06/11/2014
Luật tố tụng Dân sự - Bài tập cá nhân về thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp về chia thừa kế quyền sử dụng đất
ĐỀ BÀI: Ông A và bà B có ba người con chung là C, D, E. C cư trú tại quận N thành phố H. D, E cư trú tại quận P thành phố Q. Năm 2005 ông A, bà B chết không để lại di chúc. Ông A, bà B có một mảnh đất diện tích 500m2 tại quận M thành phố H. Sau khi ông A, bà B chết C, D xẩy ra tranh chấp về việc phân chia di sản thừa kế mảnh đất trên. C khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chia thừa kế. Anh chị hãy xác định:

1. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ án này ? Tại sao?

2. Sau khi nhận được đơn khởi kiện của C, Tòa án đã không thụ lý vụ án vì cho rằng tranh chấp về chia thừa kế quyền sử dụng mảnh đất trên chưa qua hòa giải ở cơ sở . Anh chị hãy bình luận cách giải quyết trên của Tòa án .

1. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ án này? Tại sao?

Tòa án nhân dân quận M thành phố H có thẩm quyền giải quyết vụ án này. Vì :
Một là , về loại việc thì  đây là vụ việc tranh chấp phân chia di sản thừa kế là mảnh đất diện tích 500m2  của ông A và bà B thực chất là vụ việc dân sự phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự và do pháp luật dân sự điều chỉnh . Vậy nên vụ án này thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án được quy định tại Khoản 7 Điều 25 BLTTDS . Tuy nhiên do đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất nên theo quy định của Luật đất đai 2003 , Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án này nếu đương sự có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất và đồng thời vụ tranh chấp trên phải đã qua hòa theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai năm 2003 .

Hai là , về thẩm quyền Tòa án theo cấp thì vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 33 BLTTDS . Đồng thời xét thấy tranh chấp này cũng ko thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 33 BLTTDS . Vậy nên thẩm quyền giải quyết vụ án trên thuộc về Tòa án cấp quận , huyện , thị xã , thành phố trực thuộc Tỉnh .

Ba là , về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản . Theo Điều 174 Bộ Luật dân sự thì đất đai và tài sản gắn liên với đất là bất động sản . Vậy nên thẩm quyền giải quyết vụ án này thuộc về Tòa án nhân dân quận M thành phố H - nơi có mảnh đất  diện tích 500m2  của ông A và bà B . Quy định này của pháp luật nhằm trao thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp bất động sản cho Tòa án có điều kiện thuận lợi , tốt nhất trong hoạt động xác minh , xem xét tình trạng bất động sản , thu thập giấy tờ tài liệu liên quan đến bất động sản . Bởi lẽ giấy tờ tài liệu , liên quan đến bất động sản do cơ quan nhà đất hoặc chính quyền địa phương nơi có bất động sản quản lí.

Như vậy Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án này là Tòa án nhân dân quận M , Thành phố H – Tòa án nơi có bất động sản .

2. Sau khi nhận được đơn khởi kiện của C, Tòa án đã không thụ lý vụ án vì cho rằng tranh chấp về chia thừa kế quyền sử dụng mảnh đất trên chưa qua hòa giải ở cơ sở . Anh chị hãy bình luận cách giải quyết trên của Tòa án .

Theo em , cách giải quyết trên của Tòa là hoàn toàn hợp lí vì : Theo quy định tại Điều 135 , Điều 136 Luật đất đai năm 2003 , đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất thì thủ tục hòa giải ở cấp cơ sở là bắt buộc nên chỉ sau khi UBND cấp xã, phường ,thị trấn đã tiến hành hòa giải mà một hoặc các bên đương sự không nhất trí thì mới được phép khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết (nếu có một trong các giấy tờ hợp lệ quy định tại Điều 136 Luật dất đai 2003).  Tuy nhiên hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể tranh chấp nào phải qua hòa giải , nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì những tranh chấp này bao gồm cả tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất . Vậy nên nếu tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất chưa qua thủ tục hòa giải tại cơ sở theo đúng quy định thì Tòa sẽ không thụ lý vụ án do không đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự mà cụ thể là không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Như vậy vụ án dân sự tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất này không đủ điều kiện để khởi kiện do các bên không tiến hành thủ tục hòa giải theo quy định của Luật đất đai 2003 nên Tòa án đã không thụ lý vụ án là hoàn toàn phù hợp với những quy định của pháp luật Tố tụng dân sự và pháp luật đất đai .

Tuy Tòa án không thụ lí vụ án trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nhưng từ đó cho ta thấy một số vấn đề phát sinh đối vơi việc giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất mà cụ thể là về vấn đề nên bỏ hay giữ thủ tục hòa giải trong tranh chấp đất đai , hiện nay vấn đề này còn nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Nhưng theo em việc giữ thủ tục hòa giải trong tranh chấp đất đai là vẫn cần thiết vì việc hòa giải giảm rất nhiều áp lực và số lượng công việc cho ngành Tòa án đồng thời tạo điều kiện cho các bên được đàm phán , thỏa thuận trực tiếp về vấn đề tranh chấp và tiết kiệm được nhiều chi phí cho các bên  . Ví dụ : Theo thống kê đến hết năm 2011, tại TP.HCM các tổ hòa giải cơ sở ở TP đã hòa giải được 7.092 vụ tranh chấp, trong đó có 4.099 vụ hòa giải thành. Qua hòa giải, các bên đương sự tự nguyện trả cho nhau hơn 468 tỉ đồng, 56,3 lượng vàng, 1.600 USD, 18.637 m2 đất, sáu căn nhà  .

No comments:

Post a Comment