29/01/2015
Đương sự và việc xác định tư cách của đương sự trong vụ án dân sự - Bài tập nhóm Tố tụng Dân sự

Kiện tụng, tranh chấp là những vấn đề vẫn xảy ra thường ngày trong xã hội hiện nay. Việc giải quyết những xung đột lợi ích phát sinh ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi nào hết. Các quan hệ pháp luật trong đó có quan hệ tố tụng dân sự ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này, nhanh chóng dung hòa được các nhóm lợi ích bị tranh chấp. Tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự, với tư cách là một chủ thể quan trọng không thể thiếu, đương sự trong vụ án dân sự (VADS) thiết lập và tạo dựng nên mối quan hệ pháp lý đó. Việc xác định đúng đắn tư cách đương sự trong VADS càng có ý nghĩa trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Bài luận dưới đây tập trung tìm hiều về vấn đề đó “đương sự và việc xác định tư cách của đương sự trong tố tụng dân sự”.


Khái quát chung về đương sự trong vụ án dân sự

● Trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, đương sự là chủ thể không thể thiếu tham gia vào quan hệ đó. Hiểu một cách thông thường đương sự (đương sự trong vụ việc dân sự) là đối tượng trong một sự việc nào đó được đưa ra giải quyết�.

Vụ án dân sự có thể hiểu là những tranh chấp phát sinh trong cuộc sống hằng ngày, do các đương sự khởi kiện để yêu cầu Tòa án tiến hành giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Đương sự trong vụ án dân sự được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 56 BLTTDS 2004: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Khác với đương sự của một số nước khác thường gồm nguyên đơn và bị đơn�, đương sự trong VADS theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam bao gồm ba loại chủ thể: nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhận thấy, định nghĩa trên đã mở rộng hơn so với quy định trong Pháp lệnh TTDS�, cũng khắc phục và bao quát được tất cả các chủ thể tham gia quan hệ dân sự đã được quy định trong BLDS.

Thứ nhất, ĐS là cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch. Điều 57 BLTTDS đã đưa ra khái niệm năng lực pháp luật TTDS và năng lực hành vi TTDS của công dân Việt Nam:

i) Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi TTDS, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đương sự là người chưa đủ 6 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi TTDS, họ không thể tự mình tham gia TTDS, việc bảo vệ quyền và lợi ích của những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện;

ii) Đương sự là người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do đại diện hợp pháp của họ thực hiện;

iii) Đương sự là người từ đủ 15 tuối đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Quy định này xuất phát từ quy định trong Bộ luật lao động và Bộ luật dân sự�.

Thứ hai, Đương sự là cơ quan bao gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Cơ quan tham gia TTDS thông qua người đại diện theo pháp luật (thủ trưởng cơ quan) hoặc đại diện theo ủy quyền. Thông thường một cơ quan gồm nhiều bộ phận cấu thành về nguyên tắc nếu những bộ phận cấu thành này không có quyền độc lập về tài sản thì các bộ phận này không thể tham gia tố tụng với tư cách Đương sự�, ví dụ: Tòa án nhân dân tối cao có nhiều bộ phận khác nhau trong đó có 5 Tòa chuyên trách và 3 Tòa phúc thẩm hoạt động độc lập, nhưng không có quyền độc lập về tài sản. Do đó các Tòa này không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự, mà đương sự phải là TANDTC. Tuy nhiên, đối với những bộ phận trong cơ quan nhưng lại có quyền độc lập về tài sản, có quyền tham gia các quan hệ dân sự với tư cách độc lập thì bộ phận này vẫn có quyền tham gia TTDS độc lập. Ví dụ: Báo pháp luật của Bộ Tư pháp là một đơn vị của Bộ Tư pháp, nhưng đơn vị này có thẩm quyền ký hợp đồng lao động với phóng viên, có quyền độc lập tham gia các giao dịch dân sự trên cơ sở tài chính độc lập, vì vậy họ có toàn quyền tham gia tố tụng với tư cách là đương sự.

Thứ ba, Đương sự là tổ chức bao gồm: tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Tổ chức là pháp nhân hoặc không phải là pháp nhân và có thể tham gia TTDS với tư cách là Đương sự. Trường hợp tổ chức có nhiều bộ phận thì chỉ những bộ phận hoàn toàn độc lập về tài chính mới có tư cách Đương sự. Ví dụ: Tổng công ty có văn phòng, có phòng kế toán tài vụ…và các công ty thành viên thì văn phòng, phòng kế toán tài vụ… không thể tham gia tố tụng với tư cách Đương sự, nhưng các công ty thành viên, nếu đủ điều kiện là pháp nhân thì được tham gia TTDS với tư cách Đương sự.

Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài thì năng lực pháp luật TTDS được xác định theo pháp luật của nước cơ quan, tổ chức đó được thành lập, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

Đối với tổ chức quốc tế thì năng lực pháp luật TTDS được xác định trên cơ sở điều ước Quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức Quốc tế hoặc điều ước Quốc tế đã được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Điều 408 BLTTDS).

● Đương sự trong VADS phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự và năng lực pháp luật tố tụng dân sự. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng pháp luật quy định cho các cá nhân, tổ chức có các quyền và nghĩa vụ tố ụng dân sự. Nội dung của năng lực pháp luật tố tụng dân sự của đương sự bao gồm toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự mà đương sự có được theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự là khả năng bằng hành vi của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự. Điều 57 BLTTDS quy định khá đầy đủ về năng lực chủ thể của đương sự khi tham gia tố tụng.

● Pháp luật tố tụng dân sự quy định khá cụ thể, chi tiết các quyền và nghĩa vụ của đương sự nói chung cũng như từng loại đương sự nói riêng trong VADS tại các Điều 58, 59, 60, 61, 62 BLTTDS. Đó là các quyền, nghĩa vụ như: cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; yêu cầu cá nhân, tổ chức đang lưu giữ, quản lý, bảo quản chứng cứ cung cấp cho đương sự để giao nộp cho Tòa án; đề nghị tòa án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án trong trường hợp tự mình không thể thực hiện được… Để tham gia tố tụng dân sự một cách thuận lợi nhất, đương sự cần hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Những đương sự cụ thể và vấn đề xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự

Việc xác định tư cách của đương sự trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc xác định đúng đắn một chủ thể là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong VADS không chỉ là một bảo đảm để họ thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng, nhằm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của mình; mà còn là một bảo đảm cho Toà án trong việc giải quyết VADS được đúng đắn, khách quan. Do vậy, xác định tư cách của đương sự trong VADS không thể không dựa trên những căn cứ luật định. Căn cứ vào những quy định của pháp luật sẽ được phân tích rõ sau đây, có thể khái quát các cơ sở, căn cứ để xác định tư cách đương sự trong VADS như sau:

Thứ nhất, xác định tư cách của đương sự trên cơ sở xác định chủ thể có quyền khởi kiện, bị khởi kiện hoặc có quyền yêu cầu, liên quan đến giải quyết yêu cầu;

Thứ hai, xác định tư cách của đương sự căn cứ vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ và vào thời điểm tham gia tố tụng của đương sự đó;

Thứ ba, căn cứ vào thời điểm tham gia tố tụng để xác định tư cách tham gia của đương sự là nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nguyên đơn và việc xác định tư cách của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Nguyên đơn trong VADS tham gia tố tụng dân sự một cách chủ động, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khoản 2 Điều 56 BLTTDS 2004 xác định: “nguyên đơn trong VADS là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết VADS khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do BLTTDS này quy định khởi kiện VADS để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.” Như vậy, nguyên đơn trong VADS xác định trong ba trường hợp sau:

Là người mà tự mình khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ: Tháng 1/2009, Hải cho Khoa vay một khoản tiền là 10 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Đến hạn, Khoa không trả nợ dù Hải đã tìm mọi cách để đòi nợ. Tháng 3/2010 Hải kiện Khoa ra Tòa, yêu cầu Khoa trả nợ 10 triệu đồng như đã vay. Hải được gọi là nguyên đơn trong vụ án đòi tiền nợ;

Là người được người khác khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Ví dụ: Hội phụ nữ phường Hà Cầu khởi kiện yêu cầu Tòa buộc anh Nam, từng là chồng chị Hoa phải bồi thường thiệt hại cho chị Hoa do hành vi đập phá đồ đạc của chị sau khi hai người đã ly hôn. Trường hợp này, chị Hoa được xác định là nguyên đơn, Hội phụ nữ đứng ra khởi kiện vì lợi ích của chị Hoa được xác định là người đại diện cho chị Hoa.

Là người khởi kiện VADS để bảo vệ lợi ích chung, lợi ích cộng đồng. Ví dụ: Công ty Môi trường khởi kiện yêu cầu Tòa buộc chị Đào bồi thường thiệt hại vì hành vi đổ rác thải ra sông gây ô nhiễm môi trường chung. Công ty Môi trường là nguyên đơn trong vụ án này, khởi kiện để bảo vệ môi trường trong sạch cho cộng đồng.

Điều này cho thấy, người khởi kiện có thể là nguyên đơn hay người đại diện hợp pháp của nguyên đơn. Còn nguyên đơn không phải mọi trường hợp đều là người khởi kiện. Nguyên đơn có thể không là người có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Nói như vậy, để xác định tư cách một chủ thể là nguyên đơn trong VADS cần căn cứ vào những yếu tố sau:

i) Chủ thể là một bên trong quan hệ tranh chấp (là người giả thiết bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp). Một khi không có tranh chấp thì không có cơ sở để phát sinh quan hệ tố tụng dân sự sau này. Đồng thời, khi bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật khẳng định quyền lợi của chủ thể có bị xâm hại hay không thì quyền và lợi ích này cũng chỉ dừng lại ở giả thiết bị xâm hại;

ii) Chủ thể có năng lực chủ thể TTDS bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi TTDS. Để tự mình tham gia quan hệ pháp luật TTDS với tư cách nguyên đơn, đòi hỏi chủ thể có đầy đủ năng lực chủ thể TTDS, trường hợp chủ thể bị hạn chế năng lực chủ thể TTDS, tham gia quan hệ TTDS phải có người đại diện.

iii) Chủ thể là người đã thực hiện hành vi khởi kiện, hoặc được người khác khởi kiện thay theo quy định của pháp luật. Qua hành vi này, chủ thể yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, hoặc lợi ích công cộng, lợi ích thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

iv) Chủ thể phải làm đơn khởi kiện theo đúng nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS. Đây chính là điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng đã được quy định.

Bên cạnh đó, để xác định một chủ thể là nguyên đơn của vụ án dân sự còn căn cứ vào thời điểm khởi kiện. Đó là trường hợp cả hai bên chủ thể của một quan hệ pháp luật nội dung trong tranh chấp cùng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nội dung tranh chấp đó, thì Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bên nào trước thì bên đó được xác định là nguyên đơn.

Ngoài những căn cứ trên để một chủ thể trở thành nguyên đơn trong vụ án dân sự thì bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có thể trở thành nguyên đơn trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình. Khi đó bị đơn trở thành nguyên đơn.

Thứ hai, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ với yêu cầu độc lập trở thành nguyên đơn.

Bị đơn và việc xác định tư cách của bị đơn trong vụ án dân sự

Bị đơn trong VADS là người tham gia tố tụng dân sự một cách bắt buộc, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và thường có quyền lợi đối kháng với nguyên đơn. Bị đơn đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình giải quyết VADS. Khoản 3 Điều 56 BLTTDS 2004 xác định: “Bị đơn trong VADS là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết VADS khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. Hay nói một cách đơn giản, bị đơn trong VADS là người có tên trong đơn kiện của nguyên đơn.

Từ đó có thể xác định tư cách một chủ thể là bị đơn trong VADS căn cứ vào những điều kiện sau:

i) Chủ thể bị nguyên đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS thông qua đơn khởi kiện. Đây chính là căn cứ trước tiên để xác định một người có là bị đơn của VADS hay không. Một khi không có đơn khởi kiện, hoặc đơn khởi kiện không thỏa mãn những nội dung được pháp luật tố tụng dân sự quy định, khiến không thể xác định được rõ ràng bị đơn thì chủ thể đó không thể trở thành bị đơn của VADS;

ii) Chủ thể phải có năng lực hành vi và năng lực pháp luật tố tụng dân sự. Điều này đảm bảo để chủ thể có thể thực hiện được các quyền và gánh chịu những nghĩa vụ do pháp luật TTDS quy định. Trường hợp, bị đơn bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện hợp pháp của họ là người thay mặt họ để thực hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng.

iii) Chủ thể giả thiết đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu nguyên đơn trong VADS là người giả thiết cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, thì bị đơn là người được giả thiết đã xâm hại đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Việc khẳng định quyền và lợi ích này có thực sự bị bị đơn xâm hại hay không phải dựa vào quyết định của Tòa án.

Cũng căn cứ vào thời điểm kiện mà một chủ thể có thể được xác định là bị đơn hay nguyên đơn. Đó là trường hợp cả hai bên chủ thể của một quan hệ pháp luật nội dung trong tranh chấp cùng khởi kiện để yêu cầu TA giải quyết quan hệ nội dung tranh chấp đó, thì bên mà Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau bên kia được xác định là bị đơn.

Ngoài ra, trong quá trinh giải quyết vụ án dân sự tại Tòa, bị đơn có thể trở thành nguyên đơn như đã nói, và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có thể trở thành bị đơn trong những trường hợp xác định căn cứ vào Khoản 1, 2 Điều 219 BLTTDS 2004:

Nguyên đơn trở thành bị đơn trong trường hợp: nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố.

Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và việc xác định tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong VADS là người tham gia tố tụng vào VADS đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ lợi ích của mình. Việc tham gia của họ có thể xuất phát từ chính họ (chủ động tham gia) hoặc theo yêu cầu của đương sự khác hoặc Tòa án. Khoản 4 Điều 56 xác định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong VADS là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết VADS có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể là người có yêu cầu độc lập, họ được tự mình yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của mình, tách riêng, độc lập và không phụ thuộc với những yêu cầu của đương sự khác tham gia tố tụng. Thường những người này cho rằng đối tượng hay phần đối tượng tranh chấp giữa nguyên đơn, bị đơn là thuộc về mình. Cũng do đặc điểm này mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đủ điều kiện pháp lý để kiện VADS riêng, song do vụ án phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn, nên việc tham gia vào VADS giữa nguyên đơn và bị đơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có thể là người có yêu cầu không độc lập, ở đây họ không được tự mình yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích cho mình, yêu cầu phụ thuộc vào việc tham gia tố tụng, vào yêu cầu của nguyên đơn hay bị đơn. Chính vì vậy, họ không thể khởi kiện riêng để Tòa án giải quyết quyền lợi cho riêng họ.

Việc xác định tư cách của một chủ thể là người có quyền lợi, nghia vụ liên quan có thể dựa vào những đặc điểm sau:

i) Về thời điểm tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào VADS đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

ii) Kết quả giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn của Tòa án có thể ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

iii) Họ có thể bảo vệ lợi ích của mình bằng cách đưa ra yêu cầu độc lập hoặc không đưa ra yêu cầu độc lập, đứng về phía nguyên đơn hoặc đứng về phía bị đơn để chống lại đương sự phía bên kia.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về đương sự trong tố tụng dân sự

Để giúp thẩm phán có thể thực có hiệu quả công tác xét xử thông qua việc xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng của mình, trước tiên cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng thông qua việc quy định đầy đủ, hướng dẫn chính xác quy phạm pháp luật đã ban hành đồng thời phải có những sửa đổi, bổ sung để đáp ứng những thay đổi hàng ngày trong các quan hệ pháp luật nội dung. Cụ thể:

Thứ nhất, cần quy định bổ sung khái niệm đương sự trong tố tụng dân sự. Vì quy định hiện hành mới chỉ đề cập tới đương sự trong vụ án dân sự mà chưa có một khái niệm đầy đủ về đối tượng này trong tố tụng dân sự. Bên cạnh đó cần phải làm rõ khái niệm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phản ánh được chính xác bản chất của đối tượng này khi họ xuất hiện trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời pháp luật cần phân biệt rõ hai loại người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này có ý nghĩa trong thực tiễn giải quyết yêu cầu của họ mà trước tiên là để Tòa án xác định đúng đắn tư cách của đương sự.

Thứ hai, về năng lực hành vi tố tụng quy định tại Điều 57 BLTTDS, xét thấy có thể gộp khoản 4 và 5 thành một khoản với nội dung “Đương sự là người dưới mười lăm tuổi thì việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện” để tránh đồng nhất giữa năng lực hành vi tố tụng dân sự với năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó cần bổ sung quy định “người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vấn có năng lực hành vi tố tụng dân sự trong lĩnh vực không bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế”;

Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng được thừa nhận là đương sự trong vụ kiện. Trong khi đó các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Quan niệm này dẫn đến mâu thuẫn giữa quy định của luật thực định với khái niệm đương sự trong lí luận khoa học về tố tụng dân sự. Do đó thiết thấy cần phải được sửa đổi.

Thực thiễn xác định tư cách đương sự tại Toà án cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những sai sót trong xác định tư cách người tham gia tố tụng là do lỗi chủ quan của các Thẩm phán. Chính vì vậy, bên cạnh cần có những thay đổi phù hợp về mặt pháp luật thì một trong những việc cấp bách phải làm đó là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng. Cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán. Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm của cán bộ ngành Tòa án và xử lý triệt để những sai phạm trong lĩnh vực này nhằm hạn chế những tổn thất cho đương sự và chính ngành Tòa án.

Ngoài việc đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ xét xử cho các thẩm phán cần phải chú trọng tới công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật thong qua công tác đối ngoại, báo chí, truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia và quá trình tố tụng. Điều này là rất cần thiết bởi hầu hết người dân trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Vì vậy, không ít trường hợp Thẩm phán xác định sai hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia tố tụng nhưng do không hiểu biết pháp luật nên người chịu thiệt do những sai phạm của Tòa án lại là chính họ.

LỜI KẾT

Tóm lại, việc xác định tư cách của đương sự trong VADS phải được căn cứ vào những quy định luật định. Đồng thời việc hiểu rõ và nắm bắt được cụ thể, chính xác các quyền, nghĩa vụ của đương sự trong VADS cũng như đặc trưng cụ thể của từng nhóm đương sự có ý nghĩa trong việc xác định đúng tư cách của đương sự trong VADS. Lý thuyết khoa học về tố tụng dân sự và thực tế thi hành pháp luật đều khẳng định: đương sự và vấn đề xác định tư cách của đương sự trong VADS đóng vai trò quan trọng trong việc Tòa án giải quyết đúng hướng VADS./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2005;

2. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004;

3. Luận án Tiến sĩ luật học, Nguyễn Triều Dương. Người hướng dẫn khoa học: 1. TS.Hoàng Ngọc Thinh; 2. PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên, Đương sự trong tố tụng dân sự - một số vấn đề lý luận và thực tiễn;

4. Khoá luận tốt nghiệp, Lê Thị Phượng. Người hướng dẫn: THS. Trân Phương Thảo, Đương sự trong tố tụng dân sự, HN – tháng 4/2010;

5. ThS. Nguyễn Việt Cường – Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao , Đương sự trong vụ án dân sự.

No comments:

Post a Comment