20/02/2014
Bài tập học kỳ Luật Hành chính - Nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại Điều 4 Hiến pháp 1959, Điều 6 Hiến pháp 1980 và Điều 6 Hiến pháp 1992. Không những ở nước ta, các nước xã hội chủ nghĩa cũng ghi nhận nguyên tắc này trong Hiến pháp và cũng xác định là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải là một hoạt động thường xuyên trong quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và của các cơ quan nhà nước nói riêng. Có thể nói việc thực hiện nguyên tắc này có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước.

I. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc tập trung dân chủ

Ðây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước ta nên việc thực hiện quản lý hành chính nhà nước phải tuân theo nguyên tắc này. Ðiều 6-Hiến pháp 1992 quy định : “…Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”

II. Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ

1. Phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp

Hiến pháp của Nhà nước ta đã ghi nhận nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Người dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước do chính họ bầu ra để thay mặt họ trực tiếp thực hiện quyền lực đó.

Điều 6 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua quốc hội và hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, một hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương đã được hình thành. Trong tổ chức và hoạt động các cơ quan luôn có sự phụ thuộc vào các cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.

Trước hết, cơ quan quyền lực nhà nước có những quyền hạn nhất định trong việc thành lập, sáp nhập hay giải thể các cơ quan hành chính nhà nước ở cùng cấp. Ở trung ương, Chính phủ do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm (đối với Thủ tướng), phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức (đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ) theo đề nghị của Thủ tướng, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ. Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật qui định để thi hành Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số 8 nhóm vấn đề quan trọng14, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì sẽ thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng đã biểu quyết. Thủ tướng có quyền quyết định cá nhân những vấn đề khác (Điều 20, Luật tổ chức Chính phủ 2001). Quốc hội thành lập, sáp nhập, giải thể các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo sự đề nghị của Thủ tướng (sau khi đã được tập thể Chính phủ quyết định).

Ở địa phương, các ủy ban nhân dân do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên có quyền phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp về việc bầu Ủy ban nhân dân; có quyền điều động, miễn nhiệm, cách chức đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch cơ quan hành chính cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên khác của cơ quan hành chính cấp dưới trực tiếp. Ủy ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định những vấn đề còn lại thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân.

Các cơ quan khác trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước (như bộ, cơ quan ngang bộ, ....) đều do cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp hay gián tiếp quyết định việc thành lập, thay đổi hay bãi bỏ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Các cơ quan thuộc Chính phủ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm tính dân chủ. Bộ trưởng có quyền quyết định các công việc thuộc phạm vi quản lý của Bộ và chịu trách nhiệm về các quyết định đó, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về những công việc do Bộ trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm liên đới về những công việc đã phân cấp cho chính quyền địa phương nhưng do Bộ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên và hoạt động theo chế độ thủ trưởng.

Trong hoạt động, các cơ quan hành chính nhà nước luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp. Tất cả sự phụ thuộc nên trên đều nhằm mục đích đảm bảo cho hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân lao động. Đồng thời đó chính là việc bảo đảm tập trung quyền lực vào hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước – cơ quan do dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

          Như vậy, Tập trung dân chủ không phải là cơ quan cấp trên làm thay hoặc “lấn sân” cơ quan cấp dưới, đồng thời cũng không phải là việc cơ quan cấp dưới ỷ lại, đùn đẩy cho cấp trên.

          Bên cạnh đó, yếu tố dân chủ thể hiện rõ nét trong việc cơ quan quyền lực nhà nước trao quyền chủ động sáng tạo cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện hiến pháp, luật, và các văn bản khác của cơ quan quyền lực nhà nước. Các cơ quan quyền lực nhà nước không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước mà tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để các cơ quan này hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

2. Sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, địa phương đối với trung ương.

Sự phục tùng này đảm bảo cho cấp trên và trung ương tập trung quyền lực để chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới và của địa phương. Thiếu sự phục tùng đó sẽ dẫn đến việc buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý tập trung của trung ương và cấp trên, làm nảy sinh tình trạng tùy tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương. Sự phục tùng này biểu hiện ở cả hai phương diện tổ chức và hoạt động. Tất cả các yêu cầu, mệnh lệnh do cấp trên và trung ương đưa ra cấp dưới và địa phương có nghĩa vụ phải thực hiện.

Tuy vậy, cần phải nhấn mạnh rằng sự phục tùng ở đây không phải là sự phục tùng vô điều kiện mà là sự phục tùng những mệnh lệnh hợp pháp trên cơ sở quy định của pháp luật. Đồng thời, cấp trên và trung ương cũng phải tôn trọng ý kiến của cấp dưới, địa phương về công tác tổ chức, hoat động và về các vấn đề khách của quản lí hành chính nhà nước; phải tạo mọi điều kiện để cấp dưới, địa phương phát huy sự chủ động, sáng tạo nhằm huy động mọi khả năng về trí tuệ, lao động, ….. để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng quan liêu, áp đặt ý chí, làm mất đi tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của địa phương và cấp dưới.

3. Việc phân cấp quản lý

Phân cấp quản lí là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Khi tiến hành phân cấp quản lí, đã có sự phân định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp trong bộ máy hành chính nhà nước. Mỗi cấp quản lí có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương tiện cần thiết để thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp mình. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, mỗi cấp quản lí được phép tiến hành những hoạt động nhất định nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của mình.

Phân cấp quản lí là một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự được thực hiện khi việc phân cấp quản lí đảm bảo đươc những yêu cầu sau:

    Việc phân cấp quản lí phải đảm bảo cho trung ương có quyền quyết định trong những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược nhằm bảo đảm sự phát triển cân đối và hài hòa của toàn xã hội, bảo đảm sự quản lí tập trung và thống nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
    Mạnh dạn giao quyền cho các địa phương, các đơn vị cơ sở để phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong quản lí, tích cực phát huy sức người, sức của, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống, trên cơ sở đó hoàn thành mọi nhiệm vụ được trung ương và cấp trên giao phó. Mạnh dạn phân cấp cho địa phương và cơ sở là biện pháp bảo đảm tập trung, tránh cho trung ương và cấp trên phải ôm đồm các công việc mang tính sự vụ thuộc về chức trách của địa phương và cơ sở.
    Việc phân cấp quản lí phải thật cụ thể, hợp lí trên cơ sở những quy định của pháp luật.

Có thể nói, việc phân cấp quản lí giữa các cấp trong bộ máy quản lí hành chính nhà nước là công việc hết sức phức tạp đòi hỏi phải xem xét từ nhiều yếu tố và góc độ khác nhau như: cơ sở kinh tế, xã hội, trình độ phát triển đồng đều về kinh tế, kết cấu hạ tầng, giao thông, thông tin, liên lạc, các yếu tố về dân tộc, trình độ dân trí, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lí ở địa phương và cơ sở…. Do đó, việc ban hành các quyết định về phân cấp quản lí cần phải có sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng, hợp lí, tránh đưa ra những quyết định mang tính chung chung, tùy tiện. Tất cả các nội dung của việc phân cấp quản lí bao giờ cũng phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật của các cấp có thẩm quyền.

4. Hướng về cơ sở

Các đơn vị cơ sở của bộ máy hành chính nhà nước là nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất, trực tiếp phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của người dân lao động. Do vậy trách nhiệm của mọi cơ quan nhà nước là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh tế, văn hóa – xã hội hoàn thành tốt công việc của mình.

Hướng về cơ sở chính là việc các cơ quan hành chính nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lí tập trung đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống các đơn vị kinh tế, văn hóa – xã hội trực thuộc. Các đơn vị đó, trước hết là những tế bào của nền kinh tế quốc dân, nơi trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu các tài sản hợp pháp, có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng được Nhà nươc hướng dẫn, giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Các đơn vị văn hóa – xã hội của hệ thống các đơn vị cơ sở luôn được Nhà nước quan tâm, cung cấp những trang bị cần thiết để hoạt động giúp đỡ về vật chất, tinh thần nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất để các đơn vị này hoạt động có hiệu quả. Song song với những việc làm nêu trên, Nhà nước cũng có các chính sách và biện pháp quản lí một cách thống nhất và chặt chẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống các đơn vị cơ sở. Có như vậy mới thúc đẩy một hoạt động của các đơn vị kinh tế, văn hóa – xã hội này phát triển một cách mạnh mẽ theo đúng định hướng của Nhà nước.

5. Sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phụ thuộc hai chiều hay còn gọi là nguyên tắc song song trực thuộc. Sự phụ thuộc này thể hiện ở cả hai mặt tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và được pháp luật quy định một cách cụ thể.

Ở địa phương, ủy ban nhân dân các cấp trước hết phụ thuộc vào hội đồng nhân dân cùng cấp (mối phụ thuộc ngang). Đồng thời chúng còn phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung ở cấp trên trực tiếp (mối phụ thuộc dọc). Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) quy định Ủy ban nhân dân do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra… Kết quả bầu các thành viên của ủy ban nhân dân phải được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được thủ tướng chính phủ phê chuẩn và ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên. ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước hội đồng nhân dân cùng cấp và chính phủ. Mối phụ thuộc ngang tạo điều kiện cần thiết cho cấp dưới phát huy dân chủ, phát huy thế mạnh của địa phương để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Mối phụ thuộc dọc giúp cho cấp trên có thể tập trung quyền lực Nhà nước để chỉ đạo hoạt động của cấp dưới tạo nên một hoạt động chung thống nhất.

Nguyên tắc phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa lợi ích chung của cả nước với lợi ích của địa phương, giữa lợi ích ngành với lợi ích vùng lãnh thổ.

III. Ý nghĩa của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước ở  Việt Nam hiện nay.

Như chúng ta đã biết, bất kỳ xã hội và bất kỳ kiểu nhà nước nào, việc quản lý xã hội và thực hiện quyền lực nhà nước (quản lý nhà nước) đều phải có sự tập trung quyền lực. Đây là yếu tố bắt buộc và mang tính tất yếu nhằm điều khiển (quản lý) được toàn bộ các hoạt động xã hội, thiết lập và duy trì một trật tự xã hội phù hợp với ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị xã hội.

Tuy nhiên, nội dung (tính chất) của sự tập trung trong các chế độ xã hội và chế độ nhà nước hoàn toàn không giống nhau. Điều đó trước hết phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội, chế độ nhà nước, phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội. Sự tập trung ở đây không phải là sự tập trung toàn diện và tuyệt đối, mà chỉ là đối với những vấn đề cơ bản, chính yếu nhất, bản chất nhất. Sự tập trung đó bảo đảm cho cơ quan cấp dưới, cơ quan địa phương có cơ sở và khả năng thực hiện quyết định của trung ương; đồng thời, căn cứ trên điều kiện thực tế của mình, có thể chủ động sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương và cơ sở. Cả hai yếu tố này vì thế phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Chúng có mối quan hệ qua lại, phụ thuộc và thúc đẩy nhau cùng phát triển trong quản lý hành chính nhà nước.

Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước là sự kết hợp giữa hai yếu tố (hai mặt) tập trung và dân chủ. Sự kết hợp giữa các mặt này là không giống nhau, điều đó phụ thuộc vào tính chất của các cơ quan, phụ thuộc vào trình độ quản lý, vào điều kiện cụ thể về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tập trung là một thuộc tính quản lý quan trọng của bất kỳ nhà nước nào, song nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung và nhà nước ta nói riêng không áp dụng sự tập trung độc đoán hay tập trung quan liêu mà là tập trung trên cơ sở dân chủ chân chính. Trong quản lý hành chính nhà nước, tập trung nhằm đảm bảo thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý dể điều hành, chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật một cách thống nhất.

Trong khi đó, dân chủ hướng tới việc mở rộng quyền cho đối tượng quản lí nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lý, phát huy khả năng tiềm tàng của đối tượng quản lý trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật.

          Cần phải có hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ việc đảm bảo cả hai yếu tố này trong quản lý hành chính nhà nước. Nếu chỉ có sự lãnh đạo tập trung mà không mở rộng dân chủ thì sẽ tạo điều kiện cho các hành vi lạm quyền, tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng phát triển. Ngược lại, không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương.

Nguyên tắc tập trung dân chủ bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung.     Tập trung dân chủ thể hiện ở quan hệ trực thuộc, chịu trách nhiệm và báo cáo của cơ quan quản lý trước cơ quan dân chủ; phân định chức năng, thẩm quyền giữa cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của cấp trên của trung ương và quyền chủ động của cấp dưới. Ngoài ra, đó là hệ thống "song trùng trực thuộc" của nhiều cơ quan quản lý, bảo đảm sự kết hợp tốt nhất sự lãnh đạo tập trung theo ngành với quyền quản lý tổng thể của địa phương.

Ví dụ như trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện rất đa dạng như Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Chánh án Tòa án nhân dân địa phương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp; trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện đối với Tòa án các cấp. Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với Tòa án nhân dân địa phương. Chế độ cử Hội thẩm quân nhân được thực hiện đối với Tòa án quân sự cấp quân khu, khu vực. Việc xét xử ở Tòa án có Hội thẩm tham gia theo qui định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Tòa án xét xử công khai (trừ một số trường hợp đặc biệt). Tòa án đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tòa án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án. Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử…

Có sự phân cấp rành mạch: Quyền lực nhà nước không phải được ban phát từ cấp trên xuống cấp dưới. Sự phân quyền cho từng cấp là cần thiết nhưng phải đồng thời được kết hợp với việc xác định vai trò của từng cấp hành chính: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Từ khi ra đời, mỗi cấp đã có "sứ mệnh lịch sử" và vai trò quản lý hành chính nhà nước riêng, đặc thù. Có những chức năng được thực hiện ở cấp dưới lại có hiệu quả hơn cấp trên, hoặc có những chức năng tất yếu phải được thực hiện ở cấp cơ sở. Hương ước làng xã là một ví dụ. Hương ước không thể được "lập ra" ở cấp huyện, cấp mà có thể có rất nhiều làng xã với những tập quán và lối sống khác nhau.

Như vậy, qua bài trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên tắc tập trung - dân chủ và những ý nghĩa của nguyên tắc này trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên/link bài tập vào form dưới đây. Xin lưu ý mỗi lần gửi mình chỉ ửi tối đa 2 tài liệu. Không gửi cả loạt.

No comments:

Post a Comment