.

+ Những người tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự: Sự tham gia phiên tòa của những người tham gia tố tụng được quy định tại các điều từ 199 đến 206 BLTTDS. Trong đó sự có mặt của các đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là quan trọng nhất. Ngoài ra tùy từng vụ án, PTSTDS còn có thể có sự tham gia của người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.

Khoản 2 Điều 21 BLTTDS quy định Viện kiểm sát chỉ tham gia PTSTDS đối với những vụ án dân sự mà đương sự có khiếu nại về biện pháp thu thập chứng cứ của tòa án. Tuy nhiên để tăng cường sự giám sát của Viện kiểm sát đối với hoạt động xét xử VADS, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã quy định thêm trường hợp Viện kiểm sát tham gia PTSTDS đối với nhứng vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần.

+ Hoãn phiên tòa sơ thẩm dân sự.
BLTTDS quy định HĐXX phải hoãn phiên tòa trong các trương hợp quy định tại khoản 2 Điều 51, Điều 207, Điều 199 đến Điều 203, khoản 2 Điều 72, khoản 4 Điều 230, khoản 2 Điều 206, Điều 204, Điều 205.

+ Trình tự xét xử tại phiên tòa sơ thẩm dân sự.
Tại chương XIV BLTTDS (Điều 213 đến Điều 239), bao gồm các thủ tục: Bắt đầu phiên tòa, hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án.

2. Quy định của PLTTDS Việt nam về xét xử ở cấp phúc thẩm.

- Về cơ sở pháp lí của việc xét xử phúc thẩm: Không phải tất cả các vụ án xét xử qua cấp sơ thẩm đều bị phúc thẩm, chỉ những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án mới bị XXPT. Như vậy cơ sở pháp lí làm phát sinh XXPT là dựa trên kháng cáo, kháng nghị PTDS. Theo quy định của BLTTDS thì các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị là các bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Việc BLTTDS quy định mọi bản án, quyết định sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị đã làm giảm hiệu quả của việc xét xử cũng như hao tổn về thời gian, sức lực, tốn kém các chi phí.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 BLTTDS: Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết. Tuy nhiên quy định không rõ ràng, cụ thể như thế nào là không vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu dẫn đến khó khăn cho các tòa án khi áp dụng áp dụng quy định này.

- Về thẩm quyền XXPT: Tòa án có thẩm quyền XXPT là Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao cụ thể quy định tại Điều 30 luật tổ chức tòa án nhân dân tối cao năm 2002.

Theo quy định tại Điểm a, Điều 24 LTCTAND năm 2002, các Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.

- Về thủ tục XXPT: 
+ Phạm vi XXPT : Điều 263 BLTTDS quy định: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết NQ 05/NQ-HĐTP/2006 thì để đảm bảo quyền lợi của đương sự có kháng cáo và cho cả đương sự không có kháng cáo hay không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể xem xét phần khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị.

+ Thành phần HĐXXPT: Tại Điều 53 BLTTDS quy định thành phần HĐXXPT gôm 3 Thẩm phán trong đó 1 Thẩm phán giữ vai trò làm chủ tọa phúc thẩm. Không có sự tham gia của hội thẩm nhân dân. Điều này là hợp lí vì mục đích của XXPT thực chất là đánh giá lại kết quả hoạt động nhận thức vụ án dân sự của HĐXXST nên HĐXXPT nên được cơ cấu chú trọng chuyên môn.

+ Những người tham gia PTPTDS: Theo quy định tại Điều 264 BLTTDS người kháng cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải được triệu tập tham gia phiên tòa. Tòa án có thể triệu tập thêm những người tham gia tố tụng khác nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia PTPT trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc đã tham gia PTST hoặc đã có kháng nghị về việc thu thập chứng cứ của tòa án cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, để đề cao chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát trong TTDS nên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định: “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa phúc thầm”.

+ Thủ tục tiến hành PTPTDS: 
Để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử, thủ tục tiến hành phiên tòa phúc thẩm được quy định giống phiên tòa sơ thẩm gồm: thủ tục bắt đầu phiên tòa, xét hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa, nghị án và tuyên án.

III. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt nam về nguyên tắc hai cấp xét xử và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Thực tiễn áp dụng.
1.1. Thực tiễn áp dụng quy định của PLTTDSVN về XXST.
Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng vụ án phải thụ lí xét xử ở cấp sơ thẩm không giảm nhưng tốc độ giải quyết tại cấp này đã nhanh chóng hơn, lượng án tồn đọng ngày càng hạn chế, chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, các Tòa án đã khắc phục khó khăn, áp dụng đúng pháp luật. Hiện nay đã có nhiều HTND phát huy tốt vai trò của mình, thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ do luậ định góp phần quan trọng vào thành tích của ngành tòa án cùng với Thẩm phán trở thành những người cầm cân nảy mực công minh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xét xử ở cấp sơ thẩm trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như:
- Lượng án tồn đọng tại Tòa án nhân dân các cấp hàng năm nhìn chung có xu hướng giảm nhưng vẫn còn nhiều và có xu hướng tăng giảm không ổn định.

- Các Tòa án khi giải quyết các vụ án dân sự trong nhiều trường hợp còn vi phạm pháp luật tố tụng về thụ lí vụ án; xác định sai tư cách hoặc thiếu người tham gia tố tụng, có trường hợp còn nhầm lẫn giữa việc dân sự với vụ án dân sự dẫn đến việc áp dụng sai luật tố tụng dân sự, thậm chí nhiều trường hợp còn vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục.
- Việc vi phạm về thẩm quyền xét xử vẫn còn xảy ra có những vụ án khi tòa án thụ lý thì đương sự đang định cư tại Mỹ và người này xin được tham gia tố tụng tại tòa án cấp sơ thẩm. Do đó vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện lại thụ lý, xét xử và không đưa người đang định cư tại Mỹ vào tham gia tố tụng là vi phạm về thẩm quyền giải quyết.

- Cho đến nay TANDTC chưa có hướng dẫn về trường hợp các vụ án phức tạp có nhiều đương sự, thành phần HĐXXST vụ án gồm 5 thành viên. Do đó trên thực tế có những vụ án rất phức tạp nhưng TAND thành phố Hà Nội vẫn xét xử với thành phần một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân.

- Việc hoãn phiên tòa không đúng pháp luật vẫn còn xảy ra đối với những vụ án có nhiều đương sự hoặc giá trị tài sản tranh chấp lớn.

- Việc tiến hành PTSTDS chưa tuân thủ triệt để các quy định của BLTTDS. Việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện, còn có không ít trường hợp Tòa án giải quyết vụ án khi chưa đầy đủ các chứng cứ, dẫn đến quyết định tại bản án tuyên chưa đủ căn cứ và bị tòa án cấp trên hủy để giải quyết lại.

- Thẩm quyền HĐXX vi phạm thủ tục tố tụng.
Việc tranh luận nhiều khi chưa tuân thủ triệt để trình tự pháp luật quy định. Thậm chí có trường hợp thủ tục tranh luận không được thể hiện trong trình tự xét xử hoặc việc tranh luận rất mờ nhạt, mang tính hình thức.

- Sai lầm của tòa án trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật khi xét xử, đặc biệt là giai đoạn nghị án đã dẫn đế chất lượng bản án, quyết định sơ thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và đòi hỏi của xã hội, nhiều bản án, quyết định sơ thẩm bị hủy, sửa. 

1.2. Thực tiễn áp dụng những quy định của PLTTDSVN về xét xử phúc thẩm.

Theo báo cáo tổng kết của nghành Tòa án thì tình hình giải quyết các VADSPT những năm gần đây như sau: năm 2005, giải quyết đạt 93% các vụ án đã thụ lý, năm 2006 đạt 93%, năm 2009 đạt 97,9%. Có thể thấy rắng số lượng các VADS nói chung và các VADS được yêu cầu giải quyết theo trình tự phúc thẩm nói riêng ngày càng phát triển, nhìn chung các tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện được đúng các quy định của pháp luật trong việc thụ lý và giải quyết các VADS.

Mặc dù, các tòa án cấp phúc thẩm đã rất cố gắng trong việc giải quyết, xét xử kịp thời, đúng thời hạn, hạn chế đến mức thấp nhất lượng án tồn đọng. Tuy nhiên, lượng án tồn đọng tại các tòa án phúc thẩm hàng năm vẫn tương đối cao, cho thấy tốc độ giải quyết, xét xử ở cấp phúc thẩm vẫn còn chậm.

- Việc hoãn phúc thẩm không đúng quy định vẫn còn xảy ra ở một số tòa án, thậm chí ở tòa phúc thẩm TANDTC, làm kéo dài việc giải quyết vụ án.
- Còn tồn tại trường hợp tòa án vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự.
- Trong một số trường hợp, tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy bản án , quyết định của tòa án cấp sơ thẩm không có căn cứ pháp luật hoặc thiếu tính thuyết phục.

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự.
2.1. Hoàn thiện các quy định của Bộ l uật tố tụng dân sự.
2.1.1. Hoàn thiện các quy định của bộ luật tố tụng dân sự về xét xử sơ thẩm.

Thứ nhất, về tính chất của XXST: BLTTDS chưa xác định tính chất của XXST để có những quy định pháp luật phù hợp với đặc điểm của thủ tục xét xử này, đồng thời làm cơ sở để phân biệt về tính chất giữa thủ tục XXST và XXPT trong TTDS, nên bổ sung như sau: XXST là xét xử lần đầu VADS sơ cấp xét xử thứ nhất – cấp sơ thẩm. Bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm khi tuyên án hoặc sau khi ra quyết định có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của bộ luật này để xét xử lại ở cấp xét xử thứ hai – cấp phúc thẩm. Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của bộ luật này có hiệu lực pháp luật từ ngày ra quyết định.

Thứ hai, sử đổi quy định về thành phần HĐXXST dân sự.
Với cơ cấu và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân trong thành phần HĐXXST như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều khả năng chất lượng xét xử và chất lượng nghị án không được đảm bảo, do đó Điều 52 BLTTDS nên được sửa đổi theo hướng HĐXXST vụ án dân sự gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân; trong trường hợp đặc biệt thì HĐXXST có thể gồm ba Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân.
Thứ ba, Đối với trường hợp phải giám định bổ sung, giám định lại khi cần thiết theo khoản 4 Điều 230 BLTTDS:

Xét về tính chất của hoãn và tạm ngừng phiên tòa thì việc giám định lại, giám định bổ sung là căn cứ tạm ngừng phiên tòa vì hoãn phiên tòa thực hiện ở phần bắt đầu phiên tòa khi tòa án chưa giải quyết về nội dung vụ án còn tạm ngừng phiên tòa có thể hiểu là phiên tòa đã diễn ra nhưng xuất hiện căn cứ không thể tiếp tục xét xử vụ án. Do vậy cần quy định đây là căn cứ tạm ngừng phiên tòa.
Thứ tư, về thẩm quyền của HĐXXST.

Có thể thấy trong tất cả các văn bản pháp luật tố tụng của nước ta rừ rruwowcs đến nay không có văn bản nào quy định về thẩm quyền của HĐXXST mà quy định thẩm quyền của HĐXXPT, HĐGĐT, HĐTT, tuy nhiên ở một gốc độ nào đó việc này dường như đã tạo ra một khoảng trống, một sự không chặt chẽ, một tâm lí không yên tâm như vậy sẽ không phải là thừa nếu quy định.

2.1.2. Hoàn thiện các quy định của BLTTDS về xét xử phúc thẩm.

- Một là, không quy định quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADSS là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự. Theo đó, đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là các bản án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm.
- Hai là, cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào là không vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu.

- Ba là, hạn chế kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của Viện kiểm sát bởi trong TTDS, quyền tự định đoạt của đương sự được tôn trọng và trách nhiệm chứng minh của các đương sự được đề cao cũng như để đảm bảo tính độc lập xét xử của tòa án nên cần thiết phải hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào quy trình giải quyết VADS. Bên cạnh đó không đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp là tăng cường thực hiện chức năng “thực hiện quyền công tố” thu hẹp dần chức năng kiểm sát hoạt động xét xử dân sự.

- Bốn là, sửa đổi, bổ sung các quy định và thủ tục kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm . Sau khi nhận được đơn kháng cáo tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo tuy nhiên BLTTDS chưa có quy định về việc khi kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo mà phát hiện đơn kháng cáo chưa đủ điều kiện về nội dung và hình thức thì tòa án cấp sơ thẩm có quyền trả lại đơn. Chưa có quy định về hình thức trả lại đơng kháng cáo, quyết định kháng nghị, chưa có quy định về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị. 

2.2. Một số kiến nghị khác.

- Tăng cường công tác giải thích, hướng dẫn, áp dụng pháp luật: Để đảm bảo xét xử VADS đạt được hiệu quả cần phải nâng cao công tác giáo dục, tuyên truyền và phổ biến PLTTDS, làm cho mọi người hiểu rằng việc giải quyết các VADS tại tòa án không những chỉ là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mà còn là việc của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. 

- Nâng cao năng lực của người tiến hành tố tụng: + Tăng cường việc đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán và Hội thẩm.
+ Làm tốt hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong công tác xét xử của các tòa án.
+ Khuyến khích tòa án các cấp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin ttrong công tác tòa án, đặc biệt là soạn thảo các bản án, quyết định và các văn bản tố tụng nhằm khắc phục việc chậm phát hành các văn bản này.

- Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động xét xử.
Hiệu quả xét xử phụ thuộc rất nhiều vào việc đảm bảo các điều kiện cần thiết. Tuy nhiên tình hình thực tế hiện nay cho thấy vẫn có nhiều tòa án chưa có trụ sở làm việc, nhất là các tòa án mới được thành lập mới do chưa tách các đơn vị hành chính, các thiết bị loa đài, âm thanh không được tốt.

No comments:

Post a Comment