24/01/2015
Các quy định pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về thụ lý, trả lại đơn khởi kiện và kiến nghị hoàn thiện - Bài tập học kỳ Luật Tố tụng Dân sự

Thụ lý là việc Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết. Đây là việc đầu tiên của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, là cơ sở pháp lý phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 có nhiều quy định mới về thụ lý và trả lại đơn khởi kiện. Bài viết sau xin được tìm hiểu vấn đề: “Các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về thụ lý, trả lại đơn khởi kiện và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thụ lý, trả lại đơn khởi kiện”.


NỘI DUNG

Quy định của pháp luật về thụ lý, trả lại đơn khởi kiện

Quy định của pháp luật về thụ lý vụ đơn khởi kiện

Điều kiện thụ lý vụ đơn khởi kiện

Việc thụ lý đơn khởi kiện cũng đồng nghĩa với việc thụ lý vụ án, vì vậy các điều kiện để thụ lý đơn khởi kiện cũng là các điều kiện để thụ lý vụ án dân sự. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chủ thể khởi kiện. Khởi kiện là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tòa sẽ chỉ thụ lý giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện của các chủ thể, và các chủ thể này phải là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm; hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, ngoài ra, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo các quy định của BLTTDS 2004.

Thứ hai, người khởi kiện phải cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu cho tòa án theo quy định tại Điều 165 BLTTDS. Đây là cơ sở để tòa giải quyết đúng đắn vụ án, nếu đương sự không thể tiến hành thu thập đủ chứng cứ thì có thể yêu cầu Tòa giúp đỡ thu thập chứng cứ.

Thứ ba, về nộp tiền tạm ứng án phí, theo quy định tại Điều 131 BLTTDS 2004. Đây là cơ sở đảm bảo cho khởi kiện có căn cứ pháp luật. Đồng thời, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bù đắp một phần chi phí của Nhà nước cho công tác xét xử của tòa án.

Bốn là, điều kiện về đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết phải rõ ràng, đầy đủ, nội dung phải trình bày được vấn đề cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS.

Đó là những điều kiện cơ bản và quan trọng để Tòa thụ lý đơn khởi kiện, nếu thực hiện không đúng thủ tục, tòa sẽ không thụ lý và tiến hành trả lại đơn khởi kiện.

Trình tự, thủ tục thụ lý vụ đơn khởi kiện

* Nhận và xét đơn khởi kiện

- Về việc nộp đơn của đương sự:

Theo quy định tại Điều 167 BLTTDS và Mục 6 Phần 1 Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 có quy định như sau:

“Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn”.

Điều 166 BLTTDS quy định về việc đương sự nộp đơn của đương sự dưới hai phương thức:

Người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 166 thì Tòa án sẽ ghi ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn vào sổ nhận đơn. Và ngày khởi kiện sẽ được xác định là ngày nộp đơn.

Và người khởi kiện gửi đơn đến Tòa án qua bưu điện (điểm b khoản 1 Điều 166); ngày khởi kiện được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được thời gian theo dấu bưu điện trên phong bì thì Tòa án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là “không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện”. Và ngày khởi kiện được xác định là ngày Tòa nhận được đơn do bưu điện chuyển đến.

- Về vấn đề phân công người xem xét đơn khởi kiện:

Theo quy định tại tiểu mục 6.3 Phần 1 Nghị quyết 02/2006 thì: Chánh án hoặc Phó chánh án được chánh án ủy nhiệm (và Chánh tòa hoặc phó chánh tòa được chánh án ủy quyền đối với Tòa án nhân dân tỉnh) phân công cho một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện sẽ phải ra một trong các quyết định sau:

Một là, tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Hai là chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác.

Ba là, trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 168 BLTTDS và thông báo cho người khởi kiện biết.

* Yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện

Điều 169 BLTTDS có quy định: “trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS thì tòa án thông báo cho người khởi kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn do tòa án ấn định nhưng không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt, tòa án có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày”.

Trong trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi bổ sung thì đơn khởi kiện theo đúng quy định của bộ luật thì tòa án sẽ tiếp tục thụ lý, còn nếu không chịu sửa đổi bổ sung thì tòa sẽ trả lại đơn kiện cùng chứng cứ, tài liệu kèm theo.

* Xác định tiền tạm ứng án phí và thông báo cho người khởi kiện

Điều 171 BLTTDS quy định: “sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì tòa phải xác định tiền tạm ứng án phí và thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến tòa làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Tòa dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án về việc nộp tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí”.

* Về việc vào sổ thụ lý vụ án dân sự

Khi người khởi kiện nộp cho tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì tòa án ra quyết định thụ lý vụ án và vào sổ thụ lý vụ án dân sự. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì tòa án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo.

Như vậy, có thể thấy, bộ luật quy định khá chặt chẽ về thủ tục thụ lý vụ án dân sự. Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý. Bởi đây là công việc đầu tiên của tòa án trong quá trình tố tụng. Nó là cơ sở để tòa án thực hiện các công việc tiếp theo theo nhiệm vụ quyền hạn của mình.

Quy định về trả lại đơn khởi kiện

Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện

Được quy định cụ thể tại Điều 168; khoản 2 Điều 169 BLTTDS và Mục 7, tiểu mục 8.4; 8.5 Nghị quyết 02/2006. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết. Để xác định xem thời hiệu khởi kiện đã hết hay chưa thì Tòa án căn cứ vào quy định về thời hiệu khởi kiện đối với từng quan hệ cụ thể. Và theo quy định tại điều 160 bộ luật này, các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự. Do đó, việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện… sẽ được thực hiện theo Bộ luật dân sự (Nghị quyết 01/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự 2004).

- Thứ hai, người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng.

- Thứ ba, sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhà mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện.

- Thứ tư, hết thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện không đến nộp tiền, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

- Thứ năm, chưa có đủ điều kiện khởi kiện. Đó là trường hợp đương sự có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện (về nội dung đơn khởi kiện, về hình thức đơn khởi kiện) nhưng đương sự đã tiến hành khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

- Thứ sáu, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đó là những trường hợp không thuộc một trong các tranh chấp quy định tại các Điều 25, 27, 29 và 31 của BLTTDS.

- Thứ bảy, trường hợp đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, tòa đã thông báo yêu cầu họ sửa đổi, bổ sung trong một thời hạn nhất định, nhưng họ lại không tiến hành sửa đổi bổi sung, thì Tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện (khoản 2 Điều 169 BLTTDS).

Việc trả lại đơn khởi kiện này sẽ được tòa thực hiện bằng văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện.

Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện

Điều 170 BLTTDS quy định: “trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do chánh án tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với chánh án tòa án đã trả lại đơn khởi kiện”.

Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lai đơn khởi kiện, chánh án tòa án phải giải quyết khiếu nại. Tùy trường hợp chánh án tòa án ra quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ để thụ lý vụ án dân sự.

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

Theo quy định tại Điều 176 BLTTDS, phản tố là quyền kiện lại nguyên đơn của bị đơn. Và “cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn”. Yêu cầu đó được chấp nhận trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, theo tinh thần của Điểm a khoản 2 Điều 176 và Tiểu mục 11.2 Nghị quyết số 02/2006 thì: yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn và nguyên đơn cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn, do đó, bị đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

Thứ hai, yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn: là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, và nếu yêu cầu đó được chấp nhận thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ (Tiểu mục 11.3 Nghị quyết 02/2006 và điểm b khoản 2 Điều 176).

Thứ ba, giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Đó là những trường hợp Tòa tiến hành trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Thực tế, các vụ việc này diễn ra ngày càng gia tăng, cần có sự quản lý thống nhất và chặt chẽ trong lĩnh vực này.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thụ lý, trả lại đơn khởi kiện

Nhận xét chung

Sau khi có hiệu lực thi hành, BLTTDS 2004 đã góp phần rất tích cực vào việc giải quyết các vấn đề dân sự diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, một vài con số thống kê có thể nói lên phần nào điều đó.

Theo số liệu thống kê ba năm trở lại đây trong báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, thì: năm 2007, Tòa án nhân dân các cấp giải quyết được 171.681 vụ việc trong tổng số 18.992 vụ việc đã thụ lý, đạt 90,84%. Năm 2008: Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 192.336 vụ việc; đã giải quyết 174.732 vụ, chiếm 90,8% (vượt 3,8% so với chỉ tiêu đề ra). Năm 2009: Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý là: 214.174 vụ việc; giải quyết được 194.358 vụ việc, chiếm 90,7%.

Kết quả này có được phần lớn là do quy định tương đối chặt chẽ trong thực tiễn thi hành và áp dụng luật. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được kể trên, vấn đề thụ lý, trả lại đơn khởi kiện cũng bộc lộ không ít hạn chế, gây khó khăn trong công tác thực hiện và thi hành pháp luật.

Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thụ lý, trả lại đơn khởi kiện

Vấn đề thụ lý, trả lại đơn khởi kiện có nhiều hạn chế. Bài viết chỉ nêu ra một số hạn chế và kiến nghị giải pháp hoàn thiện như sau:

Một là, về thủ tục nhận đơn khởi kiện quy định tại Điều 167 và mục 6 chương 1 Nghị quyết 02/2006.

Trước hết, theo tinh thần tiểu mục 6.3 thì khi có đơn nộp đến tòa, tòa mới thực hiện việc phân công thẩm phán xem xét đơn kiện. Điều này vừa không hợp lý vừa mất thời gian lại không khách quan. Để giải quyết vấn đề này, nên quy định: mỗi tòa cần có một bộ phận chuyên trách để đứng ra giải quyết đơn với nhiệm vụ như: trực tiếp nhận đơn, xem xét về thụ lý, chuyển đơn đến tòa khác, trả lại đơn kiện…. Nhờ vậy, sẽ góp phần giảm thời gian thụ lý, đảm bảo chuyên môn, nâng cao trách nhiệm của bộ phận trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 2 Điều 167 và tiểu mục 6.4.b chương 1 Nghị quyết 02/2006 sẽ dẫn đến cách hiểu, nếu Tòa thấy mình không có thẩm quyền giải quyết vụ án thì vừa phải thông báo cho người khởi kiện, lại vừa phải gửi quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho họ và những người có liên quan. Quy định này là không cần thiết, dẫn đến tình trạng rườm rà, rắc rối trong thủ tục thực hiện. Theo tôi, nên sửa lại là: tòa án không có thẩm quyền sẽ ra quyết định chuyển đơn khởi kiện đến Tòa có thẩm quyền, đồng thời, thông báo cho người khởi kiện biết về vấn đề này.

Cuối cùng, tại khoản 3 điều 167 quy định về việc tòa ra quyết định trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa là không hợp lý. Bởi xét trong cấu trúc bộ luật, đã có một điều quy định cụ thể về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện (Điều 168), và trả lại đơn khởi kiện nếu việc không thuộc thẩm quyền của tòa là điểm e khoản 1 Điều này. Vì vậy, có thể thấy, cùng một vấn đề, có hai điều luật cùng quy định, dẫn đến tình trạng lặp, không thống nhất. Nên, theo tôi, Điều 167 khoản 3 nên sửa thành: “Trả lại đơn cho người khởi kiện, theo quy định của pháp luật”, và Điều 168 sẽ cụ thể hóa các trường hợp đó.

Hai là, về vấn đề gửi tài liệu chứng cứ kèm theo đơn kiện của người khởi kiện quy định tại Điều 165 và hướng dẫn cụ thể tại mục 5 chương 1 Nghị quyết 02/2006 thì nếu trong trường hợp vì lý do khách quan nên người khởi kiện không thể nộp ngay đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Tuy nhiên, lại không hề có bất cứ văn bản nào hướng dẫn rõ thế nào là có lý do khách quan, và hậu quả pháp lý của việc không nộp đủ tài liệu, chứng cứ đó. Điều này đã gây trở ngại đáng kể trong công tác thụ lý, giải quyết đơn kiện, dẫn đến nhiều trường hợp hiểu khác nhau giữa các tòa, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự. Vì thế, theo cá nhân người viết, luật nên quy định cụ thể về vấn đề lý do khách quan để làm căn cứ giúp cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt nhiệm vụ quyền hạn của mình. Đồng thời, nên quy định thêm về hậu quả pháp lý như sau: nếu người khởi kiện không thể nộp ngay đầy đủ tài liệu chứng cứ thì tòa án vẫn thụ lý, nhưng sẽ yêu cầu họ sửa đổi bổ sung, nếu họ không sửa đổi bổ sung trong thời hạn nhất định, tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Ba là, về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn tại khoản 2 Điều 175 và Điều 176 BLTTDS, theo đó, luật không hề quy định thời điểm nào bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và thời điểm nào là chấm dứt quyền yêu cầu phản tố. Với các điều luật đó, có thể dẫn đến cách hiểu, bị đơn chỉ được phản tố trong thời hạn 15 ngày hoặc không quá 30 ngày (trường hợp được gia hạn), kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án. Điều này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất. Do đó cần quy định một cách rõ ràng, đó là: nên để cho bị đơn thực hiện quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn cho đến trước khi mở phiên tòa sơ thẩm nhằm đảm bảo quyền lợi của bị đơn trong tiến trình giải quyết vụ án.

Bốn là, quy định về hình thức văn bản tại điều 170, 171, 172 BLTTDS không cụ thể. Điều 170 chỉ quy định khiếu nại bằng văn bản còn giải quyết khiếu nại thì không quy định. Điều 171 không quy định về hình thức văn bản xác nhận việc tòa thụ lý vụ án; đặc biệt điều 172 và tiểu mục 10.2 Nghị quyết 02/2006 còn quy định việc phân công thẩm phán giải quyết vụ án không phải ra quyết định. Các quy định này là không phù hợp, theo tôi, nên sửa lại hình thức văn bản đó là: quyết định để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan tòa án.

KẾT LUẬN

Thụ lý, trả lại đơn khởi kiện là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Nếu không có thụ lý đơn kiện thì sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của tòa án và các bên đương sự trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Chính vì thế, các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thụ lý và trả lại đơn khởi kiện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đáng kể trong quá trình giải quyết vụ án một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thi hành và áp dụng các quy định của bộ luật, ít nhiều đã bộc lộ những hạn chế và thiếu sót. Để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, các nhà làm luật cần có các quy định khắc phục những điểm khuyết trong các quy định của pháp luật đã xảy ra trong thực, và dự liệu trước được các khó khăn có thể xảy ra trong tương lai, qua đó có những quy định hợp lý, phù hợp với thực tiễn hơn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Tư pháp.

Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004 ( Sửa đổi bổ sung năm 2011).

Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12 tháng 5 năm 2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Nghị quyết số 01/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Đào Thị Hải Yến, Luận văn tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2010.

Thụ lý vụ án dân sự - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Liễu Thị Hạnh, Luận văn thạc sỹ luật học, trường Đại học Luật Hà Nội, 2009.

Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự 2004 của Tòa án nhân dân tối cao, ngày 09 tháng 8 năm 2010.

No comments:

Post a Comment