06/04/2014
Bài tập học kỳ Luật So sánh - So sánh đào tạo nghề luật và hành nghề luật ở Pháp và Đức.
Pháp và Đức là hai quốc gia láng giềng của nhau về mặt địa lý và cùng được liệt vào các quốc gia trong dòng họ pháp luật Civil Law, do vậy pháp luật thành văn ở hai quốc gia này phát triển khá sớm. Tưởng chừng như khoảng cách địa lý đó sẽ dẫn đến việc không có sự khác nhau về mô hình đào tạo luật và hành nghề luật, tuy nhiên thì thực tế đã cho thấy việc đào tạo nghề luật và hành nghề luật ở Đức và Pháp ngoài những điểm chung giống với các quốc gia trong dòng họ pháp luật Civil Law thì lại có những nét đặc trưng riêng.

I. Vấn đề đào tạo nghề luật:

1. Giống nhau:

- Điểm giống nhau đầu tiên, đó là cả hai quốc gia đều có mô hình đào tạo nghề luật cho sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại học Luật..

Ở cả Đức và Pháp, muốn hành nghề luật thì nhất thiết các cử nhân luật đều phải trải qua giai đoạn đào tạo nghề luật. Thậm chí nếu có bằng tiến sĩ luật mà chưa qua giao đoạn đào tạo nghề thì cũng không thể hành nghề luật.

- Điểm giống nhau thứ hai là về điều kiện để có thể được đào tạo nghề Luật tại Pháp và Đức, đó là sinh viên đều phải có bằng cử nhân luật. Sau khi có được bằng cử nhân luật thì sinh viên mới được phép tiếp tục theo học chuyên sâu về các chuyên ngành luật. (Tại Pháp thì sinh viên sau khi ra trường, đậu tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân Luật- bằng Maitrise en droit, còn tại Đức thì chỉ có giấy chứng chỉ chứng nhận kết thúc đào tạo đại cương thuộc giai đoạn thứ nhất-có giá trị tương đương với bằng cử nhân luật)

- Đây là giai đoạn đào tạo kiến thức chuyên môn về các nghề luật như: nghề luật sư, nghề thẩm phán, nghề công tố…


2. Khác nhau:

- Pháp: bằng đại học luật vẫn là điều kiện cần thiết hành nghề luật, sau 4 năm học luật muốn trở thành thẩm phán hoặc công tố viên thì phải học qua trường đào tạo thẩm phán ở Bordeaax 31 tháng và trải qua một thời gian thực tập, học viên tốt nghiệp được bổ nhiệm làm thẩm phán hoặc công tố viên; những người muốn trở thành thẩm phán tại toà án hành chính thì phải học tại học viện hành chính quốc gia, riêng có một điểm đặc biệt thẩm phán toà án thương mại lại được cử ra từ các thương nhân có uy tín và kinh nghiệm. Để trở thành luật sư học viên phải hoàn thành khoá học 12 tháng ở trung tâm đào tạo luật sư và phải là thành viên của hội luật sư địa phương thực tập từ 2-5 năm.

- Đức: việc đào tạo luật và nghề luật của Đức cũng có nét đặc trưng riêng. Nhìn chung ở Đức không có mô hình đào tạo nghề luật như ở Pháp. Bậc đại học kéo dài 4 năm và kết thúc bằng kỳ thi quốc gia thứ nhất, sau khi có chứng chỉ phải có tiếp 3 năm thực tập, trong 3 năm thực tập phải có 1,5 năm học kỹ năng (chuẩn bị hồ sơ, tiếp xúc với khách hàng, tranh tụng…), nửa năm thực tập tại toà án, nửa năm thực tập tại văn phòng luật sư và nửa năm dành cho việc thi quốc gia lần 2. Người tốt nghiệp sau kỳ thi quốc gia lần 2 mới có bằng chính thức, người muốn trở thành luật sư không phải học để lấy bằng luật sư và người muốn trở thành thẩm phán thi xong ra thực tập có thể được bổ nhiệm không phải học như ở Pháp.

Như vậy, việc đào tạo nghề luật ở Pháp và Đức khác nhau ở mấy điểm cơ bản sau:

1. Điểm khác nhau đầu tiên giữa Đức và Pháp về đào tạo nghề luật đó là: Nếu như sinh viên tại Đức, sau khi vượt qua kỳ thi tuyển quốc gia thứ nhất thì có thể bắt đầu luôn giai đoạn đào tạo nghề luật. Còn tại Pháp, do có mô hình đào tạo chuyên sâu về ngành luật đối với các lĩnh vực khác nhau, do vậy, khi sinh viên tốt nghiệp, đã có bằng Maitrise en doit thì sinh viên phải thi vào các trường đào tạo chuyên sâu cho từng nghề trong lĩnh vực luật như: Trung tâm đào tạo luật sư, Trường đào tạo thẩm phán,…Nói một cách đơn giản là để có thể hành nghề luật thì sinh viên luật tại Đức chỉ phải tốt nghiệp một trường duy nhất, còn sinh viên luật tại Pháp thì phải tốt nghiệp ở hai trường khác nhau, một trường đào tạo cơ sở và một trường cho đào tạo nghề.

2. Ở Đức, giai đoạn đào tạo nghề luật là một phần trong chương trình đào tạo ở bậc đại học. Còn ở Pháp thì đào tạo nghề luật lại tách biệt hẳn với giai đoạn đào tạo luật trong các trường đại học.

3. Ở Đức không tồn tại mô hình đào tạo nghề riêng biệt, chuyên sâu các nghề: thẩm phán, luật sư, công tố viên… như ở Pháp (ví dụ: sinh viên luật ở Pháp, sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có tham vọng trở thành thẩm phán thì phải tiếp tục thi và theo học trong trường đào tạo thẩm phán), mà pháp luật của Đức quy định quy trình chung cho đào tạo mọi nghề luật, tức là, các sinh viên luật, sau khi tốt nghiệp đại học có đủ tư cách hoạt động ở mọi nghề liên quan đến lĩnh vực luật.

4. Ở giai đoạn đào tạo nghề này, sinh viên tạo Pháp sau khi hoàn thành phần lý thuyết chung cho chuyên môn, thì sinh viên chỉ phải thực hành tại một cơ sở phù hợp với định hướng nghề nghiệp của họ, ví dụ như để trở thành thẩm phán thì họ thực tập tại các Tòa án, để trở thành luật sư thì họ thực tập tại các văn phòng luật sư hay các công ty luật,… Còn tại Đức, những sinh viên luật dù đã định hướng nghề nghiệp thì vẫn phải tham gia tập sự ở tất cả các cơ sở: tập sự ở Tòa án cấp quận, huyện hoặc Tòa án cấp cao trong sáu tháng, ở cơ quan công tố ba tháng, ở hội đồng địa phương trong bốn tháng và bốn tháng tập sự với một luật sư thực thụ, thời gian còn lại thì sinh viên mới chính thức tập sư về chuyên môn nghề nghiệp trong tương lai của mình.

5. Mô hình đào tạo nghề luật của Đức là mô hình tổng hợp, toàn diện, và thống nhất trên phạm vi toàn liên bang (bao gồm 16 bang), còn của Pháp đó là mô hình đào tạo riêng biệt, chuyên sâu về từng lĩnh vực luật.

II. Vấn đề hành nghề luật:

Nghề luật bao gồm rất nhiều nghề, tập trung ở nhiều lĩnh vực nhưng trong đó chủ yếu thể hiện rõ nhất ở các nghề đó là nghề luật sư, nghề thẩm phán và nghề công tố viên. Do vậy, khi so sánh hành nghề luật tại Đức và Pháp, ta đi so sánh về ba nghề này.

Tại cả Đức và Pháp, điều kiện để có thể hành nghề trong bất kì một lĩnh vực nào đều phải có bằng cử nhân luật và phải có chứng chỉ hành nghề luật. Nếu không có đủ hai điều kiện này thì không thể hành nghề luật

1. Nghề luật sư:

Nghề luật sư ở Pháp được coi là một nghề tự do, độc quyền trong trợ giúp và đại diện cho các bên trước toà. Trước đây, Pháp có hai nhóm luật sư đó là luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn nhưng hiện nay thì không phân chia như vậy nữa, nhưng ở Đức thì không có sự phân chia này.

Nghề luật sư ở Đức được coi là nghề phục vụ công lý, không giống như ở Pháp là một nghề tự do phục vụ cho khách hàng, có thoả thuận thù lao với khách hàng, còn ở Đức thì không được tự ý thoả thuận, luật sư chỉ được lấy thù lao theo qui định.

2. Nghề công chứng viên.

Nghề công chứng viên của Đức có điểm tương đồng với luật sư tư vấn ở Pháp. Điểm tương đồng đó là nghề công chứng viên của Đức có sự hạn chế nhất định vì lí do đảm bảo số lượng công chứng viên theo quy định của pháp luật. Số lượng công chứng viên được quy định trong một đơn vị lãnh thổ của Đức là nhất định, điều đó dẫn tới tình trạng những người đã có cả hai chứng chỉ đào tạo luật ở Đức nhưng vẫn không thể được bổ nhiệm ngay làm công chứng viên mà phải chờ tới khi có người đương nhiệm thôi việc, về hưu… thì người đó mới được chính thức bổ nhiệm công chứng viên.

Điều này làm cho nghề công chứng viên ở Đức khác với nghề công chứng viên ở Pháp. Công chứng viên của Pháp chỉ cần có bằng đại học, có chứng chỉ hành nghề và có năng lực thì có thể được bổ nhiệm ngay làm công chứng viên.

3. Nghề thẩm phán:

Hiện nay ở Đức, các sinh viên luật sau khi tốt nghiệp rất ít có cơ hội được tuyển vào làm thẩm phán, do công việc này có ít nhu cầu bổ sung. Bên cạnh đó, biên chế trong các cơ quan công tố và cơ quan hành chính nhà nước luôn có giới hạn. Tình trạng này làm cho số người chọn nghề luật sư để kiếm sống ngày càng tăng. Điều này là điểm khác biệt so với nghề thẩm phán ở Pháp.

Ở Pháp, nghề thẩm phán là một công việc thuộc hệ thống các cơ quan của nhà nước, còn nghề luật sư là nghề tự do nên hai nghề nghiệp này có sự cân bằng đáng kể về nhu cầu số lượng người hành nghề hơn ở Đức. Hiện nay ở Pháp, cơ hội làm thẩm phán của những người tốt nghiệp đào tạo thẩm phán là cao hơn ở Đức.

Tóm lại, dựa vào các cơ sở đã nêu trên ta nhận thấy, tuy Pháp và Đức là hai quốc gia thuộc cùng một dòng họ pháp luật và là láng giềng của nhau về mặt địa lý, nhưng lại có những điểm khác biệt khá lớn về mô hình đào tạo luật và hành nghề luật. Chính những điều đó đã tạo nên cho Pháp và Đức những nét đặc trưng riêng, tạo nên thế mạnh cho mỗi quốc gia trong lĩnh vực phát triển nghề luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Luật so sánh - Nxb Công an nhân dân, năm 2008.

www.sinhvienluat.vn/diendan/showthread.php?p=38910

www.luathoc.net/index.php?option=com_content&task=view&id=89&Itemid=525

Link download Bài tập học kỳ Luật So sánh -  So sánh đào tạo nghề luật và hành nghề luật ở Pháp và Đức (miễn phí).

1 comment:

  1. thông tin rất hữu ích nhé bạn

    ReplyDelete