29/01/2015
Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn Tòa án của đương sự - Bài tập nhóm Tố tụng Dân sự
Khái quát chung về thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn Tòa án của đương sự.

Khái niệm.


Ở nước ta hiện nay, các tòa án được tổ chức theo các đơn vị hành chính lãnh thổ tòa án cấp huyện chỉ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại việc mà pháp luật quy định, trong khi đó tòa án cấp tỉnh có quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm giám đốc thẩm và tái thẩm. Trong các loại thẩm quyền trên thì thẩm quyền sơ thẩm dân sự của tòa án có vai trò rất quan trọng. Bởi vì, sơ thẩm là cấp đầu tiên giải quyết vụ việc dân sự bằng một phiên tòa sơ thẩm hoặc phiên họp. Thuật ngữ vụ việc dân sự được sử dụng ở đây với hàm ý bao gồm vụ án dân sự và vụ việc dân sự. Từ những phân tích trên có thể định nghĩa thẩm quyền sơ thẩm dân sự của tòa án như sau: “thẩm quyền sơ thẩm dân sự của tòa án là quyền của tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc dân sự và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục sơ thẩm, được xác định trên cơ sở nơi cư trú, nơi có trụ sở của một trong các bên đương sự, nơi có bất động sản hoặc nơi phát sinh sự kiện hoặc các dấu hiện khác mà pháp luật có quy định.”


Về quyền lựa chọn của Tòa án của đương sự có thể hiểu đó là: khả năng mà pháp luật trao cho đương sự trong việc lựa chọn một Tòa án giải quyết một vụ việc dân sự nhất định khi mà có nhiều Tòa án cùng có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.

2. Cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn Tòa án của đương sự

Việc xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là sự phân định thẩm quyền sơ thẩm vụ việc dân sự giữa các tòa án với nhau. Hiện nay, các quy định của BLTTDS về xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ cũng dựa trên cơ sở nhất định:

Về nguyên tắc, việc xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ phải được tiến hành trên cơ sở đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự của tòa án được nhanh chóng đúng đắn, bảo đảm việc bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng, tránh việc chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền giữa các tòa án cùng cấp. Bên cạnh đó giải quyết các vụ việc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự trong việc tham gia vào quá trình tố tụng cũng như cung cấp chứng cứ, đi lại có mặt khi được tòa án triệu tập. Như vậy có thể thấy việc xét xử được thuận lợi, tiết kiệm công sức, tiền bạc và thời gian của người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, việc phân định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ còn phải đảm bảo quyết định tự định đoạt của đương sự. Trong một số trường hợp pháp luật quy định cho nguyên đơn người, người yêu cầu có quyền lựa chọn một trong các tòa án có yêu cầu giải quyết vụ việc mà không phụ thuộc vào ý chí của bị đơn, người bị yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

Hiện nay, cơ sở pháp lý quan trọng xác định thẩm quyền dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được thể hiện tại Điều 35 và Điều 36 BLTTDS. Vấn đề còn được hướng dẫn thi hành tại Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 3 năm 2005 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

3. Mối quan hệ giữa thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của đương sự.

Có thể nói mối quan hệ giữa thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và thẩm quyền Tòa án theo sự lựa chọn của đương sự được ví như mối quan hệ giữa “nguyên tắc” và “ngoại lệ”. Ở đây, việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ mang tính “nguyên tắc”còn việc xác định thẩm quyền tòa án theo sự lựa chọn của đương sự mang tính “ngoại lệ” của nguyên tắc. Như vậy, khi đã được xem là nguyên tắc thì thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ luôn được được xác định trước. Và chỉ khi thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của đương sự không trái với nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ thì mới được áp dụng. Do đó, bất kì một vụ việc dân sự nào khi giải quyết đều phải xác định thẩm quyền theo lãnh thổ trước khi xét thẩm quyền theo sự lựa chọn của đương sự.

Nói cách khác, phải áp dụng Điều 35 BLTTDS để xác định thẩm quyền. Nếu là trường hợp bắt buộc phải tuân theo Điều 35 BLTTDS thì không chấp nhận yêu cầu lựa chọn Tòa án của nguyên đơn, người yêu cầu. Vì vậy, khi nguyên đơn chọn Tòa án để khởi kiện thì phải đối chiếu với quy định của Điều 35 BLTTDS để xác định việc nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết có được pháp luật cho phép hay không? Và có phù hợp, có thỏa mãn điều kiện đã quy định ở Điều 36 BLTTDS hay không? Đồng thời, chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định việc chọn Tòa án giải quyết không đòi hỏi phải có bất cứ một điều kiện nào thì nguyên đơn, người yêu cầu mới có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở, hoặc nơi xảy ra sự việc giải quyết.

Giữa “ngoại lệ” và “nguyên tắc” luôn có tác động tương hỗ và phụ thuộc vào nhau. Do đó việc xác định thẩm quyền theo sự lựa chọn của đương sự luôn phải dựa vào quy định về xác định thẩm quyền theo lãnh thổ. Ngược lại, nếu thiếu những quy định mang tính “ngoại lệ” này thì việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ sẽ không thể hoàn thiện và thiếu đi tính hợp lý. Bởi trong một số trường hợp việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ gặp khó khăn. Ví dụ: trong vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở một nơi khác nhau, hoặc trong vụ tranh chấp bất động sản, các bất động sản ở nhiều nơi khác nhau… Vì thế những quy định về quyền lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu theo Điều 36 BLTTDS chính là đảm bảo tính hợp lý trong thực tiễn xét xử các vụ việc dân sự.

Nội dung thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn Tòa án của đương sự.

1. Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ.

Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo vụ án dân sự.

Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các vụ án dân sự về bất động sản:

Đối với các tranh chấp về bất động sản, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi có bất động sản. Để xác định được như thế nào là tranh chấp về bất động sản thì trước tiên cần phải xác định bất động sản bao gồm những tài sản nào và tài sản đó có đúng là đối tượng của việc tranh chấp hay không?

Theo quy định của BLDS 2005 thì bất động sản là các tài sản bao gồm: “Đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai; các tài sản khác do pháp luật quy định” (Điều 174 BLDS 2005). Bất động sản là loại tài sản không dịch chuyển được, bên cạnh đó, các giấy tờ, tài liệu quan trọng liên quan đến bất động sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở do cơ quan địa phương cấp, quản lý. Do đó, việc quy định Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết là quy định phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho Tòa án có thể xác minh, thu thập các giấy tờ, tài liệu liên quan, xây dựng hồ sơ, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác nhất.

Thứ hai, thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các vụ án không phải là tranh chấp về bất động sản

Trong trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của BLTTDS là Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc, nơi có trụ sở của bị đơn. Điểm a Khoản 1 Điều 35 BLTTDS quy định như sau: “Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Như vậy, theo quy định này thì tùy thuộc vào bị đơn là cơ quan, tổ chức hay cá nhân mà thẩm quyền của Tòa án được xác định khác nhau:

Trường hợp thứ nhất, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức thì theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì Tòa án nơi bị đơn có trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động. Theo quy định tại Điều 90 BLDS năm 2005 thì nơi có trụ sở của pháp nhân được hiểu là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.

Trường hợp thứ hai, nếu bị đơn là cá nhân thì theo quy định của BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Có thể thấy quy định này của BLTTDS đưa ra thiếu sự rõ ràng. Bởi trong trường hợp cá nhân cư trú và làm việc tại hai nơi khác nhau thì sẽ khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật. Hiện nay, BLTTDS không đưa ra quy định về nơi cư trú, làm việc của bị đơn, do đó phải dựa vào quy định của BLDS năm 2005 và Luật cư trú năm 2006 về nơi cư trú của cá nhân để có thể xác định được Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Theo quy định tại Điều 52 BLDS thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống, nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống của người đó thì nơi cư trú sẽ là nơi người đó đang sinh sống. Quy định này xuất phát từ thực tế có những trường hợp rất khó xác định nơi thường xuyên sinh sống của cá nhân do họ không sống ở một nơi cố định.

Ngoài ra, pháp luật còn đưa ra quy định riêng về nơi cư trú của bị đơn trong một số trường hợp khác (quy định tại Điều 53, 54, 56, 57 BLDS).

Thứ ba, thẩm quyền của Tòa án theo sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự:

BLTTDS quy định các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự, cụ thể là các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS). Quy định này đã thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo của pháp luật trong việc đương sự có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp dân sự, không gò bó ở những quy định cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đương sự khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, theo pháp luật TTDS hiện hành thì các bên phải thỏa thuận với nhau bằng văn bản thì thỏa thuận đó mới được công nhận và có giá trị pháp lý.

Thẩm quyền của Tòa án theo việc dân sự.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 35 BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định:

Toà án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (điểm a khoản 2 Điều 35);

Toà án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết (điểm b khoản 2 Điều 35);

Toà án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc là đã chết (điểm c khoản 2 Điều 35);

Tòa án nơi có tài sản liên quan tới việc thi hành, công nhân bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc quyết định của Trọng tài nước ngoài.

Toà án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở.

Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật

Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận về thay đổi nuôi con, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con, quyền thăm nom con sau khi ly hôn hoặc chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án đối với các yêu cầu liên quan đến hoạt động của Trọng tài thương mại Việt Nam.

Quyền lựa chọn Tòa án của đương sự.

Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động trong các trường hợp sau đây:

Nếu không biết nơi cư trú, làm việc trụ sở của bị đơn…có tài sản để giải quyết: Theo NQ 01/2005/NQ-HĐTP thì trong trường hợp này nguyên đơn chỉ có quyền lựa chọn Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết khi không biết nơi cư trú, làm việc trụ sở của bị đơn.

Về nguyên tắc nguyên đơn đi kiện phải xác định nơi bị đơn đang cư trú, làm việc ở đâu thì Tòa án mới có cơ sở để thụ lí giải quyết. Tuy nhiên, nếu nguyên đơn chứng minh được bị đơn cố tình giấu địa chỉ hoặc bị đơn thay đổi địa chỉ liên tục, không ở một nơi cố định thì nguyên đơn có quyền vận dụng quyết định tại điểm a, Khoản 1 Điều 36 để lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Theo đó, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản để giải quyết.

Nếu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh để giải quyết:

Về nguyên tắc, hoạt động của chi nhánh pháp nhân được coi là hoạt động của pháp nhân đó. Do đó, để bảo đảm thuận thuận tiện cho đương sự trong việc tham gia tố tụng nhà lập pháp cho phép nguyên đơn được lựa chọn 1 trong 2 Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết: Đây là quy định mới so với pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án dân sự 1989. Theo pháp lệnh này, trường hợp bị đơn không có nơi cư trú ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn có tài sản hoặc nơi bị đơn cư trú cuối cùng giải quyết. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho nguyên đơn là nguời Việt Nam tham gia tố tụng và thể hiện tinh thần nhân đạo trong TTDSVN. Xét về thực tế, nguyên đơn có thể khởi kiện tại Tòa án nước ngoài nếu bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nước ngoài. Tuy nhiên quy định này cũng gây bất lợi cho bị đơn và khó khăn đặt ra ở chỗ bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án Việt Nam có khả năng được Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành tại nước ngoài hay không nếu bên phải thi hành án là người nước ngoài.

Đối với việc kiện về cấp dưỡng thì quy định trên là hợp lí vì những người khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng là những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về điều kiện sức khỏe để đi lại, về khả năng tài chính…nên việc phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của mình là chính đáng.

Xuất phát từ tinh thần này và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật trong việc đảm bảo công bằng cho người yếu thế nhà làm luật Việt Nam khi xây dựng quy định về thẩm quyền dân sự sơ thẩm của Tòa án đã luôn quan tâm đảm bảo cho những người lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người không may phải gánh chịu thiệt hại do người khác gây ra được hưởng những thuận lợi khi tham gia tố tụng. Điều này thể hiện trong các quy định sau đây về thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ:

+ Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liện quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

+ Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là người chủ chính cư trú, làm việc có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết.

+ Riêng đối với các tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng, để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong giải quyết vụ việc, pháp luật quy định: “ Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết”. (điểm g khoản 1 Điều 36). Trường hợp hợp đồng đã giao kết, có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện mà trong hợp đồng đã xác định nơi thực hiện hợp đồng thì nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án nơi hợp đồng sẽ được thực hiện.

+ Nhà lập pháp cũng đã dự liệu về các vụ án có nhiều bị đơn hoặc có nhiều bất động sản tranh chấp: Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc có trụ sở giải quyết.

Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của người yêu cầu.

Khoản 2 Điều 36 BLTTDS cũng quy định về người yêu cầu có thể lựa chọn Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở để giải quyết trong những trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó;

+ Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích;

+ Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết;

+ Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 28 BLTTDS thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi 1 trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết;

+ Đối với yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm con sau khi ly hôn thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi người con cư trú giải quyết.

Các quy định trên đây về quyền của nguyên đơn trong việc lựa chọn Tòa án giải quyết các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh-thương mại là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tố tụng của họ nhưng cũng nhằm đảm bảo thuận lợi cho Tòa án trong việc giải quyết nhanh chóng, chính xác vụ việc, thuận lợi cho cơ quan thi hành án cho việc thi hành án sau này.

Thực tiễn và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền dân sự của Tòa án và sự lựa chọn Tòa án của đương sự.

Mặc dù BLTTDS 2004 đã dành một chương gồm 13 điều luật để quy định về thẩm quyền của Tòa án, trong đó có quy định về “thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ”, “Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu”. Tuy nhiên, các quy định của BLTTDS về thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ cũng còn thiếu tính cụ thể dẫn tới những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng. Ví dụ: Trong trường hợp nào thì vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi bị đơn cư trú, trường hợp nào thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi bị đơn làm việc. Thêm nữa, việc xác định nơi cư trú của bị đơn không phải là một vấn đề đơn giản.

Trong vấn đề xác định thẩm quyền của Tòa án đối với những tranh chấp có liên quan đến BĐS cũng có nhiều ý kiến trái chiều: Có ý kiến cho rằng, tất cả những tranh chấp có liên quan đến BĐS đều phải thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có BĐS đó. Ý kiến khác lại cho rằng chỉ có những tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là bất BĐS và đó là tranh tranh chấp chính mới thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có BĐS giải quyết.

Bên cạnh đó, trường hợp tranh chấp về BĐS Điều 35 BLTTDS không chỉ rõ rằng tranh chấp này thì Tòa án duy nhất có thẩm quyền là Tòa án nơi có BĐS. Điều này gây ra sự lúng túng cho nguyên đơn khi đi kiện và gây khó khăn cho Tòa án trong việc thụ lý vụ án. Nếu tranh chấp BĐS mà nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận khởi kiện tại Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, có trụ sở thì Tòa án nơi đó có thẩm quyền giải quyết hay không?

Quy định của BLTTDS về quyền lựa chọn Tòa án cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Pháp luật TTDS đã hạn chế quyền của đương sự trong việc thỏa thuận về Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong phạm vi các Tòa án nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn mà chưa có quy định mở rộng quyền thỏa thuận này đối với các Tòa án khác như Tòa án nơi các bên thực hiện hợp đồng, nơi một bên có chi nhánh hoặc nơi có tài sản… Những quy định trong phần này còn nhiều thiếu hụt nên không những không đáp ứng được đầy đủ quyền tự định đoạt của đương sự mà còn khiến những thỏa thuận về quyền định đoạt khó có giá trị trên thực tế. Ví dụ: khi kí kết hợp đồng các bên thỏa thuận về việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền nhưng do pháp luật không có quy định về giá trị pháp lý của thỏa thuận này nên khi xảy ra tranh chấp thỏa thuận dễ bị vi phạm.

Từ những hạn chế trong quy định của pháp luật trên, nhóm 1 xin đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định pháp luật về thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn Tòa án của đương sự trong TTDS:

Thứ nhất: Về thẩm quyền của tòa án nơi có bất động sản: việc quy định như tại điểm c khoản 1 điều 35 nên sửa lại thành “đối với những tranh chấp bất động sản, Tòa án duy nhất có thẩm quyền là Tòa án nơi có bất động sản”; cần có hướng dẫn cụ thể về quy tắc xác định thẩm quyền trong trường hợp vụ việc có nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp.

Cần có quy định giải thích thuật ngữ như thế nào là tranh chấp bất động sản thuộc thẩm quyền của tòa án nơi có bất động sản theo hướng tranh chấp bất động sản là tranh chấp có đối tượng của vụ tranh chấp là bất động sản. Ngoài ra có thể mở rộng việc áp dụng đối với tranh chấp các quyền gắn liền với bất động sản.

Thứ hai: Đối với vấn đề xác định thẩm quyền của tòa án theo nguyên tắc tòa án nơi mở thừa kế.

Cần bổ sung quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền dân sự của tòa án đối với các tranh chấp như:

Những yêu cầu giữa các thừa kế với nhau

Những yêu cầu của các chủ nợ của người quá cố

Những yêu cầu có liên quan đến việc thi hành những định đoạt về tài sản của người quá cố.

Nếu quy định “toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế là tòa án nơi mở thừa kế” là đủ để bao hàm các trường hợp khác, tạo điều kiện cho quá trình giải quyết vụ việc đó

Thứ ba: Về quyền thỏa thuận của đương sự trong việc lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp:

Cần mở rộng quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp, theo đó các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn tòa án nơi thực hiện hợp đồng,nơi một bên có chi nhánh hoặc nơi có tài sản đang tranh chấp giải quyết vụ án và khi có tranh chấp phát sinh thì nguyên đơn chỉ có thể khởi kiện đến tòa án theo thỏa thuận. Nên sửa điểm b, khoản 1 Điều 35 như sau: “các bên trong quan hệ dân sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi cư trú có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan tổ chức, nơi thực hiện hợp đồng, nơi một bên có chi nhánh hoặc nơi có tài sản đang tranh chấp giải quyết những tranh chấp về dân sự, HNGĐ, kinh doanh thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của bộ luật này, khi có tranh chấp xảy ra, nguyên đơn chỉ được phép khởi kiện tại tòa án đã thỏa thuận đó”.

Thứ tư: Về quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp.

Theo pháp luật hiện hành, đối với các vụ án có nhiều bất động sản tranh chấp, nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết (điểm I, khoản 1 Đ36). Tuy nhiên, quy định này còn chung chung va có thể dẫn tới việc lựa chọn tòa án có lợi cho nguyên đơn mà bất lợi cho bị đơn. Do vậy, nhà làm luật nên quy định cụ thể hơn về vấn đề này theo hướng đương sự có quyền lựa chọn tòa án nơi BĐS có giá trị lớn nhất, nơi thuận tiện nhất cho việc tham gia tố tụng của đương sự hoặc nơi mở thừa kế; ngoài ra, có thể tiếp thu những quy định hợp lí của pháp luật Nga và Trung Quốc như sau:

Đối với việc kiện ly hôn: nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi sinh sống của nguyên đơn giải quyết nếu nguyên đơn có người chưa thành niên cùng sống hoặc trong trường hợp vì lí do sức khỏe, việc nguyên đơn đi lại nơi sinh sống của bị đơn gặp khó khăn.

Đối với việc kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do va chạm tàu bè, đòi hỏi tiền thưởng khi giúp đỡ và cứu hộ trên biển có thể yêu cầu Tòa án nơi có tàu của bị đơn hoặc nơi có cảng mà tàu đó đăng kí giải quyết.

Đối với những vụ án tranh chấp về tín phiếu thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nơi sẽ thanh toán các tín phiếu hoặc nơi bị đơn cư trú.

Tranh chấp về hợp đồng vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không và hợp đồng vận tải chung gây ra thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân nơi xuất phát ban đầu, nơi đích của việc vận chuyển hoặc nơi cư trú của bị đơn.

TAND nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi mà xe cộ, tàu bè đến đầu tiên, nơi mà tàu bè gây tai nạn bị bắt giữ hoặc nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền đối với những vụ án đòi bồi thường tổn thất trong các tai nạn đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không.

Thứ năm: Về xác định thẩm quyền đối với các việc dân sự liên quan tới hoạt động của trọng tài thương mại VN

Cần bổ sung quy định:

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chỉ định, thay đổi trọng tài viên trong vụ tranh chấp do trọng tài thương mại VN giải quyết. Trong trường hợp có nhiều bị đơn thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của một trong các bị đơn giải quyết.

Tòa án nơi hội đồng trọng tài đã thụ lí vụ tranh chấp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ tranh chấp do trọng tài thương mại VN giải quyết.

Tòa án nơi HĐTT ra quyết định trọng tài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy quyết định của trọng tài thương mại Việt Nam.

KẾT LUẬN.

Thông qua việc tìm hiểu thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của đương sự đã góp phần đảm bảo sự phù hợp giữa các tiêu chí xác định thẩm quyền với các loại quan hệ pháp luật tranh chấp cần giải quyết, đảm bảo quyền tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền tự định đoạt của đương sự, đảm bảo cho Tòa án có điều kiện xem xét, giải quyết vụ việc đó một cách chính xác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự khi tham gia tố tụng. Từ đó giúp cho việc giải quyết các vụ việc dân sự một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

No comments:

Post a Comment