20/02/2014
Bài tập học kỳ Luật Hành chính - Hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước
Đề 2: Phân tích các hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước và nêu ý nghĩa của từng hình thức đó đối với việc phát huy dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.

I. Lời mở đầu

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó chỉ khi nào người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động quản lý của nhà nước thì việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền mới thực sự thành công. Việc mở rộng hình thức tham gia của công dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước không chỉ đòi hỏi từ sự hội nhập mà quan trọng hơn là từ chính yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội và của bản thân Nhà nước. Mở rộng sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay.

II. Nội dung chính

1. Tìm hiểu một số khái niệm:

a. Quản lý hành chính nhà nước

Quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp là quản lý hành chính nhà nước.

Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt độn của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính Nhà nước, có nội dung là đảm bảo sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước,nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa -  xã hội và hành chính – chính trị. Nói cách khác, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước.

b. Công dân.

Công dân là sự xác định một thể nhân về mặt pháp lý thuộc về một nhà nước nhất định. Nhờ sự xác định này con người được hưởng chủ quyền của nhà nước và được nhà nước bảo hộ quyền lợi khi ở trong nước cũng như ở nước ngoài; đồng thời cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với nhà nước. Theo Điều 49 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, khái niệm công dân gắn liền với khái niệm quốc tịch. Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa một con người với một nhà nước nhất định. Mối liên hệ pháp lý này được biểu hiện bằng tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân được Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật.

2. Các hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước và ý nghĩa của từng hình thức đó trong việc phát huy dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.

a. Cơ sở:

- Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được nhà nước xã hội chủ nghĩa ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do chính nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền lực của mình. Nó là một tổ chức được lập ra nhằm phát huy tài năng, sức lực của người lao động trong việc gánh vác các công việc của nhà nước và xã hội nhằm phục vụ lợi ích của chính họ. Ghi nhận nội dung này, Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nếu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

- Để nhân dân lao động thực sự giữ vài trò là người làm chủ đất nước, việc tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước phải được ghi nhận và đảm bảo thực hiện như là một nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước. Điều 3 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”. Quyền được tham gia vào quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận và trên thực tế nó đã được bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt những hoạt động cụ thể.

Việc công dân tham gia hoạt động quản lý hành chính nhà nước đã khẳng định vài trò quan trọng của mình trong  quản lý hành chính nhà nước đúng như nguyên lý khoa học “nhân dân là gốc của quyền lực nhà nước” mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra và thực tiễn lịch sử đã chứng minh.

b. Các hình thức tham gia vào quản lý hành chính nhà nước của công dân được pháp luật ghi nhân và đảm bảo thực hiện bằng các phương tiện của Nhà nước, bao gồm:

b.1. Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước:

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy, tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả của công dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Công dân nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, công dân có thể tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này – những đại biểu được lựa chọn thông qua con đường bầu cử, ứng cử  (Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp), đó là những người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Ở cương vị này, công dân trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương, trong đó có các vấn đề về quản lý hành chính nhà nước. Chính ở quyền bầu cử và ứng cử mà nhân dân lao động thực hiện quyền lực của mình, thực hiền quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình.

Bên cạnh đó, nhân dân lao động có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước khác (cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử) với tư cách là những cán bộ, công chức. Là cán bộ, công chức của Nhà nước, nhân dân lao động sẽ sử dụng một cách trực tiếp quyền lực Nhà nước để tiến hành những công việc khác nhau của quản lý hành chính nhà nước, thể hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình. Họ sẽ có đầy đủ các điều kiện để biến ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm “xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3 hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001).

Ngoài ra, những người lao động có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở trung ương hay địa phương. Đây là cách thực rộng rãi nhất để nhân dân lao động có thể tham gia vào quản lý các công việc của Nhà nước.

b.2. Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội là hình thức tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có chung mục đích tập hợp, hoạt động theo pháp luật và theo điều lệ không vì lợi nhuận nhằm đáp ứng những lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân lao động có thể tham gia một cách tích cực vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Nhà nước ban hành nhiều quy định liên quan tới vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quản lý hành chính nhà nước nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định: “mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân có vai trò đoàn kết nhân dân, chăm lo lợi ích của thành viên, thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; là lực lượng đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật trong nhân dân; là trung tâm hoà giải các mâu thuân trong nội bộ nhân dân và có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, lựa chọn đại biểu của nhân dân ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng giúp đỡ về vật chất và tình thần để cho các tổ chức xã hội thực sự trở thành công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của mình. Thông qua các hình thức hoạt động của các tổ chức xã hội, vai trò chủ động sáng tạo của nhân dâm lao động được phát huy trong quản lý hành chính nhà nước. Trên thực tế, các tổ chức xã hội đã thu hút một lượng đông đảo quần chúng nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, đây là một hình thức hoạt động rất có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy và mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

b.3. Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở

Ở nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc, nhân dân lao động thường xuyên thực hiện các hoạt động mang tính chất tự quản. Đây là những hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện và chúng có mối liên quan chặt chẽ với các công việc khác nhau của quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các hoạt động tự quản ở cơ sở như bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng...đều rất gần gũi và thiết thực đối với cuộc sống của mỗi người dân. Cùng với những quy định chung, trong sự phát huy dân chủ, Chính phủ đã có Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện Dân chủ cơ sở, trong đó quy định các việc chính quyền cơ sở phải công khai xin ý kiến của nhân dân và quy định cụ thể các công việc mà người dân có quyền quyết định tại địa phương.

Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà người lao động là những chủ thể tham gia tích cực, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của người dân mà pháp luật đã quy định thực sự được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Nhà nước đã tạo những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhân dân lao động trong việc tham gia những hoạt động có tính chất tự quản nên trên.

b.4. Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước.

Điều 53 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã quy định công dân có quyền “tham gia quản lý nhà nước và xã hôi, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Đây là sự thừa nhận về mặt Nhà nước tầm quan trọng của quyền này trong đời sống chính trị của công dân, là cơ sở pháp lý để công dân phát huy tính tích cực của mình.

Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Những quyền, nghĩa vụ này của công dân có thể thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc cũng có thể được chính người dân trực tiếp thực hiện.việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ này cũng chính là một hình thức tham gia vào quản lý hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Quyền tham gia quản lý hành chính nhà nước của công dân được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như : công dân có quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục v.v.. của đất nước; quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, các tổ chức … tham gia đóng góp ý kiến xây dựng hiến pháp và pháp luật; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội.... Nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, vai trò làm chủ của công dân, Nhà nước không ngừng giáo dục ý thức pháp luật trên cơ sở đó công dân ý thức được vị trí của mình trong  xã hội và tham gia tích cực vào việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Cùng với sự phát triển, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ hơn. Do vậy, đây cũng là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình trong quản lý hành chính nhà nước.

III. Kết luận

Các hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước được thực hiện với phương châm, mọi công việc của Nhà nước, của xã hội “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã khẳng định được vai trò làm chủ của người dân trong việc quản lý hành chính nhà nước. Thông qua các hình thức trên, công dân có thể trình bày tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mình về những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đó quyền làm chủ của công dân ngày càng được phát huy, mở rộng một cách tích cực, sáng tạo và chủ động, làm tiền đề cho sự ra đời của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Bởi vì mục đích của Nhà nước suy cho cùng là phục vụ con người, giải phóng con người, xóa bỏ sự bất công, thực hiện công bằng xã hội.

Với yêu cầu bức thiết của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đòi hỏi sự tham gia của công dân vào quản lý hành chính Nhà nước trong thời gian tới cần phải làm tốt các công việc chủ yếu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, có cơ chế huy động người dân tham gia vào quá trình quản lý của Nhà nước. Cần sửa đổi cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sao cho những người được bầu phải gắn bó với người dân, phản ánh được ý chí nguyện vọng của người dân, không còn đại diện chung chung, hình thức. Họ phải chịu sự giám sát của nhân dân, gắn trách nhiệm, lợi ích với sự tín nhiệm của nhân dân, khi không hoàn thành được vai trò đại diện quyền lợi và nguyện vọng của cử tri bầu cho thì họ phải bị bãi miễn. Nói một cách ngắn gọn, để sự tham gia quản lý nhà nước qua các cơ quan đại diện của dân có hiệu quả, cần chuyển các đại biểu được bầu của dân sang chế độ hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Tách bạch, không để vai trò lập pháp, đại biểu nhân dân và vai trò hành chính do cùng một cá nhân thực hiện. Mở rộng hình thức quyết định trực tiếp - trưng cầu dân ý, để toàn dân có quyền tham gia vào các công việc trọng đại của đất nước, của địa phương.

- Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước. Đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, mở rộng sự công khai, minh bạch, tạo cơ hội để người dân nắm được các công việc của Nhà nước để tham gia một cách chủ động, thiết thực, có hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và của công chức trong việc tiếp thu các ý kiến và nguyện vọng của nhân dân.

- Tiếp tục mở rộng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Mở rộng sự hình thành và tham gia của các hội, tổ chức phi chính phủ trong việc giải quyết các nhu cầu của nhân dân và tích cực tham gia vào công tác quản lý nhà nước. Có các cơ chế và phương thức để phát huy và tiếp nhận được các ý kiến phản biện của nhân dân và của các tổ chức quần chúng.

- Tiếp tục có biện pháp giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ, nhất là ý thức chính trị, tinh thần pháp luật của người dân, làm cho người dân tự giác và có ý thức hơn nữa trong việc tham gia vào các công việc xã hội và các hoạt động quản lý nhà nước.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tham gia của người dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật.

- Sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin đại chúng. Mở rộng việc sử dụng các báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp, tham gia của nhân dân.

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên/link bài tập vào form dưới đây. Xin lưu ý mỗi lần gửi mình chỉ ửi tối đa 2 tài liệu. Không gửi cả loạt.

No comments:

Post a Comment